Một vòng cơm tấm Long Xuyên ăn là ghiền
Đĩa cơm tấm gồm cơm, trứng, thịt, bì, dưa chua, mỡ hành trộn đều quyện vào nhau, cộng hưởng với chút mặn ngọt chua cay xuất sắc của nước mắm… ăn là ghiền, “quê tôi đó, tôi đã ăn đến mòn răng”.
Đĩa cơm tấm nhuyễn Long Xuyên chánh hiệu mà khách xa đến An Giang nhất định tìm ăn – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Nguyên liệu dùng để nấu món cơm tấm Long Xuyên phải là hạt tấm mẳn, nấu chín vừa tới, canh lửa, thêm nước để đạt được độ tơi xốp.
Thịt nạc khìa chung với trứng vịt cho thấm đều gia vị, áo lớp vỏ ngoài màu điều, sau đó xắt sợi mỏng cộng với bì, dưa chua, mỡ hành áp lên vắt cơm tấm nhuyễn còn bay hơi nóng hổi… chan muỗng nước mắm chua ngọt sền sệt mới hoàn hảo.
Đĩa cơm tấm ấy lẽ ra cũng bình thường, dân Long Xuyên ăn thành lệ, ăn riết ghiền, rồi thành thương hiệu của một thành phố được du khách “săn đón” dù chỉ ăn một lần cho biết cũng đáng.
Đĩa cơm tấm 2.000 đồng trong ký ức
Bọn trẻ chúng tôi, thế hệ 9X không biết món cơm tấm Long Xuyên có từ khi nào, hồi tiểu học ngày nào cũng túm tụm đi ăn cơm tấm trước cổng trường.
Lớn lên được đi xa hơn khỏi làng xã, ra thành phố Long Xuyên học cấp ba, được lê la khắp phố, từ đó mới biết cơm tấm không chỉ có ở mỗi cổng trường, khắp các con đường ngõ hẻm đều có.
Những năm 2005, khi tôi đang là học sinh tiểu học, nhóm bạn 3 cô gái cứ hẹn nhau mỗi sáng ra quán cơm tấm dì Bảy. Thấy khách “mối” đến, dì không cần hỏi, liền bưng ra 3 đĩa cơm tấm kèm 3 chú thích khác nhau: không mỡ hành, không bì, không dưa chua.
Đĩa cơm tấm sườn quán của dì Bảy vẫn ngon mê ly, chiều theo thực khách (không để bì, mỡ hành) – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Mặc dù cơm tấm phải có đầy đủ thịt, bì, dưa chua, mỡ hành và nước mắm ớt đặc sệt thì mới đủ vị. Nhưng trong ký ức của chúng tôi ngày ấy, đĩa cơm 2.000 đồng là thức quà sáng “thần thánh” ăn mắc ghiền. Dì Bảy thấy thương đám nhóc nên chỉ lấy 1.500 đồng/đĩa, thối lại cho mỗi đứa 500 đồng ăn kem.
Dì Bảy hơn 30 năm vẫn miệt mài bên hàng cơm tấm dù có chút xê dịch vài thước vuông qua lại theo quy hoạch mở rộng đường, xây lại trường của thành phố. Còn lũ trẻ chúng tôi đã 17 năm rời trường, thỉnh thoảng lại tạt ngang ủng hộ dì đĩa cơm, mức giá 20.000 đồng/đĩa cơm lớn, 10.000 đồng/đĩa cơm em bé cũng vừa phải.
Ký ức vẫn còn, dì Bảy vẫn ở đó với quán cơm vỏn vẹn 2 bàn cho học sinh ngồi mỗi sáng, lớp lớp học trò khôn lớn trưởng thành. Chắc họ cũng giống như tôi, dù đi xa bao nhiêu, ăn bao món ngon vật lạ trên đời, nhưng hương vị đĩa cơm tấm ngày xưa vẫn mãi nguyên vẹn trong lòng đứa trẻ 10 tuổi.
Không sang trọng cũng chẳng bình dân
Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên đã thành thương hiệu vang danh gần xa, khách ăn cơm không chỉ những đứa học trò, những cô chú công chức ăn sáng để đi làm… mà trở thành “đặc sản” được du khách tìm thưởng thức khi đến An Giang cả ngày lẫn đêm.
Có những quán tuổi đời hơn nửa thế kỷ, mở chi nhánh ở các thành phố lớn như TP.HCM, thành phố Cần Thơ.
