Mỹ: Kỳ vọng ngày Black Friday bận rộn
Trong khi nhiều nhà bán lẻ tại Mỹ mở cửa từ 5h sáng 26/11 để đón khách nhân ngày “ Black Friday”, ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm thì nhiều khách hàng cũng thức dậy sớm hơn thường lệ để tranh thủ tìm mua những món quà trang trí trong dịp Giáng sinh do lo ngại tình trạng hết hàng nhanh chóng.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở Rosemead, California, Mỹ, ngày 22/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Diễn ra một ngày sau Lễ tạ ơn, ngày hội giảm giá “Black Friday” thường là ngày mở đầu cho mùa mua sắm cuối năm. Trong những năm trước, các nhà bán lẻ thường treo biển giảm giá ít nhất 50% mọi sản phẩm từ quần áo, đồ chơi đến TV, thu hút hàng đoàn dài các khách hàng tập trung bên ngoài các cửa hàng trong khi các trung tâm thương mại cũng chật ních khách.
Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, những đám đông có phần giảm đi, đặc biệt là trong năm 2020 khi hầu hết người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng và nỗi lo COVID-19 vẫn phủ bóng.
Dẫu vậy, năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ vẫn chuẩn bị cho kịch bản khách hàng chen chân mua sắm vì lo ngại chuỗi cung ứng tắc nghẽn có thể khiến các nhà phân phối chậm nhập hàng để đáp ứng nhu cầu dịp Giáng sinh.
Chuyên gia phân tích thị trường bán lẻ Mỹ của Deloitte, Rod Sides, nhận định mọi người đều đang có tâm lý được trở lại nhịp sống bình thường, những khách hàng đến sớm sẽ có được những món ưng ý.
Video đang HOT
Một khảo sát của Deloitte chỉ ra rằng ngay từ trước ngày “Black Friday”, mọi người đã tiêu từ 80 – 85% khoản tiền dự chi cho dịp mua sắm cuối năm. Các món hàng như tai nghe không dây Airpod, xe điện cỡ nhỏ Hoverboard, đồ chơi, tai nghe và laptop được cho là sẽ sớm “cháy hàng”.
Theo Adobe, so với cùng kỳ năm ngoái 2019 thì từ đầu tháng 11 đến nay, số lượng tin nhắn báo hết hàng đã tăng 261%. Giám đốc bán lẻ tại công ty tư vấn Publicis Sapient, Andy Halliwell, cho biết nhiều cửa hàng đồ chơi lớn tại Bắc Mỹ đã thông báo thiếu hàng. Giám đốc này cũng dự báo tình trạng tương tự sẽ xảy ra với các mặt hàng điện tử. Theo Adobe, các mặt hàng điện tử, vốn đã giảm nguồn cung vì tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, thường bị báo là không có sẵn trong kho, tiếp đến là các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia dụng và đồ làm vườn, đồ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một động lực khác cho mùa mua sắm cuối năm nay phải kể đến là người tiêu dùng Mỹ hiện được cho là có nguồn tiền rủng rỉnh sau nhiều vòng trợ cấp mà chính phủ nước này tung ra trong thời gian đại dịch hoành hành. Cùng với đó là tâm lý thoải mái hơn khi các công ty bắt đầu nâng lương để cạnh tranh tìm kiếm nhân viên trong bối cảnh khan hiếm lao động. Các dữ liệu công bố hồi giữa tuần, chi tiêu khách hàng đã tăng 1,3% trong tháng 10, cao hơn dự kiến.
Dịp “Black Friday” năm nay tại Mỹ, các chuỗi bán lẻ như Target, Macys và Walmart đã bố trí thêm nhiều không gian và nhân viên làm việc tại các điểm trả hàng và bãi giữ xe. Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, đã thuê 150.000 nhân công trong các dịp nghỉ lễ năm nay. Target cũng bổ sung hơn 18.000 chỗ trong các bãi giữ xe, hơn gấp đôi con số năm ngoái.
