Một số vấn đề cần lưu ý khi giảng tác phẩm văn học ở bậc trung học cơ sở
Tương lai nào cũng được chắp nối bằng quá khứ và hiện tại. Nếu chúng ta làm tốt công việc hôm nay, thì ngày mai xã hội chúng ta sẽ có những công dân có ích.
Những năm gần đây, ngành giáo dục dục đang thực hiện đổi mới từ quản lý đến các phương pháp giảng dạy trên lớp. Ngành đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm hướng tới nền giáo dục Việt Nam dần hội nhập với nền giáo dục trong khu vực và thế giới.
Trong xu hướng đó, bộ môn Ngữ văn cũng đang thực hiện đổi mới giảng dạy theo chuẩn kiến thức; giảm tải sách giáo khoa; đổi mới cách đánh giá và ra đề kiểm tra; thực hiện lồng ghép các kỹ năng…
Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy tại đơn vị và những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy có nhiều bài viết cảnh báo về cách học và dạy văn hiện nay ở nhà trường.
Một số lưu ý khi giảng các tác phẩm văn học (Ảnh minh họa: thcsthanhquan.net).
Muốn giảng dạy được những tiết Văn hay ở phần văn bản đòi hỏi người thầy phải chuẩn bị kỹ càng về nội dung, phương pháp, kỹ năng, tâm lý. Dạy văn mà khiên cưỡng, gượng ép, không thuộc bài thì sẽ luôn bị sượngvà giảm đi chất văn trong mỗi tiết dạy.
Chúng ta đều biết bản thân văn chương đã là trực quan sinh động, bởi trong mỗi tác phẩm văn học có nhạc, có họa, có tình người… Bằng sự rung cảm, nhà văn, nhà thơ đã tái hiện cuộc sống hết sức sinh động và thuyết phục.
Chính vì vậy mà người giáo viên khi đứng lớp giảng dạy cần sự rung động của chính mình qua ngôn ngữ trong sáng, cử chỉ, nét mặt phù hợp để cùng sáng tạo với tác giả văn học mà truyền đến các em học sinh có linh hồn của tác phẩm.
Có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không chú ý tới người giáo viên sẽ khó thành công trong tiết dạy. Qua nhiều năm đứng lớp, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để giúp học sinh dễ cảm nhận một tác phẩm văn học.
Quá trình này được thực hiện các bước như sau:
Cách vào bài
Vào bài là một phần quan trọng đối với một tiết giảng văn nhưng thực tế giảng dạy rất ít giáo viên chú trọng hoặc thực hiện phần này. Nếu chúng ta làm tốt khâu này sẽ đưa học sinh ngay vào mạch cảm xúc tiếp cận tác phẩm.
Ví dụ khi ta giảng bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải sẽ vào bài: Huế đẹp, đó là một điều không ai thể phủ nhận được. Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc về Huế, nghĩ về Huế ta thường nghĩ về một vùng đất có lăng tẩm, đền đài, có sông Hương, núi Ngự, với những điệu Nam ai, Nam bình, những vần thơ đắm đuối…
Đứng trước Huế có rất nhiều văn nhân, thi si đã viết rất hay như: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng) hay: “Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”(Thu Bồn)…
Và, nhà thơ Thanh Hải – một người con của Huế đã viết về Huế bằng những vần thơ trong sáng, sâu lắng và đầy trách nhiệm.
Đó là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mà suốt mấy thập kỷ qua luôn làm đắm say lòng người. Để hôm nay, thầy trò chúng ta có dịp làm quen và cảm nhận.
Khi giảng tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khu chúng ta có thể vào bài: Trong bài thơ Nước non ngàn dặm, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa tới đó như chưa hiểu mình”.
Và, Lê Minh Khuê đã đến với Trường Sơn trong những ngày như thế, cô đến không chỉ để hiểu mình, mà đến để đồng cảm với những vất vả, hiểm nguy với những người thanh niên xung phong tuổi 18, đôi mươi đang hiến dâng tuổi thanh xuân cho tổ quốc.
Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi cho ta thấy được nét đẹp của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà hôm nay thầy trò chúng ta có dịp làm quen và tìm hiểu.
Phần mở bài chỉ chiếm thời lượng chỉ 1-2 phút, nhưng khoảng thời gian ấy sẽ dẫn dắt các em đi vào những nốt lặng của tâm hồn thơ trẻ. Nó sẽ giúp các em cảm nhận tác phẩm văn học ngay từ phút đầu người thầy đứng giảng bài.
