Nấc cụt kéo dài là bệnh gì?
Tôi bị bệnh nấc cụt 3 đêm liền kèm sốt nhẹ, ban ngày thì bình thường. Xin cho hỏi bệnh này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Cách chữa trị bệnh này như thế nào và nên đi khám ở đâu? (Ánh Loan)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn,
Nấc cụt là tình trạng co thắt cơ hoành do nhiều nguyên nhân nhưng thường lành tính và có thể tự khỏi. Nguyên nhân có thể do chướng hơi từ nhiều bệnh lý khác nhau của dạ dày, bệnh của hệ thần kinh hoặc do suy thận. Tùy theo nguyên nhân sẽ có những triệu chứng khác kèm theo nấc cụt như đầy bụng, đau bụng, buồn nôn, ói…
Sẽ là vấn đề nếu nấc cụt kéo dài không khỏi. Trong trường hợp này bác sĩ cần phải hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám, xét nghiệm để có kết luận bệnh.
Trường hợp của bạn, theo mô tả, nhiều khả năng do ăn vội, ăn quá no, nuốt nhiều hơi hoặc bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày. Nếu không kèm đau bụng hay ói mửa, đau ngực…, bạn có thể hít sâu và nín hơi nhiều lần hoặc hít thở trong bao nylon trong vài phút (dùng bao nylon bịt vào mũi miệng và thở trong đó). Nếu không khỏi bạn có thể đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc nội khoa.
Hy vọng bạn thành công bằng phương pháp đơn giản như trên để không phải tốn tiền đi bác sĩ.
Thân ái!
Bác sĩ Điền Hòa Lễ _ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Video đang HOT
Theo VNE
Đau nhức chân như kiến cắn là bệnh gì
Tôi đi lại khoảng 20 m thì bắt đầu tê chân, đau nhức như kiến cắn. Tôi khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và ĐH Y Dược đều kết luận suy tĩnh mạch và cho uống thuốc nhưng không khỏi.
Sau khi đọc bài nhận biết 7 cấp độ bệnh suy tĩnh mạch qua ảnh, tôi thấy mức độ của bệnh về lâu dài cũng khá nghiêm trọng. Mong bác sĩ tư vấn cho hướng điều trị bệnh hiệu quả nhất. Điều trị ở đâu, dùng thuốc gì. Trân trọng cảm ơn. (Phan Thanh)
Ảnh minh họa: TT.
Trả lời:
Chào chị,
Triệu chứng đi được một đoạn đường nhất định rồi xuất hiện cảm giác đau chân làm cho chị phải đứng lại, sau khi nghỉ ngơi một lúc thì có thể đi lại được, đi được một đoạn nữa lại phải đứng lại. Tình trạng này cứ lặp lại như vậy, được gọi là đau cách hồi.
Đau cách hồi có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau như: tắc nghẽn động mạch mạn tính, bệnh của khớp, bệnh lý thần kinh, suy tĩnh mạch chi dưới...
Để xác định triệu chứng đau cách hồi này là biểu hiện của bệnh nào, có thể dựa vào 5 đặc điểm sau để phân biệt:
- Chiều dài đoạn đường đi được.
- Tính chất đau.
- Thời gian nghỉ ngơi để có thể đi tiếp được.
- Bệnh lý nền của người bệnh.
- Các dấu hiệu kèm theo.
1. Bệnh tĩnh mạch
Nếu đau cách hồi là do bệnh tĩnh mạch thì chiều dài đoạn đường chị đi được thường thay đổi. Ví dụ có lúc đi được 50 mét, có khi đi được dài hơn hay ngắn hơn thì thấy đau và phải dừng lại. Cảm giác đau thường là căng cứng từ từ được mô tả như máu dồn xuống hai chân kèm theo tê chân. Thời gian nghỉ ngơi để hết đau thường chậm. Triệu chứng này có thể xuất hiện trên cơ địa bệnh nhân bị bệnh tắc tĩnh mạch gần đây do huyết khối. Khi quan sát, có thể nhận thấy ở chân xuất hiện các tĩnh mạch tím xanh và căng to, sưng phù.
2. Bệnh khớp
Đau cách hồi cũng có thể là triệu chứng của bệnh khớp. Trường hợp này, cảm giác đau thường xuất hiện rất nhanh chỉ sau một vài bước đi. Đau đạt đỉnh điểm ngay từ đầu và vị trí đau chủ yếu ở các khớp, cảm giác đau giảm chậm khi nghỉ ngơi. Triệu chứng này xuất hiện trên bệnh nhân bị viêm đa khớp, có tiền sử chấn thương và thường kèm theo hạn chế cử động khớp.
3. Bệnh lý thần kinh
Đau cách hồi trong bệnh lý thần kinh có đặc điểm: Đoạn đường đi được thay đổi, không có triệu chứng đau rõ rệt ở chân mà chủ yếu là bị yếu cơ, cảm giác bước chân khó khăn không tuân theo ý muốn. Triệu chứng này xảy ra trên những bệnh nhân bị thoái hoá cột sống, hẹp ống sống thắt lưng, bệnh lý tủy sống. Cảm giác khó chịu sẽ được cải thiện khi bệnh nhân cúi người về trước. Ngoài ra, các triệu chứng này còn gặp ở người bị rối loạn cơ vòng biểu hiện ở tình trạng tiêu tiểu không tự chủ...
4. Bệnh động mạch
Đau cách hồi cũng xuất hiện khi bị bệnh tắc động mạch chi dưới mạn tính. Bệnh này có biểu hiện khá đặc trưng: Bệnh nhân cứ đi đúng một đoạn đường dài bằng nhau là phải đứng lại vì xuất hiện cảm giác đau co thắt cơ như chuột rút (vọp bẻ), xảy ra chủ yếu ở các nhóm cơ cẳng chân, buộc bệnh nhân phải đứng lại ngay. Sau đó chỉ cần nghỉ ngơi vài phút thì có thể đi lại được. Triệu chứng này xảy ra ở những người bị xơ vữa động mạch, thường đi kèm các dấu hiệu khác như bàn chân nhợt nhạt và lạnh khi đi gắng sức, mạch ở bàn chân không nẩy...
Còn về tình trạng cụ thể của chị Phan Thanh mô tả như trên, tôi thấy có vẻ giống như đau cách hồi do nguyên nhân bệnh tĩnh mạch. Tuy nhiên thông tin mà chị cung cấp quá ít không đủ để chẩn đoán chính xác là chị bị suy bị suy tĩnh mạch hay bị các bệnh khác.
Tôi cần biết thêm thông tin ví dụ chị bị đau một chân hay cả hai. Chân chị trước đây từng bị sưng to hay không, triệu chứng đau có tăng lên khi đứng lâu hay ngồi lâu, buổi chiều có đau nhiều hơn buổi sáng hay không, hiện tại chân có sưng phù hay không, chân có nổi gân xanh?
Bên cạnh đó, tôi cần có kết quả siêu âm Doppler mạch máu chân của chị để xem có dòng chảy ngược ở tĩnh mạch không, hệ thống tĩnh mạch nào bị suy... thì mới có chẩn đoán chính xác được. Do đó nếu có điều kiện chị có thể đến Bệnh viện ĐH Y Dược để được các bác sĩ xem bệnh và kết luận cụ thể.
Việc điều trị chỉ có hiệu quả khi đã chẩn đoán đúng và xác định giai đoạn của bệnh. Giả định rằng chị bị suy tĩnh mạch hai chân như đã chẩn đoán thì việc điều trị đơn thuần bằng thuốc là không đủ. Mục đích của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng khó chịu, cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị nội khoa bệnh suy tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc trợ tĩnh mạch, người bệnh cần hạn chế những yếu tố có thể làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch. Ví dụ tránh đứng lâu hay ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, không tắm nước nóng, đừng để bị táo bón, tránh mặc quần bó sát hay đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch, chẳng hạn: Nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân và cơ đùi như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp...
Chị hãy quan sát xem, nếu ở chân có các tĩnh mạch giãn dưới da nhỏ li ti, đường kính nhỏ hơn 1 mm hoặc tĩnh mạch lưới lớn hơn 1 mm và nhỏ hơn 3 mm, thì có thể được điều trị bằng chích xơ, sóng cao tần hay laser áp ngoài da. Có nhiều nghiên cứu cho thấy chích xơ tạo bọt cho các tĩnh mạch mạng nhện không những cho một kết quả tốt hơn về mặt thẩm mỹ mà còn giúp cải thiện đến 85% các triệu chứng đau nhức hay khó chịu ở chân.
Điều trị phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch hay phương pháp loại bỏ tĩnh mạch bằng laser, sóng cao tần nội mạch áp dụng trong trường hợp bệnh suy tĩnh mạch giai đoạn 2 trở đi, khi mà tình trạng giãn tĩnh mạch đã trở nên rõ ràng hơn, biểu hiện qua các dấu hiệu lâm sàng như các tĩnh mạch giãn to dưới da có thể nhìn thấy, phù chân, thay đổi sắc tố da ở cẳng chân và loét chân. Đồng thời siêu âm Doppler mạch máu xác định được tình trạng suy tĩnh mạch với dòng chảy ngược và các tĩnh mạch nông giãn.
Đôi khi các phương pháp trên cũng có thể được chỉ định cho bệnh suy tĩnh mạch giai đoạn 1 mà lại có triệu chứng đau nhức và cảm giác khó chịu nhiều ở chân, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn.
Chúc chị mau lành bệnh. Thân ái.
Bác sĩ Lê Thanh Phong _ Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu _ Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM
Theo VNE
Da chuyển màu đen, trắng là bệnh gì Màu sắc, độ sáng bóng của da có thể phản ánh tình trạng sức khỏe cơ thể. Vì vậy, nếu trong một giai đoạn nhất định, da bạn bỗng chuyển sang màu đen hoặc "trắng", hãy cẩn thận. Nguyên nhân khiến da chuyển màu đen: 1. Trạng thái giấc ngủ và tinh thần Thức đêm thường xuyên sẽ khiến kết cấu da lỏng...