9 nghiên cứu tâm lý cha mẹ nên lấy làm kim chỉ nam trong quá trình dạy dỗ con nhỏ
Để quá trình nuôi dạy con được dễ dàng và hiệu quả hơn, cha mẹ nhất định không thể bỏ qua những nghiên cứu tâm lý hàng đầu này.
Dạy dỗ trẻ là kĩ năng mọi cha mẹ cần phải trang bị cho chính mình. Jeremy, chuyên gia tâm lý học người Anh, đã tổng hợp 9 nghiên cứu tâm lý làm kim chỉ nam trong quá trình dạy dỗ con của các bậc cha mẹ.
1. Cuộc sống của các cặp vợ chồng sẽ trở nên vui vẻ hơn khi có con. Không ít các bậc cha mẹ vô cùng bực mình khi đối mặt với tiếng khóc, nghịch ngợm, kén ăn của trẻ, thậm chí có người còn ví von trẻ là ác quỷ. Giáo sư Nielsen, giảng dạy tại trường đại học University of California, Riverside nghiên cứu, phát hiện trẻ mang đến cho bố mẹ niềm vui nhiều hơn là đau khổ. Đặc biệt, các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy được tiếp thêm năng lượng và hạnh phúc mỗi khi ở bên cạnh trẻ. Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là nên cảm thấy hạnh phúc trong việc chăm sóc trẻ, chứ không phải là oán trách đứa trẻ mình đã sinh ra.
2. Đặt trẻ lên hàng ưu tiên sẽ khiến bố mẹ hạnh phúc. Giáo sư Ashton James, giảng dạy tại trường đại học Vrije Universiteit Amsterdam, phát hiện bố mẹ đặt trẻ lên hàng ưu tiên sẽ cảm thấy hạnh phúc, đồng thời cảm nhận nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng cần lưu ý, không quá nuông chiều trẻ, khi trẻ phạm lỗi cần nhận hình phạt tương xứng. Khi trẻ nằng nặc đòi mua một món đồ chơi không phù hợp, bố mẹ nên kiên quyết không thỏa hiệp.
3. Không nên dành cả ngày quay quanh trẻ. Nhiều bố mẹ cho rằng, yêu chính là ở cạnh trẻ cả ngày. Giáo sư Ursula, giảng dạy tại trường đại học University of Mary Washington, cho biết bố mẹ quan tâm hết mực có thể khiến trẻ gặp vấn đề về tâm lý như trầm cảm, khả năng xử lý vấn đề kém. Bố mẹ cần học cách buông tay, để trẻ đối mặt với vấn đề và tự mình giải quyết.
4. Không nên nghiêm khắc phê bình trẻ. Nghiên cứu cho thấy, 90% các bậc cha mẹ Mỹ đều có ít nhất một lần phê bình nghiêm khắc đối với trẻ. Giáo sư Wang Ming, giảng dạy tại trường đại học University of Pittsburgh, nghiên cứu phát hiện nếu bố mẹ thường xuyên nghiêm khắc phê bình trẻ, đặc biệt là trẻ 13 tuổi, trẻ sẽ có tâm lý chống đối và phản kháng mạnh mẽ. Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là, khi trẻ mắc sai lầm, hãy chọn thời điểm thích hợp để giảng giải cho trẻ hiểu. Nếu bố mẹ nổi nóng gay gắt với trẻ, sau khi nguôi ngoai cơn giận, cần nghiêm túc xin lỗi trẻ.
5. Trẻ nghỉ ngơi điều độ giúp bộ não phát triển. Giáo sư Kelly, giảng dạy tại trường đại học University College London, nghiên cứu đối tượng là 11.000 trẻ em, phát hiện trẻ 3 tuổi nếu nghỉ ngơi không hợp lý sẽ khiến khả năng đọc hiểu, tính toán và nhận thức suy giảm. Nghiên cứu phát hiện, nghỉ ngơi điều độ đối với trẻ nam và nữ đều quan trọng như nhau. Càng sớm hình thành thói quen ngủ nghỉ hợp lý, khả năng nhận thức của trẻ càng nâng cao.
6. Bố mẹ cùng làm việc nhà với trẻ, trẻ càng trở nên vui vẻ. Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ vì đùn đẩy việc nhà mà dẫn đến mâu thuẫn với nhau. Giáo sư Girvan, giảng dạy tại trường đại học University of Missouri, nghiên cứu phát hiện khi bố mẹ cùng làm việc nhà với trẻ, trẻ sẽ trở nên vui vẻ. Chẳng hạn trẻ quét nhà, bố lau nhà, mẹ rửa chén. Cả nhà cùng xắn tay làm việc nhà và trở nên đồng lòng, vui vẻ, đây là điều gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau.
7. Hạn chế cho trẻ xem tivi. Giáo sư Linda Pagani, giảng dạy tại trường đại học University of Montreal, tiến hành khảo sát với 2000 đứa trẻ và phát hiện, trẻ khoảng 2 tuổi nếu xem tivi 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, sẽ có tâm trạng rất tệ, vốn từ vựng, khả năng tính toán và vận động đều giảm. Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là hạn chế cho trẻ xem ti vi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
8. Rèn luyện thể chất giúp trẻ có thành tích cao. Giáo sư Booth, giảng dạy tại trường đại học University of Strathclyde, nghiên cứu đối tượng là trẻ khoảng 11 tuổi, phát hiện rèn luyện thể chất giúp trẻ gia tăng khả năng ngôn ngữ, tính toán, hiệu quả mang lại không có sự khác biệt đối với trẻ nam và nữ. Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là, nên tích cực cho trẻ tham gia các môn thể thao, vận động ngoài trời.
9. Bố mẹ không nên hy sinh bản thân quá nhiều. Nhiều bậc cha mẹ luôn xem trẻ là hy vọng duy nhất của gia đình, họ vì trẻ mà từ bỏ sở thích, sự nghiệp của bản thân. Giáo sư Rizzoli, giảng dạy tại trường đại học University of Mary Washington, cho biết những bậc cha mẹ hy sinh vì trẻ quá nhiều sẽ có mức độ hài lòng rất thấp đối với cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ. Hy sinh quá nhiều vì trẻ, càng khiến họ trở nên khắt khe với trẻ. Khi trẻ phạm lỗi nhỏ, họ liền cảm thấy bản thân thật thất bại trong việc nuôi dạy trẻ, và thế là họ càng phẫn nộ với trẻ. Các bậc cha mẹ cần hiểu, con cái là một phần của cuộc sống, khỏe mạnh về tâm lý và tinh thần của bản thân cũng đáng được ưu tiên.
Video đang HOT
Theo Baby
Đừng để xảy ra những vụ kinh hoàng như ở Hưng Yên mới đau lòng, 10 điều cần làm ngay để con an toàn ở trường
Rất nhiều bậc cha mẹ ngày càng lo lắng với tình trạng bạo hành học đường, mà kẻ bắt nạt con cái mình lại chính là bạn bè xung quanh. Phải làm sao để con có thể tự vệ khi không có ai giúp đỡ?
Đã có khá nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ, và mới đây nhất, vụ 5 học sinh quây đánh lột quần áo 1 nữ sinh ở Hưng Yên lại càng làm các bậc phụ huynh dậy sóng. Ai cũng tin tưởng rằng trường học là môi trường an toàn nhất, tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai của đất nước, nhưng rồi chính các em lại trở thành nạn nhân của bạo lực, bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, đến mức sang chấn tâm lý, khiến người lớn cảm thấy vô cùng đau lòng.
Vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Hưng Yên đang là tâm bão dư luận (ảnh cắt từ clip)
Trước tình trạng các bậc phụ huynh lo lắng với nguy cơ con cái bị bắt nạt ở trường học, nhà báo Hoàng Anh Tú đã lên tiếng hướng dẫn cho cha mẹ 10 điều cần thiết phải làm ngay để con đủ khả năng tự bảo vệ chính mình, tránh việc trở thành nạn nhân bị bạn bè chơi xấu. Và với người lớn, cũng có 10 điều quan trọng cần ghi nhớ để con cái mình không gặp tổn thương.
"CON PHẢI LÀM SAO KHI BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG?
Vụ cô bé lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng lột quần áo không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn cũng sẽ không phải vụ cuối cùng nếu như chúng ta không dạy con kỹ năng phòng và tránh bị bắt nạt trong trường học cũng như chính các trường, các thầy cô không vào cuộc tích cực. Chia sẻ với các cha mẹ và thầy cô một vài điều hy vọng giúp được con cái chúng ta.
[Với các con]
1. Hãy cho trẻ tập thể lực. Không nhất thiết phải là học võ. Cứ là rèn luyện thể lực cho tốt là được. Có sức khỏe ít nhất lũ trẻ có thể... bỏ chạy nhanh hơn khi bị vây đánh. Bớt 1 giờ học tiếng Anh, thêm 1 giờ tập thể dục vì đám bắt nạt không dùng tiếng Anh nói chuyện đâu.
2. Dạy trẻ sinh mạng là trên hết. Đừng nói cái gì như là "đàn ông đàn ang" hay sĩ diện này nọ. Giữ được sinh mạng rồi về ta tính tiếp.
3. Tránh xa những rắc rối và những đứa bạn hay nói chuyện đánh nhau, bạo lực hoặc thích gây sự với các bạn bè khác. Đây cũng là cách để giải trừ bạo lực cho cộng đồng của các con. Những kẻ ưa bạo lực sẽ thấy đó là điều không được ai hoan nghênh. Muốn chơi cùng - hãy trở thành một đứa trẻ văn minh, lịch sự.