Video đang HOT
Một “dân Long Xuyên” chánh hiệu đi ăn cơm tấm vì ngán bữa cơm chiều – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Dân Long Xuyên ăn cơm tấm kiểu ghiền, bất cứ khi nào thèm là ăn, không kể sáng trưa chiều tối. Trung tâm thành phố có rất nhiều quán cơm ngon, có quán phục vụ du khách đến 23h. Những quán cơm lâu đời, cơ ngơi nhiều thế hệ có thể kể tên như: Cây Điệp, Hướng Dương, Loan, Phượng… bán cả ngày lẫn đêm.
Giá cả cũng tùy nơi và tùy khẩu vị mà chênh lệch 20.000 – 35.000 đồng/đĩa cơm tấm, tùy thương hiệu, món ăn đa dạng, nguyên liệu tăng theo bão giá leo thang, cũng dễ hiểu khi đĩa cơm chất lượng ở những quán kể trên giá lên đến 45.000 – 60.000 đồng/đĩa đối với những biến tấu khác của cơm tấm như: cơm tấm sườn, cơm tấm sườn cọng, cơm tấm gà nướng, cơm tấm heo quay… ăn gì cũng có. Khách đông nườm nượp, thấy ham.
Ngoài ra, nhiều quán cà phê trong thành phố cũng đưa cơm tấm vào thực đơn ăn sáng, ăn trưa mà độ ngon không thua ngoài quán. Giá cả dao động 25.000 – 35.000 đồng/đĩa, không quá “chát”.
Còn các cô cậu học học sinh, sinh viên vẫn “trung thành” với quán cơm gần trường mình, vì giá hiện tại chỉ nằm ở mức 15.000 đồng/đĩa. Ai muốn thêm thịt, thêm cơm, thêm trứng… trả thêm 5.000 đồng no nê ngon lành tới giấc tan học.
Quán cơm tấm không tên, mà chỉ cần nói gần trường đại học cũ thì ai cũng biết – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Cũng là đĩa cơm tấm nhuyễn đặc trưng với thịt nướng, thịt khìa, trứng vịt khìa lên màu đỏ au xắt sợi mỏng để lên trên cơm.
Gắp miếng bì, dưa chua củ cải, dưa chua rau muống mỗi thứ một ít để xung quanh rồi chan muỗng mỡ hành lên, chén nước mắm ngọt đặc sệt thêm chút ớt cay luôn là vị “trùm cuối” không thể thiếu.
Đĩa cơm nóng hổi nhiều màu sắc lại thơm phức bày ra trước mặt, lấy muỗng tưới nước mắm lên trộn cho đều. Múc muỗng cơm đầy để vào miệng vừa có cơm nhuyễn tơi xốp, chút dai dai của bì thịt, chút chua giòn của dưa chua ăn ngay mới vừa vặn làm sao. Sáng sớm đang đói chắc chắn phải ăn 2 đĩa mới thỏa cái bụng.
Đĩa cơm tấm nhuyễn mà thực khách luôn cảm thấy “ăn không đủ no” phải kêu thêm – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Vậy đó, cơm tấm đã len lỏi vào ký ức của bao thế hệ chúng tôi từ nhỏ đến khi trưởng thành, ra đời đi làm tứ tán tỉnh xa. Nếu bất giác có ai đó nhắc nhớ đến cơm tấm Long Xuyên lại được dịp khoe khoang rằng “quê tôi đó, tôi đã ăn đến mòn răng”.
Để rồi cũng có đêm thèm ăn cơm tấm quay quắt, bắt chuyến xe đò từ TP.HCM về ngay, sáng chạy tọt ra quán cơm tấm kế bên Trường đại học An Giang cũ (cách chỉ đường của dân Long Xuyên mà khi đến đây bạn hỏi người nào cũng biết, tin chắc vậy!) ăn cho đã thèm, rồi đi tiếp cũng vui.
Đến Long Xuyên, du khách phải ăn bằng được cơm tấm miền Tây
Vẫn là cơm tấm nhưng ở nơi này lại có một diện mạo có phần khác lạ, ăn thử lại ngon miễn bàn. Chễm chệ trên danh sách các món ăn Việt Nam nổi tiếng và được lòng khách quốc tế ngoài phở và bánh mì chính là cơm tấm Việt.
Nếu như miền Bắc có phở Hà Nội thì trong Nam nhất là tại Sài Gòn có cơm tấm được chọn làm món ăn "danh bất hư truyền".
Ngày xưa cơm tấm là một món ăn bình dân cho học sinh, sinh viên và những người lao động trong những bữa ăn chính. Lâu dần, vì độ ngon không cưỡng mà trở thành một món ăn chung, đi ra đường không biết ăn gì, dẫu bữa sáng trưa hay chiều tối, đều sẽ vào hàng gọi đĩa cơm tấm sườn bì chả.