Về nỗi lo dịch bệnh COVID-19, báo cáo của nền tảng khảo sát người tiêu dùng Attest chỉ ra có khoảng 2/3 trong tổng số 1.000 người được hỏi ngày 13/11 cho biết cảm thấy thoải mái khi đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng dù dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Một số chuỗi bán lẻ lớn như Walmart, Best Buy và Target không yêu cầu khách hàng đã tiêm phòng phải đeo khẩu trang, nhưng một số trung tâm thương mại trong nhà vẫn duy trì yêu cầu này. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch, nhiều cửa hàng tại Mỹ cũng phải tăng cường an ninh sau các vụ trộm đồ xảy ra với một số cửa hàng bán đồ cao cấp.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ sẽ giảm tốc một chút vì chi phí cung ứng tăng cũng khiến nhiều nhà bán lẻ tăng giá sản phẩm hoặc giảm giá ít hơn. Theo dữ liệu của Cục thống kê lao động Mỹ, giá các mặt hàng trang sức đã tăng 8,6% trong 10 tháng đầu năm, tỷ lệ này trong cùng kỳ năm 2020 và 2019 lần lượt là 0% và 6,2%.
Cơ hội 'hồi sinh' hoạt động mua sắm truyền thống
Đến hẹn lại lên, mùa mua sắm lớn nhất dịp cuối năm đã bắt đầu với sự kiện đầu tiên Black Friday, còn được biết tới là "Ngày Thứ Sáu đen".
Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở Rosemead, California, Mỹ, ngày 22/11/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Được ấn định vào ngày thứ Sáu đầu tiên ngay sau ngày Lễ Tạ ơn, Black Friday năm nay rơi vào ngày 26/11. Sự kiện không chỉ được các hãng bán lẻ mong chờ để đẩy mạnh doanh thu mà còn được người tiêu dùng trông đợi nhờ hàng loạt ưu đãi giảm giá sâu.
Năm ngoái, dù doanh thu của các hãng bán lẻ có giảm so với năm 2019 và sự ảm đạm của các cửa hàng truyền thống do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Black Friday 2020 lại chứng kiến sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến. Năm nay, song hành với các kênh mua sắm trực tuyến, "Ngày thứ Sáu đen" được dự báo sẽ là sự "hồi sinh" của các cửa hàng truyền thống bất chấp làn sóng dịch bệnh mới đã xuất hiện.
Theo CBS News, vào dịp Lễ Tạ ơn và đặc biệt là trong "Ngày thứ Sáu đen" năm nay dự kiến sẽ có hàng triệu người Mỹ đổ tới các cửa hàng truyền thống hay sẵn sàng chờ săn mã giảm giá trực tuyến để bù đắp cho quãng thời gian dài ở nhà do dịch bệnh. Dự báo mới được công bố tháng 11 này của Liên đoàn bán lẻ Mỹ cũng cho rằng, chi tiêu trong các dịp lễ vào 2 tháng cuối năm nay sẽ tăng kỷ lục với doanh số bán lẻ tăng hơn 10%, lên 859 tỷ USD. Năm nay, ước tính sẽ có khoảng 158,3 triệu người Mỹ mua sắm trong 4 ngày sau ngày Lễ Tạ ơn, từ 26/11 (Black Friday) - 29/11 (Cyber Monday - Ngày Thứ Hai Điện tử). Con số này dù thấp hơn mức 165,3 triệu người năm 2019 (thời điểm trước đại dịch) nhưng vẫn cao hơn mức 158,3 triệu người trong năm ngoái. Đáng chú ý, trong 4 ngày mua sắm thì Black Friday vẫn là ngày được nhiều người lựa chọn nhất với 108 triệu người. Năm nay, tỷ lệ người lựa chọn trực tiếp đến cửa hàng trong Black Friday cũng tăng từ 51% trong năm ngoái lên 64%. Thời trang, thẻ quà tặng và đồ chơi là ba loại hàng hóa được người tiêu dùng Mỹ lựa chọn nhiều nhất.
Lý giải cho những dự báo trên, chuyên gia phân tích trong lĩnh vực bán lẻ Neil Saunders, trong cuộc trả lời phỏng vấn với CBS, cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén do vẫn đang tiết kiệm tiền khi không thể đi du lịch và nghỉ dưỡng. Vì vậy việc chi tiêu cho các sự kiện mua sắm là để có một kỳ nghỉ cuối năm vui vẻ hơn sau một năm bị bỏ lỡ vì dịch bệnh.
