Nam Phi được chọn làm trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine đầu tiên của khu vực
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/6 cho biết WHO đang thảo luận với một nhóm các công ty và tổ chức để thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine ở Nam Phi.
Một dây chuyền sản xuất vaccine tại công ty dược Fareva ở Poce-sur-Cisse, Pháp, ngày 22/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đây sẽ là Trung tâm công nghệ vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA đầu tiên tại châu Phi, với kỳ vọng cung cấp một lượng laccine ổn định nhằm giúp châu lục này đối phó với dịch COVID-19.
Tại các trung tâm chuyển giao, hoạt động được thiết lập ở quy mô công nghiệp, trong khi các nhà sản xuất có thể được đào tạo và nhận bất kỳ giấy phép cần thiết nào về công nghệ. Trung tâm được đặt tại Nam Phi do công ty dược phẩm sinh học Biovac đóng vai trò là nhà phát triển, công ty công nghệ sinh học Afrigen sẽ là nhà sản xuất và một nhóm các trường đại học sẽ cung cấp bí quyết khoa học. Hiện, WHO và các đối tác đã chuyển giao bí quyết sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng và các giấy phép cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Theo nhà khoa học hàng đầu tại WHO Soumya Swaminathan, có thể mất từ 9-12 tháng để những liều vaccine đầu tiên có thể được sản xuất ở Nam Phi bằng các quy trình đã được kiểm nghiệm và phê duyệt. Những lô vaccine đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất vào năm sau.
Video đang HOT
Phát biểu tại họp báo trực tuyến của WHO, ông Ghebreyesus cho biết trung tâm này là cách để chống lại sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất trên thế giới.
Về phần mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh: “Khả năng sản xuất vaccine, dược phẩm và các mặt hàng liên quan đến sức khỏe khác sẽ mang lại cho châu Phi sự chủ động… Thực tế đã cho thấy rằng chúng ta không thể tiếp tục dựa vào nguồn vaccine được sản xuất bên ngoài châu Phi vì chúng không đến đúng lúc và nhiều người tiếp tục mất đi sinh mạng”. Ông Ramaphosa lưu ý thêm rằng: “Điều này sẽ nâng cao năng lực của chúng tôi nhằm chịu trách nhiệm về sức khỏe của người dân và vì sức khỏe của người châu Phi”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Mỗi châu lục phải có khả năng phát triển và sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh của riêng mình… Hành động vì sản phẩm toàn cầu là cuộc chiến cần được ủng hộ và không thể chờ đợi trong thế kỷ này”.
Bà Kate Stegeman, thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), cho rằng “Moderna và Pfizer/BioNTech cần phải chia sẻ ngay công nghệ mRNA của họ với trung tâm để nhiều vaccine loại này có thể được sản xuất một cách độc lập ở Nam Phi và trên toàn châu Phi”.
Trước đó, WHO đã kêu gọi việc thiết lập các trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ di truyền mRNA và đã nhận được 50 đề xuất, một nửa trong số đó đến từ các công ty sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ của họ. Trong chuyến thăm Nam Phi vào tháng trước, Tổng thống Pháp cho biết ông đang thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ nhanh hơn để cho phép các nước nghèo hơn bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của riêng họ.
Tới nay, châu Phi ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 138.000 ca tử vong do dịch bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng số người tử vong do COVID-19 ở châu Phi có thể cao hơn nhiều. Chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn mà nhiều nước châu Phi hy vọng sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng trên thế giới, đã không cung cấp đủ lượng vaccine cần thiết. Cho đến nay, chỉ có 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng ở châu Phi, tức là chưa đến 2% dân số châu lục này.
Nam Phi, Pháp thảo luận về sản xuất vaccine ngừa COVID-19 để sớm phục hồi kinh tế
Ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có buổi hội đàm với người đồng cấp, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, với các thảo luận về những thách thức nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra, biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh toàn cầu và quan hệ giữa hai nước.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 5/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Nam Phi, hai lãnh đạo đã tập trung thảo luận về việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai cũng như các loại vaccine khác ở Nam Phi nói riêng và phần còn lại của châu Phi nói chung.
Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nhấn mạnh Nam Phi và Pháp chia sẻ lợi ích chung trong việc đảm bảo các nỗ lực đa phương một cách có hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, nối lại du lịch và thương mại quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế và củng cố hệ thống y tế công cộng.
Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ cam kết đưa kiến thức liên quan đến các sản phẩm và công nghệ y tế ngăn ngừa COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ tiếp tục hợp tác theo hướng mở rộng nghiên cứu, đổi mới và sản xuất ngoài sản phẩm ngừa COVID-19 để thúc đẩy an ninh y tế công cộng ở châu Phi.
Tổng thống Ramaphosa nói rằng việc sản xuất vaccine tại chỗ sẽ tạo động lực cho các nước châu Phi trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, châu Phi sẽ cần thêm 200 triệu liều vaccine để có thể tiêm chủng cho 10% dân số vào tháng 9 tới. Hiện mới chỉ có khoảng 28 triệu liều vaccine được tiêm chủng ở châu Phi, tương đương chưa đến 2% dân số toàn châu lục.
Hiện tại, Nam Phi cùng với Ấn Độ đang nỗ lực kêu gọi miễn trừ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 để hướng tới sản xuất vaccine toàn cầu.
Tổng thống Macron cho biết ông đang thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các địa điểm sản xuất ở các nước nghèo hơn.
Tổng thống Nam Phi kêu gọi toàn cầu đẩy nhanh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Ngày 24/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi cần tăng cường khẩn cấp việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 để tất cả quốc gia trên thế giới đều có thể đảm bảo thực hiện tiêm chủng cho người dân. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 17/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN Theo phóng...