Myanmar xử kẻ gây nguồn cơn bạo loạn
Theo truyền thông Myanmar ngày 19.6, tòa án ở tỉnh Rakhine tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo trong vụ án cưỡng hiếp, giết người châm ngòi đợt bạo động thời gian qua. Nghi phạm thứ ba đã tự sát trong tù trước đó. Cả ba thuộc sắc tộc Rohingya thiểu số theo Hồi giáo.
Vụ nữ phật tử bị cưỡng bức và sát hại đã gây phẫn nộ trong cộng đồng người theo đạo Phật và dẫn đến vụ trả thù làm 10 người Hồi giáo thiệt mạng hồi đầu tháng. Từ đó, những đợt đụng độ liên tiếp đã khiến hơn 50 người chết và hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi, tờ New Light of Myanmar đưa tin.
Binh sĩ Myanmar dọn dẹp hiện trường một vụ đốt phá hôm 16.6 – Ảnh: AFP
Đến nay, tình hình tạm lắng dịu sau khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động quân đội đến Rakhine. Sắc tộc Rohingya tại Myanmar lâu nay bị xem là người nhập cư trái phép từ Bangladesh trong khi chính quyền 2 nước đều không thừa nhận họ là công dân chính thức, theo AFP. Hàng ngàn người Rohingya tính sang Bangladesh tị nạn trong đợt bạo động đều bị chặn ở biên giới và buộc quay về. Mới đây, Tổng thống Thein Sein cảnh báo bạo động sắc tộc, tôn giáo sẽ đe dọa tiến trình cải cách và hòa giải ở Myanmar đồng thời kêu gọi tất cả các lực lượng, thành phần xã hội hợp tác giữ ổn định.
Theo Thanh Niên
Hà Tĩnh: Sau nỗi thấp thỏm chờ chồng, mong con về từ Libya
Những người vợ, người mẹ thấp thỏm ngày đêm ngóng tin tức người thân từ miền bạo loạn. Những giọt nước mắt mừng vui của các gia đình
Ngóng chồng, mong con
Video đang HOT
Sáng sớm ngày 27/2, PV Dân trí có mặt tại xóm 7 Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nơi có đến vài chục lao động đi làm ăn ở Libya. 7 giờ sáng, con hẻm nhỏ đất đá gồ ghề dẫn vào nhà chị Lê Thị Huề có chồng là anh Nguyễn Trọng Hưng đang mắc kẹt tại Libya, đông nghịt người.
Lúc chúng tôi đến, chị Huề tay bồng tay dắt hai con nhỏ, đang chuẩn bị đi hỏi thêm tin tức của chồng. "Hôm qua có người ở trong xóm mới từ Libya về. Sáng nay tôi muốn sang hỏi tình hình chồng bên đó ra sao" - chị Huề cho biết.
Chị Huề cùng hai đứa con nhỏ dại đang đêm ngày lóng ngóng chờ mong ngày chồng trở về
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây bằng táp lô chưa trát vữa, chị Huề ứa nước mắt: "Dù con đang còn nhỏ dại, nhà xây chưa xong nhưng vì hoàn cảnh nên anh bàn bạc với tôi vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động với mong muốn có tiền nuôi con ăn học. Anh mới sang làm được một tuần thì xảy ra bạo loạn, công ty đóng cửa, anh Hưng chỉ biết ngồi lánh nạn trong phòng".
Từ ngày tình hình an ninh ở Libya bất ổn, chị Huề ngày đêm mỏi mòn mong tin chồng. "Bữa biết tin anh bị mắc kẹt trong cơn bạo loạn. Nhà còn bao nhiêu lúa tôi đều đưa bán, lấy tiền mua card gọi sang hỏi tình hình chồng bên đó. Giờ tôi không muốn làm chi nữa. Chỉ mong anh sớm quay về với vợ con. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Cả gia đình sống quây quần bên nhau là đủ".
Thấy có người lạ vào nhà chị Huề, một phụ nữ ở sát vách vội chạy sang. Bà là Phạm Thị Nem, gần 70 tuổi, có con trai Nguyễn Trọng Phượng đi xuất khẩu lao động tại Libya từ đầu năm 2010. "Tôi lo cho thằng con tui quá, vợ mới cưới đang mang bầu 4 tháng thì đã đi sang Libya làm ăn. Nay con mới được 5 tháng tuổi cha lại mắc kẹt bên đó không biết khi mô mới về với vợ con được nữa" - bà Nem nước mắt chảy ròng.
