Mỹ và Việt Nam mở một chương mới trong lịch sử
Mỹ và Việt Nam sẽ mở một chương mới trong lịch sử khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 20 năm trước.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (thứ 3, bên phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh (thứ 2, bên trái) tại Hà Nội hồi tháng 5/2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong bài viết của ông đăng trên trang Medium nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Mỹ và hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Ông Blinken cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 5.
Theo ông Blinken, trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua các chính sách cải cách theo định hướng kinh tế thị trường và đạt được những tiến bộ cụ thể hướng tới một xã hội cởi mở hơn. Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng quốc tế và đang đóng vai trò tích cực và xây dựng trên toàn cầu, trong khi người dân tự do quyết định về cuộc sống và công việc của họ. Hai nước đã hợp tác trong một loạt các lĩnh vực ưu tiên, từ an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai tới bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục.
Trong năm nay, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác mạnh mẽ về một trong những nỗ lực quan trọng và tham vọng nhất từ trước tới nay: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu được ký kết, thỏa thuận thương mại – với sự tham gia của 12 quốc gia – sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cao về lao động, sở hữu trí tuệ và môi trường. Thỏa thuận cũng mở ra các thị trường mới tiềm năng, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ công ăn việc làm thu nhập cao. TPP sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân. Thỏa thuận cũng có các quy định thực chất, mạnh mẽ nhằm đề cao quyền lợi của người lao động, ngăn chặn lao động cưỡng bức, bảo vệ các vùng rừng và vùng biển.
Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng TPP không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế. Đó là một cơ hội chiến lược cho toàn khu vực – một cơ hội chưa từng có để thúc đẩy các giá trị và thực tiễn, khai thác tiềm năng của hai nước và cải thiện cuộc sống của người dân.
“Khi Việt Nam mở cửa thị trường và củng cố các quyền cơ bản, mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của người dân cả hai nước”, ông Blinken viết.
Video đang HOT
Ông Blinken gặp gỡ các sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Khi tới thăm thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5, Thứ trưởng Blinken cho biết ông đã nhìn thấy tương lai đó.
“Tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp một nhóm sinh viên đang dựng video về giải pháp sáng tạo cho các vấn đề môi trường trong cộng đồng. Các đoạn video có chất lượng tốt và rất hiệu quả. Tôi đã hỏi các sinh viên rằng điều gì đã khiến họ thích thú với việc dựng video và tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng họ đều không được đào tạo bài bản mà chỉ học cách thức làm video tại Trung tâm Mỹ”, nhà ngoại giao Mỹ cho hay.
Theo ông Blinken, sự ham hiểu biết và tài năng của họ cho thấy được phản chiếu trong thế hệ trẻ Việt Nam. Giờ đây, 78% người Việt Nam có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, trong khi tỷ lệ này tăng lên 88% ở độ tuổi dưới 30. Vào năm 1995, chỉ có 794 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ. Nhưng cho tới năm ngoái, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đã lên tới gần 17.000, nhiều hơn số lượng sinh viên đến từ Anh, Đức, Pháp hay Brazil. Ngày nay, 22 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và 35 triệu người dùng internet, nơi họ tự do bày tỏ và bảo vệ quan điểm.
“Trong thế kỷ 21, đó là cách thức chúng ta định nghĩa sự giàu có thực sự của một quốc gia. Không chỉ bằng các tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân sự, mà còn bằng khả năng của một quốc gia nhằm phát huy tối đa tiềm năng của người dân, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, tạo không gian để họ tranh luận, chỉ trích và thách thức nhận thức thông thường”, ông Blinken viết.
Khi Việt Nam ngày càng mở cửa, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Sự thay đổi sẽ không diễn ra trong chốc lát, nhưng TPP sẽ là sự khích lệ to lớn và mạnh mẽ nhằm thúc đẩy cải cách và củng cố một xã hội tự do và cởi mở, giúp kết nối sâu rộng với nước Mỹ.
“20 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sĩ McCain và Thượng nghị sĩ Kerry (giờ đây là Ngoại trưởng Mỹ) mở ra sự khởi đầu lịch sử giữa hai nước, chúng ta giờ đây mới chỉ bắt đầu khai thác tiềm năng của mối quan hệ song phương. Khi nước Mỹ chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới rằng: hai cựu thù có thể trở thành bạn, chung sống hòa bình. Giờ đây, chúng ta đang xây dựng quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của người dân hai nước nói riêng và thế giới nói chung”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
An Bình
Theo Dantri
Giám đốc CIA bất ngờ mời tiệc Đại sứ Việt
Khi đang làm Đại sứ tại Mỹ, ông Lê Công Phụng bất ngờ được Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mời dự tiệc Giáng sinh, cho dù theo truyền thống, họ chỉ mời đại sứ các nước đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp Đại sứ Lê Công Phụng ngày 22/1/2008 tại Nhà Trắng
Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông Lê Công Phụng, Đại sứ thứ ba của Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2008-2011), chia sẻ với Tiền Phong những kỷ niệm cá nhân sâu sắc, phản ánh bước chuyển trong cách nhìn của Mỹ đối với Việt Nam.
