Muốn chơi thì phải đi xa
Kết thúc năm học lớp 7 với thành tích học sinh khá, bé Nguyễn Minh Đào (học sinh Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh) lại phải vội vàng chuẩn bị sách vở học thêm hè bên ngoài. Áp lực phải đạt thành tích học sinh giỏi từ ba mẹ, khiến mùa hè của em như một học kỳ thứ 3 đúng nghĩa.
Ảnh minh họa
Khác với Đào, gia đình bé Công Trí (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) không đặt nặng vấn đề thành tích hay bắt ép con mình phải học thêm hè. Nhưng chuyện gửi bé ở đâu khiến cả nhà phải đau đầu, vì học sinh nghỉ hè nhưng người lớn trong gia đình vẫn phải đi làm. “Nghỉ hè cho tụi nhỏ thảnh thơi bớt lo bài vở nhưng mà mình thì rầu, ở nhà ai cũng đi làm, nghỉ hè nó ở nhà không ai coi chừng. Không lẽ, tới hè thì cả nhà lại cùng nhau nghỉ hè hết, mà cho đi học thêm thì tội nghiệp con quá, học trên trường cũng nhiều rồi”, cô Nguyễn Kim Ba (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), mẹ bé Trí than vãn.
Vì là khu vực ngoại thành, nên gần nhà không có nhiều các lớp năng khiếu hay ngoại khóa hè dành cho trẻ em. Tại Nhà Thiếu nhi huyện Bình Chánh các lớp học như luyện chữ đẹp, thể dục nhịp điệu, lớp vẽ, giải toán nhanh, lớp võ… được chiêu sinh liên tục, với mức học phí khoảng 300.000 đồng/tháng/lớp. Các lớp học được chia thời gian linh hoạt, bao gồm các lớp buổi sáng lẫn tối để phụ huynh và các bé lựa chọn, tuy nhiên nhà thiếu nhi huyện lại khá xa nên không tiện trong việc đưa đón. Nên các bé ở cánh xã Qui Đức, Đa Phước, Phong Phú… ít được ba mẹ cho theo học.
Vừa được nghỉ hè, nhiều gia đình chọn cho các bé học thêm ngay, còn những bé muốn vui chơi thì chờ những buổi sinh hoạt hè từ các anh, chị cán bộ Đoàn xã. Mỗi tuần khoảng 2-3 buổi sinh hoạt tại các sân trường, hoặc ủy ban xã để các bé dễ dàng đi lại và phụ huynh tiện đưa đón. Buổi sinh hoạt gồm những trò chơi đơn giản, hoặc những buổi học về cách làm đồ chơi từ giấy, chai lọ cũ… phần thưởng là những gói bánh, cái kẹo ăn vặt nhưng lại là cả một niềm mong chờ vào mỗi dịp hè của nhiều trẻ em khu vực ngoại thành.
Video đang HOT
Không như trẻ em khu vực trung tâm và nội thành, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa các quận trong thành phố liên tục chiêu sinh với nhiều lớp học năng khiếu hấp dẫn. Như chuỗi lớp học về mỹ thuật ở Trung tâm Toa Tàu (Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), trung tâm Magic Art (Hoa Lan, quận Phú Nhuận) với các lớp vẽ tranh, nhiếp ảnh, nặn đất sét, trung tâm âm nhạc Armuli (quận 2), Blessed Music School (quận Tân Bình) với các lớp chuyên về thanh nhạc, đàn ghi ta và piano… Bên cạnh đó, là Học kỳ quân đội được biết đến trong nhiều năm qua, Học kỳ thể thao với lớp học 1 tuần và 2 tuần dành cho trẻ từ 7 – 16 tuổi.
Trẻ em vùng ven ngoại thành không có nhiều lựa chọn như thế cho những ngày hè, do đường sá xa xôi, cũng có thể do phụ huynh không thể kham nổi chi phí cho những lớp học kỹ năng dao động từ 8 triệu đến hơn 15 triệu đồng/khóa. Và hơn tất cả, các em vẫn thiếu những thiết chế văn hóa gần gũi ngay ở nơi mình sống để có thể vui chơi thỏa thích. “Muốn chơi thì phải đi xa”, là nỗi khổ của mỗi bậc phụ huynh và học sinh mỗi khi hè về…
THIÊN THANH
Theo SGGP
"Lạm phát" giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi do đâu?
"Kết thúc năm học, nhiều nơi có tỷ lệ học sinh giỏi, khá rất cao, điều này cho thấy bệnh thành tích chứ không phải là quá nhiều học sinh giỏi hơn so với trước.
Nếu là học thực chất, thi nghiêm túc sẽ không thể nhiều học sinh danh hiệu khá, giỏi như thế", GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương hội khuyến học Việt Nam cho biết.
Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thái Bình giải trình thông tin một lớp có 42/43 học sinh giỏi. Ảnh: Đông Hà
Hiếm học sinh không được giấy khen
Thời điểm này, nhiều trường học trên phạm vi cả nước đã hoàn thành năm học 2018 - 2019, học sinh chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Như thường lệ, đây cũng là dịp để nhiều đơn vị, trường học tổ chức khen thưởng, biểu dương những học sinh đạt thành tích trong năm học qua, khích lệ những tấm gương học sinh hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập... Cũng những ngày này, trong khi nhiều phụ huynh người vui, người hụt hẫng vì danh hiệu, tấm giấy khen của con sau màn khoe ảnh con nhận giấy khen được bố mẹ "đua nhau" tung lên mạng xã hội Facebook.