Nếu ta làm tốt khâu này sẽ dẫn các em không chỉ đắm chìm trong trang văn mà còn giúp các em không chán và dễ dàng cảm nhận lời thầy cô giảng bài.
Vị trí đứng giảng bài
Để giảng một tác phẩm văn học hay, người thầy trước tiên phải là người cảm nhận sâu sắc và có một phương pháp truyền đạt để thu hút người nghe.
Người thầy phải chọn một điểm đứng thích hợp để vừa quan sát lớp, vừa truyền được âm lượng đến các em dễ nhất. Qua đó, thể hiện được những cử chỉ, hành động, sự thay đổi “hỉ; nộ; ái; ố” trên khuôn mặt.
Người thầy không thể ngồi một chỗ ở ghế để vừa giảng, vừa nhìn giáo án. Làm như vậy sẽ bị động và gây mất thiện cảm của học sinh đối với người thầy mà không thể hòa mình vào nhân vật, thiếu đi cảm xúc và chủ động trong việc khai thác tác phẩm.
Người thầy nhất thiết phải thường xuyên đứng để tạo cảm giác thoải mái, tự nhiên. Khi đứng người thầy sẽ tạo nên một giọng điệu trầm bổng theo mạch cảm xúc, khuôn mặt, đôi mắt, cánh tay phải liên tục đổi thay theo mạch phát triển của tâm trạng nhân vật trong tác phẩm.
Ví dụ, khi ta giảng đoạn hai trong bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu ở sách ngữ văn lớp 8:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Đây là tâm trạng bức bối, chật chội của người chiến sĩ cách mạng muốn được đạp tung tất cả bốn bức tường chật hẹp để ra bên ngoài. Nếu người giáo viên không thể diễn tả khuôn mặt, không nhấn mạnh được giọng điệu căm hờn của người tù thì không thể nào diễn tả hết tâm trạng của tác giả.
Hay khi ta giảng đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du đến đoạn:
Tưởng người dưới nguyệt, chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc biển bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ giờ cho phai.
Đoạn thơ là cả tâm trạng đau đớn, ê chề, tủi cực của Kiều khi lần đầu tiên phải xa nhà, xa người yêu và cảm thấy tủi phận cho mình khi đang trong cảnh “cá chậu chim lồng”.
Giờ đây, nơi đất khách, quê người nàng nhớ về người yêu, nhớ về mối tình đầu, nhớ về đêm trăng khi hai người thề nguyền dưới vầng trăng sáng giữa trời bên khói trầm nghi ngút.
Kim – Kiều cùng nâng chén rượu thề và hẹn ước, để bây giờ mỗi người một ngả. Tấm thân trinh bạch của nàng rồi đây sẽ nhuốm màu hoen ố…đó là nỗi đau vô bờ bến, cùng cực của Thúy Kiều.
Video đang HOT
Người giáo viên khi đọc đoạn này phải hóa thân vào nhân vật bằng một tâm trạng đau đớn, hoài vọng, buồn thương… những điều đó sẽ là điểm nhấn để đi vào lòng học sinh.
Khi đứng giảng bài, người thầy phải đứng ở điểm giữa bục bảng, vừa thuận lợi khi cần thiết phải ghi hay minh họa một vấn đề trên bảng, vừa là trung tâm để học sinh nhìn lên người thầy, đồng thời đứng trên bục giảng sẽ dễ dàng quan sát tới toàn thể lớp.
Một khi học sinh trật tự trong giờ học sẽ giúp người thầy dễ dàng truyền thụ kiến thức. Và, chỉ khi nào lớp học duy trì được trật tự thì mạch cảm xúc của người thầy mới được xuyên suốt, học trò mới lĩnh hội được nội dung mà người thầy truyền đạt.
Đây là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng nó vô cùng quan trọng mà nhiều khi giáo viên để ý đến. Chính vì thế đôi lúc làm học sinh xao nhãng, không tập trung cho bài học.
Kỹ năng viết bảng và minh họa
Ghi bảng chính là một trực quan sinh động để học sinh hiểu bài, hiểu được hình tượng văn học hơn. Nhưng có nhiều giáo viên chưa chú trọng phần này, nhiều người ghi như để lấp chỗ trống thời gian, chờ học sinh ghi bài cho kịp, hoặc không phải mang tiếng là đọc – chép.
