Mưa điểm 10, học sinh có thực sự giỏi?
Kết thúc học kỳ I, nhiều học sinh tiểu học có bảng điểm “khủng” toàn điểm 9, điểm 10. Không ít người băn khoăn, liệu các em có thực sự giỏi như thầy cô đánh giá?
Phụ huynh nên hiểu đúng giá trị điểm 9, điểm 10 của học sinh tiểu học là đáp ứng chương trình dạy học.
Mưa điểm 10
Trong buổi họp phụ huynh tổng kết học kỳ I của một trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội, một giáo viên lớp 2 thông báo, cô khá phấn khởi vì thành tích học tập của gần 50 học sinh trong lớp. Trong đó, bài kiểm tra Toán có gần 40 em đạt điểm 10; còn lại các em đạt điểm 9; bài kiểm tra Tiếng Việt chỉ có 2 em đạt điểm 8, còn lại đạt điểm 9, điểm 10.
“Những năm gần đây, nhằm đáp ứng đổi mới, các giáo viên, nhà trường khuyến khích học sinh sáng tạo, học tập hứng khởi, khi kiểm tra cũng căn cứ yêu cầu chung, không ra đề quá khó, không cho điểm thấp”. – TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
Cô Trần Thị H., giáo viên dạy lớp 1 tại quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết, lớp có 49 học sinh, trong đó môn Toán có 26 em đạt điểm 10; môn Tiếng Việt có 22 em đạt điểm 10 và nhiều em còn lại đạt điểm 8, điểm 9. Theo cô H., cách cho điểm của giáo viên hiện nay “không đều tay”. Cô lấy ví dụ, ở môn Tiếng Việt lớp 1, có 2 bài kiểm tra gồm đọc và viết; nhiều học sinh vẫn vừa đọc vừa đánh vần nhưng có giáo viên vẫn cho điểm 10, hay như bài viết, chỉ cần các em viết tròn vành, rõ chữ, không sai chính tả là đạt điểm 10.
Trong khi đó, có giáo viên vẫn trừ điểm chính tả và tốc độ đọc. Khi đưa ra trao đổi, nhiều giáo viên cho rằng, cần khuyến khích học sinh để các em phấn khởi. Cô H. cũng nêu ra điểm bất cập trong cách ra đề kiểm tra đánh giá dẫn đến điểm học sinh cao như hiện nay. Đó là nhà trường giao cho khối trưởng ra đề gửi nhà trường lựa chọn.
“Lập tức, các giáo viên khác trong khối cũng đổi số, đổi dạng cho học sinh ôn luyện, nhào nhuyễn và khi kiểm tra, các con gần như làm lại dạng đề đó. Do vậy, khi chấm bài Tiếng Việt, gần như cả lớp có bài viết na ná nhau, bạn điểm 9 thua bạn điểm 10 vì chữ xấu hơn”, cô H. nói.
Video đang HOT
Theo cô H.,một điểm bất cập trong năm học trước là trường quy định 20-25% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn diện (cao nhất). Tuy nhiên, có những lớp đầu vào tốt hoặc giáo viên rèn tốt, các em đạt hơn lại phải dùng các tiêu chí khác để xét; có những lớp học sinh không đạt, nhưng giáo viên phải nới lỏng tay để đạt chỉ tiêu.
Chị Trần Thị Mai Ngọc (có con học lớp 3 một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng, trước ngày kiểm tra học kỳ, cô giáo cho các bài ôn luyện để con làm đi làm lại cho nhuần nhuyễn. “Riêng Tiếng Việt, cô giáo cho con luyện đến thuộc lòng cả bài, không cần sáng tạo câu chữ nào. Ví dụ, khi tả về cảnh đẹp, bức tranh thiên nhiên nào đó mà nói về cảm xúc, em chỉ biết viết câu: Nó rất là đẹp.
Trong khi mẹ muốn hướng dẫn con viết câu dài với nhiều từ nối nhưng con từ chối và bảo cô quy định như vậy rồi”, chị Ngọc thở dài. Chị Đặng Thị Hoa (có con học tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Cô giáo thường giới hạn bài văn trong khoảng 5 câu và học sinh viết đi viết lại đến thuộc lòng. Khi kiểm tra, con đạt điểm 10 không có gì lạ nhưng nếu nói thông minh, sáng tạo ở đây là không có”.
