Mỹ: Kiện vì bị cảnh sát dùng chó đặc vụ khám nhà
Tòa án tối cao Mỹ ngày 6/1 đã chấp thuận xét xử vụ kiện phán quyết xem việc sử dụng chó nghiệp vụ của cảnh sát để phát hiện ma túy trong nhà có vi phạm quyền hiến định của người dân hay không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Một chủ nhà ở Miami bị cáo buộc trồng cây anh túc trong nhà đã kiện ngành cảnh sát vì sử dụng chó đặc vụ phát hiện ma túy mà chưa có lệnh khám nhà.
Tu chính án số bốn của hiến pháp Mỹ quy định cảnh sát phải trình bằng chứng trước một thẩm phán để xin lệnh khám xét nhà trong quá trình điều tra tội phạm.
Cảnh sát Miami đã không có lệnh khám xét khi chú chó nghiệp vụ Franky phát hiện ra cây anh túc trồng trong nhà của Joelis Jardines vào tháng 12/2006.
Sau đó, cảnh sát đã dùng chính phản ứng của Franky để xin lệnh khám nhà. Cuộc khám xét sau đó của cảnh sát phát hiện ra 179 cây anh túc trồng trong các lồng kính trong nhà. Jardines bị bắt giữ khi đang cố trốn thoát qua đường cửa sau.
Tòa sơ thẩm đã bác các chứng cứ chống lại Jardines với lý do chứng cứ của cảnh sát đã được thu thập một cách bất hợp pháp.
Các công tố viên kháng án và tòa phúc thẩm cấp bang sau đó đã đảo ngược phán quyết, tuyên bố Jardines có tội trồng và tàng trữ ma túy.
Tuy nhiên, Tòa thượng thẩm bang Florida lại đảo ngược phán quyết lần nữa vào tháng 4/2011, khi Jardines kháng án.
Video đang HOT
Tòa nói nếu không có những hạn chế cần thiết với chó nghiệp vụ của cảnh sát, quyền riêng tư của các chủ nhà có thể bị xâm phạm trên diện rộng.
“Không có gì ngăn cản cảnh sát làm việc theo đúng quy trình trong một vụ tố tụng hình sự liên quan tới nhà riêng của bất cứ công dân nào,” biên bản đa số của Tòa thượng thẩm Florida viết.
Chưởng lý Florida, Pam Bondi, sau đó đã kháng án lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Lập luận của các công tố viên là việc chú chó hít ngửi không khí bên ngoài ngôi nhà không phải là một cuộc khám xét nhà.
Bà Bondi cũng cho rằng ngăn cản cảnh sát sử dụng chó nghiệp vụ chuyên phát hiện ma túy để thu thập bằng chứng sẽ gây tác động rất xấu lên việc thực thi pháp luật.
“Và quan trọng nhất, quyết định của Tòa thượng thẩm Florida đã tước mất một công cụ không thể thay thế của lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện những kẻ trồng cần sa trong phòng khách nhà mình, xây nhà máy chế biến thuốc phiện trong nhà bếp và cất giấu xác người dưới tầng hầm, hay những quả bom tự chế trong nhà xe,” đơn kháng án của Bondi viết. “Chó nghiệp vụ có thể phát hiện ra tất cả những điều này đơn giản nhờ việc hít thở không khí.”
Mười tám ban ở Mỹ và vùng lãnh thổ Guam đã nộp khuyến cáo ủng hộ đơn kháng án của Bondi cho Tòa tối cao.
Truyền thống ở Tòa án tối cao Hoa Kỳ là coi quyền riêng tư của người dân trong nhà mình lớn hơn ở các khu vực công cộng hay trong xe hơi, nơi chó nghiệp vụ của cảnh sát có thể tiến hành dò xét một cách hợp pháp. Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 6./.
Theo TTXVN
Pakistan cho CIA khám nhà Osama Bin Laden
Pakistan đã đồng ý để Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) khám xét khu nhà của Osama bin Laden tại thị trấn Abbottabab, sử dụng thiết bị tinh vi nhằm lục soát xem liệu thủ lĩnh al-Qaeda có giấu các tài liệu bí mật trong những bức tường hay chôn dưới đất hay không.
Người dân Pakistan tập trung quanh ngôi nhà của Osama bin Laden tại thị trấn Abbottabab.
Bin Laden bị phát hiện ẩn náu trong một khu nhà ở Abbottabad, phía bắc Pakistan, nơi trùm khủng bố bị tiêu diệt bởi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sau khi CIA xác nhận thủ lĩnh al-Qaeda đang trốn ở đó.
Nhưng với động thái "bật đèn xanh" của Pakistan, CIA sẽ lần đầu tiên được bước vào khu nhà của Bin Laden. Trước đó, CIA chỉ giám sát từ xa bằng vệ tinh, máy bay do thám và các điệp viên hoạt động từ một ngôi nhà bí mật gần đó.
Các quan chức Mỹ cho hay một nhóm khám nghiệm dự kiến tới tới khu nhà tại Abbottabab trong vài ngày tới. Mục tiêu của chuyến viếng thăm là lục soát địa điểm để tìm kiếm những tài liệu giá trị mà các lực lượng Mỹ hoặc lực lượng an ninh Pakistan có thể đã bỏ quên sau chiến dịch đột kích hôm 2/5.
"Đội tìm kiếm dự kiến sẽ có mặt tại đó chỉ trong 40 phút. Mục tiêu của sự trở lại là tiến hành một cuộc khám xét khác, toàn diện hơn", một quan chức Mỹ giấu tên nói.
CIA dự kiến sẽ sử dụng các camera hồng ngoại và các thiết bị tinh vi khác có khả năng phát hiện tài liệu có thể bị giấu sau các bức tường, bên trong các két sắt hoặc dưới đất.
Trong cuộc đột kích hồi đầu tháng này, đội biệt kích đã thu thập được một số lượng lớn các tài liệu tình báo và ổ cứng máy tính từ ngôi nhà của Bin Laden. Nhưng CIA muốn trở lại để khám xét kỹ hơn.
Nhóm khám nghiệm cũng muốn có cái nhìn gần hơn đối với khu nhà để xem liệu họ có thể biết được điều gì từ nơi ẩn náu của Bin Laden hay không.
Phó giám đốc CIA Michael J. Morell đã trực tiếp thương thảo về việc tiếp cận nơi ẩn náu của Bin Laden trong chuyến thăm Islamabad tuần trước, khi ông có cuộc gặp với Tướng Ahmed Shuja Pasha, người đứng đầu cơ quan tình báo ISI của Pakistan.
Một phụ nữ Pakistan chụp ảnh con gái tại công khu nhà của Osama bin Laden.
Pakistan đã nổi giận sau khi Mỹ đơn phương thực hiện vụ đột kích tại Abbottabab mà không thông báo gì cho Islamabab cho tới khi chiến dịch hoàn thành. Phía Mỹ thì nghi ngờ một số quan chức an ninh Pakistan biết nơi ẩn náu của Bin Laden và che chở cho trùm khủng bố.
Việc Pakistan cho phép CIA tiếp cận khu nhà tại Abbottabab được xem là một dấu hiệu tích cực cho thấy cơ quan tình báo của 2 nước sẽ tiếp tục hợp tác sau hàng loạt căng thẳng.
Pakistan cũng đã đồng ý cho phép CIA kiểm tra các tài liệu mà lực lượng an ninh nước này thu giữ được từ căn nhà của Bin Laden trong những ngày sau vụ đột kích.
Đổi lại, CIA đã đề nghị ISI trợ giúp phân tích một số cuốn băng bị thu giữ và được chuyển tới một cơ sở phân tích tài liệu của CIA ở phía bắc bang Virginia.
Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Pakistan
Trong một diễn biến khác liên quan tới quan hệ Washington-Islamabab, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay đã đến Pakistan trong một chuyến thăm không báo trước nhằm giảm căng thẳng giữa 2 nước.
Bà Clinton là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Pakistan kể từ sau vụ đột kích. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ thông báo rút bớt các binh sĩ khỏi Pakistan theo một yêu cầu của Islamabab.
Trong chuyến thăm, bà Clinton dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Asif Ali Zardari, Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan - Tướng Ashfaq Parvez Kayani, và giám đốc ISI Ahmad Shuja Pasha.
Tháp tùng bà Clinton là Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Theo Dân Trí