Năm nào giáo viên cũng phải tham gia thi giáo viên giỏi cấp trường để làm gì?
Người thi cũng mệt, người dự cũng chán nản bởi nhiều buổi dự giờ chỉ có 1 bài dạy, dự người này xong lại sang dự người khác cũng là bài đó, chán đến phát ngấy!
Thời điểm này, nhiều trường học đã và đang tiến hành tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường. Nếu được hỏi: ai là người khổ nhất thì chắc chắn rằng có nhiều người sẽ nghĩ tới các em học sinh trong trường chứ không hẳn là giáo viên.
Giáo viên dù vất vả nhưng cuối cùng cũng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường. Còn học sinh thì là những diễn viên bất đắc dĩ để cùng tham gia diễn hết tiết này sang tiết khác cùng thầy cô. Nhưng, đó là là quy luật, năm nào mà trường chẳng tổ chức hội thi.
Hội thi giáo viên giỏi vẫn đang tồn tại nhiều bất cập (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Baoquangbinh.vn)
Thi giáo viên giỏi cấp trường hiện nay vẫn thực hiện 3 vòng thi, đó là thi lý thuyết, thi sáng kiến kinh nghiệm và thi dạy 2 tiết thực hành trên lớp. Đầu tiên là giáo viên tập trung vào trường thi lý thuyết, giáo viên nào đạt 8 điểm thì sẽ được thi các vòng sau.
Khi đậu lý thuyết rồi thì nộp sáng kiến kinh nghiệm và thi 2 tiết thực hành. Tuy nhiên, có những trường làm ngược là thi thực hành xong rồi mới tổ chức thi lý thuyết và nộp sáng kiến kinh nghiệm. Vì thế, gần như thi thực hành đạt là đậu các vòng thi còn lại. Bởi, thực hành thường chiếm ưu thế nhiều hơn.
Giáo viên chán thi
Ngay trong ngày hội nghị cán bộ viên chức nhà trường thì các tổ chuyên môn và giáo viên phải đăng ký thi giáo viên giỏi cấp trường. Tất nhiên, cũng chẳng có mấy giáo viên thiết tha với cuộc thi này nhưng gần như giáo viên dạy lớp thì ai cũng được “động viên” tham gia hội thi.
Ban giám hiệu ra chỉ tiêu cho các tổ, tổ trưởng động viên anh em đi thi. Vì thế, chỉ có mấy thầy cô lớn tuổi là không thi, còn lại thì giáo viên đều tham gia hết. Thôi thì, còn trẻ cố gắng phấn đấu đi- câu động viên cửa miệng ấy đã được nhiều người động viên nhau.
Thực tế, thi giáo viên giỏi cấp trường nó chỉ nặng về hình thức mà nó chẳng nâng lên được chất lượng giảng dạy của nhà trường. Bởi thi lý thuyết thì đề hiệu trưởng ra, vào phòng thi thì trao đổi, đọc đáp án cho nhau chép.
Phần thi sáng kiến kinh nghiệm chắc là cũng chẳng có ai đọc bởi đây chỉ là điều kiện để thi nên Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ yêu cầu giáo viên nộp…rồi thôi.Tất nhiên, trong phòng thi thì chỉ cần một vài người nắm kỹ một số văn bản của ngành là cả phòng đều làm tốt. Vì thế, cũng chẳng bao giờ có chuyện giáo viên thi trượt lý thuyết bao giờ.
Thực tế, mỗi trường mấy chục giáo viên dự thi như vậy thì một vài thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường sức mấy mà ngồi đọc. Hơn nữa, đọc để làm gì bởi tiêu chí trường nào cũng “tạo điều kiện” cho anh em tham gia.
Rớt, sang năm ai còn thi nữa. Vì thế, ai đã đăng ký thi, thực hiện đầy đủ các yêu cầu thì đương nhiên là sẽ đậu.
Ban giám khảo là các thành viên trong Ban giám hiệu cộng thêm một số tổ trưởng chuyên môn và một số giáo viên được xem là cốt cán trong trường cũng được phân công làm ban giám khảo, cùng nhau tỏa đi dự các giáo viên trong trường.
Suốt 2 tuần thi, người thi cũng mệt, người dự cũng chán nản bởi nhiều buổi dự giờ chỉ có 1 bài dạy, dự người này xong lại sang dự người khác cũng chỉ là bài đó, chán đến phát ngấy.
Video đang HOT
Học sinh ngao ngán
Không chỉ giáo viên mệt mà học sinh trong trường cũng ngao ngán theo. Bởi gần hết giáo viên trong trường tham gia thi giáo viên giỏi nên mà mỗi lớp có mười mấy môn học nên lớp nào cũng được một số thầy cô chọn dạy một số tiết. Lớp nào học càng tốt thì giáo viên chọn dạy càng nhiều.
Vì thế, có những buổi học, học sinh phải học nhiều tiết dạy thực hành của thầy cô khiến các em cũng căng thẳng theo các thầy cô tham gia thi giáo viên giỏi. Bởi các em phải chuẩn bị bài nhiều hơn để cùng thầy cô hoàn thành tốt tiết học.
Tất nhiên, có những hoạt động diễn ra bình thường và cũng nhiều hoạt động mang tính chất “diễn”. Thầy cô nhân từ, dịu dàng hơn, học trò ngoan ngoãn đến lạ và phát biểu xây dựng bài nhiều hơn ngày thường. Những cánh tay của học trò liên tục giơ cao để xây dựng bài với thầy cô mà ngày thường rất hiếm gặp.Trong một tiết học có thêm một số thầy cô dự giờ tất nhiên học sinh cũng tăng thêm áp lực và căng thẳng, nhiều tiết học trong một buổi nên học sinh cũng ngao ngán mỗi khi các thầy cô bước vào dự giờ.
Được gì sao mỗi lần tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường?
Phải khẳng định rằng hội thi giáo viên giỏi cấp trường gần như chẳng mang lại hiệu quả khả quan nào. Thi lý thuyết thì gần như trường nào cũng bát nháo như đi chợ. Ban giám hiệu ra đề thi nhưng giám thị là những nhân viên trong nhà trường nên họ cũng chỉ ngồi mang tính tượng trưng mà thôi.
Nhiều giáo viên họ chẳng thèm chuẩn bị gì, vào phòng thi là hỏi nhau từ đầu đến cuối. Vài chục câu trắc nghiệm là vài chục cái hình khoanh tròn cộng thêm một vài tình huống sư phạm đơn giản nên cùng nhau làm một chút là ai nấy hoàn thành.
Giám khảo thì cơ cấu 1 giám khảo là Ban giám hiệu và 1 giám khảo là tổ trưởng chuyên môn nhưng có mấy khi Ban giám hiệu dự được đầy đủ. Phần vì họ cũng bận họp hành, phần vì trong một giờ học có nhiều giáo viên ở các tổ cùng thi thực hành nên một vài thành viên Ban giám hiệu làm sao dự hết.
Vì thế, chủ yếu là giao cho tổ trưởng và các giáo viên cốt cán chấm thi. Nhưng, họ cũng là người đi thi, cũng là người trong tổ với nhau. Thành ra anh chấm tôi, tôi chấm anh và chúng ta…cùng công nhận giải cho nhau.
Hội thi giáo viên giỏi các cấp trong ngành giáo dục đã được nói nhiều, nói mãi rồi và Bộ đang có những chuẩn bị để thay đổi hội thi này.
Trong khi Bộ chưa ban hành hướng dẫn mới, các trường vẫn tranh thủ thi giáo viên giỏi cấp trường cho đơn vị mình. Chất lượng thì chẳng nâng lên được gì, mệt giáo viên, mệt học trò và lãng phí một khoản kinh phí rất lớn cho hội thi.
Bất cập này, giáo viên nào cũng hiểu, chỉ một vài người không hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu mà thôi!
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Có giáo viên một năm phải tham gia tới 3 Hội thi giáo viên giỏi
Trong thực tế vẫn còn không ít địa phương dùng sức ép vô hình để buộc thầy cô phải đăng ký dự thi giáo viên giỏi gây bức xúc trong dư luận nhà giáo.
Thông tư số: 21/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng như Dự thảo về giáo viên giỏi đang lấy ý kiến thì thời hạn tổ chức các hội thi được quy định:
Mỗi năm một lần Hội thi giáo viên giỏii cấp trường được tổ chức (Ảnh minh họa Website: //thpthoangcau.edu.vn)
Điều 3. Các cấp tổ chức Hội thi
a) Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần;
b) Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở.