Ảnh: Cô Ba Bình Dương
Cơm là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên cái riêng của món ăn này. Cơm tấm được nấu từ hạt gạo tấm, tức là hạt gạo bị bể rơi rớt khi sàng. Ngày xưa gạo này là loại thứ phẩm, thường được bán rẻ cho những người chỉ cần ăn cơm no. Nhờ sự kết hợp hài hoà giữa cơm tấm, nước mắm ngọt và các loại thức ăn đặc trưng đi kèm trên đĩa, mà tự khắc gạo tấm cũng có giá hơn, chia ra làm nhiều loại.
Cơm tấm có nhiều sự lựa chọn, nhưng cơ bản nhất vẫn là cơm tấm sườn bì chả. Sườn là sườn heo được tẩm ướp gia vị thật ngấm, sau đó đem nướng. Chả của cơm tấm được làm từ trứng, cua, thịt băm, nấm mèo và bún tàu. Chả được hấp hoặc chưng chín trong một cái khuôn hay bát hình tròn, khi ăn sẽ cắt lát dày đặt lên phần cơm. Bì thường là thịt heo, da heo cắt sợi trộn với thính và gia vị. Có 3 loại thức ăn này, nhìn vào có thể định hình được đây là đĩa cơm tấm. Ngoài ra ăn cơm tấm phải có mỡ hành được rưới lên mặt cơm, kèm chén nước mắm ngọt và một ít đồ chua thì mới ngon.
Ảnh: ninheating
ĐĨA CƠM TẤM THÀNH "ĐẶC SẢN" CỦA NGƯỜI LONG XUYÊN, CÓ NƠI MỘT NGÀY BÁN ĐẾN 35 NỒI CƠM
Cơm tấm Long Xuyên có thể xem là một "biến thể" khác của món cơm tấm vốn đã rất nổi danh ở TP.HCM, tuy nhiên nó không "nhạt màu" hơn mà trái lại còn đậm đà cái riêng của ẩm thực vùng miền Tây sông nước. Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên đã nổi danh gần xa, có người tìm đến tỉnh An Giang du lịch cũng chỉ vì độc nhất món cơm tấm.
Nếu có dịp, bạn nhất định phải đến Long Xuyên, ăn đĩa cơm tấm chính gốc của nó, sẽ thấy khác hẳn cơm tấm Long Xuyên được mở bán ở TP.HCM. Một trong những quán cơm đông khách nổi tiếng nhất ở nơi này này chính là quán cơm Hướng Dương, nằm trên đường Phan Đình Phùng, mở cửa từ 6 giờ sáng và đóng cửa ngơi tay tận 11 giờ đêm.
Ở Long Xuyên, đĩa cơm tấm chính là bữa ăn no bụng quen thuộc của nhiều lứa tuổi từ trẻ đến già, từ thằng nhóc cô bé tiểu học hay nhưng anh chị lớn đang độ đi làm. Người dân địa phương ở đây ăn cơm tấm như một sở thích khó bỏ, đôi khi chẳng cần biết có đúng bữa hay không. Cứ thèm là ăn, tiện đường là tấp vào hay đôi khi bất chợt nhà chẳng còn cơm thì khả năng chọn ngay món cơm tấm mà chẳng cần phải nghĩ chi xa xôi cho mệt. Đó cũng chính là lý do các tiệm cơm như Hướng Dương mở cửa xuyên suốt cả ngày.
Ở quán Hướng Dương, tay nghề được truyền từ đời mẹ bán đến nay đã gần 50 năm, với mỗi ngày bán đến 20 nồi cơm to, một nồi tầm 7 kí gạo, ngày nghỉ như thứ 7 hay Chủ Nhật là bán lên số lượng cả 35 nồi. Ngoài quán trên, còn có những nơi bán món ăn đặc sản bình dân này tạo nên một cơ ngơi cho nhiều thế hệ, có thể kể tên như: Cây Điệp, Tùng, Tư Ẩn, 8 Diệu, Hường,...
Hồi trước một đĩa cơm chỉ rơi khoảng mười đến mười lăm nghìn, độ nổi tiếng lan xa, thực khách đến "săn" ngày một nhiều, cũng là một trong những lí do phần cơm tăng giá. Tuỳ vào nơi bán ở trung tâm hay ngoại thành, phần cơm nhiều hay ít mà chênh lệch trong khoảng 20.000 - 35.000 đồng/đĩa. Mức giá quá hời, quá ấn tượng khi bạn nhìn thấy trọn vẹn một phần cơm tấm ở đây.
CƠM TẤM LONG XUYÊN CÓ GÌ KHÁC BIỆT MÀ CÓ NGƯỜI CÒN GỌI LÀ "CƠM TẤM HÀO SẢN"?
Đĩa cơm tấm Long Xuyên không phải tự dưng mà nức tiếng đến vậy.
