Moody’s hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ‘tích cực’ xuống ‘ổn định’
“ Rủi ro tài sản vẫn cao sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh chóng”, Rebaca Tan, chuyên gia phân tích của Moody’s đánh giá về thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Moody’s hạ triển vọng về hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ‘tích cực’ xuống ‘ổn định’
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo “ Triển vọng Hệ thống Ngân hàng Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện hỗ trợ cho triển vọng ổn định”. Báo cáo được thực hiện bởi hai chuyên gia Tarzimanov và Rebaca Tan.
Theo đó, Moody’s thay đổi triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” sang “ổn định”. Việc điều chỉnh này dựa trên 6 tiêu chí: môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (cải thiện), vốn (ổn định); tài trợ và thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và hiệu quả (cải thiện); và sự hỗ trợ của chính phủ (ổn định).
Đánh giá môi trường hoạt động, Moody’s cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động của các ngân hàng.
Moody’s kỳ vọng tăng trưởng GDP thực của Việt Nam ở mức 6,7% vào năm 2018 và 6,5% vào năm 2019, là quốc gia tăng trưởng mạnh trong khu vực Asean, nhờ vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tăng trưởng tín dụng trong nước sẽ ở mức trung bình khoảng 16% vào năm 2018, giảm so với mức 20% năm 2017, khi chính phủ Việt Nam tìm cách kiểm soát lạm phát xuống dưới 4%.
Moody’s dự báo chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện trong 12-18 tháng tới, vì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của người vay và cho phép các ngân hàng đẩy nhanh việc xóa bỏ các tài sản cũ có vấn đề.
Tuy nhiên, Moody’s cho rằng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong vài năm gần đây có thể dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản khi các khoản nợ mới đáo hạn, mặc dù tình trạng này ít có khả năng xảy ra trong giai đoạn 12-18 tháng tới.
Theo Moody’s, vốn hóa của các ngân hàng cũng sẽ tương đối ổn định. Việc siết chặt tăng trưởng tài sản sẽ làm giảm áp lực lên vốn hóa của ngân hàng, trong khi khả năng tạo vốn nội bộ tiếp tục được cải thiện cùng với khả năng sinh lời tại hầu hết các ngân hàng đã được xếp hạng.
Nguồn vốn sẽ ổn định khi tăng trưởng tín dụng chậm lại. Moody’s chỉ ra rằng tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng khá cao, làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nhạy cảm với thị trường, chẳng hạn như các khoản vay liên ngân hàng. Khi tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng tiền gửi, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của các ngân hàng sẽ được duy trì ổn định.
Video đang HOT
Về lợi nhuận, Moody’s cho rằng khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tốt hơn vì biên lãi suất sẽ tiếp tục được cải thiện, khi các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay trong lĩnh vực bán lẻ và tấn công phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, chi phí tín dụng sẽ giảm khi ngày càng nhiều ngân hàng giảm thiểu lượng tài sản có vấn đề.
Còn về hỗ trợ từ chính phủ, Moody’s nhận định chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng nội khi cần thiết, chủ yếu dưới dạng hỗ trợ thanh khoản và giãn nợ từ Ngân hàng Nhà nước.
Hồi cuối năm 2017, Moody’s đã xếp hạng 16 ngân hàng tại Việt Nam, chiếm 61% tổng tài sản hệ thống ngân hàng.
Ba trong số 16 ngân hàng – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, B1 ổn định, b2), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, B1 ổn định, ba3) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, B1 ổn định, b1) – được kiểm soát bởi chính phủ, trong khi 13 ngân hàng còn lại là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Hoàng Lan
Theo vietnamfinance.vn
Hàng loạt dự án BOT dính phốt, Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngân hàng khó thu hồi vốn vay
Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cho biết tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm gần 10%, mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng đổ vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, Thống đốc cũng lo ngại ngân hàng có thể gặp rủi ro dài hạn do việc thu hồi vốn vay với các dự án BOT, BT giao thông gặp khó khăn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 63/2018/QH14 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Báo cáo cho thấy, trong hơn 8 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định trong điều kiện lãi suất các nước trên thế giới đang tăng lên.
Dự trữ ngoại hối đạt 60 tỷ USD
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,3 -5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm trong năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2018, một số ngân hàng tiếp tục giảm 0,5%/năm đối với các khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh thuộc các lĩnh vực ưu tiên
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm đối với khách hàng tốt
"Kết quả trên có được là do NHNN điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, trong đó tập trung thực hiện điều tiết thanh khoản thị trường liên ngân hàng ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD.
Đồng thời, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố vĩ mô, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay và đảm bảo an toàn hoạt động", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về tỷ giá, trong những tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Từ ngày 7.2.2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng, góp phần kiểm soát cung ứng tiền trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
"Qua đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt khoảng 60 tỷ USD", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Từ cuối tháng 6, tỷ giá có diễn biến tăng và thiết lập mặt bằng mới do áp lực từ những biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Để ổn định tỷ giá, NHNN đã chủ động, kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; phối hợp đồng bộ với các biện pháp khác như điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý; thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường.
Lo ngân hàng khó thu hồi khoản vay dự án BOT, BT
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến ngày 4.10, các chỉ số vĩ mô cơ bản như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,85% so với cuối năm 2017; tín dụng tăng 9,89%; lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,57% và lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm 2018 tăng 1,41%.
Hệ thống ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN cho rằng, tín dụng tăng trưởng theo sát các chỉ tiêu đề ra và đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
"Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc, cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Theo đó, 7 tháng đầu năm, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (tháng 7.2018 tăng 3,58% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 6,29% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; tháng 7.2017 tăng 10,92%, chiếm tỷ trọng 6,69%).
Tính đến tháng 8.2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 12%, chiếm tỷ trọng khoảng 23%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,43%, chiếm tỷ trọng 3,43%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 13,83%, chiếm tỷ trọng 3,21%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,8%, chiếm tỷ trọng 18,5%.
Tín dụng đối với các dự án BOT, BT tính đến cuối tháng 8.2018 tăng 6,59% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 1,57%; tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,37%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong thời gian tới việc điều hành chính sách tín dụng sẽ đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Đơn cử như việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới.
"Việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả BĐS không phản ánh đúng giá trị tài sản. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường BĐS còn hạn chế dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng,...", Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngại.
Đối với các dự án BOT, BT giao thông, các TCTD có thể gặp rủi ro trong dài hạn do việc thu hồi vốn vay đối với các dự án giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn .
Đồng thời, tín dụng phục vụ đời sống tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.
Lê Thúy
Theo danviet.vn
Lãi suất huy động sẽ tăng nhưng không quá 0,5% Đa phần các ngân hàng đã dùng hết phần lớn room tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm. Do đó room tín dụng các tháng cuối năm sẽ thấp hơn nhiều so với đầu năm. Điều này khiến cho việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều. Một số ngân...