Mỹ tiếp tục phản đối việc thay đổi nguyên trạng lãnh thổ ở Gaza
Ngày 23/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục phản đối ý tưởng thay đổi nguyên trạng lãnh thổ ở Dải Gaza khi Israel liên tục đề xuất tạo ra một vùng đệm bên trong dải đất này.
Binh sĩ Israel được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza, ngày 21/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Nigeria, ông Blinken khẳng định Israel có quyền ngăn chặn nguy cơ tái diễn vụ tấn công quy mô lớn của Hamas hôm 7/10/2023 và trấn an người dân ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, khi đề cập tới quy chế lâu dài của Gaza trong tương lai, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nêu rõ quan điểm của Washington trong việc “không xâm phạm lãnh thổ” Gaza.
Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng cho biết cố vấn của Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông, ông Brett McGurk, đã đến Ai Cập và dự kiến thăm các nước khác trong khu vực để thảo luận một thỏa thuận ngừng bắn mới, có thể kéo dài hơn, nhằm trả tự do cho các con tin Israel.
Trả lời câu hỏi về việc Israel đã đề xuất ngừng bắn trong 2 tháng, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết “một trong những điều mà ông McGurk đang thảo luận về khu vực này là khả năng đạt được một thỏa thuận con tin khác trong thời gian dài hơn… Các cuộc đàm phán diễn ra nghiêm túc”.
Ông Kirby không xác nhận khoảng thời gian ngừng bắn đang được thảo luận, song cho biết Nhà Trắng sẽ hoan nghênh một thỏa thuận ngừng bắn dài hơn thỏa thuận hồi tháng 11/2023. Quan chức Mỹ chia sẻ: “Nếu điều đó mang lại cho chúng tôi cơ hội giải thoát con tin và tăng cường viện trợ, chúng tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ ngừng bắn nhân đạo kéo dài hơn một tuần”.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, lực lượng Hamas đã bác bỏ đề xuất của Israel về lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng để trao đổi con tin Israel lấy các tù nhân Palestine. Báo Times of Israel ngày 23/1 dẫn lời một quan chức cấp cao của Ai Cập cho biết các thủ lĩnh Hamas cũng đã từ chối rời Gaza và đang yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi khu vực này để người Palestine được trở về nhà.
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết Israel và Hamas đã nhất trí về nguyên tắc rằng việc trao đổi con tin Israel và tù nhân Palestine có thể diễn ra trong thời gian ngừng bắn 30 ngày ở Gaza.
Qatar, Mỹ và Ai Cập đã tiến hành ngoại giao con thoi kể từ ngày 28/12/2023 nhằm tìm cách thu hẹp sự khác biệt giữa Israel và Hamas về khuôn khổ chấm dứt xung đột, cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về cách chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột ở Gaza.
Phía Israel muốn cách tiếp cận từng phần nhằm trả tự do cho từng đối tượng con tin – đầu tiên là dân thường và kết thúc là binh sĩ – để đổi lại việc ngừng thù địch, trả tự do cho tù nhân Palestine và tăng viện trợ vào Gaza. Trong khi đó, Hamas muốn một “thỏa thuận gói”, trong đó có cam kết về ngừng bắn vĩnh viễn, trước khi thực hiện trả tự do theo từng giai đoạn.
Trong một nỗ lực liên quan, Ngoại trưởng Anh David Cameron dự kiến sẽ tới Israel trong ngày 24/1 nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza. Đây là chuyến công du khu vực lần thứ ba của ông Cameron trong hơn 2 tháng qua. Theo kế hoạch, ông cũng sẽ thăm Bờ Tây, nơi Chính quyền Palestine (PA) đặt trụ sở, và sẽ đến Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chi tiết cuộc đàm phán con tin khó khăn giữa xung đột Israel Hamas
Từ giai đoạn thả hai con tin người Mỹ ngày 20/10 cho tới thỏa thuận thả 50 con tin ngày 22/11, các bên gồm Israel, Mỹ, Qatar và Hamas đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn, tưởng như có lúc bế tắc.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 22/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nắm lấy cánh tay ông Brett McGurk khi ông bước ra sau cuộc họp căng thẳng của nội các Israel về việc đảm bảo thả các con tin mà Hamas đang giam giữ ở Gaza. Ông Netanyahu nói với điều phối viên về vấn đề Trung Đông của Nhà Trắng một tuần trước tại Tel Aviv: "Chúng tôi cần thỏa thuận này".
Đầu ngày hôm đó, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý qua điện thoại rằng họ sẵn sàng chấp nhận các nội dung của một thỏa thuận để Hamas trả tự do cho 50 phụ nữ và trẻ em đang bị bắt làm con tin.
Một bước đột phá lớn đã diễn ra hai ngày trước đó vào ngày 12/11: Sau nhiều ngày từ chối, Hamas đã nhượng bộ trong việc cung cấp thông tin nhận dạng về hàng chục con tin, như tuổi tác, giới tính và quốc tịch. Thông tin xác nhận rằng nhiều trẻ em đã bị bắt giữ vào ngày 7/10.
