Một chân dung khác về ‘kẻ thù vĩ đại nhất của La Mã cổ đại’
Là một trong những vị tướng đại tài trong lịch sử thế giới, nhưng tư liệu về Hannibal của dòng họ Barca – người từng khiến cả thành Rome rung sợ – gần như ít ỏi và không đầy đủ.
Nếu có, nó đều xuất phát từ các sử liệu của những nhà chép sử La Mã kình địch, thiếu trung dung và đầy phỉ báng.
Qua tác phẩm có nhiều thông tin và được nghiên cứu kỹ, học giả người Mỹ Philip Freeman đã mang đến những góc nhìn tương đối mới mẻ về nhân vật vĩ đại này.
Khởi nguồn của vị danh tướng
Nằm giữa thời đại mà Alexander Đại đế và Julius Caesar khuấy đảo địa cầu, Hannibal dường như đã bị chìm khuất trong dòng lịch sử. Điều này còn chưa tính đến xuất thân Carthage – nơi ít xuất hiện trong các sử liệu, nếu so với Ai Cập hay Rome. Điều này cũng không khó hiểu, khi Freeman cho rằng xét về bản chất, xứ Bắc Phi này là nơi nổi tiếng với những thương nhân thay vì sản sinh ra các chiến binh. Carthage vốn phải nương vào binh lính đánh thuê để bảo vệ mình, và với tính chất non yếu về mặt quân sự, nó đã trở thành món mồi béo tốt cho những vương quốc như Rome có dịp dòm ngó.
Bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của Hannibal Barca. Ảnh: The Collector
So sánh với Caesar, Freeman cho ta thấy những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa hai vị tướng, từ đó chứng minh bối cảnh có thể tác động đến cả số phận của một con người. Giống như Caesar lớn lên ở trong khu chợ của những người nghèo, hàng ngày tiếp xúc với người tứ xứ khắp nơi đổ đến, thì Hannibal cũng sống ở Carthage – thành phố quốc tế, nơi thuyền buồm cập bến hàng ngày từ khắp châu Phi cũng như châu Á. Như vậy ngay từ bối cảnh, cả hai đều được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, phần nào ảnh hưởng đến việc học tập cũng như cách nhìn của những cậu bé sáng dạ và hiếu kỳ.
Thế nhưng khác với Caesar được nuôi lớn trong một gia đình chỉ toàn phụ nữ, thì Hannibal đã sớm giong buồm cùng cha đánh chiếm một phần của Tây Ban Nha ở tuổi lên 9. Bên cạnh việc học với thầy giáo người Hy Lạp, cậu cũng đã sớm tiếp xúc với thế giới khắc nghiệt gồm những hiểm nguy trong việc chiến đấu và sự gắn bó giữa các chiến hữu.
Cha cậu – Hamilcar – đã chọn ra những chiến binh kỳ cựu để rèn luyện cho con trai của mình mà không nhân nhượng hay có sự thương hại nào. Có lẽ cũng vì điều này mà cậu đã được truyền lại tính nết của cha, người đã mạnh mẽ đứng lên chống Viện Nguyên Lão để đưa Carthage chiếm Tây Ban Nha với mỏ kim loại phong phú, đem về thêm sự giàu có cho vùng đất đất này.
Bìa sách Hannibal – Kẻ thù vĩ đại nhất của La Mã. Ảnh: Minh Anh
Có lẽ chính vì mối thù mang tính vĩnh cửu với thành Rome mà nhà Barca trong nhiều thế hệ đã không ngừng căm hận và chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng. Điều này ngược lại cũng là động cơ để các sử gia La Mã dành những cái nhìn không mấy thiện cảm cho Hannibal. Trong khi văn bản của vùng Carthage hoàn toàn đã biến mất trong thời đại này, thì các sử liệu của phía La Mã là nguồn tham khảo duy nhất dành cho hậu thế. Tuy vậy những gì họ viết về vị tướng này không có gì hơn là một con quái vật với những tội ác thấu đến trời xanh. Thế nhưng như Freeman đã đặt câu hỏi, con người sau huyền thoại thực sự là ai? Và rằng câu chuyện thay đổi ra sao nếu ta nhìn Hannibal từ quan điểm của người Carthage thay vì của người La Mã?
