Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút tên lửa triển khai trái phép khỏi quần đảo Trường Sa
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh rút tên lửa mà nước này triển khai trái phép ở quần đảo Trường Sa, Sputnik dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và tái khẳng định rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết các tranh chấp thông qua cưỡng chế hoặc đe dọa”, thông cáo cho hay, nói thêm rằng 2 nước đã đồng ý ủng hộ một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các chuyến bay trên biển và việc sử dụng các tuyến đường biển một cách hợp pháp trong khu vực.
Thông cáo này được đưa ra sau đối thoại ngoại giao và an ninh được tổ chức hôm 9/11 với sự tham gia của goại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ủy viên bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút tên lửa triển khai trái phép khỏi quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc xây dựng các căn cự quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.
“Chúng tôi tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các cam kết trong quá khứ của họ”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng.
Đáp trả, Ủy viên bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết Bắc Kinh đã cam kết “không đối đầu” nhưng có quyền xây dựng các “cơ sở quốc phòng” cần thiết, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng gửi tàu chiến và máy bay quân sự tới Biển Đông.
Video đang HOT
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bác bỏ lời kêu gọi này, khẳng định Washington vẫn sẽ hành động theo luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền tiếp cận Biển Đông của Mỹ và các nước khác.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng 5, ông Mattis cho biết mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn chuyển vũ khí tới đó.
CNBC hồi đầu tháng 5 dẫn nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã âm thầm triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tới các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phản ứng trước sự việc, Mỹ cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đằng sau các hoạt động quân sự hóa liên tục của nước này tại khu vực các bên tuyên bố lãnh thổ.
Ngoại trưởng Australia cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, cho rằng động thái này đi ngược lại với trách nhiệm cần có của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
(Nguồn: Sputnik)
SONG HY
Theo VTC
Mỹ cảnh báo "hậu quả" việc TQ đưa tên lửa ra Biển Đông
Trung Quốc né tránh câu hỏi về việc liệu nước này có lắp đặt các hệ thống tên lửa ở Biển Đông hay không, nhưng Nhà Trắng cảnh báo hành động này sẽ dẫn đến "hậu quả cả về ngắn hạn và lâu dài".
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc, tính năng tương tự như hệ thống S-300 của Nga.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B tại 3 tiền đồn trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Bình luận về diễn biến mới nhất này, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi nhận thức rõ các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ quan ngại với Trung Quốc và vấn đề này sẽ gây ra hững hậu quả trong ngắn và dài hạn".
Nếu thông tin trên được xác thực, đây được coi là căng thẳng nghiêm trọng nhất liên quan đến tình hình Biển Đông. Bởi đây được cho là lần đầu tiên Trung Quốc đưa trái phép tên lửa đến quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3.5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không xác nhận, cũng không phủ nhận thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa.
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam.
"Trung Quốc có những hành động cần thiết để bảo vệ các căn cứ vì vấn đề an ninh quốc gia", bà Hoa nói.
Theo đài CNBC, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 cho phép Trung Quốc có thể tấn công tàu thuyền trong bán kính 500km, còn tên lửa đất đối không HQ-9B có thể tấn công mục tiêu máy bay, tên lửa hành trình ở khoảng cách 257 km.
Eric Sayers, cựu cố vấn của chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc là "sự leo thang nghiêm trọng". Ông Sayers cho rằng, Mỹ có thể hủy lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC vào tháng 7 tới.
Hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn thường xuyên tuần tra tự do hàng hải xung quanh khu vực.
"Trung Quốc nên biết rằng họ cũng được hưởng lợi từ việc di chuyển tự do trên biển và hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đảm bảo tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Dana White nói.
Theo Danviet
Phản ứng khác lạ của tàu TQ khi thấy tàu sân bay trực thăng Nhật ở Biển Đông Thông điệp qua radio đến trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật ấm lên, nhưng giới phân tích cảnh báo không nên quá vội vàng kỳ vọng. Nhật Bản hiện sở hữu hai tàu sân bay trực thăng. Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), tàu khu trục tên lửa Trung Quốc chạm trán tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật...