Năm nay, Samsung dùng chính “võ” của người Trung Quốc để đấu lại smartphone Trung Quốc
Smartphone Trung Quốc vốn nổi danh là “vay mượn” những ý tưởng từ những thế lực cao cấp như Apple và Samsung. Trớ trêu thay, trong năm 2019, Samsung lại đổi chỗ cho các đối thủ từ Đại Lục…
Nhắc đến chuyện copy ý tưởng thì chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến smartphone Trung Quốc. Từ 2015 đến 2017, thị trường nhan nhản những mẫu smartphone tầm trung của OPPO, Vivo và Huawei/Honor với thiết kế vỏ nhôm gợi nhắc đến iPhone. Sau 2017, smartphone Trung Quốc bùng nổ tai thỏ mà chẳng cần đến cảm biến khuôn mặt 3D, vốn là lý do duy nhất khiến iPhone X có tai thỏ.
Dĩ nhiên, Apple chẳng phải là nạn nhân duy nhất của các “đạo sĩ”. Năm 2015, Xiaomi quay từ Apple sang học hỏi Samsung khi tái hiện thiết kế lưng cong mềm mại của S7 edge lên Mi 5. Thiết kế nút Home hình con elipse xuất hiện dày đặc trên smartphone của Vivo, OPPO và OnePlus. Tên gọi “Note” từng được Samsung gây dựng với dòng phablet trứ danh của mình cũng liên tục được các nhà sản xuất Trung Quốc “tái chế” mà không cần quan tâm đến linh kiện đồng hành quan trọng nhất – chiếc bút S Pen.
Đầu năm 2018, AnTuTu còn đưa ra thống kê cho thấy Samsung là thương hiệu smartphone bị “nhái” nhiều nhất, vượt mặt Apple.
Đến 2019 thì mọi chuyện có vẻ đã đổi chiều. Trong tháng 1, Samsung vén màn dòng Galaxy M để cạnh tranh với các hãng Trung Quốc trong phân khúc giá hấp dẫn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên Galaxy M20 đã thu hút sự chú ý qua màn hình “giọt nước” được Samsung gọi tên là “Infinity-U” hay “Infinity-V”.
Nhưng với người dùng OPPO và Vivo thì màn hình “giọt nước” không phải thứ gì mới mẻ cả. OPPO F9, OnePlus 6T, Vivo V11 Pro đều có màn hình mang thiết kế tương tự. Ngay đến cả Xiaomi cũng sử dụng thiết kế này cho Mi 9.
Infinity-U có khe cắt tròn trịa hơn so với Infinity-V. Tên gọi thì mới, nhưng có lẽ là bạn đã từng gặp thiết kế tương tự trên Vivo V11 Pro và Huawei Enjoy 9.
Màn hình cũng chẳng phải là yếu tố duy nhất được Samsung “học hỏi” từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Lớp vỏ “ngả màu” (gradient) trên Galaxy A9 và Galaxy A7 đã từng xuất hiện trên Huawei P20. Đến cả OPPO còn kịp ra màu gradient trước Samsung bằng R17.
Video đang HOT
Đáng chú ý nhất, Galaxy A80 vừa ra mắt cũng sử dụng một cơ chế smartphone do chính người Trung Quốc phổ biến: camera trượt. Không có giọt nước, không có “lỗ khuyên”, Galaxy A80 sẽ gợi nhắc trực tiếp đến chiếc Vivo Apex hay OPPO Find X từng được vén màn từ hơn 1 năm trước. Chỉ khác là A80 còn có thể xoay camera trước ra sau nữa. Nhưng ý tưởng xoay camera từ sau ra trước thực chất đã được OPPO tiên phong từ 2013 với mẫu N1. Camera thò thụt cũng chẳng phải thứ gì mới mẻ với smartphone Trung Quốc, bởi ngay từ 2018 Vivo (thương hiệu “anh em” của OPPO) đã thu hút sự chú ý với mẫu Apex tiên phong cho cơ chế camera này rồi. Còn bây giờ, smartphone OPPO đã sớm phổ cập camera trượt từ lâu, từ Find X cho tới sản phẩm mới đây là F11 Pro.
