Mua hàng trực tuyến – Đâu là giải pháp an toàn?
Dù mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam không lâu nhưng Thương mại điện tử – mô hình kinh doanh trực tuyến đã có những bước đi đáng kể khi đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường bán lẻ trong nước. Với lợi thế là mang lại sự tiện lợi – chủ động, hàng hóa đa dạng, không phải tốn công sức đến tận nơi để mua sắm, ngoài ra các dịch vụ hỗ trợ trước và sau mua hàng, đa dạng phương thức thanh toán, vận chuyển nhanh chóng…đã giúp cho việc mua hàng trực tuyến trở nên thuận tiện và được ưa chuộng hơn so với cách thức mua hàng truyền thống. Chỉ cần 1 cú click chuột, sản phẩm sẽ được chuyển tận tay người mua hàng dù là ở vùng miền nào của đất nước.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa đặt hết niềm tin vào mua sắm trực tuyến, họ vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với các hình thức kinh doanh trên mạng. Vậy có phải website nào cũng kinh doanh theo lối chụp giựt, lừa đảo khách hàng hay chỉ vì một vài con sâu làm ảnh hưởng đến uy tín của những website kinh doanh chân chính? Dưới đây là một số chia sẻ nhỏ giúp bạn có cho mình sự lựa chọn đúng đắn khi mua hàng trực tuyến.
Vì đâu mà một số người lại e ngại khi tìm đến các trang bán hàng trực tuyến?
Thực tế, có rất nhiều khách hàng phản ánh rằng sản phẩm họ nhận được khác xa với những gì họ nhìn thấy trên website, do vậy niềm tin vào thương mại điện tử cũng bị lung lay.
Nguyên nhân của thực trạng này là do TMĐT đang bị lạm dụng, bóp méo bởi sự làm ăn thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị cung cấp sản phẩm. Nhiều đơn vị đã mượn danh nghĩa thương mại điện tử (TMĐT) để phục vụ lợi ích riêng cho mình khiến khách hàng hiểu sai về TMĐT. Những doanh nghiệp như vậy thường không tồn lại lâu và sẽ bị khách hàng tẩy chay sau một vài lần mua hàng.
Một số khác thì dùng kênh TMĐT để phân phối hàng giả, hàng nhái kém chất lượng nhằm qua mắt người tiêu dùng – một cách làm ăn rất chụp giựt, và lừa người tiêu dùng.
Làm thế nào để người tiêu dùng có thể tiếp cận đến các trang bán hàng uy tín và chất lượng?
Thông tin Website bán hàng minh bạch
Chỉ cần gõ một vài từ khóa như “ áo khoác nam” là hàng loạt các website bán hàng hiện ra, vậy làm sao để khách hàng có thể nhận biết địa chỉ nào là uy tín, chất lượng như cam kết?
Khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy những điểm chung từ các website TMĐT uy tín sẽ được liệt kê dưới đây:
Website có mục thông tin doanh nghiệp rõ ràng: Tên công ty, Giấy phép kinh doanh, Địa chỉ trụ sở, Số điện thoại hỗ trợ, thông tin giới thiệu doanh nghiệp rõ ràng….
Đăng ký với Bộ CôngThương: có chứng nhận đăng ký Sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công Thương và hiển thị rõ ràng trên website bán hàng…
Có chứng chỉ uy tín từ các tổ chức chuyên nghiệp: một công ty thương mại điện tử uy tín sẽ dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường thông qua các Giấy chứng nhận của các tổ chứng có uy tín để bảo đảm thanh toán, chất lượng sản phẩm cũng như chính sách bán hàng, bảo mật thông tin….
Thời gian hoạt động của webiste bán hàng: đây cũng là điều đáng quan tâm, có những website chỉ hoạt động được một vài tháng thì chắn chắn uy tín cũng như chất lượng phục vụ sẽ không bằng các website bán hàng được được hoạt động từ vài năm trở lên
Thông tin của sản phẩm: Đây là yếu tố rất quan trọng để khách hàng quyết định mua hay không mua 1 sản phẩm online. Khách hàng cần phải tìm hiểu kĩ các thông số như: xuất xứ của sản phẩm, ngày hết hạn, thương hiệu, hình ảnh chân thật của sản phẩm thay vì hình ảnh minh họa, so sánh giá của sản phẩm với 1 số website cũng loại khác cũng như việc đánh giá sản phẩm từ các khách hàng hay người sử dụng trước đó…
Video đang HOT
Thông tin sản phầm rõ ràng
Quyền lợi của khách hàng được nêu rõ ràng cụ thể: Các quy định, chính sách giao hàng, bảo hành đổi trả rõ ràng, cụ thể được ghi ngay tại trên web, các chính sách bảo mật thông tin và sử dụng thông tin của khách hàng
Các lĩnh vực bán hàng trực tuyến:
Ngày nay, nhu cầu mua sắm trực tuyến các mặt tiêu dùng tăng lên đáng kể khi nó tiết kiệm hẳn về mặt thời gian và đa dạng về khả năng thanh toán, một nhân viên văn phòng với 1/3 thời gian hành chính trong ngày là làm việc tại công sở, một người phụ nữ hiện đại vừa đảm đương công việc ngoài xã hội và gia đình thì yếu tố thuận tiện là rất cần thiết, chỉ cần có nhu cầu và dạo quanh 1 vòng trên các trang thương mại điện tử là mọi món hàng bạn cần sẽ bày ra trước mắt, một vài thao tác đơn giản đặt hàng và để lại thông tin là vô hình chung sản phẩm sẽ đến thẳng tay người dùng.
