“Mùa trạng nguyên” hay “mùa tự tử”?
Tính đến thời điểm này đã có gần 300 trường đại học trên cả nước công bố điểm thi, và khi niềm vui đến với người này thì cũng là lúc nỗi buồn ập đến với người khác.
Trượt đại học, cú sốc đầu đời
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm số thí sinh trúng tuyển vào kỳ thi ĐH, CĐ chỉ chiếm 30%, còn lại 70% thí sinh không có cơ hội bước vào giảng đường. Những năm gần đây, tình trạng học sinh tự tử vì trượt Đại học ngày càng tăng. Nhiều người không khỏi xót xa khi nhắc lại những câu chuyện đau lòng này.
Theo thống kê của Tạp chí Tri thức trẻ, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ trượt đại học cao nhất thế giới. Thời gian này đã gần 300 trường Đại học trên cả nước công bố điểm thi, đây được coi là niềm vui của nhiều thí sinh nhưng cũng là nỗi đau khổ tột cùng của không ít bạn trẻ. Có thể nói rằng, thời điểm hiện tại là mùa trạng nguyên và cũng là mùa tự tử. Áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè và chính từ bản thân đã dẫn các em tới quyết định nông nổi: tự tử. Cái chết khi thi trượt Đại học như một sự giải thoát khỏi thế giới với đầy những khổ đau, u tối.Nhiều thí sinh sau khi biết kết quả Đại học tìm đến cái chết để giải thoát
Vào đầu tháng 7/2010, nữ sinh N.T.H. (sinh năm 1992, ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã uống thuốc trừ cỏ vì không nhận được giấy báo thi ĐH.
Trước đó, ngày 20/8/2009, em Nguyễn Thị V. (SN 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã tự tử bằng lá ngón do thất vọng trước kết quả dự thi ĐH.Ngày 14/8/2006, em Nguyễn Thị Diệu T. (SN 1988, ở Nam Định) đã treo cổ tự tử trong phòng riêng sau khi biết tin mình thi trượt ĐH.
Cũng tại Nam Định, chiều 2/8/2005, em Trần Duy H. (SN 1987) đã thắt cổ tự tử sau khi biết tin mình không đỗ vào ĐH.
Những ngày công bố điểm thi như thế này càng có nhiều phụ huynh đưa con đến chuyên khoa thần kinh hoặc các trung tâm tư vấn nhờ “sốc” lại tinh thần cho con. Theo BS Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, sau khi có kết quả thi đại học hàng năm, các bệnh viện lại tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do thất bại trong thi cử. Bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh, sinh viên. Nếu không có cái nhìn đúng đắn và tích cực, cùng sự hỗ trợ của gia đình, sẽ xảy ra những chuyện hết sức buồn lòng.
Tự tử – Giá trị sống tính bằng điểm số
Video đang HOT
Vì sao lại có những chuyện thương tâm này? Trước tiên cần phải biết rằng giá trị sống của những bạn trẻ tự tử vì áp lực thi cử được đo bằng điểm số. Nếu các em ấy có giá trị sống khác thì đã không có tình huống đáng buồn này xảy ra. Giá trị sống này từ đâu mà có? Điều này xuất phát từ căn bệnh thành tích trở thành “thâm căn cố đế” trong nền giáo dục nước nhà. Một tình trạng hết sức phổ biến ở cấp Tiểu học, THCS là học trò luôn học theo công thức khô cứng. Nếu học sinh viết những gì trái với bài mẫu cô dạy thì sẽ bị điểm thấp. Năng lực giáo viên hạn chế chỉ là một phần, cái chính vẫn là bệnh thành tích?