Bà Nem nhìn đứa cháu nội mà xót xa thương con trai
Không chỉ chị Huề, bà Nem mà ở cái thôn Ngụ Quế này, có đến vài chục gia đình đang có cùng tâm trạng thấp thỏm lo âu như thế ngày đêm mong chồng, con sớm trở về.
Nước mắt mừng ngày đoàn tụ
Căn nhà thấp nhỏ ba gian, xung quanh trét bằng đất nằm cuối xóm 7 Ngụ Quế của bà Dương Thị Ka đang rộn rã tiếng nói cười và cả tiếng khóc. Con trai bà, anh Nguyễn Trung Tuấn mới từ "đất dữ" Libya trở về từ chiều tối qua, 26/2. Chia sẻ với những người đang tới hỏi thăm, anh nói: "Tôi không nghĩ mình còn sống để có ngày trở về Việt Nam. Những ngày xảy ra bạo loạn, mấy anh em ngồi co ro trong phòng, đói khát lắm, tình hình bên ngoài thì rất nguy hiểm. Lúc tôi lên máy bay về, tình hình bên đó đang rất phức tạp. Các sân bay người Việt Nam, Thái Lan,... đè lên nhau chen chúc mua vé về nước mà không mua được".
Anh Nguyễn Trung Tuấn vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lại những ngày sống trong cảnh bạo loạn ở Libya
Theo anh Tuấn, hiện nay nhiều lao động Việt Nam đã chạy tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước lân cận. Nghe anh Tuấn nói anh Dương Văn Vỵ, con trai bà Nguyễn Thị Hiền, đang lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bà Hiền nửa mừng nửa lo. Mừng vì con ít ra cũng thoát khỏi vùng bạo loạn, nhưng lo vì biết bao giờ con mới về được với gia đình.
Bà Hiền biết con đã thoát khỏi vùng bạo loạn vẫn không tránh khỏi những âu lo
Bà Ka ôm con trai, nước mắt mừng vui: "Từ ngày biết tin về bạo loạn ở Libya, lo lắng cho con, tôi đêm ngày đứng ngồi không yên. Nay con đã trở về rứa là sống rồi. Không giàu thì sống như ri cũng được chứ nhất định bữa ni là không cho con đi nước ngoài "nước nghiếc" gì nữa".
Cùng chung với niềm vui của bà Ka là chị Hoàng Thị Sương (xóm 3B, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có chồng là anh Phạm Quang Bảo vừa trở về lúc gần 20 giờ ngày 26/2. "Giờ anh ấy về nhà với vợ con rồi, tôi vui lắm. Dù đang nợ số tiền vay mượn hàng chục triệu tôi cũng kệ. Tính mạng con người mới quan trọng. Mong sao trời cho hai vợ chồng sức khỏe để làm ăn, nợ nần dần dần trả sau. Tôi cũng cầu mong cho những lao động Việt Nam đang mắc kẹt ở bên đó sớm trở về đoàn tụ với gia đình" - Chị Sương nước mắt rưng rưng chia sẻ.
Anh Phạm Quang Bảo mừng tủi ôm con vào lòng
Anh Bảo ôm đứa con xa cách bấy lâu trong lòng, kể lại cho mọi người nghe cảnh hỗn loạn trên đất nước Libya, cảnh thiếu ăn, cảnh chen lấn khổ sở ở sân bay... Anh chia sẻ: "Hầu hết những lao động Việt Nam sang đó làm ăn đều xuất thân từ nông dân. Vay mượn tiền ngân hàng đi xuất khẩu lao động. Những ngày xảy ra bạo loạn những gì có giá trị đều mất hết. Tôi về nhà bằng hai bàn tay trắng và một bộ quần áo mang trên người, nhưng như thế là cũng may mắn so với rất nhiều người giờ đang sống trong cảnh hoảng loạn bên đó. Tôi mong Bộ LĐ-TB & XH tạo điều kiện giúp đỡ và có những hỗ trợ cho chúng tôi".
Theo Dân Trí