Do đó, không tránh khỏi cách ghi tùy tiện, câu què, câu cụt… Như vậy, vô tình người giáo viên lại làm giảm đi cái kỹ năng viết bài của các em sau này.
Cách ghi bảng không theo một khuôn mẫu nhất định, nhưng chúng ta phải làm sao ghi cho học sinh dễ tiếp cận, hết bài dễ hệ thống.
Vì vậy, chúng tôi đưa ra một cách ghi bảng chia làm 4 cột như sau: Cột thứ nhất: Ghi tên đề mục; Cột thứ 2, 3: Ghi bài giảng cho từng mục; Cột thứ 4: Dành để ghi nháp, hay minh họa các vấn đề liên quan.
Trong 4 cột chia ở trên thì cột thứ nhất là chúng ta không được xóa, mà chúng ta chỉ ghi riêng các đề mục. Khi giảng bài xong chúng ta dễ dàng hệ thống bài giảng lại cho các em qua các đề mục đã ghi.
Cột thứ hai, ba là phần ghi nội dung chính thông qua từng đề mục, phần này khi chúng ta ghi kín cả hai cột thì có thể bôi bảng.
Cột thứ tư là cột dành để chúng ta ghi các ví dụ, dẫn chứng, minh họa, tóm tắt ý trả lời của học sinh. Đặc biệt, cột thứ tư này người giáo viên có thể minh họa bài giảng qua các hình ảnh nếu người giáo viên cả khả năng hội họa thì chúng ta có thể phác thảo hình ảnh.
Khi giảng “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật hay truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, để học sinh hiểu được Trường Sơn, nếu giáo viên giảng công nghệ thông tin thì chúng ta lồng hình ảnh bản đồ Việt Nam vào, ta sẽ căn con đường Trường Sơn bằng một màu mực khác.
Nếu ta giảng dạy theo truyền thống thì chỉ cần bẻ tư viên phấn và nghiêng viên phấn vẽ hình chữ S lên bảng. Sau đó, chúng ta giới hạn tuyến đường Trường Sơn trên hình vẽ thì học sinh dễ cảm nhận được đường Trường Sơn như thế nào và dễ cảm nhận nội dung mà giáo viên truyền đạt.
Từ đó, người thầy cho các em biết được sự hiểm nguy của người lính Trường Sơn đang ngày đêm bảo vệ và đi qua những cung đường thiêng liêng của tổ quốc.
Khi ghi nội dung trên bảng, người thầy phải chắt lọc từ ngữ, không nên ghi dài quá nhưng không thể ghi theo kiểu viết tắt, câu đặc biệt, câu què, cụt… mà phải ghi làm sao vừa đảm bảo nội dung nhưng phải đúng ngữ pháp và hạn chế được từ ngữ.
Trước khi ghi nội dung lên bảng, người giáo viên phải giảng giải vấn đề cho học sinh thấu đáo. Chúng ta chỉ ghi lên bảng khi các em không còn ý kiến, không còn thắc mắc thì phần ghi bảng mới mang một ý nghĩa thiết thực.
Thực ra việc ghi bảng sao cho khoa học, phù hợp với đặc trưng bộ môn Ngữ văn đã được triển khai trong những buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Nhưng việc sáng tạo của mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giúp học sinh dễ hiểu bài, lĩnh hội tốt nội dung kiến thức cũng là việc làm cần thiết, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy.
Liên hệ và mở rộng vấn đề
Đây là một bước góp phần mở rộng tư duy của học sinh, giúp các em có tầm nhìn sâu rộng về một tác phẩm văn học, cảm thụ văn chương một cách toàn diện, không giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp.
Ở mỗi tác phẩm văn học đều có những chiều sâu, chiều rộng theo từng góc độ khác nhau, tùy theo thời lượng tiết dạy, tùy đối tượng học sinh để chọn cách mở rộng.
Tuy nhiên, nếu giáo viên có sự đầu tư kĩ vào được việc này thì chắc hẳn sẽ mang đến cho các em sự phong phú trong tâm hồn, tạo điều kiện cho các em có nhiều cảm hứng khi vận dụng vào bài tập làm văn.