Các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, thiết bị y tế…được các chị rất ưa chuộng đặc biệt là có các chương trình khuyến mãi giảm giá….còn các bạn trẻ như sinh viên, nhân viên văn phòng thì thường dạo mặt hàng thời trang….Có thể nhận định rằng thời trang là một trong những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng nhất của TMĐT. Khi thị trường vẫn còn trong giai đoạn bị phân tán và còn rất nhiều cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài các đại gia giàu tiềm lực tài chính như Zalora, Lazada, Yes24…ra thì các đơn vị trong nước vẫn có thể tạo niềm tin cho khách hàng bằng chính chất lượng và lợi thế giá cả như zanado.com, Chon.vn…tiếp cận khách hàng. Chậm mà chắc để giữ chân khách hàng còn hơn kinh doanh theo kiểu đặt lợi nhuận lên trên tất cả để cuối cùng khách hàng quay lưng vì chất lượng sản phẩm không đúng như cam kết.
Chính vì thế, một cuộc đại chiến lớn trong lĩnh vực thời trang trực tuyến hứa hẹn sẽ tìm ra vị trí dẫn đầu ngành trong một tương lai không xa và người tiêu dùng càng có cơ hội tiếp cận được những mặt hàng thời trang chất lượng và giá cả hợp lí khi chất lượng dịch vụ ngày một được nâng cao.
Lời khuyên cho các trang thương mại điện tử trong nước nếu muốn tăng sức cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài:
- Hình ảnh sản phẩm: Người dùng thường ưa chuộng những trang bán hàng có hình ảnh bắt mắt, hình ảnh càng lung linh thì khả năng click vào xem càng cao, đây cũng chính là ưu điểm nhưng lại là nhược điểm khi nó khiến cho khách hàng có cảm giác hụt hẫng với chính sản phẩm cầm trên tay không giống như hình mẫu thực tế. Các trang thương mại điện tử cần đầu tư hình ảnh chân thật, hình thật -sản phẩm thật. Dù không bắt mắt như những hình mẫu nước ngoài nhưng khi cầm trên tay, khách hàng có cảm giác tin tưởng và hài lòng.
- Phương thức thanh toán: Yếu tố kể đến thứ 2 chính là khả năng tiếp cận ở đây là phương thức thanh toán, ngày nay không chỉ hình thức COD được ưa chuộng như trước nữa mà nó còn được bổ sung bằng phương thức thanh toán trực tuyến khá thuận tiện cho những người có thói quen sử dụng thẻ tiêu dùng thông minh. Họ ít dùng tiền mặt nhưng bù lại hình thức này nhanh – gọn và tiện sử dụng và khi thánh toán trực tuyến ngoài việc giúp các công ty TMĐT có dòng tiền nhanh còn tạo động lực để thúc đầy việc thanh toán trưc tuyến cho khách hàng của mình nói riêng và khách hàng TMĐT của VN nói chung
- Chất lượng sản phẩm: Yếu tố cốt lõi cuối cùng vẫn là chất lượng sản phẩm, nếu một trang bán hàng trực tuyến hoàn hảo về mọi khâu, quy trình và dịch vụ hướng đến khách hàng nhưng chất lượng sản phẩm không có gì nổi bật hay quá đỗi bình thường như những mặt hàng được bày bán tại các chợ thì dù có đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị trực tuyến thì khách hàng chỉ dùng 1 lần và không quay trở lại, và hình ảnh thương hiệu sẽ bị lan truyền theo hướng tiêu cực. Chính vì thế, mỗi đơn vị cần làm rõ sự khác biệt của mình thông qua chất lượng sản phẩm/dịch vụ là gì và cần đặt khách hàng lên hàng đầu sau khi nghĩ đến lợi nhuận.
- Chính sách đổi trả: mua hàng trên mạng thì khách hàng sẽ không được thử hay trải nghiệm sản phẩm cần mua vì thế họ chỉ mua bằng “niềm tin” theo đúng nghĩa vậy chuyện gì xảy ra nếu khách hàng nhận hàng nhưng không ưng ý? Họ sẽ phải làm gì tiếp theo? Đó chính là các chính sách đổi trả hay hoàn tiền mà các công ty TMĐT cần phải làm rõ với khách hàng ngay từ đầu để tăng yêu tố niềm tin khi họ mua hàng, hiện có rất nhiều các công ty TMĐT sẵn hàng cho khách hàng đổi trả hàng họ không vừa ý mà không nhất thiết phải là hàng kém chất lượng hay bị lỗi như zalora, tiki, zanado.com …
Kết luận
Thương mại điện tử đã mở ra một phương thức kinh doanh trực tuyến mới và cách tiếp cận mua hàng mới cho người dùng nhưng nó lại nảy sinh những vấn đề đáng tiếc. Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cần có cái nhìn mới, đặt khách hàng lên hàng đầu vì người tiêu dùng thông minh sẽ tẩy chay nếu bạn lừa dối họ. Bản thân mỗi người tiêu dùng Việt khi quyết định mua bất cứ một món hàng nào trên mạng cũng cần tìm hiểu rõ đơn vị mà mình lựa chọn và cần có những cam kết bảo vệ chính quyền lợi của mình từ phía các công ty TMĐT, để tránh tiền mất tật mang…
Theo VGT
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam qua góc nhìn của CEO Sieumua
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian gần đây đang phát triển khá sôi động, với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự hỗ trợ của nền tảng mobile trong kỷ nguyên internet, việc các doanh nghiệp dịch chuyển công việc kinh doanh sang môi trường online là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, thực hư thị trường TMĐT Việt Nam như thế nào? Đó phải là mảnh đất màu mỡ để các startup bắt đầu xây dựng nền móng cho mình hay không? Những khó khăn gì sẽ chờ đợi khi các startup muốn tham gia vào thị trường này?
Tech in Asia đã có buổi phỏng vấn với anh Phan Văn Sơn, CEO của Sieumua để cùng làm rõ bức tranh toàn cảnh về thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian qua.
Anh có thể cho nhận xét tổng quan thị trường TMĐT ở Việt Nam trong thời gian qua?
Có thể nói, thị trường TMĐT ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2009, bởi vì trước đó hầu hết người Việt Nam đều chưa có khái niệm mua hàng trực tuyến. Sau đó vào năm 2010 thì thị trường TMĐT thực sự bùng phát, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp tham gia cùng một lúc, khiến thị trường phát triển khủng khiếp.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ của nhiều doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", chỉ làm lấy số lượng mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, có doanh nghiệp một ngày có thể thực hiện vài ngàn đơn hàng, nhưng sản phẩm mang lại không được như mong đợi của khách hàng. Đồng thời hầu hết các doanh nghiệp TMĐT chỉ nghĩ tới lợi nhuận và chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình chứ không nghĩ đến lợi ích cho khách hàng.
Điều nay gây ra một hệ quả nghiêm trọng là khách hàng mất niềm tin vào các doanh nghiệp TMĐT, do đó năm 2012 đánh dấu sự ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT.
Năm 2012 đánh dấu thời kỳ sụp đổ của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 triệu người thường xuyên sử dụng internet, trong đó có khoảng 10%, tức là khoảng 3,5 triệu người có thói quen mua hàng trực tuyến, có thể thấy thị trường TMĐT ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng để có thể đạt được thành công thì còn rất nhiều khó khăn.
Anh có thể cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thị trường TMĐT?
TMĐT là một ngành kinh doanh khá độc lập, không phải ai giỏi kinh doanh truyền thống đều có thể nhảy sang TMĐT. Nhiều người đứng ngoài cứ nghĩ TMĐT đơn giản, chỉ cần làm 1 website là có thể kinh doanh được, tuy nhiên không phải như vậy. Làm TMĐT là phải biết về công nghệ, phải biết cách quản lý các quy trình onilne, phải biết về AdWords, SEO...
Đối với bất kỳ thị trường nào, điều quan trọng nhất là phải tạo được được niềm tin của khách hàng. Sau thời kỳ ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT, khách hàng bị mất niền tin vào TMĐT. Do đó hiện nay, cần rất nhiều thời gian tích luỹ để tạo dựng lại uy tín của các doanh nghiệp cũng như niềm tin của khách hàng vào TMĐT. Hơn nữa, để có thể tạo dựng một nền tảng vững chắc và trở thành người đi đầu là một vấn đề rất lớn, doanh nghiệp cần phải duy trì niềm tin này trong một thời gian dài.