Gương mặt khác với sử sách
Lần theo hành trình từ Carthage đến Tây Ban Nha và rồi đánh vào thành Rome, Freeman đã tạo nên chân dung của một trong những vị tướng thông minh và gan dạ nhất trong lịch sử thế giới, người mà suýt chút nữa đã hạ được thành Rome. Đó là một người đã rất táo tợn dẫn dắt đội quân trong cuộc chiến chống lại siêu cường quân sự tàn nhẫn nhất của thế giới cổ xưa, trong tình trạng thua sút về mặt quân số và luôn ở sâu trong lãnh thổ địch. Theo tác giả, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho thành tích “vô tiền khoáng hậu”, mà một trong số đó là các bài học ông đã được hưởng từ cha của mình.
Hành trình vượt dãy Alps nổi tiếng của Hannibal cùng voi chiến. Tranh của Heinrich Leutemann.
Video đang HOT
Theo đó Hannibal luôn biết cách truyền cảm hứng cho quân đội mình. Ông biết sẻ chia những sự khó khăn và bất chấp mang mạng sống của mình để bảo vệ họ. Như Freeman viết, trong các trận chiến, ông không bao giờ đứng xa quan sát, mà luôn đồng hành cùng hỗ trợ. Trong việc đưa toàn đội hình vượt qua núi Alps vào mùa đông, ông đã cùng với binh lính của mình triệt hạ từng đội phục kích của lực lượng địa phương. Hay khi băng qua đầm lầy Arno để tránh quân đội La Mã, ông cũng đã xuống bùn lầy cũng như động viên từng người một. Hậu quả sau đó ông đã bị mù một bên con mắt vì bùn bắn ngược lên mắt và không có đồ sơ cứu một cách kịp thời…
Trong một đội quân có nhiều thành phần và chủng tộc người, ông cũng không hề áp đặt đòi sự đồng nhất, mà luôn cho phép các nhóm sắc tộc chiến đấu gần nhau, theo kiểu những đơn vị tách rời, mặc các bộ chiến phục bản xứ và dùng vũ khí ưa thích của mình. Điều này tạo ra sự ganh đua tích cực giữa các chủng tộc dưới quyền chỉ huy, từ đó trở thành những người chiến binh vô cùng tinh nhuệ. Ông cũng phân chia các chiến lợi phẩm một cách hợp lý, để người dưới quyền luôn luôn thấy mình sẽ được trân trọng. Chính tài thao lược lẫn tính hào phóng đã làm nên một vị tướng đạt được thành quả mà không một ai có thể tưởng tượng.
Trận Cannae nổi tiếng, được mệnh dân là ngày chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Tranh của John Trumbull.
Ngoài những điều học được từ cha, Freeman cũng khẳng định rằng Hannibal là một nhà tâm lý chiến đại tài. Chỉ bằng chiến thuật giăng bẫy đối phương, mà phía La Mã đã rất nhiều lần rơi vào thất bại, từ các trận chiến trên sông Ticinus, Tribeca cho đến bên hồ Trasimene. Bằng cách tận dụng thời tiết như là sương mù (trận Trasimene) hay gió nóng thổi từ châu Phi (trận Cannae)… mà các trận đánh của ông đã có được thành công vang dội. Dẫu là thua sút về quân số, nhưng Hannibal vẫn giành chiến thắng trong trận Cannae và được coi là ngày chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại… Tất cả điều này đã cho thấy được tài năng ở nhiều khía cạnh của viên tướng này.