Trong giảng văn, sự liên hệ, mở rộng vấn đề sẽ giúp cho các em học sinh có một cách nhìn xuyên suốt và toàn diện một tác phẩm văn học, một giai đoạn văn học.
Ngoài yêu cầu chung là đáp ứng chuẩn kiến thức, đúng nội dung môn học. Người thầy cần thiết mở rộng vấn đề cho các em học sinh khá, giỏi hiểu thêm vấn đề. Để từ đó, các em có thể liên hệ, so sánh và đối chiếu giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, giai đoạn này với giai đoạn khác.
Song, chúng ta cũng không nên lạm dụng mà chỉ đưa những câu hay, vừa đủ để học sinh khắc ghi và cảm nhận được. Làm sao cho cân bằng giữa các đối tượng học sinh, tránh đi xa vấn đề, gây cách hiểu sai lệch.
Chẳng hạn: Khi giảng đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích đến đoạn nỗi nhớ về Kim Trọng ta có thể liên hệ đến những câu thơ trong đoạn Kim – Kiều đính ước ở phần đầu của tác phẩm để học sinh thấy được sự hoài vọng, nhớ thương, tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Cái kỷ niệm đáng yêu và đáng nhớ ấy với bao ân tình vừa chớm nở, giờ đây như một thước phim quay chậm lại, đang làm tan nát lòng Kiều.
Đâu rồi những đêm trăng tình tự, đâu rồi hình ảnh yêu thương của chàng Kim: “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, đâu rồi những lời nguyện ước:”Trămnăm nguyện chẳng ôm giầm thuyền ai”; đâu rồi những tiếng đàn đêm trăng ngày nọ, nàng đã gảy đàn cho người yêu nghe…
Để giờ đây, tất cả đã dĩ vãng buồn cho mối tình đầu lỡ dở. Mới ngày nào “Êm đềm trướng rũ, màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” mà bây giờ “Chân trời, góc bể bơ vơ/ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”…
Khi ta giảng bài Ánh trăng của Nguyễn Duy ta liên tưởng tới những câu thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để các em thấy được ân tình giữa quá khứ và hiện tại, giữa cuộc chiến với thời bình. Từ đó, giúp các em biết yêu thương và tự hào về quá khứ, sống có nghĩa tình sau trước.
Mình về thành thị xa xơi
Nhà cao, còn nhớ núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Trong quá trình lên lớp, người thầy thường xuyên thay đổi phương pháp truyền đạt, tránh sự dẫm lại dấu chân của chính mình. Người thầy luôn đặt vấn đề, gợi mở vấn đề cho học sinh. Từ các câu hỏi gợi mở và dẫn dắt vấn đề sẽ kích thích tư duy của các em hoạt động và sáng tạo. Từ đó hướng các em tới những vấn đề mới, cách tiếp cận mới và tích cực.
Sự liên hệ và mở rộng vấn đề sẽ phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập, các em sẽ hứng thú khi tiếp cận tác phẩm văn học, giúp các em mở mang thêm kiến thức, tạo cho các em có thêm nhiều dẫn chứng để vận dụng vào bài viết một cách linh hoạt và sáng tạo.
Hệ thống bài giảng
Trong giới hạn 45 phút/tiết học, với rất nhiều việc mà cả thầy phải làm, nhưng nếu như một bài giảng văn mà người thầy không hệ thống lại bài, không khái quát được bài giảng thì tiết dạy đó chưa được coi là thành công.
Có hai cách chúng ta hệ thống lại bài, một là: khi ghi bài chúng ta dành nguyên cột bên trái để ghi đề mục, khi giảng xong bài chúng ta dựa vào đề mục để hệ thống, hai là: chúng ta có thể vẽ lại sơ đồ tư duy, làm thế này thì mất công nhưng hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra khi chúng ta giảng hết một giai đoạn văn học chúng ta cũng cần thiết hệ thống lại các bài đã học để các em dễ học khi ôn tập. Làm tốt khâu này sẽ giúp các em dễ nắm được nội dung thầy cô đã giảng trọn bài bằng những ý chính.
Với cách hệ thống sơ đồ bài bằng sơ đồ tư duy sẽ giúp các em dễ học bài, dễ nhớ và nắm được cái hồn của tác phẩm văn học. Đồng thời, tạo cho các em có một cách hệ thống cả chương trình học rất nhanh khi ôn tập cuối năm hay chuẩn bị bất cứ một kỳ thi nào. Các em chỉ cần một thời gian ngắn là định hình lại toàn bộ cả quá trình học.