Việc tổ chức hội thi đối với giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương;
c) Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần;
Thế nên, nhiều giáo viên trong một năm học phải tham gia tới 3 Hội thi giáo viên giỏi tạo quá nhiều áp lực cho thầy cô và ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy, học của các em học sinh.
Đơn cử, năm học này tại nhiều trường tiểu học ở phía Nam sẽ tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị, thành phố.
Vậy là, ngay tại thời điểm này, các trường tiểu học phải gấp rút tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Một trường hạng 2 khoảng 25 lớp, nhà trường ấn định các tổ chuyên môn phải cử từ 2-3 giáo viên đi thi cấp huyện.
12 giáo viên này sẽ thi cấp trường ở học kỳ 1 và tham gia thi cấp huyện ở học kỳ 2.Toàn trường sau khi sàng lọc sẽ có số lượng khoảng 10-12 giáo viên "đem chuông đi đánh xứ người".
Cuối năm, những giáo viên này cũng phải tham dự tiếp Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.
Để chuẩn bị cho 3 hội thi này, giáo viên phải có ít nhất 2 cái Sáng kiến kinh nghiệm.
Một cái sáng kiến về chuyên môn, một cái sáng kiến về công tác chủ nhiệm.
Giáo viên chịu sức ép từ trên xuống
Nếu chứng kiến một cuộc họp tổ gần đây ở một số trường lớn (trường chuẩn quốc gia) mới thấy được nhiều giáo viên không muốn tham gia Hội thi cũng chẳng thể chối từ.
Sau khi lấy ý kiến tự nguyện đăng ký thi nhưng không thầy cô nào giơ tay, tổ trưởng chuyên môn vò đầu bứt tai:
"Nhà trường giao cho tổ mình phải đề cử 2 - 3 người, ai cũng từ chối thì lấy ai đi thi?"
Và, người được gọi tên đương nhiên là tổ trưởng (nhưng nếu tổ trưởng đang nằm trong danh sách bảo lưu kết quả cấp huyện, cấp tỉnh lần thi trước thì khó khăn hơn vì phải cử người khác).
Người thứ hai chắc chắn là đảng viên vì Đảng viên phải đi trước để làm gương.
Tự đánh rớt mình
Có người nói rằng chối từ việc đi thi không được chỉ còn cách tự mình đánh rớt mình từ "vòng gửi xe".
Cách này được xem là an toàn nhất, vì nếu cứ khăng khăng không đi sẽ bị kiểm điểm, bị Ban giám hiệu để ý thì mệt. Thế nên tự mình loại mình thôi.
Điều này cũng chẳng có gì lạ, vì hàng trăm người thi với hàng trăm cái sáng kiến ban giám khảo lấy thời gian, hơi sức đâu mà đọc? Đó là việc lấy đại một Sáng kiến trên mạng chẳng cần chỉnh sửa gì in ra và nộp thì cơ hội bị loại sẽ cao hơn. Thế mà có người vẫn không bị rớt.
Người rớt, người đậu cũng tù mù, hên xui chứ đâu phải viết tốt là đậu còn viết chưa đạt thì rớt.
Quyết tâm tự đánh rớt mình bằng sáng kiến không được, có thầy cô đánh rớt bằng bài thi năng lực.
Đó là việc để giấy trắng hoặc đánh thí đánh đại các câu trả lời cho xong.
Những giáo viên tự mình đánh rớt phần đông là những thầy cô không màng danh lợi, không màng thành tích.
Phương châm của họ chỉ là dạy làm sao cho học sinh hiểu bài, học tốt là được.
"Cấm nhà trường ép buộc giáo viên đi thi" vẫn được quy định trong Điều lệ thi giáo viên giỏi.
Thế nhưng trong thực tế vẫn còn không ít địa phương dùng sức ép vô hình để buộc thầy cô phải đăng ký dự thi gây bức xúc trong dư luận nhà giáo.
Thảo Ly
Theo giaoduc.net
Giáo viên vẫn đang bị ép viết sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên giỏi Bước vào đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường vẫn đưa ra chỉ tiêu và yêu cầu các tổ chuyên môn phải thực hiện theo số lượng ấn định của lãnh đạo nhà trường. Cho dù việc viết Sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi là không bắt buộc giáo viên phải thực hiện bởi tất cả các hướng dẫn trong...