Một số giáo viên khẳng định, khi họp phụ huynh đã trao đổi để họ biết năng lực thật sự của con, điểm số không phản ánh đúng toàn bộ quá trình học tập của con. Giáo viên vẫn yêu cầu phụ huynh dành thời gian kèm cặp, nhắc nhở các em học tập. Tuy nhiên, điểm các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm của học sinh hiện nay vẫn là căn cứ quan trọng để đánh giá, tổng kết năm học. Các trường THCS chất lượng cao, trường có tiếng vẫn tuyển sinh lớp 6 bằng cách một phần căn cứ hồ sơ, học bạ điểm tổng kết các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Kiểm tra kiến thức cơ bản
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, nói rằng, đề kiểm tra cuối năm, cuối kỳ hiện nay do các trường ra, riêng với học sinh lớp 9, đề do Phòng GD&ĐT ra. Do đề của từng trường ra nên có độ khó, dễ khác nhau.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đề kiểm tra có xu hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, không quá khó, không đánh đố học sinh. Cấu trúc của đề cũng chia ra các mức độ dễ, trung bình, hơi khó và chỉ có một vài câu khó để phân loại học sinh giỏi. Vì thế, học sinh có năng lực dễ dàng đạt được điểm cao ở các môn như Toán, Công nghệ. Riêng với môn Tiếng Việt, điểm có thể thấp hơn một chút.
Theo quy định đánh giá học sinh tiểu học hiện nay, mỗi năm, học sinh có các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và cuối năm, nhưng những điểm này chưa thực sự nói lên việc các em có xuất sắc hay không mà còn phụ thuộc vào cả quá trình học tập trên lớp theo đánh giá của giáo viên, bà Hằng nói. Hiện không có quy định mỗi lớp có bao nhiêu học sinh đạt học sinh hoàn thành xuất sắc.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nói rằng, phụ huynh phải hiểu đúng giá trị điểm 9, điểm 10 của học sinh tiểu học là đáp ứng chương trình dạy học. Với cấp tiểu học, ra đề không nhằm loại học sinh mà để đánh giá sự tiến bộ của các em đến đâu. Đề kiểm tra sẽ có 2 yêu cầu, gồm yêu cầu cần đạt và phân hóa học sinh. Vì phân hóa là không cần thiết nên trường sẽ nghiêng về yêu cầu tối thiểu, cơ bản, ra đề không quá khó để không gây áp lực cho học sinh. Do đó, bài kiểm tra đạt nhiều điểm 9, điểm 10 là dễ hiểu, ông Lâm nói.
Chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tại phiên họp về "Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045".
Tham dự buổi họp, các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận, cho ý kiến về định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, mục tiêu của Chiến lược phải tương đồng với Luật Giáo dục 2019.
Theo đó, mục tiêu của giáo dục được chuyển từ "đào tạo con người toàn diện" (theo Luật Giáo dục 2005) sang "phát triển toàn diện con người Việt Nam".
Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài ngành GDĐT, còn có trách nhiệm lớn của các địa phương trong đầu tư, quan tâm đến giáo dục đào tạo, trách nhiệm của gia đinh và toàn xã hội.
GS. Phạm Hồng Quang và nhiều Hiệu trưởng trường phổ thông tham dự phiên họp đề xuất việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
"Tự chủ mới ra được chất lượng. Ở môi trường tự chủ, nhà trường sẽ làm được nhiều giá trị cho học sinh", bà Nguyễn Thị Nhiếp- thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục nói.
Ngoài đề xuất thí điểm cho một số trường thực hiện tự chủ rồi lâu dài sẽ áp dụng đại trà, bà Nhiếp cho rằng, cần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới thi cử đáp ứng mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bổ sung giải pháp đổi mới việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục để khắc phục tình trạng hiện nay phần lớn lãnh đạo trường phổ thông đi lên từ giáo viên và thực hiện việc quản lý, quản trị nhà trường theo kinh nghiệm.
Chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông (ảnh: Đại học Quốc gia TP.HCM)
Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, định hướng mục tiêu, giải pháp cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là "mảnh ghép" quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và các yêu cầu mới.
Ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự phiên họp, Thứ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ GDĐT tổng hợp và hoàn thiện định hướng phát triển giáo dục phổ thông 2021-2030 với mục tiêu tổng quát tương đồng với Luật giáo dục 2019, thống nhất 9 nhiệm vụ và giải pháp - đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.
Theo đó, ngành Giáo dục sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; triển khai thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Đồng thời nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, "Giải pháp đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông có thể xác định là "điểm nhấn". Tuy nhiên, trong mọi trường hợp vẫn phải lấy chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông".
Thứ trưởng yêu cầu, song song với việc đưa ra bộ chỉ số phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới đảm bảo đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng chỉ đạo, phù hợp với hội nhập quốc tế, phải đưa ra chỉ số đột phá để thấy sự khác biệt của giáo dục Việt Nam so với thế giới.
Giáo dục chỉ cất cánh khi chống triệt để căn bệnh thành tích "Chúng ta phải chống triệt để căn bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới có được chất lượng giáo dục thật", TS. Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhấn mạnh. Giai đoạn 2010-2020 được xem là giai đoạn quan trọng của giáo dục Việt Nam trong thực hiện...