Việt Nam là điểm gặp của hai đảng Mỹ
Ông Lê Công Phụng nói rằng, Đại sứ đầu tiên Lê Văn Bàng khá vất vả vì sự chống đối Việt Nam, chống đối quan hệ Việt - Mỹ quá lớn. Đại sứ thứ hai Nguyễn Tâm Chiến cũng không "khỏe" lắm. Nhưng khi ông sang nhận nhiệm vụ, thời cơ đã rất thuận lợi. Vì đến năm 2007, sau 12 năm bình thường hóa quan hệ, hai bên đều đã ngấm hậu quả của sự thù địch và thấy cần phải thay đổi. "Tôi sang là thời kỳ thuận lợi nhất. Thủ tướng nước ta thăm Mỹ 2-3 lần, Chủ tịch nước cũng sang 2-3 lần, lãnh đạo cấp cao hai bên gặp gỡ, đưa ra những tuyên bố thuận lợi", ông Phụng kể.
Cựu Đại sứ cho biết, khi tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ tại Washington, ông đã mời cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều Thượng nghị sĩ, quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều khiến ông ấn tượng nhất là việc ông Clinton theo lịch chỉ đến phát biểu xong rồi về, nhưng khi thấy không khí vui quá, ông xin phép Đại sứ Việt Nam được ở lại thêm. "Lúc tôi đứng cạnh, ông Clinton nói rằng, ở Mỹ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền. Hai đảng đấu tranh nhau quyết liệt trong nhiều vấn đề, nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thống nhất với nhau, nhất là các ông John McCain, John Kerry...", ông Phụng kể. Cựu Đại sứ nói thêm rằng, lúc đó, ông cảm nhận thực sự Mỹ có nhu cầu rất lớn và khá thống nhất trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ông Phụng nói rằng, nhu cầu đó một phần thể hiện ở việc năm 2010, Mỹ chủ động đề nghị Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ, yêu cầu các nước để Việt Nam tham gia, cho dù trình độ phát triển của Việt Nam vẫn khiêm tốn.
Ông Phụng cho rằng, trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ từ thời kỳ Tổng thống George Bush đến Tổng thống Barack Obama trong hai nhiệm kỳ, Mỹ cần quan hệ tốt với Việt Nam nếu muốn thành công. "Nếu thiếu Việt Nam, ASEAN không phải chỗ dựa của Mỹ. Việt Nam có bờ biển dài, có những vị trí địa chiến lược hết sức nhạy cảm, quan trọng với khu vực. Cho nên, họ không thể không thúc đẩy quan hệ với Việt Nam", ông Phụng nhận định.
Những bữa tiệc đặc biệt
Ông Lê Công Phụng kể rằng, một trong những kỷ niệm ở Mỹ mà ông nhớ mãi là vào năm 2010, ông tự dưng được Giám đốc CIA Leon Panetta mời dự tiệc Giáng sinh cùng các Đại sứ Thái Lan, Singapore, Philippines. "Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là họ đã chuyển cách nhìn đối với Việt Nam. Tuy mình không phải là đồng minh, nhưng họ rất cần mình là đồng minh. Điều này cho thấy nhu cầu của họ, bước chuyển của họ trong chính sách với Việt Nam rất rõ và mang tính chiến lược", cựu Đại sứ chia sẻ. Một điều khác biệt nữa là vào dịp năm mới, trong số Đại sứ các nước ASEAN, có những lúc chỉ Đại sứ Lê Công Phụng được Tổng thống Mỹ mời dự tiệc.
Cựu Đại sứ cho biết, khi còn làm nhiệm vụ tại Mỹ, ông đã đi nhiều bang, gặp đại diện nhiều địa phương và nhận thấy một điều giống như ông Bill Clinton nói. Đó là sự quan tâm đến Việt Nam, sự quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trở thành trào lưu, thành xu thế chung của các địa phương ở Mỹ. Dù mỗi bang đều có luật riêng, nhưng họ đều quan tâm, hỗ trợ làm việc rất nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực quân sự.
Cựu Đại sứ kể, trước khi về nước, ông đến Hawaii và làm việc với Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và được 37 tướng tá tiếp long trọng cả buổi sáng. "Họ thúc giục tôi khi về nước tìm cách đẩy nhanh hợp tác quốc phòng - an ninh. Điều chúng ta thấy mừng là họ đang cố hết sức thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nâng cấp quan hệ", ông Phụng nói.
Theo Trúc Quỳnh
Tiền phong
Đại sứ Hoa Kỳ: "Tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ là vô hạn" "Tôi đã học cách trân trọng quá khứ. Tôi có lý do để chào mừng thành công của 20 năm qua. Tôi biết rằng, tương lai mối quan hệ giữa hai nước là vô hạn. Tôi tin dân Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau tiến lên, hợp tác nhiều hơn trên mọi lĩnh vực". Đó là những tuyên bố chắc...