Mỹ trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong
Mỹ áp lệnh trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong vì vai trò trong động thái thay đổi hệ thống bầu cử đặc khu.
“Lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong có hành động làm giảm mức độ tự trị cao của Hong Kong”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong tuyên bố hôm nay.
Động thái mới nhất nâng số quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật Tự trị Hong Kong (HKAA) lên 34 và được công bố sau khi Ngoại trưởng Blinken cập nhật báo cáo HKAA để nhấn mạnh “mối quan ngại sâu sắc” của Washington sau khi quốc hội Trung Quốc tán thành quyết định cải cách bầu cử Hong Kong.
Trong số những quan chức bị Mỹ áp lệnh trừng phạt tài chính lần này có 14 phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, cùng các quan chức trong Sở An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hong Kong, Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao hôm 4/2. Ảnh: AFP .
Video đang HOT
Danh sách bị trừng phạt bao gồm Wang Chen, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, và Tam Yiu-chung, đại diện Hong Kong duy nhất trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
“Các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý thực hiện giao dịch quan trọng với các cá nhân được liệt kê trong báo cáo hôm nay sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt”, tuyên bố của Blinken nêu thêm.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong “tiếp tục làm xói mòn mức độ tự trị cao đã cam kết với người dân Hong Kong, phủ nhận tiếng nói của người Hong Kong trong chính quyền, động thái bị Anh tuyên bố vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh”.
Danh sách trừng phạt mới được công bố ngay trước khi Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, gồm Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, tại Alaska vào 18/3.
Quốc hội Trung Quốc tuần trước bỏ phiếu tán thành quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung sửa đổi với Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Hong Kong, vốn được coi như “tiểu hiến pháp” của đặc khu. Quyết định này sẽ mở đường cho “hệ thống sàng lọc” các ứng viên với tiêu chí “yêu nước” trong tiến trình bầu cử ở Hong Kong.
Một ủy ban bầu cử do Bắc Kinh kiểm soát tại Hong Kong có nhiệm vụ “lựa chọn tỷ lệ lớn các thành viên Hội đồng Lập pháp”. Những thay đổi trong hệ thống bầu cử này gần như sẽ loại bỏ bất kỳ khả năng ảnh hưởng nào của phe đối lập lên kết quả bầu cử của Hong Kong.
Nhóm Ngũ Nhãn tố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận Hong Kong
Liên minh tình báo 5 nước tố Trung Quốc vi phạm cam kết khi ban hành nghị quyết bãi nhiệm nghị sĩ đối lập Hong Kong.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền trung ương Trung Quốc xem xét lại hành động của họ nhằm vào cơ quan lập pháp được bầu của Hong Kong và lập tức phục chức các thành viên Hội đồng Lập Pháp bị bãi nhiệm", ngoại trưởng 5 nước thuộc liên minh tình báo Ngũ Nhãn, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, cho biết trong tuyên bố chung ngày 18/11.
Hong Kong tuần trước bãi nhiệm 4 nghị sĩ đối lập khỏi Hội đồng Lập pháp sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết mới, cho phép chính quyền thành phố được truất ghế nghị sĩ mà không cần thông qua tòa án. Động thái đã châm ngòi cho việc từ chức hàng loạt của các nghị sĩ đối lập Hong Kong.
Phòng họp của Hội đồng Lập pháp Hong Kong trống trơn do một cuộc họp bị hủy sau khi 4 nghị sĩ đối lập bị bãi nhiệm hôm 11/11. Ảnh: Reuters .
Nghị quyết mới cũng khiến phương Tây đưa ra thêm cảnh báo về mức độ tự trị của Hong Kong, được cam kết theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997.
"Hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế của nước này theo Tuyên bố chung Trung - Anh được Liên Hợp Quốc chứng nhận và có hiệu lực pháp lý", tuyên bố chung cho hay.
Theo các ngoại trưởng, hành động mới nhất của Bắc Kinh dường như là một phần của "chiến dịch phối hợp" nhằm ngăn chặn những tiếng nói chỉ trích ở Hong Kong. "Vì ổn định và thịnh vượng ở Hong Kong, Trung Quốc và chính quyền Hong Kong cần tôn trọng các kênh để người dân đặc khu bày tỏ mối quan ngại và ý kiến chính đáng của họ", tuyên bố nêu thêm.
Anh hiện coi Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung ba lần, gồm cả khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong hồi tháng 6. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam và quan chức Trung Quốc đại lục được cho là có liên quan đến luật an ninh, đồng thời cảnh báo về các bước tiếp theo.
Cảnh sát Hong Kong cũng cho biết họ đã bắt ba nghị sĩ sáng 18/11 sau các vụ ném cây thối và chất có mùi hôi vào cơ quan lập pháp thành phố hồi tháng 5, tháng 6.
Theo nghị quyết mới của Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong được phép truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp bị cho là thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hong Kong, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền đối với Hong Kong, lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của thành phố hoặc tham gia hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trái với chỉ trích của Mỹ và phương Tây, Chủ tịch quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho rằng nghị quyết mở đường cho việc chính quyền Hong Kong bãi nhiệm các nghị sĩ là "cần thiết" và "phù hợp", đồng thời có lợi cho an ninh, chủ quyền và lợi ích phát triển của đất nước. Hai văn phòng giám sát các vấn đề Hong Kong của Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ nghị quyết mới.
Nhảy từ tầng 8 thoát khỏi hỏa hoạn Một người đàn ông đã nhảy từ tầng 8 căn hộ sang nóc tòa nhà bên cạnh để thoát thân sau khi nhà anh bốc cháy dữ dội. Cảnh sát Hong Kong hôm 4/3 xác nhận người đàn ông 35 tuổi ở khu Hồng Khám, quận Cửu Long, đã nhảy từ cửa sổ căn hộ tầng 8 sang nóc tòa nhà đối diện...