Mỹ cắt liên lạc với nhóm kháng chiến chống Taliban
Chính quyền Biden không phản hồi liên lạc từ nhóm kháng chiến ở thung lũng Panjshir sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan gần hai tuần trước.
Ali Nazary, người phụ trách quan hệ đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia, nhóm kháng chiến chống Taliban tại thung lũng Panjshir, hôm 27/8 cho biết ông đã “tìm cách tiếp cận” nhưng chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden .
“Chúng tôi không thấy có sự quan tâm với phong trào kháng chiến vào lúc này”, Nazary nói, thêm rằng thành trì kháng chiến ở thung lũng Panjshir, đông bắc Afghanistan, có thể được sử dụng để đảm bảo an toàn cho những người mắc kẹt tại Kabul. “Họ biết chúng tôi ở đây, nhưng chúng tôi đã không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào”.
Các thành viên Mặt trận Kháng chiến Quốc gia ở thung lũng Panjshir, đông bắc Afghanistan. Ảnh chụp màn hình video NYPost .
Nazary tiết lộ lần gần nhất ông liên lạc với Nhà Trắng là vài tháng trước. Hiện họ chưa nhận được bất kỳ lời mời hay yêu cầu nào từ phía các quan chức Mỹ.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên, đây là phong trào kháng chiến duy nhất chống lại Taliban, lực lượng duy nhất còn lại chống chủ nghĩa khủng bố và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho hàng nghìn người, nhưng họ không xem xét lựa chọn này”, ông cho hay.
Nhà Trắng hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Video đang HOT
Thông tin được đưa ra khi chính quyền Biden đẩy nhanh quá trình rút quân khỏi Afghanistan khi hạn chót 31/8 đến gần. Nỗ lực sơ tán bị tạm dừng hôm 26/8 do vụ đánh bom liều chết gần sân bay Kabul khiến khoảng 170 người thiệt mạng, gồm 13 quân nhân Mỹ. Các chuyến bay sơ tán đã được nối lại sáng 27/8.
Đối với những người không thể rời khỏi Afghanistan trước thời hạn rút quân, Nazary đề xuất đưa họ đến thung lũng Panjshir để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi tin rằng diễn biến mới nhất với các vụ đánh bom liều chết khiến vị thế của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn, bởi chúng tôi đã cảnh báo chính quyền hiện tại, cảnh báo tất cả đối tác phương Tây rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế mạnh hơn so với năm 2001. Không nên bỏ qua điều này”, Nazary nhấn mạnh.
Từ 14/8 đến 27/8, Mỹ đã sơ tán khoảng 105.000 người, gồm cả công dân Mỹ và đối tác Afghanistan, một quan chức Nhà Trắng cho biết. Khoảng 1.500 người Mỹ có thể vẫn ở Afghanistan, dù con số chính xác chưa được công bố vì công dân Mỹ không bắt buộc phải đăng ký với chính phủ.
Căng thẳng cuộc chiến ở pháo đài cuối cùng của Afghanistan
Taliban và lực lượng kháng chiến Afghanistan tiếp tục ở thế giằng co tại khu vực Panjshir - thành trì cuối cùng thách thức quyền kiểm soát của Taliban.
Lực lượng phản kháng tại một chốt an ninh ở Panjshir (Ảnh: AFP).
Thung lũng Panjshir là thành trì cuối cùng của Afghanistan thách thức quyền kiểm soát của Taliban (Ảnh: Dailymail).
Cuộc chiến giằng co
Taliban ngày 23/8 cho hay, hàng trăm tay súng của họ đã "bao vây" Thung lũng Panjshir từ 3 hướng. Một tay súng Taliban nói với Washington Post rằng, các thủ lĩnh của tổ chức quyết định đưa chiến binh đến Panjshir là bởi các đàm phán với lực lượng phản kháng "không thu được kết quả nào".
Ở tỉnh Baghlan lân cận, Taliban và lực lượng phản kháng đã giao tranh từ đêm 22/8 đến sáng 23/8 với ưu thế nghiêng về Taliban. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho hay, Taliban đã chiếm lại quyền kiểm soát 3 huyện gồm Bannu, Pule Hissar và Salah của tỉnh Baghlan sau khi lực lượng phản kháng giành quyền kiểm soát các khu vực này trong thời gian ngắn. Ông Mujahid nói, hiện giờ, các tay súng Taliban đang ở "cửa ngõ Panjshir", kêu gọi lực lượng phản kháng hay Phong trào Liên minh phương Bắc và chỉ huy phong trào này ra đầu hàng.
Bên trong thành trì Panjshir, chỉ huy Phong trào Liên minh phương Bắc tuyên bố không đầu hàng và các tay súng thuộc lực lượng phản kháng đang sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn.
"Hiện tại, thung lũng vẫn yên bình, không có giao tranh. Tuy nhiên, lực lượng ở Panjshir sẵn sàng đáp trả bất cứ kịch bản nào", Fahim Khan Qiami, một trợ lý chỉ huy phong trào phản kháng cho biết.
Ahmad Massoud, một trong các chỉ huy của phong trào kháng chiến Panjshir, cho hay lực lượng của ông đã tích trữ vũ khí, đạn dược nhiều năm gần đây với dự đoán rằng Taliban sẽ quay trở lại nắm quyền lực. Ngoài ra, sau khi nhiều tỉnh, thành của Afghanistan thất thủ, nhiều binh sĩ của quân đội đã di chuyển cùng vũ khí đến Panjshir tập hợp lực lượng.
Vừa đánh, vừa đàm
Phái đoàn do cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai dẫn đầu đàm phán với các thành viên cấp cao Taliban hôm 18/8 tại một địa điểm không được công bố (Ảnh: AFP).
Giữa lúc cuộc chiến ở quanh thành trì Panjshir tiếp tục thế giằng co và có những đồn đoán về khả năng Taliban tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào khu vực này, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nhấn mạnh: "Chinh phục Panjshir bằng vũ lực là lựa chọn cuối cùng bởi điều đó đi ngược lại với chính sách của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không đi theo hướng đó".
Chỉ huy phong trào phản kháng Ahmad Massoud cũng chia sẻ với Reuters rằng, ông hy vọng có thể hòa đàm với Taliban với điều kiện Taliban chấp thuận lập một chính phủ toàn diện. Mặt khác, ông nhấn mạnh, lực lượng của ông vẫn sẵn sàng chiến đấu nếu các tay súng Taliban xâm nhập vào Panjshir.
"Cho dù thế nào, các chiến binh và tôi cũng sẽ bảo vệ Panjshir như thành trì cuối cùng của Afghanistan. Quyết tâm của chúng tôi không gì có thể lay chuyển", ông Massoud nói.
Cùng lúc đó, tại thủ đô Kabul, thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã đàm phán, thảo luận các giải pháp nhằm hạn chế bạo lực, hạn chế những gián đoạn đối với các dịch vụ công quan trọng ở Afghanistan. Hai bên đã gặp nhau hôm 21/8 để tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho tương lai đất nước, ông Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan đang tham gia vào các nỗ lực đàm phán, cho biết. Các cựu quan chức chính phủ Afghanistan đề nghị Taliban đảm bảo các quyền tự do dân sự, quyền của phụ nữ được bảo vệ.
Ông Fatima Gailani, một thành viên trong nhóm đàm phán đại diện chính quyền Afghanistan, nhận định một thỏa thuận chính trị là hy vọng duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay ở nước này.
Điều gì xảy ra nếu Taliban tấn công "pháo đài kháng chiến" Afghanistan? Hàng trăm tay súng Taliban đang tiến về thung lũng Panjshir, thành trì cuối cùng của Afghanistan. Nếu Taliban tổng tấn công, thành trì kháng chiến này khó trụ vững trong vài tháng. Lực lượng kháng chiến được tập hợp tại Panjshir dưới sự dẫn dắt của một số quan chức cấp cao của chính quyền Afghanistan (Ảnh: Facebook). Sputnik dẫn lời ông...