Sở trường của người Trung Quốc, nay đã bị Samsung đem ra áp dụng để chống lại Huawei, Xiaomi, OPPO và Vivo. Đằng sau bước chuyển đầy bất ngờ này cũng là một chiến lược mới, nhưng đã được người Trung Quốc áp dụng từ lâu: phá giá cấu hình. Đi kèm với thiết kế mang hơi hướng học hỏi là những chiếc Galaxy giá rẻ/tầm trung mạnh mẽ chưa từng thấy, khi ngay cả Galaxy M20 giá rẻ cũng có chip lõi tám, Galaxy A30 cận dưới tầm trung cũng có AMOLED còn Galaxy A50 thì dùng hẳn chip Exynos 9610 và màn SuperAMOLED.
Chưa bao giờ Samsung dùng chip 9xxx hay màn hình AMOLED cho điện thoại giá rẻ cả. Trong quá khứ, nhắc đến Galaxy vẫn là nhắc đến những trải nghiệm hoàn thiện hơn trên cấu hình… yếu thế hơn.
Năm nay, khoảng cách bị san phẳng, cho thấy ông vua của thị trường di động đã thực sự trở lại, sẵn sàng đè bẹp các đối thủ đã “gặm nhấm” thị phần của mình bấy lâu, theo cái cách mà chính người Trung Quốc đã từng sử dụng để tấn công thị phần Samsung.
Theo GenK
Galaxy Fold đã thoát khỏi 'lồng kính' đến tay các reviewer
Sau 2 tháng bị đặt trong lồng kính, Galaxy Fold cũng đã đến tay các đơn vị truyền thông
Dự kiến 26/4 sẽ là ngày Samsung chính thức bán ra Galaxy Fold - chiếc smartphone màn hình gập có giá gần 2.000 USD vì vậy ngay từ bây giờ Samsung cũng nên cho thấy họ hoàn toàn sẵn sàng để bán ra chiếc máy này. Và quả thực đúng như vậy, một số đơn vị truyền thông mà cụ thể ở đây là The Verge đã có cơ hội sử dụng đầu tiên và đem đến những chia sẻ.
Đầu tiên phải khẳng định đó là kể cả phiên bản đã hoàn thiện thì vẫn tồn tại nếp gấp trên màn hình, đây gần như là giới hạn về công nghệ và không thể xóa bỏ một sớm một chiều, buộc người dùng phải chấp nhận để đánh đổi lấy một smartphone màn hình 'cần lớn thì lớn, cần nhỏ thì nhỏ'. Quan trọng hơn là nếp gấp không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm hiển thị hình ảnh.
Galaxy Fold là chiếc smartphone đầu tiên với màn hình 4,6 inch có thể gập mở ra, bên trong là một màn hình tablet 7,3 inch. Bạn có thể nghĩ rằng đây là một chiếc điện thoại có khả năng gập mở thành tablet. Nhưng sau khi dùng Galaxy Fold khoảng một tiếng đồng hồ, bạn sẽ nhận ra rằng nó là một chiếc tablet có khả năng gập đóng lại thành điện thoại thì đúng hơn. Nếu bạn nghĩ nó như một chiếc điện thoại, thì đây hẳn là một chiếc điện thoại kỳ quặc. Nó siêu dài và dày hơn nhiều so với bất kỳ chiếc điện thoại nào khác trên thị trường khi đóng màn hình lại. Thậm chí khi đóng lại, sẽ có một khoảng hở nhỏ bởi màn hình không thể gập phẳng hoàn toàn được. Màn hình phía trước máy thì nhỏ - dù có kích cỡ 4.6-inch, nó vẫn mang lại cảm giác nhỏ hơn nhiều vì bề ngang quá hẹp, và bởi bản thân chiếc điện thoại quá dài. Khi gập lại, máy vẫn hơi lớn và sẽ có một phần nhỏ bị lộ ra khỏi túi quần, dù túi sâu đến đâu đi nữa. Có thể nói thiết bị này được thiết kế để bỏ vào bóp, hoặc bỏ vào túi áo khoác.
Theo The Verge, cơ chế bản lề của Galaxy Fold được gia công rất chắc chắn, Samsung có đính lên những chốt nam châm nhằm hút hai nửa màn hình lại và bạn không thể nào mở được chỉ với một tay, nhờ vậy mà việc sử dụng Galaxy Fold ở trạng thái 4,6 inch sẽ thoải mái hơn. Khi đóng lại, nó phát ra một tiếng "lích" nghe rất sướng tai, và khi mở ra, bạn sẽ thấy máy có hiện tượng "bung" ra như gắn lò xo rất thú vị.
