Mức thu học phí đại học công lập: Cơ quan nào quản lý, giám sát?
Việc Trường đại học Y dược TP.HCM thông báo mức thu học phí năm học tới có ngành gấp 4 – 5 lần mức thu cũ khiến dư luận băn khoăn: cơ quan nào quản lý, giám sát mức thu học phí đại học công lập?
Sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM – ẢNH HÀ ÁNH
Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết quy định về chính sách học phí các cấp học (mầm non, phổ thông, đại học) được thể hiện trong nhiều văn bản pháp quy, gồm Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học 2018.
Trường chưa tự chủ thu học phí theo Nghị định 86
Trong các văn bản trên, thẩm quyền trách nhiệm, ban hành mức thu học phí và trách nhiệm kiểm tra giám sát đã được quy định rõ.
Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục đại học (gọi chung là trường đại học) công lập, cơ quan chủ quản (bộ, ngành, địa phương) trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, quyết định, phê duyệt, thống nhất phương án phân loại mức độ tự chủ về tài chính của trường đại học trực thuộc, bao gồm cả phương án thu – chi tài chính, cả việc đảm bảo mức thu học phí mà luật Giáo dục và Nghị định 86 đã quy định.
Đồng thời, cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các trường đại học trực thuộc trong việc thực hiện chính sách học phí theo quy định.
Trường đại học công lập chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Trong đó, quy định trần mức tăng học phí hàng năm từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 – 2021 tăng bình quân 8 – 10%/năm. Các trường được xác định mức tăng học phí hàng năm, nhưng không được vượt trần Nghị định 86.
Mức thu cụ thể cho từng lĩnh vực đào tạo như sau:
Video đang HOT
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các trường đại học công lập trực thuộc tỉnh. UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí của các trường đại học công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh.
Cơ quan nào giám sát về chính sách học phí của trường tự chủ?
Với các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ (luật Giáo dục đại học đã quy định) thì được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Văn bản giúp các trường tự chủ xác định mức thu học phí là Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Trong quá trình thực hiện tự chủ, trường đại học cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dựa trên định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ quan chủ quản ban hành và các quy định, hướng dẫn hiện hành, phù hợp với chất lượng đào tạo. Từ đó, ban hành mức thu học phí phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, các trường đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng. Có trách nhiệm giải trình với xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.
Cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách học phí của các trường đại học được giao chủ quản, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học về các chức năng được giao.
Vẫn đề xuất giữ quy định có trần học phí
Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã trình phê duyệt các văn bản làm cơ sở pháp lý để các trường thực hiện tự chủ. Đồng thời, trực tiếp quản lý, giám sát tình hình thực hiện chính sách học phí và cơ chế tự chủ của các trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT.
Gần đây, khi báo chí phản ánh Trường đại học Y dược TP.HCM đã ban hành, thông báo mức thu học phí chưa hợp lý, không phù hợp với quy định, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế (cơ quan chủ quản của Trường đại học Y dược TP.HCM) kiểm tra, xác minh thông tin về mức thu học phí của trường này, phối hợp với Bộ GD-ĐT để trả lời công khai cho người học và toàn xã hội.
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết trong thời gian tới, bộ này sẽ đề xuất việc đưa quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Học phí ĐH công tăng sốc: Lo ra trường thu hồi vốn?
GS.TS Phạm Gia Khải lo ngại, học phí quá cao có thể khiến giảng đường đại học chỉ dành cho người giàu, còn thí sinh nghèo bị loại khỏi cuộc chơi.
Việc nhiều trường đại học công lập công bố mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 tăng mạnh so với trước đang khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bất ngờ.
Gây "sốc" nhiều có lẽ là học phí của một số trường y phía Nam. Đơn cử, mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 của trường Đại học Y Dược TP.HCM tăng đột biến lên 30-70 triệu đồng/năm, có ngành tăng gấp 5 lần. Nhà trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Hay học phí ngành răng hàm mặt thuộc khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM lên tới 88 triệu đồng/năm học, ngành dược học thuộc khoa này 55 triệu đồng...
Trao đổi với Đất Việt về câu chuyện tăng học phí của các trường đại học công lập, trong đó có các trường y dược, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, vấn đề tự chủ không phải chỉ của riêng các trường đại học công lập mà các bệnh viện cũng phải thực hiện tự chủ.