Mỗi người thầy chúng ta, đặc biệt là những thầy cô dạy văn cùng nhau làm hết khả năng của mình để hướng các em yêu thích khoa học, sống có nghĩa tình, có lý tưởng.
Tương lai nào cũng được chắp nối bằng quá khứ và hiện tại. Nếu chúng ta làm tốt công việc hiện tại hôm nay, thì ngày mai xã hội chúng ta sẽ có những công dân sống có ích và có thể dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống.
Theo GDVN
Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới
Cách kiểm tra, đánh giá là một rào cản chưa giải phóng được tư duy trong dạy và học Văn, nên giáo viên đôi khi có cố gắng nhưng hiệu quả không cao.
"Hãy để học sinh biết tư duy và suy luận, giáo viên Văn phải biết gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh có quyền được trao đổi thảo luận, có quyền được phát biểu tư tưởng, nhận thức;
Giúp các em rèn tư duy độc lập sáng tạo, thực sự được sống trong không phản biện và tinh thần nhân văn; biết yêu quý cái đẹp, cái thiện...;
Tôn trọng ý kiến khác biệt, cảm nhận của các em; không nên áp đặt, kìm hãm khả năng suy luận, nhất nhất bắt buộc các em phải theo khuôn khổ mà mình đã hoạch định theo các sách hướng dẫn".
Gần 15 năm trải nghiệm trên bục giảng từ miền ngược xuống miền xuôi, tôi vẫn tự nhủ lòng mình và cố gắng nỗ lực để làm được như thế.
Trước yêu cầu tất yếu của đổi mới, yêu cầu đào tạo con người trong một thế giới phẳng, thiết nghĩ dạy Văn ai cũng mang trong mình khát vọng làm được như thế.
Trong một xã hội đang biến động dữ dội từng ngày từng giờ với bộn bề các vấn đề ngổn ngang hỗn độn khó lường, luôn luôn đòi hỏi giáo dục, cụ thể là người giáo viên, cần trang bị cho học sinh có đủ tri thức bản lĩnh vững vàng.
Ngoài ra, khả năng thích nghi và ứng phó, giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống là một yêu cầu vô cùng bức thiết đang đặt ra.
Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là, môn Văn đang trở nên kém hấp dẫn.
Học sinh chán học Văn, xã hội ca thán nhiều, báo chí và giới chuyên môn đã tốn khá nhiều giấy mực.
Cách nào để môn Văn trở thành môn yêu thích của học sinh? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Theo tôi, thực tế này là do nhiều nguyên nhân:
- Do trong nhận thức của nhiều phụ huynh đã không thấy được vai trò hữu ích, thiết thực của bộ môn Văn trong việc hình thành, hoàn thiện nhân cách và kĩ năng sống, trong học tập lao động và giao tiếp hằng ngày.
Từ đó dẫn đến sự định hướng, quan niệm khá thực dụng là chỉ muốn con chạy theo học các ngành kĩ thuật, kinh tế...
Điều đó hẳn không sai nhưng họ không biết rằng làm gì thì làm bốn kĩ năng nghe - nói - đọc - viết sẽ theo suốt cuộc đời con người, bất luận làm nghề gì cũng cần.
Bốn kĩ năng này tưởng đơn giản nhưng để đạt được hiệu quả thì không phải dễ, mà phải rèn luyện.
- Do sự bó buộc, cảm thụ văn học một chiều, lối mòn lâu nay dạy học thi cử nhất nhất chạy theo điểm số để lên lớp, để vào các trường theo ý muốn.
- Một bộ phận không nhỏ giáo viên ít đầu tư suy nghĩ, ít đọc sách và ít nắm bắt các vấn đề thời sự nóng hổi.
Giáo viên văn đa phần là các cô giáo, áp lực nghề nghiệp, mức thu nhập thấp, kèm theo những việc lo toan, gánh vác công việc gia đình, con cái... sinh ra tâm lý ngại đổi mới tương đối phổ biến.
Họ ít cập nhật, tương tác với đời sống văn học đương đại, những kiến thức lí luận phê bình và phương pháp giảng dạy mới.
