Mỹ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về những hành động của Trung Quốc khi xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cho rằng hành động đó làm suy yếu nền hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo một tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa ra hôm 22/8, Mỹ “quan ngại sâu sắc khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động can thiệp vào hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đang khiến nhiều nước nghi ngờ về tính xác thực của cam kết của Trung Quốc, trong đó bao gồm Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử ASEAN – Trung Quốc, đối với việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: Straittimes
“Việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu chiến hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam vào ngày 13/8, là một hành vi đẩy mạnh gây hấn nhằm đe dọa các nước khác đã tuyên bố có quyền khai thác tài nguyên ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói thêm.
“Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt những bước đi mạnh bạo, can thiệp vào các hoạt động kinh tế đã có từ lâu đời của các nước ASEAN”, tuyên bố cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động của Trung Quốc “là làm suy yếu nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực, gây ra những thiệt hại về kinh tế cho các nước Đông Nam Á khi ngăn chặn cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên khí đốt có tổng giá trị ước tính vào khoảng 2,5 nghìn tỉ USD, đồng thời cho thấy Trung Quốc đang bỏ qua những quyền lợi thực hiện những hoạt động kinh tế trong khu vực EEZ của các nước khác, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996″.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Hoa Kỳ “cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đảm bảo an toàn cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để giúp hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt được diễn ra một cách liên tục để phục vụ thị trường thế giới”.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 8 đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo infonet
Tàu khảo sát Trung Quốc rút khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Chiều 7/8 nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay: " Theo thông tin chúng tôi được biết, chiều 7/8/2019 nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Bà Hằng nói thêm rằng hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.
Liên quan những vấn đề nêu trên, bà Hằng cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
" Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật", bà Hằng nói.
Việt Nam cũng luôn thể hiện, khẳng định thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
Trước đó trong hôm 7/8, một số thông tin cho thấy tàu Trung Quốc Hải Dương 8 đã rút khỏi khu vực khảo sát gần bãi Tư Chính của Việt Nam.
Theo chuyên gia Ryan Martinson, người theo dõi sát sao động thái của Hải Dương 8 lâu nay, con tàu này đã về khu vực gần đá Chữ Thập và chưa rõ có quay lại hay không. Một vài tàu hộ tống cho Hải dương 8 vẫn ở vị trí cũ gần bãi Tư Chính.
Theo China Daily, tàu Hải dương Địa chất 8 có chiều dài 88 mét, có thể chạy hành trình dài 16.000 hải lý và có tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Tàu được trang bị công nghệ tạo ra hình ảnh ba chiều có độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Trung Quốc đang làm dậy sóng Biển Đông Nền tảng đảm bảo hoà bình vững chắc, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là tập hợp và phát huy sức mạnh dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ các quốc gia trên thế giới. Từ ngày 03 đến 12/7/2019, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 cùng tàu bảo vệ bờ biển vũ trang hạng nặng...