Bên cạnh đó, áp lực học tập nặng nề, nhiều khi thiếu đi sự cảm thông từ phía thầy cô, gia đình thì tự tử trở thành giải pháp duy nhất. Ở nhiều gia đình, thi đỗ Đại học đã trở thành mục tiêu quan trọng, thậm chí bắt buộc phải đạt được với nhiều học sinh. Nhiều người cho rằng, chỉ khi đỗ Đại học mới có tấm bằng thì mới kiếm được công việc tốt, mới được gọi là thành công. Vì thế, thi đỗ Đại học đã trở thành gánh nặng ghê gớm cho học sinh. Mười hai năm ăn học, phấn đấu cũng để “cá chép hóa rồng”. Và khi không thể “hóa rồng”, đó là sự thất bại cho các em và cả gia đình
Nhiều học sinh rất lúng túng trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và vượt qua stress. Sau kỳ thi đại học, bên cạnh bảng vàng ghi danh các thủ khoa xuất sắc, danh sách những thí sinh dại dột không ngần ngại tự kết liễu bản thân hoặc rối loạn tâm thân ngày một nối dài. Nguyên nhân của việc này chính là vì giới trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống, và đặc biệt là chưa được phụ huynh, nhà trường quan tâm dạy bảo đúng mực về vấn đề này. Điều này cần được báo động cho toàn xã hội.
Đại học không phải con đường độc đạo
Để hạn chế tình trạng này, gia đình, nhà trường nên chuẩn bị trước tâm lý cho con, rằng vào Đại học không phải là một con đường duy nhất. Kỳ thi vào Đại học cũng không phải là kỳ thi duy nhất. Có nhiều con đường đến với thành công. Vào đại học là một trong những con đường đó. Nhưng đôi khi, người ta bị ánh sáng của con đường này làm mờ mắt, lầm tưởng đó là con đường độc đạo mà quên mất rằng, còn nhiều con đường khác. Điều quan trọng là, mỗi người đi đến thành công có thể bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đều phải có quyết tâm, ý chí và nghị lực lớn.
Trượt đại học có thể được xem như là vấp ngã đầu tiên của mỗi người trên con đường còn lắm chông gai và nhiều thử thách phía trước. Một khi đã trải qua những thử thách này thì trước mỗi khó khăn, cá nhân sẽ chững chạc hơn, sâu sắc hơn, và quyết đoán hơn.
Trên thế giới có khoảng 120.000 nhà khoa học tàn tật. Họ đã vượt lên hoàn cảnh của mình để làm nên những điều kỳ diệu. Trong số đó phải kể đến Thomas Alva Edison với khuyết tật là: điếc, không có khả năng học tập (năm 12 tuổi mới biết đọc) và khả năng viết lách rất kém kể cả khi đã có những phát minh lớn của thời đại. Thế nhưng ông đã có hơn 1.000 phát minh về những đồ vật trong cuộc sống. Nổi tiếng nhất là phát minh ra bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm, tàu điện, máy quay phim, hệ thống điện báo.
Tại nhiều quốc gia khác, việc không có bằng đại học không phải lúc nào cũng là lực cản trên con đường đi lên của những người tài giỏi. Ví dụ, tuy không có bằng đại học nhưng nhiều năm qua người lãnh đạo hãng Apple – ông Steve Jobs, người đã bị đuổi khỏi trường trung cấp ngay từ học kỳ đầu tiên) vẫn tạo nên nhiều thăng tiến trong sự nghiệp kinh doanh.
Một câu chuyện rất dung dị và sâu sắc. Trong một lần về thăm một trường Trung học, thầy hiệu trưởng giới thiệu với Bill Gates: “Trong con mắt các em học sinh của tôi, Microsoft là một thần thoại, còn cái tên Bill Gates là cả một cuốn sách huyền bí. Các em đều mong muốn có thể hiểu được ngài”. Nhưng Bill Gates lại trả lời rất giản dị: “Trước đây tôi chỉ toàn đến các trường đại học, thế mà bản thân tôi lại chưa tốt nghiệp đại học nào. Nay có dịp được đến trường trung học, tôi rất sung sướng, bởi tôi đã tốt nghiệp trung học rồi”.
Thầy giáo David McCollough, người đứng trên cao của đỉnh vinh quang đã nhắc nhở những sinh viên tốt nghiệp Đại học trong một bài viết gây sốc của mình: “Các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì! Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng đôi tay”.
Thật vậy, dù muốn hay không thì cũng đã đến lúc em phải bước vào cuộc đời thực đầy chông gai. Mỗi cá nhân hãy luôn xác định cho mình một con đường, sống trọn vẹn với trách nhiệm với đam mê của mình thì khi đó mọi chuyện sẽ thanh thản hơn nhiều.
Theo GDVN
Trượt đại học: Người đau nhất là con!