Nhưng quan trọng nhất ở Hannibal chính là tư duy vượt qua khó khăn bằng các chiến lược thật sự khác biệt, không thể đoán trước và phi quy ước. Chẳng hạn phía quân La Mã không thể biết trước viên tướng đầy táo bạo này sẽ dẫn đội quân của mình vượt dãy núi Alps cao lên sừng sững ngay giữa mùa đông, hay là lội qua một đống bùn lầy ngày này sang đến ngày khác bảo toàn lực lượng… Chính sự khác thường và bất ngờ này đã làm cho phía đối thủ không thể lường trước, từ đó mang đến chiến thắng cho ông…
Thế nhưng Freeman cũng không hoàn toàn huyền thoại hóa chiến thắng của Hannibal, mà theo tác giả, thành công của ông cũng còn nằm ở thành Rome đã quá tự tin và lịch sử khát máu của mình. Theo đó chính vì cơ chế của nền Cộng hòa e sợ sẽ bị lật đổ mà có đến 2 vị quan chấp chính theo nhau đánh trận, dẫn đến phía nhà Barca đã tận dụng được chính khe hở này. Và tuy không có được sự hỗ trợ từ phía quê nhà bởi sự phản đối của Viện Nguyên Lão thủ cựu, thế nhưng chính vì quá khứ như “bệnh ung thư” lây lan khắp vùng Địa Trung Hải để nuốt chửng rất nhiều quốc gia và nền văn hóa của La Mã, nên Hannibal đã tập hợp được một nhóm nhiều người mong muốn khôi phục lại những đặc trưng của tổ tiên mình.
Trận chiến ở Zama của Hannibal. Tranh được cho là của Giulio Romano.
Nối tiếp con đường phi thần thoại hóa, Freeman cũng đã phân tích lý do vì sao Hannibal không tiến thẳng vào thành Rome, để rồi chính sự chần chừ sau trận Cannae đã dẫn ông đến thất bại sau cùng. Thế nhưng như Freeman nói, một người có thể thay đổi cả dòng lịch sử, và nếu Hannibal lựa chọn khác đi vào thời điểm đó, thì lịch sử nhân loại có thể đã rất khác đi. Ông không bênh vực cho người anh hùng mình đang viết về, mà là phân tích một cách kỹ càng Hannibal đứng dưới phương diện của một cá nhân, để ta thấy được họ cũng sẽ có những niềm vui, nỗi sợ, thất bại và những điểm yếu của cá nhân mình.
Có thể nói rằng qua cuốn sách này, sử gia Philip Freeman đã họa nên bức chân dung vô cùng rõ ràng về Hannibal, một người vĩ đại nhưng bị lãng quên bởi nhiều chất chồng lịch sử. “Giành giật” lại ông từ những nghi kỵ của các sử gia La Mã, Freeman đã tái tạo lại một khuôn mặt khác của người đã hủy hoại cả một thế hệ thanh niên La Mã, là cơn ác mộng của đế chế chưa ai xâm phạm trong 2 thế kỷ, chỉ để mang về những điều lớn lao cho quê hương mình. Đây không chỉ là câu chuyện về người anh hùng không mắc sai lầm, mà còn là về một người bất chấp nghịch cảnh, đã dám đứng lên thay đổi cả dòng lịch sử.
Sinh năm 1961, Freeman là giáo sư Khoa học Nhân văn tại Đại học Pepperdine ở Malibu (California). Ông đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard về Ngữ văn cổ và Ngôn ngữ – Văn học Celt.
Trước Hannibal, ông cũng từng viết về hai yếu nhân nổi tiếng không kém là Alexander Đại đế và Julius Caesar. Tác phẩm của ông thường được viết bằng từ ngữ đơn giản, cách kể chuyện cuốn hút và không sa vào kể lể, liệt kê.
Trong các cuốn sách, ông có cách thức chắt lọc thông tin hiệu quả, để giữa vô vàn tài liệu từ cổ chí kim, thì vẫn thống nhất về mạch truyện chung. Ngoài những luận điểm mà ông đồng thuận, Freeman cũng cung cấp nhiều giai thoại, huyền thoại tương đối thú vị, xoay quanh các nhân vật này.
