Năm học mới, giáo viên hợp đồng vẫn lo… mất việc
Trong thông báo kết luận của UBND TP Hà Nội tại hội nghị giao ban công tác quý II, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định chắc “như đinh đóng cột” sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng (GVHĐ) trước thềm năm học mới.
Tuy nhiên, đến nay, hơn 2.000 GVHĐ trên địa bàn TP Hà Nội đang nơm nớp trước nỗi lo… mất việc.
Nhiều GVHĐ ở Sóc Sơn đứng trước nguy cơ mất việc. Ảnh: HH
Không có giáo viên đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt
Mới đây nhất, theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP năm 2019, Văn phòng UBND TP cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không giáo viên nào của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018.
UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo đúng Nghị định 161 của Chính phủ. UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo, đề xuất và phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện.
Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển, giao Sở Nội vụ hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 1076 ngày 7/3/2019 của UBND TP.
Với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển, Sở Nội vụ xây dựng, ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã để các đơn vị làm căn cứ triển khai các bước theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ.
UBND TP yêu cầu Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã triển khai tuyển dụng ngay theo đúng quy định, đảm bảo xong trước 15/11/2019.
Video đang HOT
UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã không được chủ quan, xem nhẹ công tác tuyển dụng, cần tập trung chỉ đạo để bảo đảm kỳ tuyển dụng công khai, minh bạch, đúng quy định. Các đơn vị liên quan phải tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát để các quận, huyện, thị xã tổ chức kì tuyển dụng đúng quy chế, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thông báo này của Văn phòng UBND TP Hà Nội đồng nghĩa với việc các GVHĐ lâu năm tại Hà Nội (người ít cũng 5 năm, nhiều lên đến hơn 20 năm) cũng phải bước vào kì thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 như các em sinh viên mới ra trường mà không có bất cứ ưu tiên nào.
Chỉ biết tặc lưỡi… chấp nhận!
Với các GVHĐ ở Sóc Sơn, thông tin này như “gáo nước lạnh”, bởi trước đó, trong phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ xét đặc cách cho tất cả GVHĐ nếu đạt 3 điều kiện: Giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; có kiểm tra đảm bảo sức khỏe; có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
Đại diện GVHĐ ở Sóc Sơn chia sẻ: Từ ngày 11/9, GVHĐ ở Sóc Sơn đã truyền tai nhau về việc TP quyết định thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo đúng Nghị định 161 của Chính phủ. Như vậy, theo quy định thì không GVHĐ nào trên địa bàn TP được xét tuyển đặc cách. Đây là một thiệt thòi rất lớn với GVHĐ đã cống hiến lâu năm trong ngành Giáo dục.
Một GVHĐ ở Sóc Sơn cay đắng: Nếu thực hiện theo đúng tinh thần như trong thông báo của Văn phòng UBND TP, những thầy cô GVHĐ trên 20 năm chắc sẽ rút đơn và không ai dự thi bởi có thi cũng chả đỗ. Cống hiến cả thanh xuân cho ngành Giáo dục, cuối đời cay đắng chấp nhận ra khỏi ngành. Sau thời gian đấu tranh không biết mệt mỏi, đến bây giờ chúng tôi cũng chỉ biết tặc lưỡi… chấp nhận. Đối với những GVHĐ 9 – 10 năm, đa phần mọi người đều phải chấp nhận đi thi nếu không muốn bị bị liệt vào diện… chống đối.
“Nói một cách công bằng, nếu TP rõ ràng ngay từ đầu thì GVHĐ tập trung ôn thi, đằng này gieo hi vọng rồi đến phút cuối lại dội “gáo nước lạnh”" – giáo viên này nói.
Cũng theo giáo viên này, “tất cả GVHĐ ở Sóc Sơn đều không đi ôn thi, vào đầu năm học mới chúng tôi cũng phải dạy 18-20 tiết/tuần, nhiều người trong số đó còn được giao trọng trách ôn thi học sinh giỏi lớp 9, lấy đâu thời gian để ôn tập”.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu, tất cả 256 GVHĐ ở Sóc Sơn đều được đến lớp giảng dạy, nhưng liên tiếp những thay đổi trong chính sách tuyển dụng viên chức giáo dục từ huyện tới TP khiến tâm lý của các thầy cô vô cùng bất an, không yên tâm công tác…
Theo Điều 11 Nghị định 161/2018, xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng: Vòng 1, kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2. Vòng 2, phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Còn tại Điều 7 Nghị định 161 quy định thi tuyển viên chức. Theo đó ứng viên sẽ theo 2 vòng: Vòng 1, thi trắc nghiệm. Nội dung thi gồm 3 phần (phần I, kiến thức chung; phần II, ngoại ngữ; phần III, Tin học. Vòng 2 thi nghiệp vụ chuyên ngành.
Hải Hà
Theo thanhtra.com
Giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội: Ứa nước mắt giã từ giáo án
Dù lãnh đạo TP Hà Nội luôn khẳng định sẽ có những chính sách tuyển dụng nhân văn đối với các giáo viên hợp đồng (GVHĐ) trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, trước thềm năm học mới, hàng loạt thầy cô đã bị thanh lý hợp đồng và không còn được đứng trên bục giảng.