Trượt đại học với các em như một cú sốc đầu đời. Sự chăm lo của cha mẹ vô tình trở thành gánh nặng với các em lúc này. Sẽ còn đó sự dằn vặt, oán trách bản thân.
Đốt tiền để đổi lại con số 0!?!
"Trong mắt bố mẹ em là thằng con trai chăm chỉ, học được nhất nhà và bố mẹ cũng không tiếc tiền của đầu tư cho em, mặc dù nhà em còn khó khăn...". Nguyễn Văn An, cậu học trò có dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, gương mặt thanh tú đã bắt đầu dòng tâm sự với chúng tôi như vậy. An sinh ra và lớn lên ở vùng quê đã nhiều đời nay người dân chỉ quen với nương chè, đồng ruộng (xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Cha mẹ em cũng tiếp nối ông bà làm nghề nông, vất vả thì nhiều mà kinh tế gia đình cũng không khá giả gì.
Thế nhưng cha mẹ của em luôn cố gắng tạo điều kiện cho con, mong con học hành đỗ đạt. Trước khi thi đại học, mẹ của An đã bán đi mấy tạ chè và vay mượn thêm bà con hàng xóm được hơn hai triệu cho An có tiền đi ôn thi trên thành phố. An dự thi hai trường: Đại học Kỹ thuật công nghiệp và Đại học Y Thái Nguyên. Nhưng kết quả là em đã trượt cả hai trường với số điểm mà không ai ngờ tới là 13 và 13.5 điểm. "Lúc tra điểm thi, em không tin vào mắt mình, cứ tra đi tra lại mãi. Em ngồi ở quán cả buổi chẳng dám về nhà. Trong đầu em lúc đó nghĩ ngay đến việc đi làm kiếm tiền để trả nợ... Mọi người nói em đã đốt một đống tiền của bố mẹ mà chả được gì. Dạo này em không ăn uống được gì cả, em bị sút mất mấy cân rồi...".
Khác với An, Nguyễn Mai Hoa (quê ở Nho Quan, Ninh Bình) , bố mẹ em làm nghề buôn bán nên cũng có điều kiện kinh tế. Mai Hoa lại được chị gái định hướng cho từ nhỏ về việc học hành. Em không lên trên thành phố để ôn thi nhưng có gia sư kèm tại nhà. Để thuê được ba thầy cô dạy gia sư cho Hoa từ năm lớp 10 cho đến lúc thi, bố mẹ em cũng tốn không ít tiền. Hoa dự thi trường Học viện Tài chính nhưng kết quả không như kỳ vọng của bố mẹ. Em chỉ đạt 14.5 điềm. Mai Hoa tâm sự: "Em không nghĩ là mình trượt...Em đã học ôn rất nhiều. Bố mẹ cũng không để em phải làm gì cả chỉ có học thôi. Vậy mà...". Cô học trò nhỏ bé trực khóc, không nói thêm được lời nào.
Từ hôm biết con thi trượt anh Long, chị Vân (bố mẹ Mai Hoa) trở nên kiệm lời với con hơn. Nhưng nhiều khi bức bối, chị Vân cũng buông ra vài câu. Mai Hoa kể: "Mẹ em hay so sánh em với mấy đứa bạn học cùng em. Chúng nó phải làm suốt ngày mà thi đỗ trường này trường kia, còn em chỉ ăn với học thôi mà không nên chuyện. Em cũng biết thế nên không dám cãi, nhưng thấy tủi thân lắm".
Trường hợp như của Mai Hoa không phải là ít. Bố mẹ dồn hết tâm huyết vào con cái họ nên khi không đạt được ước nguyện, đương nhiên họ sẽ thấy buồn và thất vọng. Nhưng trường hợp dưới đây lại khác...
Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, các em càng buồn và thất vọng về bản thân hơn (Hình minh họa)
Khi bố mẹ cố tỏ ra vô tư...
