Một gia đình có 8 người bị giam oan
Sau khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường với số tiền ít ỏi.
“Sau nhiều năm gõ cửa các cơ quan chức năng, tôi được bồi thường một khoản tiền nhỏ, những người khác trong gia đình tôi đều không được bồi thường. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để những người bị giam oan được đối xử công bằng”. Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, bức xúc trình bày.
Gần 4 năm ngồi tù oan
Theo ông Dũng, tháng 7-1979, ông từ chiến trường Campuchia về nước kết hợp thăm gia đình. Được ít ngày, ông Dũng bị lực lượng chức năng xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bắt vì nghi cướp tài sản.
Theo đó, khoảng 23 giờ ngày 26-7-1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận). Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Nghi vấn Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay Chánh để điều tra. Chánh khai thêm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến (anh ruột ông Dũng), Nguyễn Thành Nghị và Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị). Chính quyền xã đã bắt tiếp số người này.
Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên Báo Người Lao Động
Sau khi bị đưa về công an huyện và bị dùng nhục hình buộc phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con họ cất giấu, cơ quan điều tra lại bắt tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chị ông Dũng), Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) cùng Nguyễn Thị Kim Chung (con ông Chiến, lúc đó được 2,5 tháng tuổi), Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và cũng dùng nhục hình buộc họ phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Tuy nhiên, nhiều lần đến kiểm tra, công an không thu được gì là tang vật của vụ án nên ngày 11-5-1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án.
Có quyết định đình chỉ điều tra, ông Dũng gõ cửa khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan. Mãi đến tháng 4-2017, VKSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường nhưng chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng.
“Tôi bị bắt giam oan, bị dùng nhục hình để buộc nhận tội. Danh dự nhân phẩm của tôi bị chà đạp, gia đình ly tán, mất cơ hội làm quân nhân, công dân tốt. Thế nhưng, sau khi được giải oan và hơn 34 năm gõ cửa khắp nơi, tôi chỉ nhận được chừng đó tiền. Họ còn nói chỉ bồi thường nhiêu đó, nếu không đồng ý thì kiện ra tòa” – ông Nguyễn Văn Dũng bức xúc.
Nhất quyết không bồi thường
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị) kể sau khi bị bắt giam 3 năm 9 tháng 14 ngày, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định đình chỉ điều tra. “Khi được trả tự do, Công an xã Đôn Thuận đề nghị đến xã trình diện. Tại đây, công an xã đã thu hết các giấy tờ, trong đó có quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Tây Ninh. Lúc đó, mừng quá nên chúng tôi không đề nghị trả lại các giấy tờ đã nộp. Sau này, tôi và các thành viên trong gia đình đi khiếu nại việc bị bắt oan thì được trả lời không có cơ sở xem xét giải quyết vì không có quyết định đình chỉ điều tra. Nay cha tôi đã chết mà vẫn không được minh oan, bồi thường. Cả gia đình đi đâu cũng bị người ta xem thường, nói có tiền án, tiền sự cướp” – ông Nguyễn Văn Dũng kể.
Video đang HOT
Bà Võ Thị Thương năm nay cũng đã 92 tuổi, sau hàng chục năm kể từ ngày bị bắt và trả tự do đến nay vẫn chưa được minh oan và nhận được bồi thường. “Thời gian của tôi chẳng còn bao nhiêu, tôi chỉ mong đến khi nhắm mắt được nhà nước minh oan, chứ như ông nhà tôi, thật tội nghiệp…” – bà Thương rưng rưng nước mắt.
Trong vụ án này, còn có chị Nguyễn Thị Kim Chung (SN 1979), phải vào tù cùng cha mẹ khi mới 2,5 tháng tuổi. Đến hôm nay vẫn chưa thể xóa được mặc cảm từng trải qua tuổi thơ trong tù.
Thế nhưng, ngày 17-1, khi chúng tôi liên hệ VKSND tỉnh Tây Ninh để hỏi về những trường hợp này, ông Phan Văn Vũ, Trưởng Phòng Kiểm sát và Giải quyết đơn khiếu nại tố cáo VKSND tỉnh Tây Ninh, cho biết lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo khi báo chí đến hỏi về việc bồi thường của ông Nguyễn Văn Dũng, chỉ trả lời đang trong quá trình thương lượng, khi nào có kết quả sẽ thông báo. Riêng những trường hợp còn lại thì không giải quyết.
