Một chút chạnh buồn sau nhiều năm ôn thi học sinh giỏi!
Mỗi lần nghe các em chọn khối thi, nghe báo tin vào đại học, dù rất vui khi thấy các em trưởng thành nhưng trong thâm tâm không tránh được những nỗi buồn mơ hồ.
Tính đến nay thì bản thân tôi đã có mười mấy năm giảng dạy môn Ngữ văn tại một trường phổ thông. Khoảng thời gian ấy có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui khi gắn bó với các lớp học trò mà mình được phân công đứng lớp.
Nhưng có lẽ sự gắn bó nhiều hơn là với những em tham gia ôn thi học sinh giỏi vì ngoài việc học tập chính khóa trên lớp thì thầy trò có dịp gần gũi với nhau trong quá trình ôn tập ròng rã nhiều tháng trời.
Hơn 10 năm ôn thi học sinh giỏi môn Văn, có nhiều em đạt giải học sinh giỏi nhưng tuyệt nhiên không có em nào học sư phạm Ngữ văn hay đi theo một ngành học gần với đam mê thời học phổ thông của các em.
Có lẽ, đây cũng là những băn khoăn, hẫng hụt nhất trong quá trình giảng dạy và bồi dưỡng học trò giỏi Văn của bản thân tôi trong suốt những tháng năm công tác trong ngành giáo dục.
Nghề giáo vẫn được ví là nghề cao quý nhưng những năm gần đây có rất ít học sinh theo học sư phạm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: congannghean.vn)
Những lớp học trò đã trưởng thành
Nhiều năm được nhà trường phân công dạy môn Ngữ văn và ôn thi học sinh giỏi cho học sinh cuối cấp- đây cũng là niềm vui của bản thân tôi nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn đối với nhà trường và học trò của mình.
Hơn 10 năm trời ôn thi, có nhiều năm bội thu nhưng cũng có những năm mất mùa. Trong số đó, có nhiều trò giỏi đạt giải học sinh giỏi cấp cấp tỉnh, rất có năng lực về môn Văn nhưng cuối cùng chẳng có em nào… nối nghiệp thầy.
Mỗi lần biết tin các em chọn khối thi, ngành học và nghe các em báo tin vào đại học dù bản thân rất vui khi nhìn thấy các em trưởng thành, khôn lớn nhưng trong thâm tâm không tránh được những nỗi buồn mơ hồ.
Vẫn biết, các em đã có sự cân nhắc rất kĩ lưỡng cho nghề nghiệp của mình sau này về cả khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập bản thân trong tương lai thì các em mới nộp hồ sơ thi (xét tuyển) vào các trường đại học.
Video đang HOT
Nhưng, trong lòng của một người thầy đã từng bồi dưỡng, truyền đạt tất cả những khả năng của mình cho học trò không tránh khỏi sự hẫng hụt vì có lúc đã hy vọng các em có thể theo nghề của thầy, hoặc ít nhiều học và làm một công việc có dính dáng đến văn chương…
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua vẫn chưa thấy em học sinh nào mà bản thân đã từng bồi dưỡng trong đội tuyển học sinh giỏi của trường và đã đạt giải theo nghề sư phạm.
Có thể các em cũng thấy được sự vất vả của nghề sư phạm hiện nay và nhất là trong những năm qua thì sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên Ngữ văn nói riêng khi ra trường rất khó tìm kiếm việc làm nên các em không còn mặn với ngành học này nữa.
Buồn thì cũng chỉ buồn vậy thôi chứ biết làm sao được vì bản thân người thầy như chúng tôi cũng không thể làm gì được trước thực tế mà phải cần một chính sách mang tính vĩ mô mới có thể thay đổi được sự lựa chọn ngành nghề của học sinh.
Làm sao có thể níu chân các em học sinh giỏi, có năng khiếu thực sự vào sư phạm?