Oằn mình mưu sinh
Hơn 21 năm làm GVHĐ, cô Nguyễn Thị Hằng - GV Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) chỉ nhận được mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trong khi chờ quyết định cuối cùng trong công tác tuyển viên chức GD của TP Hà Nội, cô Hằng cũng như nhiều thầy cô khác đã bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới.
Cô Hằng tâm sự: "Khi nhận được thông báo quyết định nghỉ việc, tôi cảm thấy rất buồn. Ngôi trường và bục giảng đã gắn bó suốt 21 năm giờ như đã quá xa lạ. Với thân phận là GVHĐ, không được tăng lương hay hưởng bất kỳ phụ cấp ưu đãi gì, thế nhưng tôi vẫn là GV dạy giỏi, chiến sĩ thi đua đào tạo nhiều thế hệ HS giỏi.
Cô Nguyễn Thị Hằng bị chấm dứt hợp đồng lao động từ 31/8/2019
Sau khi không được nhận lương, thu nhập bây giờ phụ thuộc vào đàn gà hơn 20 con được nuôi trong vườn. Khi cầm tờ quyết định có nỗi buồn khó tả, hoang mang, lo lắng không biết tương lai thế nào. Phải nói là quá hụt hẫng khi tôi đang là lao động chính trong gia đình, một mình nuôi 3 cháu, trong đó một cháu mới đỗ vào trường THPT. Bây giờ công việc của mẹ thế này thì sẽ rất khó khăn để nuôi con ăn học".
Còn thầy Phùng Đức Tăng - GV Trường THCS Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) bộc bạch: "Hơn 19 năm gắn bó vì tình yêu nghề, yêu HS nhưng tôi phải làm thêm đủ thứ nghề để tăng thêm thu nhập như lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa, sữa chữa đồ điện tử, điện lạnh và cả nghề hàn xì... Thế nhưng, ngày 15/8 vừa qua, tôi đã chính thức nhận được thông báo phải chấm dứt hợp đồng.
Thầy Tăng cho biết: "Trước đây chưa có trả lương qua thẻ đến tháng nhìn đồng nghiệp nhận vài triệu đồng trong khi đó mình chỉ có hơn 1,2 triệu đồng thấy ngượng lắm. Còn bây giờ trả lương qua thẻ, mỗi tháng nhận lương tôi đều phải đợi mọi người rút xong thì mình mới vào rút vì cũng chỉ được có hơn 1,2 triệu đồng".
Đó là một kỉ niệm buồn, vì đó là ngày tựu trường đầu tiên của năm học mới, cũng là lúc nhận được giấy báo phải nghỉ việc. Có nhiều học trò không thấy thầy dạy nữa ra hỏi thăm, rồi nhắn tin hỏi thăm thầy sao con đi học mà không thấy thầy đâu, mỗi lần như thế tôi lại ứa nước mắt. Cũng vài lần đi bảo dưỡng điều hoà, thầy vào đúng nhà của HS, và những lúc đó lại thấy rất nhớ trường, nhớ lớp".
Nỗi ám ảnh của thầy Tăng và nhiều GVHĐ khác chính là chiếc thẻ ATM và ngày nhận lương.
Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhiều giáo viên hợp đồng vẫn chưa có bất kỳ bảo đảm nào cho việc có được ký tiếp hợp đồng hay không? Liệu có được xét đặc cách hay thi tuyển kết hợp xét tuyển, thi tuyển có ưu tiên hay nếu đăng ký thi tuyển thì chỉ tương đương với các thí sinh tự do khác? Bởi hầu hết các quận huyện cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo bằng văn bản của thành phố nên chưa thể có chính sách ưu tiên gì với GVHĐ.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019 - 2020 đề cập đến một số vấn đề còn khiến người dân bức xúc cần giải quyết dứt điểm, trong đó có việc việc xét tuyển GV hợp đồng nhiều năm. Qua rà soát có khoảng hơn 2.000 GV hợp đồng lâu năm cần giải quyết vào biên chế.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo sẽ xét tuyển đối với toàn bộ GV có hợp đồng lâu năm sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền. Một số điều kiện cụ thể đi kèm bao gồm: Thứ nhất là GV có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra bảo đảm sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là GV phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt diễn ra tại huyện Mỹ Đức: GV hợp đồng dù công tác lâu năm vẫn không hề được đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, từ hàng chục năm nay, các GV hợp đồng tại đây chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng và không được đóng BHXH. Lãnh đạo huyện cho biết do ngân sách không đủ để đóng. Đồng thời, nếu đóng BHXH, khi GV không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề được "đẩy lại" về phía các trường! Còn người lao động, khi nghe tin GV hợp đồng có cơ hội được xét đặc cách thì không khỏi xót xa.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019 - 2020 của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung một lần nữa đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm, không để còn tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm. Trong đó, sẽ xem xét bao gồm cả những trường hợp không được đóng BHXH tại huyện Mỹ Đức. Một quyết định nhân văn khiến những GV hợp đồng vốn được ví với thân phận "con nuôi" lại nhen nhóm lên hy vọng.
Ngày 15/8, tại Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức một lần nữa khẳng định Công đoàn các nhà trường, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cùng với Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn ngành GD Việt Nam, cần có tiếng nói để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là những GVHĐ.
Theo Giáo dục & thời đại
Khai giảng cận kề, Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng Chỉ còn vài ngày nữa là khai giảng năm học mới, thế nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng như đã hứa. Hà Nội nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết xong chuyện giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là khai giảng năm học...