Năm mẹo cải thiện vốn từ tiếng Anh
Bạn nên đọc ghi chú và nghe cùng lúc, sau đó dùng một quyển sổ để ghi lại những từ mới, học thuộc cách dùng và tập giao tiếp với bạn bè.
Từ vựng là nền tảng của mọi ngôn ngữ. Với việc nâng cao hiểu biết và khả năng sử dụng từ, bạn có thể giao tiếp chính xác và rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc nâng cao vốn từ do lượng từ mới rất nhiều.
Sau đây là năm lời khuyên để các bạn học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, có thể cải thiện vốn từ trong thời gian ngắn.
Đọc và nghe
Việc đọc ghi chú và nghe cùng lúc sẽ giúp bạn học nhiều từ mới từ các nguồn. Do phong cách ngôn ngữ trong bài nghe sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng tài liệu, việc đọc và nghe cùng lúc sẽ giúp bạn tiếp cận đa dạng các loại từ, qua đó nhanh chóng gia tăng vốn từ trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp.
Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu nghĩa của từng từ khi đứng riêng và trong văn cảnh cụ thể. Với việc lắng nghe các đoạn hội thoại, phát biểu, từ vựng sẽ lặp lại nhiều lần với các cách sử dụng. Điều này giúp bạn hiểu được sự đa dạng trong cách dùng từ của người bản xứ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ.
Khi nghe, bạn nên chú ý đến những từ mới. Tuy nhiên, bạn không nên mở từ điển ra tra cứu luôn vì việc này sẽ khiến bạn mất tập trung khỏi mạch ý tổng thể của bài nghe. Hãy tiếp tục nghe các đoạn hội thoại và cố gắng đoán ý nghĩa từ văn cảnh, trước khi tra cứu từ mới khi kết thúc bài nghe.
Một số nguồn hội thoại tốt để bạn nghe và đọc có thể là quyển sách nói, bộ phim, hay chỉ là video Youtube, miễn là bạn có thể tìm được phụ đề hoặc kịch bản để theo dõi nội dung khi nghe.
Ảnh: Shutterstock
Dùng sổ ghi từ vựng
Khi bạn đã tra được một số từ, điều cần làm là ghi chép lại định nghĩa và cách dùng để có thể tìm lại khi cần. Một quyển sổ chuyên biệt để ghi từ vựng là giải pháp phù hợp. Bạn cũng có thể thử làm bản đồ tư duy trong quyển sổ này để liên kết các từ đã học, cũng như phát triển cách sử dụng mới cho bản thân.
Video đang HOT
Quyển sổ ghi từ vựng có thể trở thành nhật ký tiếng Anh của bạn để ghi lại những trải nghiệm và cảm xúc trong suốt quá trình học. Với việc dễ dàng nhớ lại những cảm xúc của bản thân, bạn cũng sẽ nhớ tốt hơn những từ bạn đã dùng để thể hiện cảm xúc đó. Cuối cùng, sau một hành trình, bạn có thể xem lại quyển sổ tay và thấy tự hào về lượng từ mình đã học được.
Chơi game
Việc chơi các trò chơi liên quan đến từ tiếng Anh là phương pháp hữu hiệu và rất thú vị. Bạn có thể luyện tập với các từ đã biết và học nhiều từ mới từ những người xung quanh. Bạn có thể chọn một trong những trò chơi truyền thống như ô chữ trên các tờ báo hay Scrabble, trò chơi sắp xếp từ mới theo các ký tự được cho. Ngoài ra, bạn còn có thể chơi nối từ hay bất cứ trò chơi từ mới nào.
Nếu thích chơi điện tử, bạn có thể thử thách bản thân bằng cách thay đổi ngôn ngữ của trò chơi sang tiếng Anh và tìm hiểu những kỹ năng trong game bằng ngoại ngữ. Điều này đặc biệt hiệu quả với các trò chơi xoay quanh cốt truyện cho sẵn, khi mà bạn có thể luyện tập đọc thông tin và hội thoại trong trò chơi. Ngoài ra, với những trò chơi trực tuyến, bạn còn có thể giao tiếp tiếng Anh với những người bạn nước ngoài.
Luyện tập giao tiếp
Mục đích lớn nhất của học ngoại ngữ là sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt trong giao tiếp, bạn sẽ liên tục phải tận dụng vốn từ, ngữ pháp để thể hiện bản thân với bạn bè nước ngoài. Càng giao tiếp nhiều, bạn sẽ sử dụng kiến thức sẵn có một cách hiệu quả.
Ngoài ra, bạn có thể thử giao tiếp với những chủ đề mới, qua đó học thêm từ tiếng Anh ở nhiều lĩnh vực xã hội, mở rộng vốn từ của bản thân. Đây là một kỹ thuật dựa trên lý thuyết đường cong ghi nhớ của nhà nghiên cứu người Đức Hermann Ebbinghaus, khẳng định rằng con người sẽ quên kiến thức trong thời gian ngắn nếu không được nhắc lại. Vậy nên, hãy sử dụng giao tiếp hàng ngày để liên tục sử dụng từ mới, qua đó ghi nhớ từ một cách hiệu quả.
Hotgirl nói 7 thứ tiếng Khánh Vy bật mí phương pháp nắm chắc phần thi Ngữ pháp tiếng Anh
Để làm được bài thi toàn diện, chúng ta cần nắm chắc kiến thức ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm); kỹ năng ngôn ngữ (sử dụng ngôn ngữ, đọc hiểu, viết). Trong đó, Ngữ pháp là phần chiếm khá nhiều điểm trong bài thi THPT Quốc gia.
Tác giả Trần Khánh Vy. Ảnh: NVCC
Ôn luyện các chủ đề ngữ pháp quan trọng:
- Mẫu câu cơ bản ( basic sentence patterns);
- Cấu trúc câu sử dụng tính từ ( structures with adjectives);
- Động từ nguyên thể ( infinitives) và danh động từ ( gerunds);
- Các dạng so sánh của tính từ ( comparison of adjectives);
- Phân từ quá khứ và phân từ hiện tại ( past and present participles);
- Giới từ chỉ thời gian, địa điểm; giới từ đi với tính từ... ( prepositions);
- Các thì của động từ ( verb tenses);
- Những cấu trúc câu sử dụng thì của động từ ( structures with verb tenses);
- Động từ tình thái ( modal verbs);
- Câu hỏi đuôi ( tag questions);
- Các dạng câu điều kiện ( conditional sentences);
- Đại từ và mệnh đề quan hệ ( relative pronouns/clauses);
- Liên từ trong câu phức ( conjunctions to link ideas);
- Dạng/ Câu bị động ( passive voice);
- Câu gián tiếp/ tường thuật ( indirect/reported speech).
Bí kíp :
Hãy dành một tới hai buổi học lý thuyết và làm bài tập thực hành, bởi một trong những cách học ngữ pháp tốt với mình là làm bài tập thực hành thật nhiều. Có nhiều khi mình không nhớ công thức, nhưng vì làm nhiều và thành ra quen, nên mình vẫn làm được, từ đó công thức và cấu trúc ngấm từ khi nào.
Các bạn có thể tìm các quyển sách tham khảo ngữ pháp để làm, hoặc vào hai trang web này để làm các bài tập ngữ pháp:
https://www.perfect-english-grammar.com/grammar-exercises.html
https://learnenglish.britishcouncil.org/grammar/beginner-to-pre-intermediate/articles-1
Nhiều bạn nghĩ, nếu thế thì sẽ phi thẳng trực tiếp vào các bài thực hành để làm luôn mà bỏ qua phần học lý thuyết nhàm chán. Chúng ta đừng nên đốt cháy giai đoạn như vậy. Vì nếu không có sẵn những kiến thức nền để thực hành, thì lúc làm bài tập với một cái đầu trống rỗng và chủ yếu dựa vào việc đoán mò hoặc làm bừa thì chúng ta sẽ dễ nản lắm, và vô hình chung lại tạo cho mình một mớ bòng bong không đầu không cuối. Bên cạnh học và nhớ các cấu trúc của ngữ pháp, bạn còn một câu hỏi để hỏi cô giáo và bản thân mình: ngữ pháp này dùng để làm gì, tại sao con người lại dùng nó? Khi hiểu rõ mục đích như vậy, bạn sẽ cảm thấy thông suốt hơn nhiều.
Ngoài ra, khi bạn học và làm bài tập về một phần ngữ pháp nào đó rồi, hãy cố gắng tối đa để ghi nhớ bằng cách đọc to những câu trong bài tập, những câu sử dụng cấu trúc ngữ pháp vừa học. Điều này giúp bạn phối hợp các giác quan, cả nghe, đọc, nhìn, viết, để lưu tâm và ghi nhớ kiến thức.
Viết đi viết lại trên giấy bút cũng là cách mình áp dụng để ghi nhớ. Dù có làm các bài tập trên máy tính hay các thiết bị điện tử khác, mình vẫn thường tự viết lại những cấu trúc và ví dụ do mình tự nghĩ ra vào một quyển vở riêng, và cách này cực hiệu quả với mình.
(Trích từ cuốn sách đầu tay "Tiếng Anh không khó - Đừng nhăn nhó" của 2 tác giả trẻ Khánh Vy và Thiện Khiêm, phát hành ngày 5/7/2020).
Lợi ích nếu biết hai ngôn ngữ Việc thông thạo hai hay nhiều ngôn ngữ là cách tốt nhất giữ cho não bộ khỏe mạnh, ngăn ngừa quá trình thoái hóa dẫn đến một số chứng bệnh như mất trí nhớ. Kaisa Schreck Danielsson đến từ Tổ chức EF Education First, chuyên gia về nội dung, truyền thông với hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ lợi ích của việc...