Lúc sinh thời, Phó giáo sư Văn Như Cương đã từng trăn trở: ” Các em vào đại học thầy vui/ Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!/ Ít em mong muốn vào sư phạm/ Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi ?”.
Những trăn trở của thầy Văn Như Cương có lẽ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô đang giảng dạy, công tác trong ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Nhất là đối với những em đã tham gia thi học sinh giỏi là những em có năng khiếu thực sự, có đam mê với những môn học.
Tuy nhiên, thực tế thì những năm qua sinh viên sư phạm ra trường rất khó tìm kiếm việc làm. Trong khi, những em học sinh giỏi có nhiều cơ hội để lựa chọn những trường đại học mà sau này có thể đem lại cuộc sống tốt hơn cho mình.
Chính vì vậy, những em giỏi, nhất là những em đã từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia ít khi học sư phạm- đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất mà chúng ta chưa tận dụng được trong nhiều năm qua.
Bản thân những nhà giáo như tôi hay mọi người trong chúng ta không trách được các em vì mỗi học sinh đều có quyền lựa chọn tương lai cho riêng mình bởi vì đó là cuộc sống của các em sau này.
Song, điều mà những nhà giáo như chúng tôi hay xã hội vẫn mong chờ, hy vọng những học sinh giỏi thực sự sẽ thi (xét tuyển) vào các trường sư phạm để sau này các em sẽ tạo ra những điểm nhấn cho ngành giáo dục.
Đặc biệt là trong thời đại ngày nay thì những em học sinh giỏi thường là những em nhanh nhạy, biết tận dụng tối đa khoa học công nghệ để vận dụng vào công việc mà những lớp giáo viên như chúng tôi nhiều khi đang cảm thấy chật vật.
Một thầy cô giáo giỏi có thể đào tạo ra vài chục lớp học trò tốt và ngược lại những thầy cô giáo không giỏi rất khó để đào tạo, dạy dỗ ra những thế hệ học trò giỏi nhưng nhìn lại bức tranh tuyển sinh sư phạm trong những năm qua chúng ta chưa thực sự yên tâm.
Muốn tuyển được học sinh giỏi vào sư phạm chắc chắn phải cần nhiều yếu tố. Nên chăng, các cơ quan chức năng, ngành giáo dục cần có những chính sách tốt về tuyển sinh, tuyển dụng để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm cho tương lai.
Được vậy, có lẽ những thầy cô đã và đang bồi dưỡng học sinh giỏi ở cấp phổ thông sẽ rất mừng vì tương lai sẽ có nhiều thầy cô giáo, những đồng nghiệp giỏi.
Vợ chồng tôi đã thất bại khi không hướng được con nối nghiệp dạy học
Vì cuộc sống thiếu thốn bao năm nên phần đông các em đều quyết tâm phải cải thiện nó, dù rất yêu nhưng không thể chọn nghề giáo cho cuộc đời mình.
Tôi là cô giáo tiểu học còn chồng là giáo viên trung học cơ sở. Chúng tôi có 2 con gái xinh xắn và học giỏi. Ngay từ nhỏ, chúng tôi luôn hướng nghiệp cho con sau này lớn lên sẽ chọn nghề giáo.
Cha mẹ là giáo viên nhưng con lại không muốn nối nghiệp (Ảnh: Phan Tuyết)
Tôi đã luôn vẽ ra trước mắt con cả một thế giới lung linh của "nghề cao quý".
Nào là, nghề giáo luôn bình yên, môi trường luôn rèn cho con người biết sống thanh cao biết hoàn thiện mình vì nơi đây ít có sự cạnh tranh, bon chen như nhiều môi trường khác.
Nghề giáo tuy nghèo một chút nhưng luôn tràn ngập tiếng cười, luôn tràn đầy niềm vui. Nếu là thầy cô giáo tốt sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu thương, luôn được học sinh thần tượng và nhớ tới.