Nhiều giáo viên quanh năm suốt tháng chỉ ôm cuốn giáo khoa và sách hướng dẫn để dạy.
Trong nhà, họ không có đến những cuốn sách công cụ tối thiểu để tra cứu.
Vì thế, giờ dạy thiếu sinh khí, không kích thích được hứng thú của học sinh.
Nếp nghĩ "thi gì dạy nấy" đã trở thành nguyên lý vô hình bất di bất dịch, nên đôi khi giáo viên phải buộc học sinh học thuộc như con vẹt những gì sẽ thi.
Nhiều thầy cô có làm tốt đến mấy các hoạt động ngoại khóa, các tiết chương trình Ngữ Văn địa phương, luyện nói hay tập làm thơ và phần văn bản hành chính công vụ... đi chăng nữa;
Học sinh có thích thú đến mấy đi chăng nữa;
Nhưng đề thi không kiểm tra đến (mà thường là như vậy) thì thi đua không ai ghi nhận điều đó, vì đa phần dựa vào điểm số.
Tuy nhiên, bằng tâm huyết, họ vẫn âm thầm làm vì nghĩ chúng có lợi cho học sinh.
Nhưng nếu cứ duy trì lối đánh giá như hiện nay cũng buộc giáo viên phải tìm đường thích nghi cho vừa khuôn.
Nghịch lý là nhà trường và ngay cả phụ huynh học sinh cũng chỉ lấy điểm số làm thước đo trình độ năng lực của thầy?
Mặc nhiên ta dạy lấy mục đích vì sự phát triển năng lực và phẩm chất của học trò là chính nhưng trong việc ôn thi, thầy nào dạy dàn trải, kiến thức sẽ bị loãng so với thầy chỉ xoáy vào một số nội dung trọng tâm kiểm tra, ắt sẽ hơn.
Thầy làm thật, thầy năng đổi mới chưa chắc thầy đã đảm bảo chất lượng đại trà, vì lớp đông, nhiều đối tượng khác nhau, không phải em nào cũng mạnh dạn bày tỏ ý kiến, vả lại thời gian không phải lúc nào cũng cho phép...
Thêm vào đó, xét thi đua, cấp trên chỉ có thể căn cứ vào phần trăm chất lượng.
Phụ huynh quan tâm đến chuyện con họ được bao nhiêu điểm, đỗ hay trượt chứ quan tâm gì mấy đến chuyện con họ có hứng thú hay không hứng thú, yêu văn hay không yêu văn, có nhân sinh quan cao đẹp hay có lối sống cao thượng đâu?
Ấy cái sự dạy Văn nhập nhằng là ở chỗ ấy, rất khó định lượng những giá trị vô hình.
Bởi xét cho cùng dạy Văn nghĩa truyền cảm xúc, là dạy nhân cách sống, nhân cách làm người, kĩ năng giao tiếp...
Mà cảm xúc, nhân cách làm sao một đề kiểm tra có thể bao quát hết, có em nói hay nhưng làm dở hoặc ngược lại.
Có thầy bài giảng rất có hồn, có độ mở về không khí văn chương, rất sinh động, học sinh có hứng thú nhưng cuối kì thi chưa chắc đã hơn gì những thầy chỉ nhăm nhăm đọc chép, ép học sinh học thuộc.
Bởi cơ chế ra đề thi và đáp án hiện nay vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho những phương pháp, cách dạy trên tồn tại.
Tôi tán đồng với ai đó khi cho rằng "không nên gán ghép hoặc áp đặt tư tưởng nhận thức của mình buộc học sinh phải hiểu như thế".
Vâng, bất kì một ngành khoa học nào cũng không chấp nhận điều này, nhất là khoa học dạy học Văn và cảm thụ văn chương.
Vấn đề đặt ra với giáo viên Văn là khi đánh giá giờ dạy hội giảng của giáo viên, giám khảo đều tôn sách giáo viên như một thứ thánh kinh, đem ra làm căn chuẩn để xét bài dạy.
Rồi khi ra đáp án, người ra đề nếu tâm huyết thì gia công thêm, bằng không cũng chỉ bê nguyên xi trong sách giáo viên, phòng khi giáo viên có tranh luận thì đã có sách làm bà đỡ, để bào chữa.
Đáp án thì chẻ nhỏ đến từng ý, ngôn ngữ khuôn mẫu, thử hỏi giáo viên muốn học sinh mình đạt điểm cao thì cũng buộc phải áp đặt theo khuôn khổ ...sách giáo viên.
Đồng nghiệp nói với tôi rằng có đôi khi những người giảng dạy chưa hoàn toàn nắm được tư tưởng chủ đạo của một tác phẩm văn học, chưa nhận định đánh giá đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Tôi nghĩ điều đó cũng không sai.
Thực tế từ khâu đào tạo những sản phẩm dạy Văn, tôi thiết nghĩ, cũng đã xuất hiện lối mòn.
Đó là chỉ có tán tụng cái hay mà mấy khi chỉ ra cái dở (đáp án lại càng không thấy điều này).
Đành rằng các tác phẩm được tuyển học đều là các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc nhưng không phải tác phẩm nào cũng tròn trịa, lấp lánh như viên kim cương đã được mài, được giũa.
Mà dường như tôi cảm thấy xưa tôi học, nay tôi dạy, ngoài việc chỉ nhăm nhăm tìm, phát hiện bằng được cái hay, cái đẹp chỗ này, chỗ kia còn thì có mấy ai dám mạnh dạn công khai nói mình không thích, không yêu.
Bởi như vậy, bài thi chỉ còn nước trượt, mà thầy cũng không dạy thế và đáp án cũng không ra thế, nên đôi khi nóng thì bảo lạnh hoặc ngược lại.
Chừng nào đáp án không có hướng mở thì vấn đề đọc chép, áp đặt trong cảm thụ văn chương sẽ còn ám ảnh dài dài.
Còn nói về việc người giảng dạy chưa hoàn toàn nắm được, nhận định, đánh giá đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm là một nhận định rất thực tế và thẳng thắn.
Có lần trao đổi với bạn nhà văn, tôi tâm sự rằng: không hiếm giáo viên Văn hiện nay, nếu không dựa vào sách giáo viên hướng dẫn, các sách tham khảo, các công trình nghiên cứu lí luận phê bình thì sẽ tắc tị khi cho tự thiết kế giảng dạy một tác phẩm hoàn toàn mới ngoài chương trình.
Bởi khả năng tự nghiên cứu, nghiên cứu một cách độc lập của giáo viên ta thực sự có vấn đề.
Chúng ta đã chẳng thừa nhận với nhau là dạy học sinh là dạy phương pháp, dạy cách làm...
Vậy hà cớ gì trong đề thi cứ phải nhất nhất ra vào các bài đã học mà những bài đã học thì hiển nhiên là giáo viên đã chữa, chữa kĩ.
Vậy học sinh chỉ còn việc học thuộc ý, thuộc lời, thuộc cả cách diễn đạt để đi thi, khi viết cần gì phải tự mày mò, sáng tạo, cảm thụ riêng làm gì, các lò luyện thi, dạy thêm tràn lan mọc ra cũng là vì cái nhẽ ấy chăng?
Ngay chính một số thầy cô nắm phương pháp phân tích tác phẩm rất rõ nhưng đưa cho một tác phẩm bất kì, chưa từng đọc mà bảo viết bài phân tích, tôi không có ý xem thường nhưng số làm tốt sẽ không nhiều.
Bởi năng lực cảm thụ hạn chế, kĩ năng không được thường xuyên rèn luyện, tư tưởng "ăn theo nói dựa" vào sách còn nặng nề ăn sâu vào thâm căn cố đế.
Cách kiểm tra, đánh giá còn như một rào cản chưa giải phóng được tư duy trong dạy và học Văn, nên giáo viên đôi khi có cố gắng nhưng hiệu quả không cao.
Những đổi mới về tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên và cách ra đề gần đây nhất cũng đã bước đầu có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo được niềm tin, hi vọng sẽ tiếp tục được duy trì và làm tốt hơn nữa.
Kiến thức của một số giáo viên hiện nay còn nhiều điều để bàn.
Các bạn có tưởng tượng nổi, bài thi của học sinh tôi viết:
"Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn" đã bị một cô giáo chấm, dùng bút đỏ gạch bỏ.
Khi tôi đem bài trao đổi lại thì chị phê bình học sinh dùng những từ ngữ to tát quá, không phù hợp với Nguyễn Du.
Tôi bảo, "em học sinh đó giới thiệu về Nguyễn Du theo cách nhận định trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 trang 78 thôi chị".
