Mỹ công bố gói viện trợ phòng không trị giá 2,1 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 9/6, Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá 2,1 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó bao gồm các hệ thống phòng không và đạn dược quan trọng, nhằm củng cố năng lực phòng không cho Kiev trong dài hạn.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Đức tại Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh tư liệu (minh hoạ): AFP/TTXVN
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ bao gồm đạn cho hai hệ thống phòng không Patriot và Raytheon HAWK, đạn pháo 105mm và 203mm, máy bay không người lái AeroVironment Puma, đạn dành cho hệ thống rocket dẫn đường bằng laser, cùng các dịch vụ hỗ trợ huấn luyện và bảo trì.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ khoản viện trợ này được cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Gói viện trợ này dự kiến được giải ngân trong nhiều tháng và nhiều năm tới để đảm bảo nhu cầu an ninh trong tương lai của Ukraine.
Tính từ tháng 2/2022 tới nay, Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nước này đã cung cấp một số loại vũ khí tiên tiến cho Kiev, trong đó có xe tăng Abrams và hệ thống phòng không Patriot. Quỹ USAI cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp này, chứ không rút từ các kho vũ khí của Mỹ. Thay vì cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này hiện đang cần, các gói của USAI sẽ tạo ra nguồn cung trung hạn và dài hạn cho Ukraine.
Các nước vùng Hồ lớn châu Phi kêu gọi ngừng bắn tại CHDC Congo và Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 3/6, các quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế về Vùng Hồ lớn (ICGLR) đã kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch ở CHDC Congo (DRC) và Sudan.
Tại hội nghị thượng đỉnh tại Luanda, thủ đô của Angola, các quốc gia thành viên ICGLR đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện sự phối hợp và thực hiện cơ chế giám sát và đánh giá lệnh ngừng bắn của Phong trào 23/3 (M23) và việc rút khỏi các khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng.
Thông cáo được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự tham gia của các thỏa thuận đạt được trong tiến trình Luanda và Nairobi, đồng thời lên án bất kỳ nỗ lực nào của M23 và các nhóm vũ trang khác nhằm củng cố lực lượng của họ nhằm nối lại chiến sự ở các khu vực bị chiếm đóng. Thông cáo cũng nhấn mạnh việc giải trừ vũ khí ngay lập tức và hồi hương vô điều kiện.
Theo đó, Angola sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ICGLR, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Trung Phi và Cộng đồng các quốc gia Đông Phi, với sự tham gia của Liên hợp quốc và dưới sự điều phối của Liên minh châu Phi.
Cảnh đổ nát sau các cuộc pháo kích vào một khu chợ ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 1/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh cũng lên án cuộc xung đột ở Sudan, kêu gọi kích hoạt lại tiến trình hòa bình ở Sudan để tìm ra giải pháp lâu dài và hoan nghênh những nỗ lực của Liên minh châu Phi, Cơ quan liên chính phủ về phát triển và các tổ chức tiểu khu vực châu Phi khác nhằm giải quyết nhu cầu cho sự lãnh đạo và điều phối các nỗ lực của châu Phi.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi đoàn kết và tích cực phối hợp các nỗ lực khu vực cũng như châu lục để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng ở CHDC Congo và Sudan. Ông Faki Mahamat nhấn mạnh rằng giải pháp lâu dài duy nhất cho các cuộc khủng hoảng ở châu Phi là hòa bình, đối thoại và thỏa hiệp mang tính xây dựng. Ông kêu gọi tất cả các bên cam kết đi theo con đường này. Chủ tịch AU cũng đánh giá cao việc triển khai Lực lượng khu vực EAC ở miền Đông CHDC Congo, đồng thời nhận định rằng các quốc gia đóng góp quân đội đã góp phần thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lại niềm tin vào lãnh đạo cấp cao.
Về cuộc khủng hoảng ở Sudan, Chủ tịch Ủy ban AU nhấn mạnh rằng trách nhiệm chính để tìm ra giải pháp mà không cần dùng đến biện pháp quân sự "phải đến từ chính người dân Sudan". Ông nói: "Chúng tôi đang làm mọi cách có thể để thu hút họ càng nhanh càng tốt tham gia vào một cuộc đối thoại chính trị toàn diện và hoàn toàn phù hợp. Đó là cách duy nhất để cứu đất nước khỏi nội chiến và cứu toàn bộ khu vực khỏi hỗn loạn".
Ngoài Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi và Thủ tướng Rwanda Edouard Ngirente, hội nghị còn có sự tham dự của Tổng thống CH Trung Phi Faustin-Archange Touadera. Burundi, Uganda, Kenya, Nam Sudan, CH Congo, Tanzania, Zambia và Sudan cũng có đại diện cho nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị.
So sánh sức mạnh hệ thống phòng không S-350 của Nga và Patriot của Mỹ Hệ thống S-350 của Nga thường được so sánh với hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất về một số tính năng nhưng các tên lửa S-350 nhanh hơn và có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp. Hệ thống phòng không S-350 Vityaz của Nga đã bắn hạ một số máy bay chiến đấu của Ukraine ở chế...