Thế nhưng có lẽ hiện thực mà các con nhìn thấy hàng ngày lại không đẹp, không lung linh như lời ba mẹ nói với chúng. Vì thế, dù luôn được nghe những lời hay, ý đẹp về nghề nhưng các con cũng không có được lòng nhiệt huyết muốn nối nghiệp mẹ cha.
Đã không ít lần con được chứng kiến những ngày giáp tết khi ba mẹ trông chờ mãi mới có lương thì ngay sau đó những đồng lương cuối cùng cũng đã không còn nữa vì bao khoản nợ trước đó lấy đi.
Đã có một thời gian dài, không chỉ gia đình chúng tôi mà gần như nhiều gia đình của đồng nghiệp cùng trường bữa ăn thường niên chỉ là món cá trích. Cá trích biển quê tôi dạo ấy rẻ vô cùng, chỉ vài trăm đồng mua được cả ký lô.
Thế là ngày nào đi chợ, chúng tôi cũng mua cá trích (vì cũng chỉ đủ tiền để mua cá trích). Món cá này hết nấu canh chua, đến kho rồi lại nướng, lại chiên.
Đã có lần, cô con gái nhỏ ngây thơ hỏi rằng: "Mẹ ơi! Vì sao tết đến các bạn con ai cũng có mấy bộ đồ đẹp nhưng nhà mình mẹ chỉ mua cho hai chị em có 2 bộ thôi?"; "Sao ba, mẹ lại chỉ mặc quần áo cũ, mà không mua đồ mới?".
Những câu hỏi như: "Sao nhà mình không xây nhà như bạn con? Sao nhà mình cứ ở mãi nhà tập thể?"; "Sao hè nhà mình không đi du lịch? Nhà của các bạn con đi chơi vui lắm"... Đôi khi chỉ biết nói với con: "Vì nhà mình không có tiền" nhưng khi con hỏi vặn: "Tại sao lại không có tiền?" thì cũng chẳng dễ dàng gì để giải thích cho con hiểu rõ ngọn ngành.
Lớn lên một chút những câu hỏi làm khó ba, mẹ đã không còn nữa. Nhưng các con đã biết phản ứng trước định hướng của chúng tôi.
Không ít lần con nói thẳng: "Con không đi dạy học đâu! Con không muốn nghèo như ba, mẹ". Con không muốn cả ngày đi dạy trên trường nhưng tối đến người ta vui chơi, quây quần bên gia đình thì ba mẹ lại mỗi người ôm một máy tính để soạn bài, ra đề kiểm tra.
Con không muốn ngày Chủ nhật cũng thấy ba miệt mài chấm bài vì qua tuần sợ học sinh đòi điểm. Con không muốn quanh năm làm quần quật nhưng chẳng thể cùng gia đình tổ chức một chuyến đi xa...".
Và, biết bao điều con không muốn...nên cả hai con đã không chọn nghề giáo cho mình.
Không chỉ gia đình tôi, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có con học giỏi nhưng nghề các em chọn toàn là kinh tế với ngân hàng.
Có lẽ, vì cuộc sống thiếu thốn bao năm nên phần đông các em đều quyết tâm phải cải thiện nó bằng cách dù rất yêu nhưng không thể chọn nghề giáo cho cuộc đời mình.
Chúng tôi chỉ biết hy vọng rằng bằng chính sách thu hút, bằng việc cải cách tiền lương tới đây sẽ có nhiều học sinh giỏi lựa chọn nghề giáo ngoài lòng đam mê, nhiệt huyết còn vì có được một cuộc sống đủ đầy hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, quan điểm của tác giả.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Minh Thiện và hành trình 'gieo con chữ' cho học sinh vùng sâu Vĩnh Long Bước vào nghề giáo từ năm 1983, thầy Nguyễn Minh Thiện được phân công về dạy môn Văn ở Trường cấp II và III Trà Ôn (nay là Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn). Với nhiệt huyết, tình yêu nghề, thầy Nguyễn Minh Thiện (59 tuổi), Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã...