Mỹ tiết lộ kế hoạch triển khai tàu chiến tuần tra Biển Đông
Hải quân Mỹ sẽ triển khai tàu khu trục tên lửa USS Lassen áp sát khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Theo tin tức trên Reuters, hoạt động tuần tra sẽ bắt đầu ở khu vực bãi đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam. Đây là khu vực mà Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo phi pháp trên quy mô lớn kể từ năm 2014.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của hải quân Mỹ sẽ tham gia tuần tra Biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke nhiều khả năng sẽ tiến hành tuần tra cùng máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon và có thể bao gồm các máy bay P-3, quan chức giấu tên nói với Reuters.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã chuyển toàn bộ câu hỏi chi tiết liên quan đến hoạt động tuần tra cho Lầu năm Góc. Ông Earnest cũng khẳng định quan điểm của Mỹ về tự do hàng hải trên Biển Đông với Trung Quốc.
“Hàng tỷ USD thương mại được lưu thông qua Biển Đông mỗi năm”, ông Earnest phát biểu trong cuộc họp báo. “Đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực này là điều cốt lõi đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Hoạt động tuần tra diễn ra sẽ đánh dấu thách thức mới nhất của Mỹ liên quan đến các hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc.
Theo Reuters, bước đi này có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên xấu đi. Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với lợi ích kinh tế của Mỹ.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông. Ngày 9/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào vi phạm cái mà Bắc Kinh tự nhận vơ là “chủ quyền và không phận” của mình ở trên Biển Đông, với danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải trên biển và trên không”.
Video đang HOT
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Tuần tra Biển Đông, Mỹ tiến sát điểm tới hạn với Trung Quốc
Hoạt động tuần tra ở Trường Sa của chiến hạm USS Lassen có thể là khởi đầu cho cuộc ganh đua Mỹ - Trung quyết liệt làm thay đổi diện mạo khu vực.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: US Navy
Giới học giả nhận định trong quan hệ giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc đã xác lập vị thế luôn tồn tại một điểm tới hạn mà khi vượt quá, mọi chuyện sẽ không thể trở lại như ban đầu. Theo National Interest, Mỹ và Trung Quốc dường như đang nhanh chóng tiến sát tới ngưỡng này, đặc biệt là khi Mỹ vừa thực hiện chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Diễn biến mới nhất củng cố cho nhận định trên là việc Washington hôm nay điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Các cơ quan ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều để giải quyết những vấn đề đang ảnh hưởng tới mối quan hệ hai nước. Trong khi đó, cả Bắc Kinh và Washington đều ngày càng phụ thuộc vào những chiến lược dựa trên sức mạnh quân sự và quyền lực cứng. Điều này đúng đối với những gì diễn ra ở Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, Ryan Pickrell, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, nhận xét.
Đôi bên đều nhận thức được rằng để giữ vững sự ổn định ở Thái Bình Dương, họ cần tránh đối đầu bằng mọi giá. Nhưng cả Washington và Bắc Kinh lại không thể hiện thái độ sẵn sàng thỏa hiệp. Thay vào đó, họ vạch ra những ranh giới, ông Pickrell nói.
Giải pháp mà Trung Quốc đưa ra nhằm đảm bảo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung là xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với tiêu chí hạn chế đối đầu, tôn trọng hệ thống chính trị, lợi ích quốc gia của nhau và hợp tác cùng có lợi.
Tuy nhiên, Washington cho rằng mô hình "quan hệ nước lớn kiểu mới" không đem lại lợi ích cho người Mỹ, Pickrell bình luận. Nếu chấp nhận mô hình đó, Mỹ sẽ tự tạo ấn tượng về một cường quốc đang thụt lùi và yếm thế trước sức mạnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, giới quan chức Mỹ cũng lo ngại "mô hình cường quốc kiểu mới" chỉ là một chiêu bài Trung Quốc dùng để khiến Mỹ phải thừa nhận yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, thu hẹp lợi ích của các đồng minh cũng như đối tác chiến lược của Washington trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó làm suy yếu và dần thay thế cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn dắt.
Những lo ngại này có thể là cơ sở để Mỹ quyết định điều tàu USS Lassen tuần tra gần đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Bằng việc triển khai một khu trục hạm tên lửa dẫn đường thay vì những tàu chiến nhỏ tuần tra ở Biển Đông, Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá. "Họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra, vì thế mọi việc lúc này phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng".
Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
Thay đổi diện mạo khu vực
Sau chuyến tuần tra đầu tiên của USS Lassen, Trung Quốc chỉ phản ứng lại bằng các tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Cơ quan này hối thúc Mỹ "lập tức sửa chữa sai lầm" và "không có những hành động nguy hiểm hay khiêu khích" mà họ cho là đe dọa đến cái gọi là "chủ quyền và lợi ích an ninh" của Trung Quốc.
Theo cựu chuẩn đô đốc Yang Yi, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nước đi mới của Washington sẽ chỉ góp phần phá hoại mối quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời là cái cớ để Bắc Kinh tăng tốc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo.
"Nếu các hoạt động tuần tra này trở thành thông lệ thì xung đột quân sự trong khu vực là không thể tránh khỏi và Mỹ sẽ là bên khơi mào", ông Yang nói.
Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, Sydney, cũng dự đoán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông sau chuyến tuần tra của tàu USS Lassen. Hành động đó của Bắc Kinh sẽ khiến Mỹ càng phải duy trì những chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược này.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng những biện pháp liều lĩnh hơn để chống lại hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông trong tương lai của Washington. Hải quân Trung Quốc có thể sẽ tìm cách cản đường hoặc điều tàu bao vây chiến hạm Mỹ, gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ, và đây chính là "điểm tới hạn" làm thay đổi vĩnh viễn quan hệ Mỹ-Trung.
Ông Pickrell cho rằng chuyến tuần tra của USS Lassen là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc tranh giành quyền lực địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo tương lai của khu vực.
Mâu thuẫn về lợi ích này cho thấy những bế tắc mà Washington và Bắc Kinh đang gặp phải trong quá trình tìm kiếm sự ổn định chiến lược cho khu vực. Dù cả hai quốc gia đều đưa ra cam kết cũng như nhiều lời hứa hẹn nhằm ngăn chặn xung đột xảy ra nhưng không nước nào thực sự đề xuất được một giải pháp khả thi cho tình thế hiện tại. Chính vì vậy, cạnh tranh vẫn tiếp diễn và thế đối đầu đang dần tiến đến ngưỡng bùng phát xung đột, ông này nhấn mạnh.
Kết cục của cuộc đua tranh là một trong hai bên sẽ phải chịu nhượng bộ hoặc buộc phải nhượng bộ trên Biển Đông. Dù kết quả cuối cùng của cuộc ganh đua này như thế nào đi chăng nữa, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không bao giờ còn như cũ được, ông Pickrell nhận định.
7 đá Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa. Đồ họa: The Diplomat. (Xem chi tiết)
Vũ Hoàng
Theo VNE
Úc, Nhật Bản sẽ theo sát động thái của tàu Mỹ ở Biển Đông Úc, Nhật lên tiếng ủng hộ việc tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Úc là một những nước có phản ứng sớm nhất, thể hiện sự ủng hộ đối với Mỹ khi Washington quyết định điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung...