Muốn con tự lực, hãy học người Đức cho con tự do sớm
Trong 6 năm nuôi hai đứa con ở Đức, người mẹ Mỹ nhận ra dân tộc này cho trẻ tự do từ rất sớm, nhằm tạo ra sự linh hoạt và chịu trách nhiệm.
Khi nhà báo Sara Zaske chuyển tới Berlin sống cùng gia đình vài năm trước, cô nhận ra vài sự khác biệt ở các bậc cha mẹ Đức. Họ không lảng vảng bên con. Họ không theo sau đứa trẻ trên sân chơi, hay can thiệp khi chúng đánh nhau. Họ để chúng đi đến các nơi một mình, chơi với dao và diêm. Quá ấn tượng bởi sự khác biệt văn hóa này, Zaske đã viết một cuốn sách về những năm nuôi con mình ở đây.
Trong cuốn: “ Achtung Baby: An American Mom on the German Art of Raising Self-Reliant Children“, cô mô tả sự tự do mà cha mẹ Đức dành cho con đã giúp chúng độc lập, chịu trách nhiệm, tự chủ từ rất sớm. Cô cũng tin rằng các bậc cha mẹ nên thư giãn, bớt kiểm soát, và những đứa con của họ vẫn sẽ ổn thôi, thậm chí còn tốt hơn.
Ảnh: Vaterfreuden.de
Peg Oliveira, nhà tâm lý học phát triển và giám đốc điều hành của Viện Gesell về phát triển trẻ em ở New Haven, bang Connecticut (Mỹ) đồng ý rằng ở Đức, cũng như ở nhiều nền kinh tế phát triển khác, trẻ em được nuôi dưỡng với tự do nhiều hơn, và mang lại lợi ích là trẻ tự lực hơn.
Tuy vậy, bà cũng bổ sung rằng đây không phải là vũ khí tối thượng. “Nó không phải là công thức chung và áp dụng tốt ở nơi này thì sẽ tốt cho nơi khác”.
Dưới đây là một số cách đơn giản để giúp con bạn tự lực hơn theo cách của người Đức:
1. Đừng can thiệp mọi cuộc tranh cãi
Theo Viện Gesell, lên 4 tuổi, hầu hết trẻ đã có vốn từ vựng và độ trưởng thành đủ để nêu ý kiến bất đồng với các bạn cùng tuổi. Vì thế, nếu lần tới đứa con 5 tuổi của bạn phàn nàn rằng anh em của bé hay bạn cùng lớp không cho bé chơi chung, hoặc tranh lượt chơi với bé, thay vì đứng ra phân giải, bạn hãy hỏi: “Con có nghĩ hai con có thể tự giải quyết được không?” (Tất nhiên, bạn nên can thiệp nếu chúng đánh nhau).
2. Để trẻ gọi món cho mình trong nhà hàng
Tất nhiên, bạn tự gọi món sẽ nhanh và dễ dàng hơn, nhưng hãy cưỡng lại cám dỗ này. Hãy để con nói với người phục vụ điều chúng muốn, bạn sẽ cho trẻ thấy bạn tôn trọng chúng như một người độc lập, và tin chúng có thể tự mình làm mọi việc, xây dựng sự tự tin cho trẻ.
Video đang HOT
3. Kiềm chế thôi thúc dõi theo con thường xuyên
Để phát triển sự độc lập ở trẻ, hãy cho trẻ tự do về mặt thể chất. Bước đầu tiên, lần tới đưa con ra sân chơi, cha mẹ hãy ngồi ở bên lề, nơi con có thể nhìn thấy bạn, thay vì theo chúng đi vòng quanh.
Tiến thêm bước nữa, hãy để trẻ tự đi các nơi một mình (ví dụ đi bộ hoặc đạp xe đến trường gần nhà). Chỉ đi cùng trẻ trong lần đầu tiên khi trẻ đến nơi mới. Hoặc cha mẹ đi cùng cho con đến khi chúng thoải mái để đi một mình.
Dạy trẻ cách sang đường an toàn và điều cần làm khi có người lạ tiếp cận. Tất nhiên, tốt hơn là hãy để trẻ đi cùng bạn bè hoặc anh chị em.
4. Đừng lên kế hoạch mọi nơi mọi lúc
Cho phép trẻ có những thời gian rảnh rỗi, không làm gì cả (mà không có thiết bị điện tử bên cạnh), đừng lo lắng chúng sẽ buồn chán. “Hãy để chúng buồn chán”, Zaske nói. “Buồn chán là quan trọng – bởi khi đó trẻ sẽ sáng tạo và khám phá điều chúng muốn”.
Tại Berlin, trường mẫu giáo của con gái Zaske thậm chí còn bỏ hết đồ chơi khỏi lớp học trong 3 tháng, để buộc trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình. “Nếu trẻ luôn được dặn phải làm cái này, cái kia, chúng sẽ không bao giờ học được cách độc lập”.
Tiến sĩ Tine Pahl, nhà tâm lý học phát triển gốc Đức, từng sống ở thành phố Jersey (Mỹ) đồng ý điều này. Bà quan sát thấy rất nhiều bệnh nhân trưởng thành trẻ tuổi của mình bị ảnh hưởng vì cha mẹ chăm chút quá mức khi còn nhỏ. Nhiều người trong số họ vật lộn với các nhiệm vụ khi trở thành người lớn.
Bản thân Pahl đã để con trai học được sự trưởng thành bằng việc để cậu bé ở nhà một mình trong các khoảng thời gian ngắn từ khi bé lên 8.
5. Khi trẻ thể hiện sự tự lực, hãy khen ngợi
Thuận An
Theo NBC
Người mẹ đưa ra lý do dạy con phá vỡ các quy tắc khiến ai cũng bị thuyết phục
Ba năm làm mẹ đã dạy tôi một bài học rất quan trọng, đó chính là thỉnh thoảng bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những kì vọng của bản thân và để con phá vỡ các nguyên tắc.
Khi tôi đang viết bài này, tôi đang xem TV với con trai, hoàn toàn bình thường đúng không? Ngoại trừ việc là cu cậu còn đang gặm chiếc bánh quy thứ 4 khi chỉ còn hơn 2 tiếng nữa là phải đi ngủ và trong khi số lượng cho phép đáng ra chỉ là 2 cái thôi.
Tôi cũng muốn tức giận với bản thân mình lắm nhưng thực sự tôi lại chẳng cảm thấy tội lỗi gì. Nếu tôi muốn thức xem TV và ăn bánh quy với con, thì tôi sẽ làm như vậy. Có thể đó không phải là điều nên làm thường xuyên, nhưng chỉ một tuần một lần thôi cũng xấu xa đến thế sao?
Ý tôi là, thỉnh thoảng phá vỡ các nguyên tắc hay luật lệ cũng không sao cả. Trước khi có con, tôi đã nghĩ mình sẽ nuôi dạy con với kỷ luật thép và tự tưởng tượng hàng tỉ những thứ mà tôi nghĩ một đứa trẻ không bao giờ nên làm. Con tôi sẽ nghe lời và tuyệt đối không bao giờ được cãi lại, và cũng sẽ không bao giờ có chuyện thương lượng gì hết. Thế nhưng, con trai tôi đã chứng minh cho tôi thấy rằng mình đã rất sai.
Thỉnh thoảng phá vỡ các nguyên tắc hay luật lệ cũng không sao cả (Ảnh minh họa).
Con trai tôi là một đứa trẻ thông minh nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi phải đối mặt với vô vàn những thử thách. Ba năm làm mẹ đã dạy tôi một bài học rất quan trọng, đó chính là thỉnh thoảng bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những kì vọng của bản thân và để con phá vỡ các nguyên tắc. Sự thật là tôi phá vỡ các nguyên tắc khá thường xuyên - và tôi cũng để con tôi làm như thế.
Đây là lý do vì sao:
Kỷ luật rất quan trọng nhưng sự linh hoạt mới là điều đáng quý
Mỗi ngày trôi qua tôi lại càng nhận thấy rõ rằng cuộc sống có thể thay đổi chỉ trong vòng tích tắc. Tôi là người thích những sự thay đổi và ghét sự nhàm chán, lặp đi lặp lại. Tôi hy vọng con trai mình cũng sẽ như thế nhưng tôi nhận ra rằng hầu hết những gì các bậc cha mẹ đang làm cho con mình là chuẩn bị cho con bước vào một thế giới chỉ toàn những quy tắc chứ không phải là một thế giới đòi hỏi sự linh hoạt.
Không phải tôi có ý là chúng ta nên đốt hết ngay những lịch trình và thời khóa biểu đi, nhưng con chúng ta cần phải biết cách tự mình xoay sở mà không cần sự chỉ đạo của một ai đó khác. Một đứa trẻ linh hoạt là một đứa trẻ sáng tạo và tự chủ.
Hầu hết những gì các bậc cha mẹ đang làm cho con mình là chuẩn bị cho con bước vào một thế giới chỉ toàn những quy tắc chứ không phải là một thế giới đòi hỏi sự linh hoạt (Ảnh minh họa).
Hợp lý chưa chắc đã hợp tình
Phải thừa nhận là những quy tắc hay luật không cần thiết phải dựa trên đạo đức hay những gì được cho là đúng. Chúng giống như sản phẩm của truyền thống hơn. Rất nhiều những thảm kịch (chẳng hạn như nô lệ) xảy ra trong giới hạn, sự bó buộc của "quy tắc". Vì thế, quy tắc không hẳn đồng nghĩa với làm điều đúng.
Mục tiêu của tôi là nuôi dạy những đứa trẻ có kỹ năng tư duy phản biện để tự quyết định khi nào thì một quy tắc không giúp được gì để làm giàu cuộc sống. Trẻ phải tự tư duy về những quy định, nguyên tắc mà chúng phải đối mặt thường xuyên và quyết định xem có hợp lý, hợp tình và nên được áp dụng hay không.
Tôi muốn con trở nên tự chủ
Cùng với đó tôi muốn con mình lớn lên và biết rằng chúng có quyền tự do, có một ý chí tự do. Tôi không muốn con mình làm những việc chỉ đơn giản vì một người nào đó bảo chúng làm vậy. Tôi muốn dạy con trở thành người muốn làm điều đúng đắn bởi vì kim chỉ nam lương tâm của chúng hướng chúng đến những điều đúng đắn.
Đồng thời tôi tin rằng sự phát triển của cái kim chỉ nam đó và sự hiểu biết về ý chí tự do đồng nghĩa với việc sẽ có những lúc con phải phá vỡ các luật lệ và làm tôi buồn. Điều đó có thể sẽ rất khó chịu, nhưng đó cũng sẽ là một khoảnh khắc để học hỏi vô cùng quan trọng.
Tôi không muốn con mình làm những việc chỉ đơn giản vì một người nào đó bảo chúng làm vậy (Ảnh minh họa).
Bạn không thể lúc nào cũng vạch kế hoạch trước cho cuộc đời
Sẽ có rất nhiều những khoảnh khắc trong cuộc sống mà bạn không thể vạch kế hoạch trước được. Và bởi vì những khoảnh khắc đó không thể vạch kế hoạch trước, nên việc đi chệch khỏi những kế hoạch đó cũng không có gì tổn hại cả. Thỉnh thoảng sự chệch hướng đó có thể là đổi giờ ngủ, cũng có thể là cho con nghỉ học một ngày để cả nhà cùng nhau đi chơi. Cuộc sống được tạo nên từ sự kết hợp của những trải nghiệm được lên kế hoạch trước lẫn những trải nghiệm bất ngờ tùy hứng.
Vì thế, tôi kết luận lại rằng: nếu không cố tuân theo hàng tá những quy luật, nguyên tắc nực cười thì hành trình làm cha mẹ cũng đủ đã thử thách và mệt mỏi rồi. Tôi muốn có thể tự do "thưởng thức" trải nghiệm làm cha mẹ của bản thân mà không phải suy nghĩ nhiều về những ràng buộc về mặt quy tắc. Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta còn bao nhiêu thời gian, nên hãy cứ cho phép bản thân thỉnh thoảng quên đi những luật lệ, nguyên tắc và biến mỗi giây mỗi phút trở nên ý nghĩa.
Rochaun Meadows-Fernandez là cây viết có phong cách đa dạng của các trang như The Washington Post, Pacific Standard, The Root... Cô cũng là người ủng hộ phong cách nuôi dạy con thuận tự nhiên.
Theo Helino
8 điều cấm kỵ khi dạy con cùng triết lý "lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái" khiến phụ huynh thấm thía từng câu từng chữ Không thể phủ nhận rằng, bố mẹ là người dạy dỗ đầu tiên trong cuộc đời của những đứa trẻ, vì vậy việc dạy con luôn được xem là quan trọng nhất và cần phải cẩn thận hết mức có thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai sau này của chúng. Các chuyên gia cho biết, việc dạy dỗ...