Đứa trẻ nào cũng sợ hãi, ám ảnh chuyện bị bắt nạt, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý (ảnh minh họa)
4. Gặp đám côn đồ, đừng tỏ ra sợ hãi, rúm ró, khép nép nhưng cũng đừng tỏ ra ta đây cóc sợ. Hãy bình tĩnh nhất có thể. Giấu nỗi sợ đi. Nói chuyện khiêm tốn, vừa phải và cố gắng dừng lại ở mức này, không thách thức, sẵn sàng nhận thua, xin lỗi và rút lui kịp thời. Mềm mỏng là cách làm nguội cơn giận của người khác. Và trong lúc nói chuyện, hãy để ý xung quanh tìm kiếm con đường thoát thân.
5. Bỏ chạy luôn là cách nhanh nhất để tránh một trận ẩu đả. Một, hai, ba... chạy! Hết tốc lực mà chạy.
6. Hãy nhắm hướng đông người mà chạy. Hãy chạy vào những nơi như nhà hàng, quán cafe, công sở, ngân hàng... nếu không tìm thấy đồn công an.
7. Tuyệt đối không nghe theo lời kẻ đang đe dọa mình mà đi tới nơi vắng vẻ. Kẻ bắt nạt luôn muốn kéo nạn nhân vào nơi vắng vẻ để đánh.
8. Nếu có thể, hãy bấm điện thoại gọi 113 hoặc người thân. Điện thoại luôn đặt chế độ quay số nhanh bằng cách giữ phím.
9. Bị bắt nạt, đe doạ hay bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu có những kẻ muốn đánh mình cần phải nói sớm nhất có thể với cha mẹ hoặc thầy cô. Đừng sợ mà giấu. Kẻ bắt nạt muốn các con không được kể với ai vì chúng sợ con kể với người khác.
10. Luôn có những người bạn, nhóm bạn thân để nếu bất cứ ai trong nhóm bị tấn công, những người còn lại sẽ đi báo thầy cô, cha mẹ, công an một cách nhanh nhất.
Hãy dạy con hòa đồng, thân thiện với bạn bè để luôn được giúp đỡ (Ảnh minh họa)
[Với cha mẹ - thầy cô]
1. Luôn tin vào những gì lũ trẻ nói. Đừng xua đuổi chúng. Đừng nghi ngờ chúng và cũng đừng coi nhẹ những lời chúng nói.
2. Luôn để mắt tới lũ trẻ. Những đứa trẻ nào dễ bị bắt nạt thì càng phải để ý tới chúng nhiều hơn. Coi trọng những dấu hiệu cho thấy con cái mình, học trò mình đang bị uy hiếp, bắt nạt như trẻ sống thu hẹp mình, hay sợ hãi, tâm trạng phấp phỏng, lo âu... (Cha mẹ thầy cô nên được học kỹ về các dấu hiệu - Google đi, đừng lười. Hoặc mua cuốn "30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống bạo hành" của tôi).
3. Dạy trẻ những kỹ năng về phòng tránh bạo lực học đường.
4. Cho trẻ biết chúng luôn được cha mẹ thầy cô bảo vệ.
5. Tạo cho con cái - học trò tâm lý thoải mái để chúng có thể chia sẻ bất cứ câu chuyện gì với chúng ta.
6. Để mắt đến cả những hành vi nếu con em mình thích bạo lực, hay sử dụng bạo lực.
(Ảnh minh họa)
7. Kết nối với bạn bè của con cái mình, học trò mình. Chúng sẽ là tai mắt hữu hiệu của mình.
8. Làm sạch môi trường quanh con cái bạn - học trò của bạn bằng việc nói không với bạo lực - bắt nạt - nói xấu. Trừng phạt mạnh tay với những hành vi này ngay khi nó mới manh nha bắt đầu.
9. Cho con cái thấy, cho học trò thấy chúng ta sẽ làm gì nếu con cái chúng ta, học trò của chúng ta bị bắt nạt. Trẻ sẽ yên tâm hơn khi biết cha mẹ, thầy cô chúng luôn có sẵn những giải pháp bảo vệ chúng.
10. Share bài viết này hoặc đọc nó cho con của bạn, học trò của bạn để cùng chúng trao đổi nhiều hơn nữa về bạo lực học đường".
Những đứa trẻ bị bắt nạt hay những đứa trẻ đi bắt nạt bạn khác, chúng đều cần được dạy dỗ quan tâm đúng cách để không biến mình thành kẻ mạnh ăn hiếp yếu hoặc kẻ yếu không biết tự bảo vệ mình. Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất, bởi những chuyện đáng tiếc thường hay xảy ra bởi chính sự thờ ơ, coi nhẹ của đám đông xung quanh. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng, xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi thì còn cứu vãn được gì đây?
Theo Helino
Bạn đọc viết: Đừng lấy điểm thi và giấy khen để đo lòng con trẻ Đời người chỉ có một tuổi thơ duy nhất, đừng để nó đi qua trong hối tiếc vì mải vùi đầu vào học tập mà quên không hưởng thụ tuổi thơ. Các bậc cha mẹ hãy để trẻ con là chính nó. Người lớn chỉ cần động viên, định hướng đúng đắn để con trẻ phát huy thế mạnh vốn có của bản...