Tuy nhiên, ông thừa nhận thực tế, khả năng chi trả viện phí của rất nhiều bệnh nhân vô cùng khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản, người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
Đối với các trường đại học cũng vậy. Không thể có chuyện học không mất tiền như trước đây, song GS Khải lo ngại, học phí quá cao sẽ khiến người học và phụ huynh không chi trả được, việc học chỉ dành cho người có khả năng kinh tế, còn với người nghèo, người thu nhập trung bình giấc mơ đại học sẽ trở nên xa vời.
Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cũng từng chứng kiến nhiều người vì không có khả năng kinh tế mà không thể học, nhưng đây là tình trạng chung. Ông được biết ngay một bệnh viện lớn ở Hà Nội muốn đào tạo lớp y tá chừng 500 người để có nhân lực chăm sóc bệnh nhân hoàn toàn, giúp người nhà bệnh nhân không phải lo lắng song cuối cùng cũng không có người học.
"Muốn có y tá chăm sóc bệnh nhân thì phải trả lương cho người y tá đó, nhưng Nhà nước không trả lương nên đành chịu, trong khi chuyện tăng viện phí cũng không đơn giản và dễ dàng", GS.TS Phạm Gia Khải nói.
Theo công bố của Đại học Y Dược TP.HCM về mức học phí năm học 2020-2021, mức học phí cao nhất là ngành răng hàm mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành y khoa với 68 triệu đồng/năm. Ảnh: PLO
Bởi vậy, trở lại với câu chuyện tăng học phí, ngoài việc thí sinh nghèo, học giỏi thi đậu nhưng khó có thể tới trường vì học phí cao, vị chuyên gia còn lo ngại sinh viên - vì đã mất quá nhiều tiền để học đại học, nên ra trường sẽ tìm cách thu hồi lại vốn. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong ngành y mà các ngành khác đều có.
"Không ai muốn con em mình học giỏi, mất nhiều tiền để học đại học, đến khi ra trường lại hưởng lương thấp cả, mà muốn lương cao thì phải làm tư, chứ Nhà nước không thể trả cao được.
Tôi biết nhiều gia đình chi tiền cho con đi học ngành y ở nước ngoài cũng không muốn cho con mình trở về làm việc ở trong nước, nhất là trong bệnh viện công. Họ muốn con em mình làm ở nước ngoài vì ở đó kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều. Các nước ASEAN đều vướng phải vấn đề này và rất khó giải quyết", GS.TS Phạm Gia Khải cho biết.
Lý do khó giải quyết vấn đề này, theo vị chuyên gia, là vì các trường tự chủ, không còn được Nhà nước bao cấp và rót kinh phí hoạt động nữa thì Nhà nước không thể can thiệp được. Cho nên, tăng học phí là chuyện phải xảy ra nhưng cần phải thực hiện dần dần, và phù hợp với tình hình thực tế, khả năng của người dân. Việt Nam không thể bắt chước hay chạy đua với các nước về học phí, nhất là khi hạ tầng của chúng ta còn kém hơn nhiều nước khác.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện phân luồng đối với một số ngành đặc thù, theo ông, là cần thiết. Chẳng hạn, Nhà nước có thể miễn, giảm học phí cho các sinh viên ngành y cam kết sau tốt nghiệp sẽ làm việc tại bệnh viện công, những vùng sâu vùng xa, khó khăn, thiếu bác sĩ.
"Tất nhiên, phương án này có lẽ cũng chỉ khả thi với một bộ phận, bởi có người cam kết nhưng không thực hiện, nhưng dù sao vẫn phải làm.
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp kiện nhau ra tòa vì không thực hiện cam kết. Như Đà Nẵng từng bỏ cả trăm tỷ đồng đưa nhân tài đi nước ngoài đào tạo nhưng nhiều người sau khi tốt nghiệp không chịu trở về công tác như cam kết. Vì thế TP đã kiện các nhân tài này ra tòa, đòi lại chi phí đào tạo.
Tại sao Mỹ thực hiện tốt việc phân luồng, miễn giảm học phí nếu sinh viên cam kết cống hiến sau khi ra trường? Điều này có liên quan đến văn hóa giữ lời hứa. Người Mỹ có văn hóa thực hiện nghiêm chỉnh những điều họ cam kết, còn ở ta thì chưa được như vậy", GS.TS Phạm Gia Khải chỉ rõ.
Phụ huynh và sinh viên lo lắng vì trường đại học công tăng học phí Hầu hết học phí của các trường đại học tại TP. HCM được điều chỉnh theo hướng tăng, riêng ngành y tăng cao "ngất ngưởng". Chỉ còn vài tháng nữa năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu, tuy nhiên ngay thời điểm này, hàng loạt trường đại học công lập tại TP. HCM đã thông báo tăng học phí trong năm tới,...