Mặt trong của máy có một phần khuyết màn hình để chưa camera kép và các cảm biến, nó sẽ che tầm nhìn một chút. Ví dụ, khi xem YouTube ở chế độ toàn màn hình, video sẽ bị cắt mất một góc. Tất nhiên, Samsung cho phép bạn giấu chiếc notch này đi bằng một thanh đen chạy ngang trên đỉnh màn hình, tương tự các thiết bị Galaxy hiện nay vậy. Samsung còn phải làm một số việc khác để biến màn hình trở nên linh hoạt. Ví dụ, keo dính giữ các lớp màn hình khác nhau phải được làm lại hoàn toàn.
Về trải nghiệm phần mềm, The Verge không đánh giá quá cao tính tối ưu của nền tảng Android, đặc biệt là việc chuyển đổi giao diện từ màn hình nhỏ 4,6 inch ra 7,3 inch. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, nếu bạn đã từng sử dụng qua các mẫu máy tính bảng Android sẽ thấy được rằng, ứng dụng trên máy tính bảng chỉ đơn thuần là được phóng to ra mà thôi, và vì thế nó không tối ưu các phím chứng năng cho màn hình lớn, trải nghiệm sử dụng thiếu sự thoải mái.
Để bù đắp lại cho điều này, Samsung cho phép bạn có thể chia màn hình để chạy đến 3 ứng dụng khác nhau cùng lúc. Bạn trượt ngón tay từ cạnh phải màn hình để mở thanh dock chứa các ứng dụng được dùng gần đây và chạm vào một ứng dụng trong đó để mở nó ra ở chế độ chia màn hình. Sau đó bạn có thể làm thêm lần nữa để mở một ứng dụng thứ ba, và ứng dụng này sẽ được đặt ở bên tay phải. Các cửa sổ đang hoạt động được đánh dấu bằng các thanh hình thoi nhỏ ở trên đỉnh mỗi ứng dụng, và bạn có thể chạm vào một trong số chúng để đưa ứng dụng sang vị trí khác, hoặc mở thêm nhiều tùy chọn chia cửa sổ khác. Bạn thậm chí có thể mở ứng dụng dưới dạng cửa sổ và kéo chúng quanh màn hình cũng như thay đổi kích thước các cửa sổ.
Về cấu hình, Galaxy Fold rất giống Galaxy S10 Plus. Máy có vi xử lý Snapdragon 855, RAM 12GB, bộ nhớ trong 512GB. Camera cũng tương tự S10 Plus, nhưng Galaxy Fold có nhiều camera hơn. Pin máy là 4.380mAh, các cell pin nằm ở cả hai bên bản lề màn hình - chưa biết viên pin này có đủ dùng cả ngày như Samsung khẳng định hay không. Nhưng xét việc Fold được phát triển dựa trên công nghệ của S10, và S10 có thời lượng pin khá tốt, thì chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan.
Galaxy Fold sở hữu đến 6 camera. Với 3 camera chính thông số lần lượt là 12MP (f/1.5-2.4) 12MP camera tele 16MP camera góc siêu rộng. 2 camera selfie ở trạng thái màn hình 7.3 inch thông số 10MP 8MP và một camera selfie ở trạng thái màn hình 4.6 inch là 10MP.
Có thể Galaxy Fold không đem đến cảm giác mọi thứ gần như hoàn hảo với một chiếc máy có giá gần 2.000 USD nhưng nó cho thấy sự sẵn sàng bán ra một smartphone có màn hình gập lần đầu tiên được thương mại hóa. Sẽ còn nhiều thứ Samsung phải cập nhật về sau nhưng ít nhất họ cũng cho thấy tương lai của smartphone màn hình gập đang rất rộng mở.
Theo Theverge
Mở hộp Samsung Galaxy M10, bán độc quyền trên Lazada từ 17/4 Trong ngày đầu mở bán độc quyền trên Lazada, Galaxy M10 sẽ được bán với giá đặc biệt là 2.790.000 đồng so với giá gốc là 3.490.000 đồng. ICTnews hiển thị trên màn hình M10 Galaxy M10 là smartphone tiếp theo của dòng Galaxy M của Samsung tại thị trường Việt Nam. Hộp máy và phụ kiện Máy có màn hình 6.2 inch,...