Điều dễ dàng nhận thấy, những báo cáo thành tích của nhà trường hết sức thành công, tốt đẹp năm học qua, trong đó tỷ lệ học sinh lên lớp, được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc từng mặt, xuất sắc toàn diện (cấp tiểu học), học sinh tiên tiến, học sinh giỏi (cấp trung học), có những lớp đạt gần như tuyệt đối, chỉ 1 - 2 học sinh xếp loại trung bình. Điều mà trước đây rất ít lớp có được, thì nay lại xuất hiện ở rất nhiều nơi, không chỉ trường chuyên, trường điểm mà những trường bình thường cũng có.
Con nhận giấy khen cho năm học vừa qua, nhưng chị Thu Hương ở đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 6 cho biết: "Năm nào con cũng được giấy khen và cả lớp được, nên mỗi lần con cầm giấy khen về dù được bố mẹ khen ngợi và hứa thưởng, song con cũng không hào hứng lắm. Con kể, cả lớp gần như bạn nào cũng được, trong đó có cả những bạn liên tục bị cô nhắc nhở, làm chậm, làm sai bài... Con cũng nói thẳng, nếu ai cũng được như vậy thì đâu có ý nghĩa nữa. Tôi cũng chưa biết giải thích thế nào cho con, đành đánh trống lảng, vì chuyện học của con trên lớp thế nào con nắm rõ hơn".
Đối với một số phụ huynh, việc con được hay không được giấy khen và phần thưởng (Ban Phụ huynh lớp tặng) cũng không nhiều ý nghĩa vì nhiều lý do khác nhau. "Năm ngoái con tôi là một trong 3 bạn không được giấy khen, tôi cũng ngạc nhiên vì gần như cả lớp được mà chỉ có 3 học sinh không được, trong khi đó các bạn khác chưa hẳn đã học giỏi hơn. Năm nay, con cũng lại không được giấy khen, tôi cũng không buồn vì thấy rằng tấm giấy đó là không thực chất và nó được trao theo thành tích chứ không phải theo khả năng từng cháu", một phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) tâm sự.
Học "bình bình" vẫn được khen thưởng
Nhiều năm làm công tác giáo dục, nên GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương hội khuyến học Việt Nam quá hiểu về hiện tượng "lạm phát" danh hiệu, giấy khen, hay chính xác hơn đây là biểu hiện của "bệnh thành tích" trong giáo dục. Ông cho rằng, đây không phải là một hiện tượng mới nảy sinh mà đã có từ lâu, nhưng đến nay càng phổ biến và gia tăng số lượng học sinh khá, giỏi trong một lớp học. Những người làm công tác giáo dục đều hiểu chuyện này, song vì nhiều lý do mà đến nay chưa thể khắc phục được.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, không thể một lớp học có những tỷ lệ cao như vậy, thậm chí cả lớp chuyên, lớp chọn cũng có tỷ lệ về học sinh giỏi, khá và trung bình bởi có những tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn so với trường trung bình khác. Nếu là thực chất thi và học không cao như thế được, vẫn còn tình trạng nhiều lớp cũng học kém lắm. Nếu lý luận là học sinh bây giờ giỏi hơn nên giấy khen nhiều hơn. Phải có giỏi, khá, trung bình, thậm chí cả yếu. Chất lượng hiện nay là ảo, chưa đúng thực chất. Nó tạo ra hệ lụy, các em không có sự cố gắng, học kém vẫn được khen, thưởng.
"Tôi cho rằng, việc này xuất phát từ chủ trương của trường, muốn đưa ra chỉ tiêu, tỷ lệ cao thì sẽ được thôi, chạy theo thành tích và nhu cầu. Ví dụ, học sinh lớp 5 vào lớp 6 phải bao nhiêu điểm 9, điểm 10 thì phải làm đẹp học bạ, bảng điểm. Do đó, từ phụ huynh mong muốn, tình trạng bệnh thành tích là chính của trường, của giáo viên. Nếu cứ lấy thành tích, thi đua làm mục tiêu thì còn tiếp diễn. Vì đơn giản, nếu không có thành tích thì mất thi đua, danh hiệu, bản thân người làm giáo dục cũng không được lên lương...", PGS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều giáo viên phổ thông cũng không đành lòng trước thực tế của thành tích "ảo" hiện nay. Tại một số diễn đàn dành cho giáo viên phổ thông, nhiều giáo viên cũng bày tỏ câu chuyện phải đưa ra một quyết định không đúng, đó là cho nhiều học sinh nhận giấy khen theo đúng tỷ lệ được đưa ra, chứ không phải là căn cứ vào điểm thực chất. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng tỏ ra bất lực trước việc học sinh học kém, vi phạm nhiều vẫn được lên lớp vì học sinh lưu ban ảnh hưởng đến thành tích của trường, lớp.
Vừa qua, câu chuyện đang xôn xao dư luận từ Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một phụ huynh có cháu trai học lớp 6 hoài nghi về thành tích cả lớp có 43 học sinh thì tới 42 em đạt loại giỏi, chỉ duy nhất 1 bạn khá. Sau đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu cấp quản lý trực tiếp Trường THCS đó là Phòng GD&ĐT TP Vũng Tàu giải trình, xác minh thông tin.
Theo giadinh.net
Lo tìm chỗ gửi con dịp hè Chưa đầy 2 tuần nữa năm học 2018-2019 sẽ kết thúc. Thời điểm hiện tại, nhiều gia đình có con học mầm non và tiểu học đang lo lắng tìm chỗ gửi con trong dịp hè. Ghi nhận chung cho thấy, năm nay học phí các khóa hè không biến động nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, do công tác sửa chữa,...