Một năm khó khăn trăm bề, vẫn nhiều bàn tay dìu sinh viên qua đoạn dốc khó
Đó là chia sẻ, cũng là tâm tình của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam – ông Vũ Duy Hải – tại buổi ủng hộ kinh phí cho chương trình học bổng ‘ Tiếp sức đến trường’ vào ngày 29-10 tại báo Tuổi Trẻ.
Quỹ khuyến học Vinacam trao kinh phí ủng hộ cho học bổng Tiếp sức đến trường – Video: HUỲNH VY – HỮU HẠNH
Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Quỹ khuyến học Vinacam đã ủng hộ 50 máy tính xách tay (khoảng 600 triệu đồng) và 2 tỉ đồng cho chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.
Ông Vũ Duy Hải chia sẻ, 2021 là năm mà ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và đắn đo mãi khi viết thư ngỏ gửi đến đối tác khách hàng, cán bộ công nhân viên, người thân của mình…
“Dịch giã ai cũng khó khăn, nhưng quá ngạc nhiên khi số lượng đóng góp gửi về cho quỹ khuyến học năm nay lại lớn nhất, nhiều nhất từ khi thành lập quỹ đến giờ”, ông Hải chia sẻ.
Sự đóng góp cho quỹ khuyến học năm nay còn có sự tham gia của rất nhiều bạn nhỏ sẵn sàng đập ống heo góp từng đồng bạc lẻ. Ông Hải gọi đây là tín hiệu đáng mừng trước sức lan tỏa của chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ với nhà hảo tâm.
Đây là lúc chúng ta cần chìa bàn tay ra, níu các bạn trẻ lên đoạn dốc khó này. Chỉ mong sao các em có thể dồn hết thời gian cho học tập, làm sao để nắm vững các kiến thức khoa học kỹ thuật lẫn kỹ năng xã hội nữa.
Ông VŨ DUY HẢI, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam
Quỹ khuyến học Vinacam là đơn vị đồng hành cùng “Tiếp sức đến trường” ngay từ những ngày đầu chương trình được phát động. Trong năm 2021, Vinacam cũng đã đồng hành cùng nhiều hoạt động xã hội khác của báo.
50 máy tính xách tay và 2 tỉ đồng đã được ông Vũ Duy Hải đại diện ủng hộ đến chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ông Đinh Minh Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cảm ơn sự đồng hành, sẻ chia của các nhà hảo tâm, toàn thể cán bộ công nhân viên và lãnh đạo Công ty Vinacam cũng như Quỹ khuyến học Vinacam.
“Cá nhân tôi rất nể phục các anh, bởi nếu thời điểm làm ăn thuận lợi, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn, dù mọi đóng góp đều ý nghĩa. Năm nay khó khăn trăm bề, các anh vẫn vận động trong hệ thống cũng như bản thân tự đóng góp, lan tỏa được thì cực kỳ quý giá”, ông Đinh Minh Trung nói.
Cõng em qua gian khó nhọc nhằn
'Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình' - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Trần Tuấn Anh kể lại hành trình kể từ khi được tiếp sức đến trường năm 2015 - Video: HÀ THANH - HUỲNH VY
Không thể đi lại nhưng Tuấn Anh vẫn sáng tạo bằng đôi tay và khối óc của mình - Ảnh: H.THANH
9 năm đi học nhờ đôi vai, tấm lưng gầy guộc của chị gái, chàng trai khuyết tật đã ra trường, kiếm được công việc lập trình theo đúng chuyên ngành.
Rồi con trai đầu lòng của người chị mắc phải căn bệnh ung thư. Thương chị, mỗi ngày chàng trai hiền lành miệt mài lao động để sẻ bớt gánh nặng đang oằn trên vai chị.
Lập trình viên mê công nghệ
Mắc chứng rối loạn gene, Trần Tuấn Anh (ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không thể đi lại hay tự làm được những việc vệ sinh cá nhân nhỏ nhặt nhất. Chiếc máy tính nơi căn phòng nhỏ đã mở ra cho Tuấn Anh một thế giới mới, giúp anh nuôi dưỡng đam mê công nghệ.
Cha mất vì ung thư, người mẹ sức khỏe yếu, trên hành trình chinh phục ước mơ của Tuấn Anh chẳng thể nào thiếu được hình dáng tấm lưng gầy guộc của chị gái. Suốt 4 năm ở giảng đường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đôi chân của người chị không biết bao nhiêu lần run rẩy khi cõng em trai đến lớp theo đuổi học tập.
"Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình" - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Căn phòng nhỏ nơi tầng 1 là không gian sáng tạo riêng của chàng trai trẻ. Mỗi ngày, Tuấn Anh miệt mài ngồi trước màn hình máy tính với công việc lập trình web cho một công ty của Nhật Bản. Được công ty tạo điều kiện cho làm việc tại nhà, nên dù đôi chân chẳng thể đi lại, Tuấn Anh vẫn có thể lao động bằng đôi tay, khối óc của mình, thỏa sức sáng tạo với công việc đúng chuyên ngành.
"Trước kia đi thực tập, tôi được chị Xuân chở đến chỗ làm, nhưng từ ngày gia đình xảy ra biến cố cháu Minh (con trai chị Xuân) bị ốm, tôi xin tạm nghỉ. May mắn được phía công ty tạo điều kiện, giúp đỡ để tôi tiếp tục công việc này. Giai đoạn đầu cũng khó khăn vì chưa nhiều kinh nghiệm, tôi phải lên mạng tự tìm hiểu kiến thức, nhờ các anh chị ở công ty hướng dẫn thêm, bây giờ thì đã thuần thục hơn trước", Tuấn Anh chia sẻ.