Mặc dù Israel và Mỹ cho rằng có trên 50 con tin là phụ nữ và trẻ em, nhưng cả hai bên đều nhất trí rằng họ cần tiến hành đảm bảo việc thả 50 người đó, hy vọng rằng thỏa thuận này có thể khuyến khích Hamas thả nhiều con tin hơn sau nhóm ban đầu.
Yêu cầu của Hamas
Nhưng vài giờ sau cuộc gặp của ông McGurk và ông Netanyahu, mọi thứ trở nên mông lung.
Phía Qatar - những người đóng vai trò trung gian chính - đã không thể nắm bắt được ý đồ của Hamas. Cuối cùng, khi xuất hiện trở lại, Hamas cảnh báo làm chệch hướng cuộc đàm phán con tin. Hamas yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Israel phải rời khỏi khuôn viên bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza. Phía Israel từ chối nhưng cho biết rằng họ sẽ để bệnh viện tiếp tục hoạt động. Israel cho rằng Hamas che giấu trung tâm chỉ huy dưới bệnh viện này, trong khi Hamas bác bỏ.
Sau khi các cuộc đàm phán tiếp tục, Tổng thống Biden đã gọi thêm một cuộc gọi nữa tới Quốc vương Qatar. Thông điệp của ông Biden là thời gian đã hết. Quốc vương Qatar đã đưa ra lời đảm bảo với Tổng thống Biden rằng ông sẽ làm mọi cách có thể để hoàn tất thỏa thuận.
Ngày hôm sau, đặc phái viên McGurk gặp trực tiếp Quốc vương Qatar ở Doha để xem xét văn bản của thỏa thuận cuối cùng mà tính đến thời điểm này đã dài khoảng 6 trang. Thỏa thuận vạch ra cách phụ nữ và trẻ em sẽ rời Gaza trong giai đoạn đầu, cũng như khuyến khích Hamas thả thêm con tin sau đó. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã được triệu tập tham gia cuộc họp qua điện thoại.
Nội các chiến tranh của Israel đã phê chuẩn thỏa thuận này sau khi có những thay đổi nhỏ vào 19/11. Văn bản của thỏa thuận đã được Quốc vương Qatar chuyển cho Hamas lần cuối cùng. Ông nói rõ: Đây là lời đề nghị cuối cùng.
Vào sáng 21/11, Hamas trả lời phía Qatar rằng họ đã chấp thuận thỏa thuận.
Cuộc đàm phán "thí điểm"
Hai con tin Natalie (thứ 2, trái) và Judith Raanan (thứ 2, phải) được Hamas trả tự do ngày 20/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù các nỗ lực đàm phán thỏa thuận con tin bắt đầu ngay sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, nhưng cơ sở cho thỏa thuận này bắt đầu hình thành vài tuần sau đó, sau khi chính quyền Mỹ đánh giá rằng liên lạc với Hamas thông qua Qatar là có hiệu quả. Các quan chức sau này mô tả đây là cuộc đàm phán "thí điểm".
Vào ngày 23/10, Nhà Trắng đã bảo đảm thành công việc trả tự do cho hai công dân Mỹ bị bắt ở Gaza là Natalie và Judith Raanan. Khi hai mẹ con này đi qua Gaza, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer và ông McGurk đang ở trong văn phòng của ông Sullivan, theo dõi quá trình di chuyển của hai mẹ con bà Raanan theo thời gian thực. Các nguồn tin mô tả cuộc hành trình kéo dài nhiều giờ của họ là kinh khủng.
Khi hai mẹ con người Mỹ đến biên giới, Đại biện lâm thời Mỹ Stephanie Hallett đang đợi họ. Tại thời điểm này, ông Biden đã gọi điện cho cha của Natalie Raanan để báo tin vui và sau đó trong ngày, ông đã nói chuyện với cả hai mẹ con.
Với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ, ngày hôm đó là bằng chứng rằng Nhà Trắng đã thiết lập thành công phương tiện liên lạc và đàm phán với Hamas thông qua Qatar. Ngày này đã kích hoạt chuỗi nỗ lực kéo dài nhiều tuần nhằm đảm bảo việc thả một nhóm con tin lớn hơn.
Nền tảng của thỏa thuận
Sau khi người Israel ủy quyền cho Giám đốc Mossad (Cơ quan tình báo đối ngoại) đàm phán về các con tin, khi trở về Mỹ, Giám đốc CIA Burns cũng có liên quan mật thiết.
Tại Doha, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã trực tiếp gặp lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas là ông Ismail Haniyeh.
