Một thiên thể gần Trái Đất ‘phát tín hiệu’ sự sống
Thiên thể từng đùa giỡn với tàu vũ trụ Cassini của NASA bằng những luồng hơi nước phun thẳng từ bề mặt băng giá đã vô tình để lộ một dấu hiệu quan trọng của sự sống.
Đó là Enceladus, mặt trăng băng giá của Sao Thổ. Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh Frank Postberg từ Đại học Tự do Berlin (Đức) đã xác định được các hợp chất chứa phốt pho có thể tồn tại với số lượng nhiều hơn 100 lần so với Trái Đất.
Enceladus và các luồng hơi nước mang dấu hiệu sự sống – Ảnh: NASA
Phốt pho là một trong 6 yếu tố quan trọng nhất để sự sống tồn tại trong một thế giới có nước. Và nó đang phun thẳng lên từ đại dương ngầm, được cho là ấm áp như đại dương của địa cầu.
Viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học Đức cho biết đây là lần đầu tiên phốt pho được phát hiện trong một đại dương bên ngoài Trái Đất.
Trước đó, các mô hình hành tinh từng nghi ngờ Enceladus thiếu muối phốt phát và đó trở thành rào cản lớn cho sự sống ở một thiên thể hội tụ quá nhiều yếu tố thuận lợi cho sự sống. Nhưng với phát hiện mới, rào cản đó đã được dỡ bỏ.
Để xác định phốt pho, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp khối phổ dựa trên quần thể hạt băng trong luồng hơi nước phun ra từ Enceladus, và nhận ra sự hiện diện của một muối phốt pho là natri phốt phát.
Các bước nghiên cứu tiếp theo trong phòng thí nghiệm, dựa trên dữ liệu phong phú mà tàu NASA gửi về từ “mặt trăng sự sống” này đã chỉ ra đại dương của nó phải rất giàu phốt phát hòa tan.
Theo dữ liệu từ tàu Cassini mà NASA đã công bố, Enceladus sở hữu một đại dương ngầm toàn cầu với nhiều yếu tố phù hợp cho sự sống, được sưởi ấm bằng hệ thống thủy nhiệt tương tự hệ thống bên dưới biển quanh đảo Hawaii – Mỹ hay Nam Cực.
Chính NASA có niềm tin lớn rằng Enceladus có sự sống. Ngoài tàu Cassini lâu đời, cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới này đang phát triển một con robot mang hình dạng mãng xà khổng lồ, dự tính sẽ chui xuống các rặng núi băng ở thiên thể này để nắm bắt bằng chứng rõ ràng hơn của sự sống.
Bằng chứng mới về nguồn gốc ngoài hành tinh của... chúng ta
Nghiên cứu mới từ Đức cho thấy các tác động ngoài hành tinh tác động đến sự hình thành sự sống trên Trái Đất có thể còn sâu sắc và phức tạp hơn suy nghĩ trước đây.
Trước đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra các "khối xây dựng sự sống" đầu tiên đã được đem đến Trái Đất thông qua các thiên thạch, sao chổi.
Công trình dẫn đầu bởi giáo sư Oliver Trapp từ Đại học Ludwig Maximilian München (Đức) cho thấy một kịch bản khác không kém phần thú vị, trong đó những "kẻ xâm nhập" ngoài hành tinh cũng xuất hiện, nhưng với vai trò hoàn toàn khác.
Trái Đất trong Liên đại Hỏa Thành - Ảnh: Simone Marchi & Dan Durda/Southwest Research Institute
"Sự xuất hiện của lớp vỏ lục địa ổn định và nước lỏng trên Trái Đất 4,4 tỉ năm trước và các dấu hiệu đồng vị carbon sinh học sớm nhất khoảng 3,8-4,1 tỉ năm trước cho thấy sự sống bắt nguồn chỉ 400-700 triệu năm sau khi Trái Đất hình thành" - Sci-News dẫn lời giáo sư Trapp.
Như vậy cái gọi là "tiền chất hữu cơ" có thể xuất hiện từ 4,4 tỉ năm trước, trên một Trái Đất nóng bỏng thuộc Liên đại Hỏa Thành (Hadean), là giai đoạn địa chất đầu tiên.
Họ đã xem xét tất cả các yếu tố có thể thúc đẩy cái gọi là phản ứng tạo ra sự sống với giả thuyết rằng nó bắt nguồn từ carbon dioxide (CO2) vô hồn, thứ sẵn có trên Trái Đất.
Nhưng không có nghĩa là chúng ta không có nguồn gốc ngoài hành tinh, bởi suy cho cùng tất cả các vật liệu Trái Đất đều được góp nhặt từ hàng tỉ năm tiến hóa vũ trụ với nhiều thế hệ sao và hành tinh chết đi, phát nổ, làm giàu thêm thành phần hóa học để cho ra đời các hệ sao mới.
Chưa kể, để carbon dioxide thành sự sống, đó là một quá trình dài mà các nhà nghiên cứu tin rằng được thúc đẩy bởi 2 thứ, trong đó có một cái ngoài hành tinh: Thiên thạch sắt và tro núi lửa.
Chúng đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi carbon dioxide thành hydrocarbon aldehyde và rượu, dưới tác động của nhiệt độ và ấp suất khắc nghiệt của Liên đại Hỏa Thành.
Các hợp chất này sau đó tham gia vào các phản ứng tiếp theo hình thành carbohydrate, lipid, đường, axit amin, DNA và RNA.
Các mô hình của nhóm nghiên cứu ước tính những thiên thạch "dội bom" liên tục và núi lửa hoạt động dữ dội của Trái Đất sơ khai đã góp phần tạo ra tới 600.000 tấn tiền chất hữu cơ mỗi năm.
Kết hợp chúng với những thứ có sẵn trong bầu khí quyển và đại dương, sự sống đơn bào ra đời và sau hàng tỉ năm đã thành muôn loài ngày nay, bao gồm chúng ta.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Từ thỏa thuận đến hành động Đa dạng sinh học là khái niệm mô tả tất cả các hình thái sự sống trên Trái Đất, trong đó bao gồm quá trình tiến hóa của mọi sinh vật, tập tính giúp các loài duy trì sự sống, cũng như sự tương tác giữa trong thế giới động - thực vật. Hàng nghìn con cò bay lượn trên Đầm Vân Long,...