Mỹ triển khai tàu USCG tới Biển Đông lần đầu tiên từ Chiến tranh Lạnh
Hoa Kỳ triển khai Lực lượng Bảo vệ Bờ biển lần đầu tiên đến Biển Đông kể từ sau Chiến tranh Lạnh ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Tàu Bảo vệ Bờ biển của Mỹ – ảnh tư liệu minh họa.
Báo Express của Anh ngày 31/10 đưa tin, chính phủ Hoa Kỳ đã hoạch định cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ (USCG) để giúp Mỹ có thể kiềm chế thành công tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, lực lượng USCG được triển khai để làm nhiệm vụ này. Trong khuôn khổ hoạt động triển khai, tàu của USCG đã và sẽ thực hiện các cuộc tập trận chung với các đối tác của Mỹ trong khu vực.
Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy lực lượng USCG, đã nói với tờ Asia Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng: Có những cuộc thảo luận đang diễn ra, các nỗ lực lập kế hoạch liên tục để hỗ trợ cho các hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDO-PACOM) ở Biển Đông.
Ông Karl Leo Schultz nói thêm rằng, lực lượng của họ sẽ tập trung sâu sắc vào những đối tác có liên quan, xây dựng cách tiếp theo hướng này ở khu vực.
Trong chuyến thăm Manila vào tháng 10 vừa qua, để giám sát cuộc tập trận song phương với Philippines Sama-Sama, Đô đốc Karl Leo Schultz cũng nhắc lại rằng việc triển khai tàu thuyền của lực lượng USCG, là để trấn an các đối tác chiến lược trong khu vực và cung cấp đảm bảo an ninh cao hơn.
“Trước cách hành xử và các hành vi nạt nộ của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Mỹ đưa ra các kế hoạch hành động và hợp tác minh bạch ở tất cả các cấp độ.” – ông Karl Leo Schultz nhấn mạnh.
Động thái này là một phần trong phản ứng tiếp theo của Nhà Trắng nhằm chống lại việc Bắc Kinh sử dụng lực lượng hải quân và dân quân biển để chiếm giữ các bãi đá và tài nguyên trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Quốc Phòng Mỹ đã bắt đầu coi các tàu bán quân sự và lực lượng hải giám, hải cảnh của Bắc Kinh là phương tiện, vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Video đang HOT
Sự thay đổi trong cách nhìn nhận này của Mỹ có nghĩa là từ nay, quân đội Mỹ có thể áp dụng các quy tắc tham gia của quân đội để chống lại các lực lượng nói trên của Trung Quốc nếu xảy ra các trường hợp đụng độ trên biển.
Hòa Bình
Theo baogiaothong
Tuần duyên Mỹ : Lực lượng hùng hậu đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông
Lực lượng tuần duyên Mỹ ngày càng được triển khai để đối phó và kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) tích cực cùng với hải quân Mỹ thực hiện việc kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc mà Mỹ xem là đối thủ siêu cường ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ đó giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở những vùng biển tranh chấp.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).
Việc Trung Quốc triển khai ngày càng nhiều các lực lượng hải quân hiện đại tới Biển Đông đã thúc đẩy Mỹ đánh giá lại chiến lược và xem xét lại các lực lượng có thể đe dọa ổn định hàng hải trong khu vực.
Trong các tuần gần đây, lực lượng tuần duyên (còn gọi là lực lượng bảo vệ bờ biển) của Mỹ đã mở rộng nhanh chóng hoạt động của mình để tham gia các hoạt động diễn tập chung với các đối tác khu vực nhằm răn đe cái gọi là các khiêu khích "vùng xám" của Trung Quốc thông qua các tàu bán quân sự và tuần duyên để xác lập chủ quyền (phi pháp) của Trung Quốc.
Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, nói với Asia Times: " Hiện đang có những thảo luận, những nỗ lực lên kế hoạch để hỗ trợ cho hoạt động của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở Biển Đông... Chúng tôi đã phối hợp với đối tác để huấn luyện cho các đồng minh nhằm tăng cường an ninh khu vực".
Sự nguy hiểm của hải cảnh và dân binh Trung Quốc
Nhận thức của tuần duyên Mỹ về tính cấp thiết của vấn đề bắt nguồn từ các nỗ lực có hệ thống của Bắc Kinh trong việc thống trị khu vực biển ở đây và hăm dọa các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền, thông qua công cụ là lực lượng tuần duyên Trung Quốc (CCG) rất mạnh.
Tuần duyên Trung Quốc (còn gọi là hải cảnh Trung Quốc) sở hữu những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, đáng lưu ý là "quái vật" - tàu 3901 nặng 12.000 tấn, lớn hơn cả chiến hạm của hải quân một số nước lân cận.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah gần đây bày tỏ quan ngại: " Tàu chiến của chúng tôi nhỏ hơn nhiều so với tàu của tuần duyên Trung Quốc".
Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược mang tên "chiến tranh nhân dân trên biển". Theo đó họ dựa vào không chỉ hải quân mà còn cả lực lượng tuần duyên và các thuyền ngư dân kiêm dân binh để chiếm các thực thể và nguồn lợi ở vùng biển này.
Trên thực tế, CCG đóng vai trò nổi bật trong thế đối đầu kéo dài nhiều tháng gần đây ở khu vực Bãi Tư Chính (thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam). Trong vụ này, phía Trung Quốc đã triển khai tàu hải cảnh 37111 nặng 2.200 tấn và tàu hải cảnh 3901 nặng 12.000 tấn. Tàu thứ 2 còn có chỗ cho một máy bay trực thăng và lượng lớn binh sĩ.