Trong nhiều cuộc điện đàm vào tháng 10, Tổng thống Biden đã tạo ra một ấn tượng với ông Netanyahu rằng có một cách để giải thoát một nhóm lớn con tin. Vào ngày 24/10, Hamas dường như đã đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận thả con tin là phụ nữ và trẻ em. Các quan chức Mỹ và Israel đang tranh luận gay gắt về việc liệu Israel có nên trì hoãn cuộc tấn công trên bộ hay không.
Cuối cùng, Israel đã không bị thuyết phục. Tại thời điểm này, họ vẫn không có bằng chứng cho thấy các con tin mà Hamas tuyên bố giữ vẫn còn sống và họ cũng không tin rằng Hamas không thể xác định danh tính của các con tin cho đến khi giao tranh tạm dừng.
Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Gaza vào ngày 27/10. Trong những tuần sau đó, các quan chức Mỹ, Israel và Qatar đã liên lạc liên tục với Hamas, đàm phán với nhóm này về mọi chi tiết của một thỏa thuận khả thi: khung thời gian, số lượng con tin, hành lang di chuyển an toàn và hoạt động giám sát.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo chung ở Jerusalem ngày 30/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quay trở lại Israel vào đầu tháng 11 để hối thúc Chính phủ Israel chấp nhận các lệnh tạm dừng giao tranh vì lý do nhân đạo, điều mà Mỹ cho rằng sẽ thúc đẩy tiến bộ trong vấn đề con tin. Mặc dù đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc sau khi ông Blinken gặp Thủ tướng Netanyahu và nội các chiến tranh, nhưng Thủ tướng Israel đã công khai bác bỏ ý tưởng này chỉ vài giờ sau cuộc gặp đó. Phải mất nhiều ngày dưới sức ép của Mỹ, chính phủ Israel mới tiến hành và thừa nhận cần tạm dừng giao tranh chiến thuật.
Đôi khi, các cuộc đàm phán dường như diễn ra chậm chạp một cách khó hiểu, khi mỗi bước liên lạc đều được chuyển từ Doha (Qatar) hoặc Cairo (Ai Cập) đến Hamas ở Gaza, rồi quay lại, rồi mới được chuyển tiếp đến Israel và Mỹ. Vào thời điểm đó, một quan chức mô tả: "Mỗi bước đi đều rất khó khăn".
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đằng sau hậu trường, con tin là vấn đề then chốt khiến Israel ban đầu không thể đồng ý tạm dừng vì lý do nhân đạo, bởi Chính phủ Israel không muốn đưa ra bất kỳ hình thức giảm nhẹ giao tranh nào để đổi lấy con tin.
Các bên cũng đã thảo luận nhiều phương án khác nhau của một thỏa thuận.
Ban đầu, các quan chức Israel và Mỹ nhấn mạnh rằng tất cả phụ nữ và trẻ em đều phải được thả trong đợt đầu phóng thích con tin. Tuy nhiên, Hamas chỉ bảo đảm thả 50 người và từ chối cung cấp thông tin nhận dạng về các con tin. Vào thời điểm ông Burns gặp Quốc vương Qatar và ông David Barnea, Giám đốc Mossad ở Doha, vấn đề không có thông tin nhận dạng nào về các con tin là một điểm mấu chốt.
Vào ngày 12/11, Tổng thống Biden đã thông báo với Quốc vương Qatar rằng cuộc đàm phán không thể tiến triển nếu không có thông tin này. Cuộc điện đàm này giữa hai bên được một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ mô tả là rất quan trọng và rất căng thẳng. Ngay sau đó, Hamas cuối cùng cũng nhượng bộ, dường như đảm bảo rằng thỏa thuận cuối cùng nào cũng sẽ dẫn đến việc thả 50 con tin phụ nữ và trẻ em.
Các bước tiếp theo
Mặc dù thỏa thuận đạt được trong tuần này chỉ trao trả 50 phụ nữ và trẻ em, nhưng ngày 21/11, các quan chức Mỹ tin tưởng rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ mở đường cho việc thả thêm con tin.
Có 10 người Mỹ vẫn mất tích, trong đó có hai phụ nữ và một bé gái 3 tuổi. Về những người Mỹ còn lại, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Nhà Trắng vẫn quyết tâm đưa các con tin về nhà và cho biết thỏa thuận này được vạch ra để khuyến khích thả tất cả mọi người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller nói rằng thỏa thuận thả con tin sẽ mở ra khả năng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên rằng sau khi trở về Israel an toàn, các con tin sẽ được chăm sóc y tế, trong đó một số người có thể cần điều trị y tế lâu dài sau sáu tuần bị giam giữ. Sau đó, sẽ có những bước tiếp theo để đưa các công dân về nước và đoàn tụ với gia đình.
Ông Kirby khẳng định rằng đối với bất kỳ công dân Mỹ nào được trả tự do, sau khi ưu tiên chăm sóc y tế, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hỗ trợ lãnh sự.
Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc gặp các Thượng nghị sĩ Mỹ ở Cairo ngày 4/1, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc trao đổi tù nhân cũng như tăng cường đưa viện trợ nhân đạo...