Những bí ẩn về tượng Nhân sư vĩ đại cạnh Kim tự tháp Giza của Ai Cập
Với chiều cao gần 20m tính từ mặt đất đến đỉnh đầu và dài hơn 72m tính từ chân trước đến đuôi, tượng Nhân sư Vĩ đại là một trong những công trình điêu khắc cao lớn và lâu đời nhất thế giới.
Bức tượng Nhân sư Vĩ đại nằm cạnh Kim tự tháp Giza ở Ai Cập. (Nguồn: Vietnam )
Với thân sư tử và khuôn mặt của một vị hoàng đế, bức tượng Nhân sư Vĩ đại đã trở thành một biểu tượng của Ai Cập cổ đại, truyền cảm hứng cho các bản sao trên khắp thế giới, từ Las Vegas, Nevada, đến Lan Châu, Trung Quốc.
Trong hàng nghìn năm, bức tượng cao lớn này đã nằm dưới chân các Kim tự tháp Giza. Tuy nhiên, nó đã có một thời gian dài hàng trăm năm bị cát sa mạc nhấn chìm khiến hầu như bị lãng quên...
Câu đố về Nhân sư
Ở Hy Lạp cổ đại, Nhân sư là một con quái vật có hình dáng đầu phụ nữ, mình sư tử với đôi cánh chim và sẽ giết bất kỳ ai không thể trả lời câu đố của nó.
Tuy nhiên, theo quan niệm của người Ai Cập, Nhân sư là một sinh vật nhân từ, đã bảo vệ các vị Pharaoh và đất nước Ai Cập.
Không giống như quái vật Hy Lạp, tượng Nhân sư Vĩ đại có đầu người và không có cánh. Những hình dáng khác về Nhân sư xuất hiện vào các thời đại khác nhau của Ai Cập cổ đại, trong khi cơ thể sư tử vẫn giữ nguyên, phần đầu lại thay đổi như đầu cừu đực, chó rừng, chim ưng và cá sấu.
Ai đã xây dựng Nhân sư?
Hai trong số những bí ẩn lớn nhất xung quanh tượng Nhân sư Giza là thời điểm nó được xây dựng và bởi ai.
Các học giả đã nhất trí tượng Nhân sư được xây dựng cách đây khoảng 4.500 năm, vào thời Vương quốc Ai Cập cổ đại khi các kim tự tháp vĩ đại được xây dựng.
Các nhà khảo cổ tin rằng tượng Nhân sư Vĩ đại được xây dựng vào thời Vương quốc Ai Cập cổ đại (khoảng 2575-2150 trước Công nguyên) bởi Pharaoh thuộc triều đại thứ Tư Khafre.
Tượng Nhân sư và những ngôi mộ khổng lồ này chắc chắn được kết nối với nhau khi người bảo vệ khổng lồ dường như ngồi ngay giữa hai Kim tự tháp, mỗi cái được dựng lên bởi một Pharaoh khác nhau.
Khufu, người trị vì vào khoảng năm 2.500 Trước Công nguyên, đã xây dựng Kim tự tháp vĩ đại và con trai ông là Khafre đã xây dựng lăng mộ nhỏ hơn một chút cho riêng mình.
Cũng vĩ đại như các Kim tự tháp, thông tin về những Pharaoh này rất ít ỏi. Các nhà khảo cổ đã phải cố gắng lý giải bí ẩn về người đã xây dựng tượng Nhân sư.
Cho đến nay, không có thông tin rõ ràng về công lao của Khufu hoặc Khafre trong việc xây dựng Nhân sư.
Giả thuyết phổ biến nhất, được các nhà Ai Cập học như Mark Lehner và Zahi Hawass đưa ra, là Khafre đã xây dựng tượng Nhân sư như một phần trong các dự án đồ sộ, bao gồm cả nơi an nghỉ của ông và quần thể đền thờ xung quanh.
Những học giả này đã nghiên cứu các cấu trúc khác nhau trong quần thể khu nghĩa địa của các pharaoh và nhận thấy vị trí của tượng Nhân sư trong sơ đồ Kim tự tháp và các ngôi đền của Khafre là phù hợp hơn cả, cho thấy những công trình này đã được lên kế hoạch cẩn thận và logic.
Các nhà nghiên cứu tin rằng bản thân tượng Nhân sư được chạm khắc từ một khối đá vôi khổng lồ, có khả năng lộ ra khi các công nhân đang khai thác những tảng đá lớn để xây dựng các ngôi đền gần đó.
Ở Vương quốc Ai Cập cổ đại, Nhân sư được tôn thờ và được coi như một phần của nghĩa địa linh thiêng Giza.
Tái sinh từ cát
Tuy nhiên, theo thời gian, bức tượng đã bị lãng quên bởi cát sa mạc đã vùi lấp toàn bộ tượng chỉ còn phần đầu Nhân sư nhô lên.
Bức tượng Nhân sư Vĩ đại đã bị bào mòn một phần do thời gian. (Nguồn: Flickr)
Vào cuối những năm 1790, khi quân đội của Hoàng đế Napoléon chiến đấu với quân đội Anh ở Ai Cập, vị hoàng đế Pháp đã lập tức say mê với lịch sử Ai Cập cổ đại và các di tích ở đây, bao gồm cả tượng Nhân sư.
Khi nhìn thấy bức tượng và các Kim tự tháp, Hoàng đế Napoléon đã thốt lên: "Hàng nghìn năm lịch sử đang coi thường chúng ta!"
Ai Cập cổ đại đã truyền cảm hứng cho những người theo Napoléon đến nỗi khi trở về Pháp, họ bắt tay vào việc tạo ra một bộ lưu trữ lịch sử đa dạng về Ai Cập cổ đại với các bản vẽ chi tiết về tất cả những điều họ đã chứng kiến tại đất nước này.
Sau đó, các cuộc khai quật Nhân sư bắt đầu được tiến hành nhưng tất cả những nỗ lực của các nhà khảo cổ đều không mấy thành công.
Đến tận năm 1817, nhà Ai Cập học người Italy, Giovanni Battista Caviglia mới bắt đầu có những thành tựu, qua đó vào cuối thế kỷ 19, người ta có thể nhìn thấy bộ ngực rộng và bàn chân đồ sộ của tượng Nhân sư.
Nhưng cuối cùng, chính sa mạc cát-"hung thủ" đã vùi chôn Nhân sư Ginza đã "chuộc lỗi" và đem bức tượng trở lại. Vào cuối những năm 1930, một trận bão cát đã cuốn toàn bộ cát đi và Nhân sư Cinza hoàn toàn lộ diện.
Sự xuất hiện trở lại sau hàng trăm năm bị chôn vùi dưới cát,khiến cho nhân loại bất ngờ và sửng sốt bởi kích thước khổng lồ của nó: cao gần 20m tính từ mặt đất đến đỉnh đầu và dài hơn 72m tính từ chân trước đến đuôi.
Đây chính là một trong những công trình điêu khắc cao lớn và lâu đời nhất thế giới với phần lớn tượng Nhân sư được chạm khắc trực tiếp từ một khối đá vôi khổng lồ.
Đầu của tượng Nhân sư mang một số biểu tượng của chế độ quân chủ Ai Cập cổ đại. Nhân sư mang chiếc mũ đội đầu bằng vải của các Pharaoh Ai Cập và được chạm khắc một con rắn hổ mang chúa ở trên trán.
Thời gian đã cướp đi chiếc mũi và bộ râu quý phái của tượng Nhân sư, nhưng những đặc điểm còn lại vẫn được xác định rõ ràng bất chấp thời gian xói mòn./.
Thành công phục dựng chân dung 'người đàn ông tuyệt chủng' 47.000 năm trước Chân dung của người đàn ông sống cách đây 47.000 năm trước được phục dựng thành công với độ chân thực đáng kinh ngạc. Theo đó, các nhà nghiên cứu mới đây đã phục dựng thành công chân dung của người đàn ông sống cách đây hàng chục nghìn năm dựa trên bộ hài cốt được tìm thấy tại một hang động ở...