Làm việc tại nhà, mức lương dù không cao so với mặt bằng chung của dân công nghệ nhưng trong nhà ai cũng mừng vì Tuấn Anh có được một công việc ổn định. Hễ nhắc đến con trai, bà Thịnh không giấu được xúc động. Giọt nước mắt của người mẹ nay xen lẫn niềm vui, niềm tự hào. "Không lo nữa, con đã kiếm được tiền, đã nuôi được mình rồi. Giờ chỉ mong sao con luôn khỏe mạnh" - bà Thịnh ước mong.
Ngoài công việc ở công ty, hiện nay Tuấn Anh còn nhận thêm công việc chỉnh sửa ảnh hỗ trợ anh chị chạy quảng cáo, bán hàng qua mạng kiếm thêm thu nhập.
"Với mức lương hiện tại, cuộc sống ở quê cũng dần ổn định hơn. Mình có tiền mua sắm quần áo, đồ dùng cho bản thân. Trước đó mình không biết tiêu tiền đâu, giờ tự đặt mua hàng qua mạng, thích gì mình cũng mua được hết", chàng trai trẻ cười vui.
Tiếp nghị lực cho sinh viên
Câu chuyện người chị gái ngày ngày chở em đến trường trong video tư liệu Tiếp sức đến trường 2015
Đã gần 7 năm trôi qua kể từ ngày được học bổng Tiếp sức đến trường tìm đến nhà, tiếp thêm sức mạnh cho tấm lưng gầy guộc của người chị gái, tiếp thêm động lực cho cậu tân sinh viên hiếu học ở vùng đất Vân Canh được đến trường, chàng trai trẻ vẫn không quên được ân tình ngày đó.
Nhớ lại những ngày đầu, Tuấn Anh nói nhờ số tiền học bổng tiếp sức, nhờ chiếc máy tính được nhà tài trợ hỗ trợ, anh có thêm điều kiện tài chính, công cụ học tập để theo đuổi việc học trong những năm tháng ở giảng đường đại học. Sau ngày nhận học bổng, Tuấn Anh còn để dành một khoản tiền để gửi tặng chị gái góp thêm mua chiếc xe máy mới thay cho chiếc xe cà tàng đã theo bước hành trình của hai chị em suốt nhiều năm qua.
Năm học đầu kết quả học tập chưa được tốt, nhưng đến những năm học sau Tuấn Anh đều cố gắng, nỗ lực đạt học lực giỏi. Ở trường, anh còn được miễn học phí, được nhận thêm học bổng dành cho người khuyết tật, nhờ đó giúp gia đình san sẻ phần nào nỗi lo về chi phí học tập.
"Với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như chúng mình mới bước vào trường đại học gặp rất nhiều khó khăn, học bổng rất đáng quý để có thể chắp cánh cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình có thêm nghị lực, bớt lo lắng phần nào vì những chi phí ban đầu" - Tuấn Anh bộc bạch.
Giờ đây về mảnh đất Vân Canh, hỏi thăm chàng trai khuyết tật đam mê công nghệ ai cũng tận tình chỉ dẫn tận nơi. Mới đây Tuấn Anh dành dụm gần 20 triệu đồng mua được một chiếc xe lăn điện để chủ động trong việc di chuyển.
Kể từ ngày có chiếc xe lăn, mẹ và chị không còn vất vả như ngày trước nữa, chỉ cần cõng anh từ căn phòng ra đến chiếc xe lăn. Có "người bạn mới", Tuấn Anh có thể tự điều khiển theo ý thích, đi dạo quanh đường làng, gặp gỡ mọi người, bước ra ngoài khám phá cuộc sống.
"Mình mong muốn các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên khuyết tật hãy tự tin vào lựa chọn của mình. Đến trường đại học sẽ được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng mình có thể hoàn thành ước mơ trên giảng đường đại học" - Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Đồng hành cùng con trai
Ngày em trai cầm tấm bằng cử nhân, chưa kịp chung vui cùng em thì chị Xuân nhận tin như sét đánh ngang tai: Minh - con trai chị - mắc phải căn bệnh ung thư hạch. Khối u quái ác đã khiến đôi mắt của con mờ dần, cho đến nay không còn nhìn được thế giới xung quanh. Sau 4 năm chở em trai đến giảng đường, nay chị tiếp tục đồng hành cùng con trai trên hành trình 20km từ nhà đến Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
"Ngày đó bảo Tuấn Anh 'khi em ra trường là chị nhàn rồi', nhưng số mình vậy rồi, biết làm sao" - người mẹ trẻ giãi bày.
Đều đặn mỗi sáng chị xin tranh thủ đi làm thêm công việc dọn vệ sinh, còn lại chị dành toàn thời gian để toàn tâm toàn ý chăm lo, hướng dẫn con học tập. Trong mùa dịch, việc học trực tuyến càng khó khăn hơn cho các bạn khiếm thị nhưng người mẹ trẻ tin tưởng có mẹ luôn ở bên sẽ giúp con vượt thắng được khó khăn, bệnh tật.
Òa khóc khi được viết tiếp ước mơ... Nức nở khi đón nhận số tiền quá lớn từ bạn đọc Báo Thanh Niên trao tặng, các em học sinh nghèo và mẹ của các em thổn thức 'từ bây giờ con có thể tự tin viết tiếp ước mơ đời mình'. Ngày 28.10, Ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi đã có một hành trình đặc biệt, đó là...