Ở khu vực bãi cạn Scarborough, sau vụ đối đầu hải quân kéo dài nhiều tháng giữa Trung Quốc và Philippines, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng đã được triển khai để thực thi sự "chiếm đóng trên thực tế" của Bắc Kinh đối với thực thế tranh chấp này - địa điểm nằm cách bờ biển Philippines chỉ có 100 hải lý.
Đối sách của Mỹ và vai trò gia tăng của tuần duyên Mỹ
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thức rõ về tình thế của các nước trong khu vực khi đối mặt với hạm đội hải cảnh và lực lượng bán quân sự của Trung Quốc. Và chính quyền ông Trump đã thực hiện hai thay đổi chính sách chính đối với vấn đề Biển Đông.
Thứ nhất, ngoài việc trao quyền tự chủ chính sách lớn hơn cho hải quân Mỹ trong việc đều đặn thực hiện hoạt động tự do hàng hải trước các tuyên bố bành trướng của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cũng bắt đầu coi các tàu bán quân sự và hải cảnh của Trung Quốc như là vũ khí của hải quân Trung Quốc.
Sự thay đổi chính sách này đã được xác nhận vào đầu năm 2019 bởi Đô đốc John Richardson, tư lệnh các hoạt động hải quân của Mỹ, khi ông này cảnh báo Bắc Kinh về việc cản trở tàu bè Mỹ và hứa hẹn sẽ có phản ứng cứng rắn hơn nữa với các khiêu khích trên biển của Trung Quốc.
Điều mấu chốt ở đây là phía Mỹ áp dụng các quy tắc giao chiến quân sự để ứng phó cương quyết hơn với các lực lượng hải cảnh và dân quân của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên USCGC Bertholf. (Ảnh: DefPost).
Washington đã công khai cảnh báo rằng động thái hung hăng của Trung Quốc theo kiểu "vùng xám", tức là các hoạt động không rõ ràng cấu thành chiến tranh, có thể rơi vào nghĩa vụ của họ trong hiệp ước tương trợ phòng thủ giữa Mỹ và đồng minh của họ là Philippines. Tuyên bố này được đưa ra sau vụ một tàu Philippines bị đánh đắm, nghi là do một thuyền dân binh Trung Quốc thực hiện vào đầu năm 2019.
Thứ hai, trong một thay đổi chính sách khu vực khác của Mỹ, lực lượng tuần duyên Mỹ cũng đã tham gia hoạt động tự do hàng hải của Lầu Năm Góc, bao gồm ở eo biển Đài Loan giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Tuần duyên Mỹ còn đang điều phối và mở rộng các hoạt động tầm xa tới vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm việc bố trí 3 tàu tuần tra phản ứng nhanh ở Guam cũng như đẩy mạnh các cuộc diễn tập chung với các đồng minh và đối tác ở Tây Thái Bình Dương.
Diễn tập chung và hỗ trợ đối tác
Vào tháng 10/2019, các tàu phản ứng nhanh Joseph Gerczak (WPC-1126) và Walnut (WLB-205) của tuần duyên Mỹ đã thực hiện các nhiệm vụ chung cùng với tàu của hải quân New Zealand và hải quân Australia cùng các đối tác Nam Thái Bình Dương. Cũng trong tháng này, USCG đã tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên của Mỹ, Nhật Bản và Philippines ở Philippines.
Về danh nghĩa, các cuộc diễn tập này là nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực, duy trì và củng cố đối tác hàng hải, tăng cường năng lực cùng hoạt động trên biển nhưng người ta đều hiểu rõ chúng chĩa vào Trung Quốc.
Tuần duyên Mỹ cũng đang giúp đỡ các đối tác khu vực phát triển và cải thiện năng lực tuần duyên của mình. Cụ thể USCG đã trợ giúp bảo dưỡng tàu Morgenthau (WHEC-722) đã được Mỹ chuyển giao cho cảnh sát biển Việt Nam cùng với 24 tàu tuần tra Metal Shark nằm trong một viện trợ chiến lược năm 2017.
Trong chuyến thăm Manila vào tháng 10, Đô đốc Mỹ Shultz phát biểu như sau: "Đối mặt với hành vi cưỡng ép và thiếu thân thiện của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, Tuần duyên Mỹ đưa ra sự giao lưu và quan hệ đối tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên môn và cá nhân".
Khi được hỏi về các mối đe dọa do việc Trung Quốc quân sự hóa các tranh chấp biển, vị đô đốc này nói: " Chúng tôi xem các đảo nhân tạo nơi vốn dĩ không có đảo trước đó, các đường băng trên đó, các tên lửa hành trình diệt hạm và các cơ sở quân sự khác trên đó là không phù hợp như những gì Trung Quốc nói (về sự trỗi dậy hòa bình)".
Theo VOV/ASIA TIMES
Mỹ - Nhật - Ấn - Australia sắp liên minh tuần tra Biển Đông, "dằn mặt" Trung Quốc? Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ - Nhật - Ấn - Australia liên minh tiến hành tuần tra trên Biển Đông sẽ là hành động kiềm chế những tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc. Theo tờ Stars & Stripes, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibal nhận định sức mạnh kinh tế ngày một lớn cùng...