Thứ hai, hiện nay TMĐT bị cạnh tranh rất gay gắt. Có thể thấy là hiện giờ ai cũng có thể bán hàng trên Facebook được, do vậy khách hàng rất dễ dàng trong việc tìm kiếm và có rất nhiều lựa chọn mua hàng. Nhiều khách hàng còn đặt đơn hàng của 2-3 doanh nghiệp, ai giao nhanh hơn thì mua của người đó khiến giao dịch bị huỷ rất nhiều.
Hơn nữa thị trường Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc được đầu tư từ nước ngoài. Những doanh nghiệp này đầu tư vào thương hiệu rất lớn, chăm sóc khách hàng tốt, thậm chí họ còn chấp nhận lỗ để mở rộng thị trường và tăng lượng người dùng.
Thứ ba là người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen thanh toán trực tuyến. Mặc dù công nghệ dành cho thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đã sẵn sàng khoảng 5 năm nay, nhưng người dùng Việt Nam vẫn muốn thanh toán dưới hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng). Điều này khiến các doanh nghiệp TMĐT tốn rất nhiều chi phí vận hành như: chi phí vận chuyển, chi phí marketing, nhân sự. Nhiều đơn hàng giao thành công rồi vẫn bị khách hàng huỷ khiến chi phí phát sinh tăng cao.
Người dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen thanh toán trực tuyến.
Hơn nữa người dùng Việt Nam hiện nay vẫn quen "xem, sờ, thử" nên nhiều doanh nghiệp TMĐT phải chấp nhận mở cả cửa hàng outlet để phục vụ nhu cầu offline của khách hàng. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để tăng giá trị thương hiệu có thể mở bán hàng chục ngàn sản phẩm, nhưng lại không thể bao quát hết được, thực tế chỉ có khoảng 5.000 - 7.000 sản phẩm, chưa kể những đơn hàng bị huỷ khiến lượng giao dịch "ảo" tăng lên nhiều lần. Điều này dễ gây ra ảo tưởng cho những startup đang muốn tham gia vào thị trường TMĐT.
Thực tế là không phải ai cũng có thể làm TMĐT trong thời điểm này.
Vậy theo anh, đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam?
Làm TMĐT là phải làm từng bước một, những năm đầu tiên chỉ cần một vài người thực sự giỏi để tạo dựng mô hình và thiết lập chiến lược doanh nghiệp, sau đó, khi doanh nghiệp đã đứng vững rồi thì mới cần những đội ngũ giỏi khác để tối ưu hoá dần việc kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Không ai có thể hiểu về thị trường ngay được.
Tiếp theo là các doanh nghiệp TMĐT phải tối ưu hoá chi phí và khuyến khích thanh toán trực tuyến như: miễn phí vận chuyển, hoặc giảm 5% cho những đơn hàng thanh toán trực tuyến...
Bởi vì chỉ có thanh toán trực tuyến mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển nhanh hơn, tiết kiệm chi phí và đảm bảo thành công các giao dịch, tỷ lệ khách hàng huỷ đơn hàng ít hơn.
Đồng thời phải tạo được niềm tin và tính chuyên biệt cho khách hàng. Ví dụ như Sieumua lựa chọn chuyên về kinh doanh thời trang, bởi vì thị trường rất lớn, nhiều đối tượng khách hàng, nếu cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt, mọi người sẽ quay lại. Thời trang là mặt hàng hôm nay mua rồi, ngày mai vẫn có thể mua tiếp, không giống như các sản phẩm điện tử, điện máy, nhiều năm sau người dùng vẫn chưa có nhu cầu mua lại.
Nói chung TMĐT ở Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn, thực ra không một doanh nghiệp TMĐT nào dám nói chắc gì về tương lai 5-10 năm tới. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng:
Phải đi theo mô hình khó và khi vượt được qua nó rồi thì bạn mới phát triển bền vững. Bởi vì đi theo các mô hình dễ dàng thì sức cạnh tranh càng cao, thành công càng trở nên bấp bênh.
Xin cảm ơn anh vì buổi phỏng vấn hôm nay!
Biên tập bởi Quyen Quyen - theo techinasia
Toàn cảnh thị trường Groupon tại Việt Nam năm 2014 Cách đây chừng 5 năm, mô hình Groupon hay còn gọi là mua hàng theo nhóm ra đời tại Việt Nam kéo theo rất nhiều kỳ vọng về một mô hình kinh doanh mới. Khi Daily Deal không còn là Groupon Hiện nay tại Việt Nam hình thức đặt mua deal các sản phẩm dịch vụ thông qua một nhà phân phối trung...