Đầu tiên phần tấm dùng để nấu thành cơm ở Long Xuyên có phần nhỏ hơn tấm được nấu ở đại đa số các nơi khác tại TP.HCM. Dù là tấm nhưng khi ăn vẫn cảm thấy mềm mềm, mịn mịn, dậy mùi thơm, vị bùi và ngọt hơn hẳn, lại dễ nhai dễ nuốt. Không chỉ riêng hạt tấm mà toàn bộ đồ ăn trên đĩa cũng đều cắt nhỏ theo dạng sợi chứ không để nguyên vẹn như ở các nơi thường thấy.
Vẫn là cơm tấm sườn, bì, chả trứng nhưng đĩa cơm tấm Long Xuyên thường có thịt nướng, thịt khìa, trứng vịt kho kèm chút mỡ hành, dưa chua,... Xét về tổng thể, đó là một đĩa cơm vô cùng đầy đặn, phong phú các loại món ăn kèm, được nằm lẫn vào nhau. Nhiều người còn nói vui "trông như một đĩa cơm nhà, nó đầy ụ mà lại rẻ như cái tính hào sản của người miền Tây".
Một phần cơm tấm kiểu Long Xuyên khác với hình ảnh quen thuộc với thịt nguyên miếng hay cả quả trứng như ở TP.HCM.
Ăn cơm tấm Long Xuyên người ta thường mê bì, dưa chua củ cải, dưa chua bằng rau muống hơn cả phần thịt chính trong đĩa cơm. Rưới chút nước mắm chua ngọt đặc sệt cay cay, rồi dùng muỗng xúc một thìa cơm đẫm mỡ hành, kèm chút bì dai dai và vị chua dưa chua ngay đầu lưỡi, đó là lúc người ăn cảm nhận rõ nhất cái riêng của cơm tấm xứ này.
Tuy nhiên, một số các quán cơm tấm Long Xuyên sẽ có sự biến tấu thêm theo nhu cầu của thực khách như cơm tấm sườn cọng, cơm tấm heo quay,... giá có phần tăng nhẹ 45.000 - 60.000/đĩa. Không chỉ vì nước mắm "vua" đặc trưng, mà còn cộng thêm hạt cơm tấm nhuyễn xốp, đĩa cơm đủ đồ ăn bắt vị để thực khách bằng lòng chi trả ở khoảng giá đó.
Đến ăn cơm, mọi người sẽ thường gọi thêm đĩa cơm tấm cháy giá 10.000 đồng để ăn sau cùng cho vui miệng. Chính vì một đĩa cơm tấm chưa đủ làm bụng đầy căng, mà cũng vì cái ghiền các "topping" như mỡ hành, bì, trứng... làm miệng lưỡi người ăn cứ muốn nán lại.
Cơm tấm với phần cháy này luôn được thực khách gọi thêm sau khi ăn.
Chưa so sánh đến mùi vị, ai đã từng thử qua cơm tấm Long Xuyên đều phải thừa nhận rằng cơm tấm Long Xuyên có một cái hơn cơm tấm Sài Gòn là không làm mình bị ngán. Chính vì món ăn tẩm ướp vừa miệng, cơm dễ nhai nhanh nuốt, đồ ăn thì thái sợi cắt nhỏ, làm người ta có cảm giác ăn xong vẫn nhung nhớ hoài trọn vẹn hương vị khó quên.
Trọn vẹn một phần cơm cơ bản có đầy đủ nước mắm và canh ăn kèm chỉ với giá 35 nghìn.
Ở Long Xuyên, An Giang bạn sẽ thấy đầy rẫy quán cơm tấm từ to đến nhỏ, từ tiệm trang hoàng đến quán vỉa hè bình dân, chính vì đây là món ăn được yêu thích cực kỳ. Thế nhưng nếu không đến thành phố Long Xuyên, bạn khó có thể thưởng thức được mùi vị cơm ngon chuẩn ở nơi nào khác. Ai từng thưởng thức qua khi rời đi cũng sẽ muốn quay lại vì nhớ món cơm tấm - một phần vì hương vị ngon, phần khác vì ăn cơm tấm Long Xuyên phải ngồi ở miền sông nước Long Xuyên thì cảm giác mới trọn.
Những món ngon nổi tiếng nhất ở An Giang Điểm danh những món ngon trên đất An Giang, những người sành ăn không thể không nhắc đến những đặc sản có tiếng nơi đây như: các loại mắm, các món ngon từ thốt nốt, lẩu mắm, gỏi sầu đâu, cá leo nướng, xôi phồng... Mắm Châu Đốc Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là "vương quốc mắm" nhờ nằm ngay ngã...