Mỹ nín thở chờ đón bệnh nhân Ebola thứ hai
Sáng 6.10, bệnh nhân Ebola thứ hai sẽ từ Liberia trở về Mỹ để điều trị tại Trung tâm Y tế Nebraska ở Omaha. Bệnh nhân này có thể là nhà quay phim tự do Ashoka Mukpo đang làm việc cho kênh truyền hình NBC. Bố của Mukpo cho biết, anh đã “đếm từng phút” để rời Liberia, nhưng anh không cảm thấy mệt mỏi lắm trước khi lên đường.
Sau khi được chẩn đoán nhiễm Ebola giữa tuần qua, Mukpo đã rời Liberia hôm 5.10 trên một chiếc máy bay thuê riêng, được trang bị đặc biệt để tới bang Nebraska. Sau khi tới sân bay, bệnh nhân sẽ lập tức được đưa tới một khu vực phía xa của sân bay, tách biệt hẳn khu vực hành khách. Tại đây xe cấp cứu chờ sẵn để đón bệnh nhân về bệnh viện.
Tại các sân bay Mỹ, việc soi chiếu hành khách từ các nước có dịch sẽ được tăng cường, cùng với việc kiểm tra nhiệt độ, nhằm giám sát Ebola – các quan chức Mỹ cho biết. “Việc này không dễ chút nào. Hiện không còn nhiều chuyến bay trực tiếp từ các nước có Ebola tới Mỹ. Nhiều hành khách bay trên các chuyến bay nối chuyến từ nhiều vùng khác trên thế giới rồi mới tới đây, nên việc giám sát gặp nhiều thách thức hơn”.
Theo dự kiến, hôm nay Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden sẽ báo cáo với Tổng thống Obama về tình hình dịch. Mặc dù các chuyên gia CDC tin rằng họ có thể kiểm soát dịch, song số người có nguy cơ phơi nhiễm với Ebola đang tăng lên. Sức khỏe của Tom Duncan, bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ, đang xấu đi, từ nghiêm trọng sang nguy kịch. Nỗi sợ Ebola cũng đang lan ra trong người dân Mỹ, khi nơi này nơi kia bắt đầu có thông tin có người có nguy cơ nhiễm Ebola, tuy nhiên chưa có thêm trường hợp nào được khẳng định.
Video đang HOT
Ở Châu Âu, các chuyên gia cho rằng, nếu lây lan với tốc độ hiện nay, Ebola sẽ tới Pháp, Anh vào cuối tháng 10 tới.
Theo LDO
Ebola: Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an họp khẩn vì một vấn đề y tế
Tại cuộc họp khẩn cấp chiều 18/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết kêu gọi các nước tăng cường nguồn lực chống lại đại dịch Ebola. Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia khác đã hưởng ứng lời kêu gọi này và cam kết viện trợ.
Các thành viên HĐBA trao đổi trước khi bước vào cuộc họp chính thức về Ebola. Ảnh: UN.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, "quy mô và mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay đòi hỏi sự hành động quốc tế chưa từng có đối với một tình trạng khẩn cấp về y tế".
Chính vì mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy của đại dịch Ebola, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã phải triệu tập cuộc họp khẩn vì một vấn đề y tế công cộng. Đây cũng mới là lần thứ hai trong suốt lịch sử của mình, cơ quan chịu trách nhiệm về những mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, phải họp về một vấn đề y tế, sau cuộc họp về đại dịch AIDS năm 2000.
Trong nghị quyết của mình, HĐBA khẳng định, Ebola "là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Tại cuộc họp, TS. Margaret Chan - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định Ebola không chỉ là một thảm họa y tế, mà là thảm họa xã hội và đe dọa an ninh toàn cầu, và "đây có thể là thách thức lớn nhất trong thời bình mà LHQ và các cơ quan của nó từng phải đối mặt".
Theo thống kê mới nhất của WHO, ít nhất 5.300 người đã mắc Ebola, và hơn 2.600 người đã tử vong. Ông Ban Ki-moon cho biết, với tốc độ cứ mỗi 3 tuần lại tăng gấp đôi số ca lây nhiễm, thế giới cần tăng gấp 20 lần mức hỗ trợ hiện nay, lên tổng trị giá khoảng gần 1 tỉ USD, mới có thể đối phó hiệu quả với đại dịch này trong vòng 6 tháng tới. Trước tình hình đó, ông Ban tuyên bố thành lập một nhóm hành động khẩn cấp của LHQ để đối phó với Ebola.
Tất cả 15 thành viên HĐBA đã hoàn toàn tán thành với nghị quyết của hội nghị, theo đó kêu gọi bãi bỏ các hạn chế về đi lại và phong tỏa biên giới, đã được ban hành do sự bùng phát của Ebola; nối lại các dịch vụ vận chuyển đường biển và hàng không tới các nước bị ảnh hưởng; và tăng cường đưa các nhân viên y tế cùng đồ tiếp tế tới các nước này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ban Ki-moon, bà Margaret Chan và nhiều thành viên HĐBA chia sẻ nhận định rằng, việc phong tỏa và cô lập như một số nước làm trong thời gian vừa qua, mặc dù có thể hiểu được như một phản ứng nhất thời nhằm đảm bảo an toàn, nhưng về lâu dài sẽ không những không giải quyết được vấn đề, mà thậm chí còn làm đại dịch bùng phát tới mức khó kiểm soát hơn. Vì vậy, hội nghị nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận sang hướng mở rộng liên lạc, nhằm đưa sự hỗ trợ tối ưu nhất từ bên ngoài vào vùng dịch.
HĐBA khuyến khích chính quyền các nước Liberia, Sierra Leone và Guinea đẩy mạnh việc chẩn đoán và cách ly những ca nghi nhiễm Ebola, đồng thời phát động các chiến dịch giáo dục cộng đồng về virus này. HĐBA cũng đề nghị 3 nước nói trên tiếp tục những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề chính trị, an ninh và nhan đạo liên quan tới dịch Ebola.
Tại hội nghị, đại diện hơn 130 quốc gia tham dự, trong đó có Việt Nam, đã cam kết tham gia viện trợ cho nỗ lực chung này. Bà Samantha Power - Đại sứ Mỹ tại LHQ, Chủ tịch HĐBA, cho biết đây là sự ủng hộ lớn nhất từ trước tới nay dành cho một nghị quyết của HĐBA.
Tuấn Anh (từ New York)
Theo dantri
Thêm nhiều hãng hàng không huỷ chuyến tránh dịch Ebola Các quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone, nơi đại dịch Ebola hoành hành, đang ngày càng bị cô lập khi có thêm nhiều hãng hàng không huỷ chuyến bay đến đây. Các hãng hàng không đã huỷ hơn 1/3 số chuyến bay quốc tế đến 3 quốc gia đang xảy ra đại dịch Ebola ở Tây Phi vì lo ngại loại virus...