Chuyên gia Neil Saunders cũng cho rằng, Black Friday năm nay, người tiêu dùng sẽ muốn đến cửa hàng mua sắm trực tiếp nhiều hơn, nhưng mua sắm online cũng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. Theo dữ liệu mới nhất từ Adobe, doanh số bán hàng trực tuyến trong kỳ nghỉ lễ tháng 11 và 12/2021 tại Mỹ sẽ đạt tới 207 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này cũng tương quan với những dự báo của Nationwide đưa ra ngày 23/11 rằng bên cạnh việc lựa chọn tới tận cửa hàng để mua sắm trong dịp Black Friday năm nay, người tiêu dùng vẫn sẽ tiêu tiền trên không gian mạng vào buổi đêm. Vào thời điểm trước đại dịch, năm 2019, Nationwide đã ghi nhận con số kỷ lục 1,01 triệu giao dịch thanh toán qua thẻ ghi nợ được thực hiện vào lúc nửa đêm đến sáng sớm (từ 0h - 9h).
Dù dự báo chi tiêu dịp Black Friday năm nay nói riêng và cả mùa lễ hội cuối năm nói chung sẽ tăng mạnh, vẫn còn những quan ngại về các yếu tố có thể tác động tới triển vọng này như lạm phát, tắc nghẽn chuỗi cung ứng hay giá nhiên liệu tăng cao thời gian gần đây.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19 cũng đồng nghĩa các công ty sẽ vất vả hơn trong việc đảm bảo hàng dự trữ nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng tăng vọt dịp cuối năm. Metapack, đơn vị trung gian giữa các nhà bán lẻ và các hãng vận chuyển, cho biết, số lượng bưu kiện đã tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ông Garvin Ucko, Giám đốc điều hành Công ty đồ chơi Happy Puzzle cho biết công ty ông hiện đang phải đợi 4 container chở khoảng 60.000 bộ đồ chơi vận chuyển từ Trung Quốc. Ông Ucko lo lắng: "Nếu chúng tôi không nhận được số hàng này đúng hạn, vấn đề sẽ vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì số hàng này có nguy cơ sẽ thành hàng tồn kho của năm sau".
Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh dịp cuối năm do sự phục hồi của nền kinh tế và việc giá nhiên liệu tăng phi mã thời gian gần đây đã đẩy chi phí vận tải tăng cao. Điều này đồng nghĩa các công ty sẽ không thể giảm giá quá nhiều cho người tiêu dùng. Williams-Sonoma, chủ sở hữu công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp cũng như chuỗi cửa hàng cao cấp như Pottery Barn, đã phải bỏ dần các chương trình khuyến mãi trên trang web, trong khi số mặt hàng giảm giá trên kệ của hãng bán lẻ Macy's cũng không nhiều như trước đây.
Nhiều nước trên thế giới hiện đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao chưa từng thấy. Giá cả tại Mỹ hiện đã tăng hơn 6%, điều chưa từng xảy ra trong hơn 3 thập niên qua. Liên minh châu Âu (EU) cũng chứng kiến lạm phát tăng đến 4,1%. Con số này của Anh là 4,2%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cũng phần nào tác động tới tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng. Theo một khảo sát do Conference Board thực hiện tháng 10 vừa qua, người tiêu dùng Mỹ có thể chi trung bình 1.022 USD cho việc mua sắm trong dịp cuối năm nay, giảm nhẹ so với các năm 2019 và 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xu hướng tiêu dùng đã tích cực trở lại dù vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với việc người tiêu dùng sẵn sàng "mở hầu bao" hơn. Black Friday năm nay được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm.
Mỹ cảnh báo những khó khăn trong chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến năm 2022 Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg ngày 17/10 cảnh báo các rắc rối trong chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến mùa mua sắm nghỉ lễ sắp tới và kéo dài đến năm 2022. Người dân chọn mua hàng sale trong ngày Black Friday tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN...