Muốn đại học phát triển bền vững cần có tự chủ
Trong buổi tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo chiều 14/12 giữa Bộ GD&ĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội, các đại biểu cho rằng tự chủ đại học là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hoàng Minh Sơn cho rằng, muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trước hết phải đổi mới hệ thống bằng cấp và mô hình đào tạo. Đây là nền tảng cốt yếu và động lực để thực hiện đổi mới theo nghị quyết đại hội 11.
Theo ông Sơn, hệ thống bằng cấp quốc gia phải rõ ràng, thống nhất, đổi chiếu được các hệ thống thông dụng trên thế giới. Mô hình đào tạo phải phù hợp với hệ thống bằng cấp, mềm dẻo và liên thông để có thể xây dựng các chương trình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
Ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trước hết phải đổi mới hệ thống bằng cấp và mô hình đào tạo. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trên cơ sở đó, ông Sơn kiến nghị, cần đổi mới mô hình đào tạo theo mô hình Anh – Mỹ hoặc mô hình của châu Âu lục địa và xây dựng chuẩn trình độ cho các cấp bậc đào tạo.
Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa nhận định, môi trường cạnh tranh bình đẳng chính là động lực để phát triển. Đó là sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo thuộc mọi loại hình. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là cào bằng, việc phân bổ ngân sách phải dựa trên đặt hàng của nhà nước và năng lực của cơ sở đào tạo. Để làm được điều này cần tôn trọng sự phân tầng trong hệ thống giáo dục xảy ra theo cơ chế tự nhiên, có hành lang pháp lý, xóa bỏ độc quyền và đặc quyền.
“Tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ phát huy tối đa nội lực của các cơ sở đào tạo, tạo nền tảng và động lực để toàn hệ thống tự đổi mới”, ông Sơn nhấn mạnh.
Hiệu phó ĐH Bách khoa Nguyễn Cảnh Lương nêu bối cảnh Việt Nam đang gia tăng số lượng và loại hình các trường đại học, cao đẳng nhưng lại không thống nhất trong điều hành, quản lý hệ thống, thiếu cơ chế phù hợp, bình đẳng. Bộ Giáo dục lại thiếu cơ chế giám sát toàn hệ thống, lúng túng trong quản lý, điều hành.
Chính điều đó làm cho Việt Nam chưa có chiến lược phát triển cho hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và nguy cơ về sự tụt hậu, phát triển thiếu kiểm soát. Khi các trường bị trói buộc bởi cơ chế quản lý lạc hậu, các trường không có điều kiện phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm dẫn đến trì trệ.
Video đang HOT
Hiệu phó Lương cho rằng, Bộ Giáo dục cần có cơ chế quản lý bình đẳng, khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững. Trong vấn đề tự chủ, các trường cần có tự chủ về học thuật (ngành, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chất lượng và phương thức tuyển sinh), tài chính, và tổ chức cán bộ. Đồng thời, các trường cần tự chịu trách nhiệm đối với xã hội, nhà nước và chính mình.
Hiệu phó Lương cho rằng, Bộ Giáo dục cần phải có cơ chế quản lý bình đẳng, khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Tuy nhiên, ông Lương cũng nhấn mạnh, vấn đề tự chủ chưa thể triển khai ngay trong toàn bộ hệ thống để đảm bảo sự phát triển ổn định. Trước hết cần thực hiện thí điểm cho một số trường có năng lực và tự nguyện, từ đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời trước khi nhân rộng.
“Tự chủ và tự chịu trách nhiệm luôn song hành và có quan hệ hữu cơ. Tự chịu trách nhiệm quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường đại học trong cơ chế tự chủ”, ông Lương nói.
Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải làm theo kế hoạch. Bộ sẽ nghiên cứu để có một khung luật áp dụng cho các trường. Đối với trường nghiêm túc, đào tạo chú ý đến chất lượng, đặt mục tiêu phát triển lâu dài sẽ được tự do hoàn toàn. Cơ chế xin cho trong giáo dục cũng sẽ dần chuyển sang tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển lành mạnh.
“Đổi mới toàn diện sẽ thực hiện từng bước. Trong quá trình đó nếu trường nào vi phạm sẽ bị thu lại quyền tự chủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo VNE
'Đổi mới giáo dục không thể ngẫu hứng'
Nhiều giáo sư đầu ngành cho rằng muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì phải đổi mới từ cơ sở, không ngẫu hứng hay đẽo cày giữa đường.
Sáng 16/12, hội thảo khoa học toàn quốc về "Tâm lý học và Giáo dục học với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội. Nhiều giáo sư, phó giáo sư đầu ngành, nhà giáo ưu tú đã chia sẻ, đề xuất tâm huyết nhằm phát triển giáo dục nước nhà.
GS Nguyễn Đức Thạc thẳng thắn cho rằng, đang diễn ra sự tha hóa trong nhân cách của một bộ phận nhà giáo. Nguyên nhân chính là do đồng lương không đủ đảm bảo cuộc sống gia đình.
GS Nguyễn Đức Thạc hy vọng Bộ Giáo dục, các cấp quản lý sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của những nhà giáo tâm huyết để đổi mới giáo dục. Ảnh: Hoàng Thùy.
Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong thì cho rằng giáo dục là không loại trừ một ai và phải thực hiện giáo dục cưỡng bức. Thế nhưng theo báo cáo, một vài năm gần đây Việt Nam có tới 1,2 triệu học sinh bỏ học, như vậy là loại trừ quá nhiều.
Cũng trăn trở với nền giáo dục hiện tại, GS Nguyễn Minh, nguyên Chủ tịch Viện Tâm lý Giáo dục Khánh Hòa cho biết trong một xã hội mà người dân tin rằng cái gì không làm được bằng tiền thì có thể làm được bằng rất nhiều tiền, giáo dục tất yếu sẽ giảm sút. Tình trạng chạy trường, chạy lớp vẫn còn phổ biến thì nguyên nhân tham nhũng trong giáo dục cần phải được chú ý.
Theo giáo sư, giáo dục của đất nước chịu ảnh hưởng từ ba nền giáo dục, Nho giáo, Pháp, Nga nên có đầy đủ những hạn chế như nặng khoa cử, bằng cấp, thiếu tinh hoa và đề cao quá mức chứng năng phục vụ chính trị.
GS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận định, hiện nay chân, thiện, mỹ trong nhà trường không được coi trọng. Giáo viên dạy học sinh học văn mẫu, một số lại đối xử thiếu nhân đạo với học sinh và cái đẹp ở trường học phần nhiều là do quảng cáo. Ông cho rằng, hiện nay học sinh đang phải học rất nhiều thứ vô ích, học xong không ứng dụng được vào việc gì và còn quá nhiều phong trào thi đua giả dối.
GS Phạm Tất Dong cho rằng một nền giáo dục cũ không thể chắp vá bởi nó cũng giống như chiếc áo, nay vá một miếng, mai một miếng thì áo sẽ càng rách nhanh hơn. Ảnh: Hoàng Thùy.
Để khắc phục tình trạng trên và từng bước đổi mới nền giáo dục, GS Nguyễn Đức Thạc cho rằng cần phải bắt đầu từ cơ sở. Ở thời kỳ Bắc Lý (tên ngôi trường khởi đầu của phong trào thi đua Hai tốt), giáo viên sáng tạo, tìm tòi những cách dạy tốt nhất. Lương của họ đảm bảo chi dùng cho cuộc sống. Chính điều đó đã thúc đẩy người thầy toàn tâm toàn ý với nghiệp dạy học.
Vị giáo già kiến nghị, để đổi mới giáo dục trước hết cần đổi mới cơ chế đãi ngộ với giáo viên. Gần đây Bộ GD&ĐT có ban hành quyết định phụ cấp thâm niêm nhưng ban hành mãi mà chưa có hướng dẫn thực hiện.
GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam) cho rằng đổi mới là không được ngẫu hứng. Quá trình đổi mới phải được làm một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Ông nhấn mạnh, nguyên tắc của đổi mới giáo dục là không được vận hành theo cơ chế thị trường, phải có nền giáo dục thực nghiệm và thực hiện dân tộc, khoa học, đại chúng.
Muốn làm được điều đó, cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục, xây dựng giáo dục thường xuyên mang tầm vóc quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Học không chán, dạy không mỏi", đó là vấn đề cơ bản nhất phải thực hiện, nhưng hiện nay giáo dục của tồn tại thực tế "Học thì chán, dạy thì mỏi".
GS Nguyễn Minh cho rằng giáo dục nước ta có đầy đủ những hạn chế như nặng khoa cử, bằng cấp, thiếu tinh hoa và đề cao quá mức chứng năng phục vụ chính trị. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Tôi cho rằng một nền giáo dục cũ không thể chắp vá bởi nó cũng giống như chiếc áo, nay vá một miếng, mai một miếng thì áo sẽ càng rách nhanh hơn", GS Dong nói.
Với GS Nguyễn Minh, muốn đổi mới cần thay đổi triết lý giáo dục. Ông đề xuất việc học phải đi vào thực chất, học gì thi nấy, không nặng thành tích và công tác quản lý cũng phải được đề cao. Những người đứng đầu ngành cần vi hành tận nơi, kiểm tra chất lượng dạy và học cụ thể chứ không thể chỉ nghe báo cáo. Đặc biệt, hiệu trưởng không được bổ nhiệm những người kém chuyên môn, tạo thiệt thòi cho giáo dục.
Còn GS Mạc Văn Trang lại cho rằng giáo dục cũng giống như kinh tế, phải đua nhau thì mới phát triển được. Theo ông, trước hết phải chấn chỉnh từ trường học. Phải làm sao cho trường ra trường, lớp ra lớp chứ không thể để học sinh và giáo viên mầm non phải lội bì bõm dưới nước để vào lớp. "Khi trường lớp còn chưa đảm bảo thì nói gì đến chất lượng với toàn diện", thầy Trang nhấn mạnh.
Theo VNE
Bỏ thi cụm, chấm chéo: Lại lo chống tiêu cực Bộ GDĐT dự kiến bỏ hình thức thi cụm, chấm chéo, bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Việc giao tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm khiến lãnh đạo sở GDĐT địa phương phải loay hoay tính chuyện tránh tiêu cực. Lại "mình xử mình" Để siết chặt việc giao tự chủ cho các sở GDĐT địa...