Nhiều điểm cần làm rõ
Sau khi đọc hồ sơ vụ án gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định ông Nguyễn Văn Dũng bị bắt giam, bị dùng nhục hình tra tấn, sau gần 4 năm được trả tự do vì không có hành vi phạm tội, thế nhưng việc bồi thường chỉ làm qua loa, không thương lượng mà tự tính mức bồi thường với số tiền mang tính tượng trưng. Ngoài ra, cơ quan làm oan cho ông Dũng cũng không thực hiện việc xin lỗi tại nơi cư trú và tại đơn vị ông Dũng từng tham gia chiến đấu.
Đối với những người còn lại trong vụ án, ngoại trừ ông Dũng có được trong tay quyết định đình chỉ việc khởi tố, những người khác không có quyết định đình chỉ, nghĩa là dù được tha bổng nhưng họ vẫn mang thân phận của bị can và chịu hàm oan đến nay.
Vụ án có những điểm cần làm rõ, như: Trong quyết định đình chỉ vụ án của ông Nguyễn Văn Dũng, có đề cập đến những người này, tất cả họ bị giam oan, bị dùng nhục hình tra tấn là cơ sở để họ được xem xét bồi thường. Ngoài ra, việc Công an xã Đôn Thuận thu hồi giấy tờ của họ có nhằm né tránh bồi thường? Nếu không có quyết định đình chỉ vụ án, làm sao họ được trả tự do?…
Theo Trường Hoàng
Người lao động
Công an tỉnh Đắk Lắk công khai xin lỗi người đàn ông mang thân phận bị can suốt 33 năm
Bị giam oan 9 ngày và phải mang thân phận bị can 33 năm ròng, ông Nguyễn Lâm Sáu đã được Công an tỉnh Đắk Lắk chính thức tổ chức xin lỗi công khai.
Dính án oan phải mang thân phận bị can
Sáng ngày 25/1, tại UBND phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Lâm Sáu (SN 1940) vì đã "để ra vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra năm 1985 dẫn đến oan sai".
Ông Nguyễn Lâm Sáu được Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức xin lỗi công khai
Vào năm 1966, ông Nguyễn Lâm Sáu tốt nghiệp chuyên ngành thú y tại Liên Xô rồi về nước công tác. Đến năm 1977, ông Nguyễn Lâm Sáu được điều từ miền Bắc vào làm kĩ sư nông nghiệp tại Nông trường Ea Kao tỉnh Đắk Lắk. Năm 1980, biết cấp trên tham nhũng và làm nhiều chuyện sai trái, ông liền viết đơn tố cáo. Sau đó, Ủy ban Thanh tra của tỉnh Đắk Lắk đã xác định tố cáo của ông Sáu là có cơ sở nhưng việc xử lý người vi phạm chưa được tiến hành thì ông Sáu đã bị buộc thôi việc.
Ngày 14/11/1985, bất ngờ Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám xét nhà ông Nguyễn Lâm Sáu và thu giữ 1 chai dầu cam 65ml đã hỏng, rồi bắt tạm giam ông vì tội "Buôn bán hàng trái phép". Sau 9 ngày ngồi tù ông mới được thả ra với tờ Lệnh tạm tha mà không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào chứng minh ông vô tội.
Toàn cảnh buổi xin lỗi công khai
Sau 28 năm kêu oan, đến ngày 28/11/2013, ông Sáu nhận được Quyết định số 384/QĐ-GQKN của Công an tỉnh về việc giải quyết khiếu nại lần đầu. Quyết định ghi rõ: "Thời hiệu khiếu nại đã hết...Ông Nguyễn Lâm Sáu bị tạm giữ, sau đó được tạm tha, không phải bị bắt giam và được tạm tha, vụ án chưa được khởi tố và ông Sáu chưa bị khởi tố với tư cách là bị can...".
