Mỹ – Triều Tiên “căng” trở lại?
Washington cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng nếu nước này không dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân
Một số chuyên gia Hàn Quốc hôm 6-3 cho rằng các hoạt động được ghi nhận tại bãi phóng tên lửa tầm xa chính Tongchang-ri của Triều Tiên dường như không nhằm gây áp lực cho Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước. Thay vào đó, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), thực ra đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tháo dỡ cơ sở này.
Tại một cuộc họp ở quốc hội Hàn Quốc một ngày trước đó, đại diện Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) cho biết đã phát hiện dấu hiệu Triều Tiên khôi phục hoạt động một phần cơ sở phóng vệ tinh Sohae, còn được gọi là căn cứ tên lửa Tongchang-ri, gần biên giới với Trung Quốc.
Cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng công bố hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở này hôm 2-3 và ghi nhận có hoạt động diễn ra tại nơi này. CSIS nhận định Triều Tiên xây dựng lại địa điểm này sau khi cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng rồi không đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, giới phân tích Hàn Quốc không đồng tình với đánh giá trên khi cho rằng miền Bắc có thể đã bắt đầu các hoạt động tại đây từ trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra để sẵn sàng cho việc phá hủy trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa. “Triều Tiên có thể đã chuẩn bị dọn dẹp cơ sở này trong trường hợp các thanh sát viên nước ngoài đến kiểm tra. Đây là một phần nỗ lực nhằm nêu bật giá trị nhượng bộ của họ” – ông Kim Dong-Yub, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Hàn Quốc), lý giải.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở về Bình Nhưỡng hôm 5-3. Ảnh: KCNA
Video đang HOT
Tương tự, ông Choi Yong-hwan, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng thời gian là quá ngắn (kể từ khi hội nghị kết thúc) để Triều Tiên quyết định nối lại hành động khiêu khích. Ông Choi lưu ý tuy hình ảnh vệ tinh được chụp vào cuối tuần rồi nhưng không có đủ bằng chứng để xác định liệu những hoạt động tại cơ sở Sohae diễn ra trước hay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên kết thúc.
Cũng trong cuộc họp trên, NIS cho biết Triều Tiên đã dừng hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW trong khu phức hợp hạt nhân chính ở Yongbyon từ cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, các đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri vẫn đóng và bị bỏ không kể từ sau hoạt động phá hủy hồi tháng 5-2018.
Trong khi vẫn chưa rõ nguyên nhân Triều Tiên nối lại hoạt động tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5-3 cảnh báo Washington sẽ tìm cách tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng nếu nước này không dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News (Mỹ), ông Bolton tuyên bố sẽ chờ xem liệu Triều Tiên có tuân thủ cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và mọi thứ liên quan sau hội nghị thượng đỉnh hay không. Theo Reuters, hai nước hiện vẫn chưa thể thu hẹp được những bất đồng về tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng biện pháp trừng phạt của Washington.
Bình Nhưỡng gặp khó về lương thực
Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 6-3 cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên trong năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn thập kỷ qua. Đây là một phần nguyên nhân khiến khoảng 11 triệu người, gần 44% dân số Triều Tiên, thiếu ăn – theo một báo cáo mới của LHQ.
Sản lượng lương thực ở Triều Tiên giảm hơn 9%, từ 5,45 triệu tấn trong năm 2017 xuống 4,95 triệu tấn hồi năm ngoái do thiếu đất canh tác, thiếu máy móc nông nghiệp hiện đại và phân bón, kèm theo thiên tai liên tiếp. Ông Tapan Mishra, điều phối viên thường trú của LHQ tại Triều Tiên, cảnh báo: “Tình trạng suy dinh dưỡng quy mô lớn đang đe dọa cả một thế hệ trẻ em”. Quan chức này ước tính 1,4 triệu người không được hỗ trợ lương thực. Gần 800.000 người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Khoảng 190.000 trẻ mẫu giáo và 85.000 trẻ suy dinh dưỡng không được cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết.
LHQ đã kêu gọi khoản viện trợ trị giá 120 triệu USD cho Triều Tiên.
Theo Nguoilaodong
Chuyên gia lý giải hoạt động khôi phục cơ sở tên lửa của Triều Tiên
Một số chuyên gia Hàn Quốc nhận định rằng các hoạt động khôi phục được phát hiện tại bãi phóng tên lửa tầm xa chính của Triều Tiên dường như không nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ.
Bãi phóng vệ tinh Dongchang-ri tại Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngày 6/3, một số chuyên gia Hàn Quốc nhận định rằng các hoạt động khôi phục được phát hiện tại bãi phóng tên lửa tầm xa chính của Triều Tiên dường như không nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra hồi tuần trước ở Hà Nội, mà có thể đó là dấu hiệu cho thấy Triều Tiênđang chuẩn bị phá dỡ cơ sở này.
Các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra nhận định trên sau khi Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) trong cuộc họp với Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc ngày 5/3 cho biết đã phát hiện các dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể đang khôi phục một phần cơ sở phóng vệ tinh Sohae gần biên giới với Trung Quốc, còn được gọi là bãi phóng tên lửa Dongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tháng 6 năm ngoái.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng đã công bố hình ảnh chụp căn cứ này từ vệ tinh thương mại và cho biết đã phát hiện các hoạt động đó tại bệ thử động cơ thẳng đứng và cấu trúc vận chuyển tên lửa gắn trên bệ phóng.
Một số chuyên gia ở Seoul cho rằng Triều Tiên có thể đã bắt đầu công việc khôi phục trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để sẵn sàng phá hủy theo thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà nhiều người cho là hai bên sẽ đạt được tại Hà Nội.
Ông Kim Dong-Yub, Giám đốc Viện Nghiên cứu viễn Đông của Hàn Quốc, nhận định: "Triều Tiên có thể đã chuẩn bị sửa chữa cơ sở này phòng khi các thanh sát viên bên ngoài đến xem, như một phần của các nỗ lực lớn hơn nhằm nâng cao giá trị sự nhượng bộ của họ."
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Choi Yong-hwan thuộc Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng mặc dù hình ảnh vệ tinh đã được chụp vào cuối tuần qua, nhưng không có đủ bằng chứng để xác định liệu các công việc khôi phục như vậy đã được thực hiện trước hay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ và khuyến khích các bước tích cực đang được Bình Nhưỡng thực hiện trên lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Lời kêu gọi này được Trung Quốc đưa ra trong bối xuất hiện các thông tin truyền thông cho rằng Triều Tiên đang nối lại hoạt động tại một trạm phóng vệ tinh, trong đó sử dụng công nghệ tương tự như từng được sử dụng cho các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Phát biểu họp báo, ông Lục Khảng nhấn mạnh: "Trên thực tế, tất cả chúng ta đều biết rằng bắt đầu từ năm ngoái, Triều Tiên đã thực hiện một số biện pháp tích cực đối với việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi cho rằng những bước này nên được công nhận và khuyến khích."
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng tất cả các bên liên quan nên tiếp tục tuân thủ một lộ trình chính trị trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực./.
Theo Mạnh Hùng-Minh Châu (TTXVN/Vietnam )
Hàn Quốc: Triều Tiên có dấu hiệu khôi phục bãi phóng tên lửa Hãng Yonhap đưa tin Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã phát hiện những dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể sửa chữa một phần bãi phóng tên lửa Tongchang-ri, vốn đã dỡ bỏ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu vào tháng 6 năm ngoái. Theo NIS, có vẻ như Triều Tiên đang lắp đặt...