Trên nhiều trang báo đã viết về những câu chuyện vì thất vọng con không đỗ đại học mà bố mẹ mắng mỏ, trì triết con khiến chúng bị tổn thương, uất ức, dẫn đến những hành động dại dột. Nhưng trong nhiều trường hợp ngay cả khi bố mẹ cố tỏ ra vô tư, không quan tâm đến việc đỗ hay trượt của con cũng khiến các em thấy khó xử và dằn vặt bản thân. Em Anh Văn Chung (xã Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng) chia sẻ: "Khi biết kết quả thi của em, bố mẹ chẳng ai nói gì cả. Mấy hôm nay bố mẹ cũng chẳng nhắc đến chuyện đó với em. Nhưng em biết là bố mẹ buồn vì em lắm". Văn Chung cũng cho biết thêm: "Bà con hàng xóm hỏi thăm nhà em nhiều, mỗi lần như thế mẹ em toàn cười gượng rồi cố lảng đi chuyện khác. Mẹ bảo sẽ cho em đi học một trường dân lập dưới Thái Nguyên nên không phải lo nghĩ gì cả. Nhưng thực sự thì em muốn năm sau thi lại".
Là con trai nên Văn Chung biết cách che giấu cảm xúc của mình, nhưng điều khó khăn nhất với Chung lúc này là em ngại bày tỏ mong muốn của mình với bố mẹ, vì em nghĩ bản thân em đã thi không tốt thì không có quyền đòi hỏi thêm nữa. Chung chia sẻ, trước khi thi đại học bố mẹ em cũng tốn nhiều tiền cho em đi ôn thi ở trường chuyên trên thị xã, giờ lại lục đục chuẩn bị tiền, đồ đạc để vài tháng nữa cho em đi học trường dân lập, em lại thấy buồn hơn...
Cũng giống với suy nghĩ của Văn Chung, Mai Hoa cũng chia sẻ rằng em không dám xin bố mẹ thêm bất kỳ điều gì, ngay cả mua những đồ lặt vặt em cũng ngại xin. Mai Hoa nói: "Bây giờ em ngại đi ra ngoài lắm. Mỗi lần xuống nhà gặp bố mẹ và mọi người, em lại thấy ngượng. Chẳng ai nói gì em cả nhưng em biết là họ nói em được học nhiều mà không đỗ". Gương mặt ngây thơ, hồn nhiên của Mai Hoa bỗng chùng xuống, chất chứa nỗi buồn.
Chuyên gia tư vấn Bùi Thị Thanh Hòa: "Người chịu nhiều áp lực nhất chính là các em".
Chuyên gia tâm lý nói gì!?!
Theo chuyên gia tư vấn Bùi Thị Thanh Hòa, việc cha mẹ dù trong lòng rất buồn, thất vọng nhưng lại cố tỏ ra bình thường với con cái, điều đó chưa hẳn đã tốt. Các em sẽ cảm nhận được sự gượng gạo đó và sẽ dằn vặt mình nhiều hơn. Và trong nhiều trường hợp, các em sẽ làm theo ý của cha mẹ mà không dám nói lên suy nghĩ hay mong muốn của mình. Bản thân các em cảm thấy có lỗi, thấy mặc cảm và làm theo thì sẽ dẫn đến những hậu quả sau này. Có thể là các em học một trường không theo sở thích của mình, việc học sẽ trở lên khó khăn và khiến các em cảm thấy chán nản. Vì vậy, trong trường hợp này, bố mẹ nên nói chuyện với con cái mình, giúp các em thấy tự tin hơn để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Chị Hòa cũng chia sẻ thêm: "Bản thân các em là người vừa phải trải qua cú sốc trượt đại học, lại làm theo những điều mình không mong muốn thì người chịu nhiều áp lực nhất chính là các em. Bố mẹ cần động viên, hỗ trợ các em nhiều hơn và bản thân các em cũng nên chủ động tìm những sự hỗ trợ về tâm lý cho mình. Không đỗ đại học không phải là yếu tố để đo giá trị hay đánh giá con hư hay con ngoan. Các em nên tự tin và nói lên suy nghĩ của mình với bố mẹ, mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn".
Theo khám phá
Trượt ĐH: Xin đừng gây sức ép cho con! Sau mỗi kỳ thi đại học, có không ít những câu chuyện đau lòng xảy ra. Luôn có những tờ giấy báo điểm "vô tình" biến thành giấy tử, thí sinh tìm đến cái chết để giải thoát trước sức ép trượt đại học. Cho đến nay đã có khoảng 200 trường đại học công bố điểm thi. Dù chưa có điểm chuẩn...