Quyết định 384 của công an tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: "Việc tạm giữ đối với ông Nguyễn Lâm Sáu quá hạn 7 ngày (từ 18/11 đến 24/11/1985), đồng thời việc sử dụng sai biển mẫu Biên bản bắt, khám xét và Lệnh tạm tha... đã ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu. .. Trách nhiệm trên thuộc về ông Bùi Văn Nhị - nguyên Trưởng phòng An ninh Kinh tế-Văn hóa (nay đã nghỉ hưu) và ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ thi hành lện bắt, khám xét) - Phòng An ninh Kinh tế-Văn hóa ... Hai ông có tên nói trên có trách nhiệm cùng Phòng An ninh Kinh tế-Văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với ông Sáu".
Tuy nhiên, ông Sáu không chấp nhận mà tiếp tục khiếu nại yêu cầu được nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì suốt mấy chục năm trời ông đã bị oan và phải mang thân phận bị can, bị tước quyền công dân.
Sẵn sàng chấp nhận lời xin lỗi dù muộn
Tại buổi xin lỗi công khai, Đại tá Nguyễn Thế Lực - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã thừa nhận: Trong quá trình xác minh vụ việc buôn bán hàng trái phép xảy ra năm 1985, cán bộ phòng An ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk (trước đây) đã để xảy ra một số sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Lâm Sáu.
Đại tá Nguyễn Thế Lực - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu cùng gia đình
"Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, tôi xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu cùng gia đình, người thân vì cán bộ công an tỉnh đã để xảy ra một số sai phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Lâm Sáu, đó là bắt tạm giữ với ông trong vòng 7 ngày, đồng thời sử dụng sai biểu mẫu Biên bản khám xét và Lệnh tạm tha trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra.
Sau khi ông Nguyễn Lâm Sáu được tạm tha đã không tiếp tục điều tra, xác minh, kết luận để giải quyết dứt điểm vụ việc trên theo đúng quy định pháp luật. Công an tỉnh rất mong ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp thực hiện các nội dung liên quan mà Công an tỉnh và ông Sáu đã thống nhất", Đại tá Lực nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng cam kết thực hiện đúng và đầy đủ việc thỏa thuận, bồi thường về vật chất, tinh thần cho ông Nguyễn Lâm Sáu theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Lâm Sáu chấp nhận lời xin lỗi của Công an tỉnh Đắk Lắk
Có mặt tại buổi xin lỗi ông Bùi Văn Nhị - Nguyên trưởng Phòng an ninh kinh tế - văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk (người trực tiếp điều tra vụ án) đã trực tiếp gửi lởi xin lỗi chân thành, sâu sắc đến ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình trước những sai sót dẫn đến oan sai cho ông Sáu.
Phát biểu tại buổi xin lỗi công khai, ông Nguyễn Lâm Sáu ghi nhận việc Công an tỉnh Đắk Lắk đã thành tâm tổ chức buổi xin lỗi rất đúng với đạo lý của dân tộc Việt Nam. Ông Sáu cũng gửi lời cảm ơn đến luật sư, đến các cơ quan truyền thông báo chí đã cùng đồng hành giúp ông suốt thời gian dài qua để có được ngày hôm nay.
Ông Bùi Văn Nhị - nguyên Trưởng Phòng an ninh kinh tế - văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tay xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu
"Tôi chấp nhận lời xin lỗi của Công an tỉnh Đắk Lắk và mong Công an tỉnh sớm thực hiện các cam kết đối với tôi", ông Sáu cho hay.
Trao đổi với PV, ông Sáu cho biết dù lời xin lỗi có muộn nhưng ông vẫn sẵn sàng chấp nhận, ông hài lòng với việc cơ quan chức năng biết nhận ra cái sai để sửa cũng như phải xin lỗi người dân nếu có oan sai như ông.
Thúy Diễm
Theo Dantri
33 năm sau ngày bị bắt oan, 1 công dân được Công an Đắk Lắk xin lỗi Sau 33 năm mang thân phận bị can, ông Nguyễn Lâm Sáu (trú phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã được Công an tỉnh chính thức xin lỗi, chấm dứt hơn 12 ngàn ngày oan sai. Sáng nay (25.1) tại trụ sở UBND phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức công khai xin...