Một đời cống hiến cho ngôi trường ước mơ
Tôi gặp cô – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền khi cô là khách mời trong chương trình “Một rừng hương sắc” – một tọa đàm trên truyền hình mà những người con ưu tú của Thủ đô có dịp ngồi lại bên nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện cũ, những hy sinh, cống hiến thầm lặng của họ cho xã hội, cộng đồng.
Với cô, người phụ nữ đã bước sang tuổi 70, ở sự tĩnh tại vốn có đã nhường chỗ cho những giọt nước mắt rơi khi cô nhớ về những khó khăn, thách thức và cả sự mất mát người thân, nỗi đau bệnh tật để vượt lên tất cả vì sự nghiệp trồng người, cô đã tâm nguyện gắn bó cả cuộc đời mình, trong cuộc gặp hôm ấy!
18 năm trước, bỏ lại một thuở – nơi có tuổi thơ gian khó và những năm tháng chiến tranh xông pha nơi khói lửa – là điểm mốc đánh dấu một chương khác trong cuộc đời của cô giáo Nguyễn Thị Hiền. Năm 1997 của thế kỷ trước, trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm chính thức được khai sinh dưới sự bảo trợ của trường ĐH Ngoại ngữ. Và không ai khác, chính cô giáo Nguyễn Thị Hiền là người đã nhận nhiệm vụ chèo lái ngôi trường từ những ngày đầu tiên…
Cô Hiền kể lại: “Tôi vốn là giáo viên dạy tiếng Nga trường Phổ thông chuyên ngoại ngữ, chưa bao giờ làm quản lý, lại không có chuyên môn Tiểu học, nay được phân công đứng đầu một ngôi trường khiến tôi không khỏi lo lắng bởi hành trang gần như là con số không. Rồi tôi lại nghĩ chẳng ai sinh ra cũng để làm quản lý nên phải bắt đầu bằng sự học hỏi, mà học ở đâu, chẳng còn cách nào khác tôi bắt đầu bằng việc tự học từ sách vở, rồi cắp sách bút đến tìm hiểu thực tiễn ở các trường tiên tiến xuất sắc tại quận Cầu Giấy, học lớp quản lý để lần mò tự tìm đường cho mình từ những bước đi đầu tiên. Trở ngại đâu chỉ có vậy, thuở đó khái niệm trường dân lập còn quá mới mẻ, người dân nhìn ngôi trường mang tên dân lập với thái độ đầy nghi ngại”. Thời gian đầu với rất nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với bản chất sẵn có của một người lính, được đồng nghiệp và bạn bè giúp đỡ, cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã vượt qua được 2 trở ngại đầu tiên chính là sự ngờ vực của người dân và hành trang quản lý không có gì.
Năm đầu mang tên trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm nhà trường có 14 lớp, với 458 học sinh và 50 cán bộ giáo viên. Những năm tiếp theo, vượt qua những khó khăn khi phải học nhờ, rồi phải thuê địa điểm của các cơ quan ở quận Cầu Giấy, nhưng cán bộ giáo viên của trường đã không nản lòng và luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phải trải qua những gian nan vất vả về cơ sở vật chất và luôn trong tình trạng lo lắng không có địa điểm học; năm 2003, dưới sự chèo lái của người đầu tàu – cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã mời các thầy cô giáo và các cán bộ giáo dục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của trường tại khu đô thị Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội (nay là quận Nam Từ Liêm). Do chất lượng đào tạo tốt nên số lượng học sinh của trường tăng lên rất nhanh. Đến năm học 2014-2015, trường đã có 108 lớp học với hơn 3.000 học sinh và gần 400 cán bộ giáo viên… Phong cách làm việc của cô là sự hòa quyện của niềm tâm huyết, sức sáng tạo, và sự thức thời, năng động của người vừa làm giáo dục vừa đảm nhiệm công việc kinh doanh.
Đối với nhiều người, việc đặt giáo dục bên cạnh công việc kinh doanh dường như quá “nhạy cảm” và là một bài toán khó. Nhưng với triết lý: Tôi là nhà giáo, “sản phẩm” tạo ra là con người nên “tâm” phải sáng và phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, không thể để chất lượng đào tạo là con người được phép kém và hỏng”, 18 năm qua, trường Đoàn Thị Điểm do cô quản lý ngày càng nhận được nhiều hồ sơ của các bậc phụ huynh xin gửi con em vào học. Chưa hết, còn một điều rất quan trọng nữa tạo nên uy tín bởi cô quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục đào tạo ra những học sinh phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ. Đó là học sinh không chỉ phát triển hết tiềm năng, năng khiếu, trau đồi nhân cách, đạo đức, khả năng tự chủ, tự tin hòa nhập mà còn giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người. Minh chứng cho điều đó chính là các chương trình thiện nguyện, nhân đạo với sự tham gia nhiệt tình của thầy cô, phụ huynh và các em học sinh.
Theo luận giải của cô Hiền thì nhiều hoạt động từ thiện truyền thống đã trở thành “thương hiệu” của nhà trường như “Trái tim cho em”, “Vầng trăng yêu thương”, “Tình nguyện mùa đông”, “Quỹ học bổng Đoàn Thị Điểm”… bởi những hoạt động này sẽ giúp học sinh của trường không chỉ học giỏi mà còn phải biết ước mơ, biết cảm thông, sẻ chia với các bạn đồng trang lứa không được may mắn; từ đó hình thành nên một lối sống đẹp, không bàng quan trước cuộc sống, vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh.
Cô đúng là người phụ nữ tài năng trong công việc, được nghề tri ân, được đồng nghiệp mến mộ, nể phục, phụ huynh học sinh tin tưởng, lớp lớp thế hệ học sinh yêu quý. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng đằng sau những thành công ấy, cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã phải trải qua những nỗi đau, những mất mát khủng khiếp mà không phải ai cũng dễ dàng đối mặt vượt qua. Đó là một góc khuất trong cuộc đời nữ nhà giáo, nơi mà cô cất giấu như những kỷ niệm buồn, và cô đã biến nỗi đau trở thành động lực để vượt qua mà trong chương trình Tọa đàm “Một rừng hương sắc” là một trong những lần hiếm hoi cô Hiền chia sẻ về khoảng lặng ấy. “Tôi luôn xem áp lực cũng như những thách thức là một phần không thể thiếu trong cuộc sống để tự mình cố gắng vượt qua”, cô Hiền bộc bạch.
Khi cô nhận quản lý trường được 8 tháng thì con gái – cũng chính là người cô coi như bạn thân nhất của mình từ giã cõi đời. “Đó là tận cùng của nỗi đau, của sự mất mát, nhưng rồi tôi lại nghĩ mình phải chấp nhận sự thật, đó là cuộc sống, nếu tôi gục ngã thì không biết gia đình sẽ thế nào. Thế là tôi lại lao vào công việc cũng là để quên đi nỗi buồn riêng và cũng không vì nỗi niềm riêng mà quên đi công việc, sự nghiệp của mình”. Và cũng chẳng ai có thể hình dung được người phụ nữ đã bước sang tuổi 70 này bị xương khớp, tiếp đến là mắc căn bệnh ung thư sẽ gục ngã, nhưng người thân, đồng nghiệp, bạn bè lại thấy cô thêm kiên cường, bản lĩnh, lại thấy cô lao vào vòng xoáy công việc một cách say mê hơn. Hỏi cô lấy đâu ra động lực để vượt qua thì cô đáp lại: “Tôi luôn tìm trong cái rủi điều may mắn để vượt qua mọi thử thách. Ở ngôi trường ấy các em vẫn đang đợi, tôi muốn được bước chân vào cổng trường, nơi các em học sinh đợi sẵn ùa vào ôm chầm lấy tôi như người thân”.
Chúng tôi tin vào khát vọng của cô bởi những gì cô đã làm được và thành công. Bắt đầu từ những khó khăn ngổn ngang, chồng chất cô tự vượt qua để từng ngày sống hết mình và phấn đấu không mệt mỏi bằng tâm huyết và niềm đam mê con đường mình đã chọn vì sự nghiệp giáo dục, đến nay trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã trở thành một trong những trường tiểu học lớn nhất của Thủ đô. Một đời cống hiến cho ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái, đào tạo nên những thế hệ học sinh tài – đức song hành, cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý do Nhà nước và Chính phủ trao tặng: Nhà giáo Ưu tú, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Công dân Thủ đô ưu tú và nhiều danh hiệu khác. Hiện đã bước sang tuổi thất thập, thời gian đã điểm sương trên mái tóc, dù đã trải qua nhiều sóng gió, đến nay cô có một sức khỏe ổn định, một gia đình đầm ấm yên vui, một sự nghiệp vẻ vang đầy ngưỡng mộ. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền, chúc cô cùng các đồng nghiệp của mình tại ngôi trường Đoàn Thị Điểm luôn đủ tâm – trí – lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa vì các em học sinh thân yêu.
Theo Anninhthudo.vn