Chị bảo sách cũng có lúc sai, tôi hỏi vậy chị có thể chứng minh cái sai của sách trong trường hợp này.
Chị chẳng nói gì nữa và đến đây thì tôi thực sự rùng mình, nghẹn cổ câm lặng và thấy hơi...nản...
Muốn cho học sinh thảo luận, tôn trọng ý kiến các em thì đòi hỏi rất cao ở trình độ chuyên môn và bản lĩnh sư phạm của người thầy.
Với thời lượng một tiết, học sinh không chuẩn bị tốt bài ở nhà ...vv...vv, thì giáo viên khó mà làm được vì áp lực dạy cho kịp phân phối chương trình nên phải cố dạy cho xong bài bằng không sẽ phải dạy bù.
Còn muốn khơi gợi cảm xúc, tạo điều kiện để học sinh bày tỏ ý kiến, đòi hỏi giáo viên từ lớp dưới lên lớp trên phải có sự đồng bộ.
Cái nếp phải được tạo từ khi còn nhỏ thì mới mong làm được điều này bằng không thì cũng chỉ biến học sinh thành những con cừu thụ động rụt rè không dám bày tỏ chính kiến trước đám đông...
Bàn về chuyện dạy Văn sẽ còn ngổn ngang bao điều muốn nói, trên đây chỉ xin tản mạn bày tỏ đôi điều trăn trở, chia sẻ thực trạng dạy học Văn cùng các đồng nghiệp và bạn đọc mong cùng chung tay hướng đến một phương pháp dạy học văn tích cực, sáng tạo nhất để học sinh yêu thích bộ môn, tạo niềm tin cho xã hội...
Theo GDVN



Tin đang nóng
Tin mới nhất

Còn nhiều băn khoăn về chứng nhận giỏi cấp tỉnh với học sinh điểm IELTS cao

Việc thực hiện chương trình, SGK mới còn nhiều khó khăn

Cấp phép tổ chức thi chứng chỉ HSK trở lại

Banner tìm hiểu ngày 22/12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng in hình lính Mỹ

Nhiều tỉnh cho học sinh nghỉ Tết hơn 10 ngày, Hà Nội lý giải nghỉ 8 ngày

Trường ĐH Kiên Giang dự kiến tuyển hơn 1.600 chỉ tiêu năm 2023

Trường Đại học Hồng Đức nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành giáo dục mầm non

Học sinh Hà Giang nghỉ Tết Quý Mão 12 ngày, từ 27 tháng Chạp

Nhiều tiết dạy sáng tạo tại hội thi giáo viên dạy giỏi Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2023

Tuyển sinh 2023: Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh

Cần cẩn trọng lựa chọn nhân sự, ra đề thi
Có thể bạn quan tâm

NSƯT Như Huỳnh được vinh danh "Diễn viên cải lương xuất sắc"
Sao việt
20:58:09 24/02/2025
Điều tàu sân bay đến khu vực, Pháp nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông
Thế giới
20:56:15 24/02/2025
Demi Moore giành giải Nữ chính xuất sắc tại SAG
Hậu trường phim
20:55:10 24/02/2025
"Bà cả Penthouse" Lee Ji Ah lâm nguy ngay sau khi tuyên bố từ mặt bố mẹ
Sao châu á
20:35:09 24/02/2025
Kanye West không muốn cuộc hôn nhân kết thúc
Sao âu mỹ
20:32:33 24/02/2025
Ngôi sao 62 tuổi gây chú ý tại "Đạp gió" bản Trung 2025
Tv show
20:29:33 24/02/2025
Vụ Phạm Thoại rút hơn 16 tỉ đồng tiền từ thiện: Người ủng hộ có quyền yêu cầu công an vào cuộc
Netizen
20:28:34 24/02/2025
Chu Thanh Huyền lườm cháy mắt Quang Hải ngay trên "tóp tóp", nguyên nhân rất khó tin
Sao thể thao
19:34:59 24/02/2025
Phát hiện siêu thực phẩm chống cúm
Sức khỏe
18:19:00 24/02/2025
Phát hiện thi thể nam giới ở bờ sông Sài Gòn, chân có hình xăm mặt quỷ
Tin nổi bật
18:07:56 24/02/2025