Mong một mùa gieo chữ bớt gian nan
Tôi đến rẻo cao Pa Nang, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị khi bản làng còn chìm trong màn mây giăng mắc phủ trắng núi rừng. Thầy giáo Lê Minh Tịnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Nang ra tới đầu bản đón tôi…
Giọng thầy trầm ấm, nói với khách mà như tự dặn dò lòng mình: “Lên đây dạy cái chữ cho các em, điều đầu tiên là phải biết hy sinh, bám bản; kiên trì không nghĩ đến ngày về. Có như vậy mới mong làm tròn điểm tựa cho các em thực hiện ước mơ bay cao bay xa của mình!”.
Nhìn dáng vẻ thầy Tịnh liêu xiêu trên con đường núi dốc khúc khuỷu, trơn trượt, tôi thầm mong mùa gieo chữ năm nay ở bản làng heo hút này sẽ bớt phần gian nan!
Vừa đến cổng trường, một chiếc xe máy cà tàng với tiếng nổ lịch bịch như quá tải làm tôi chú ý. Thầy Tịnh liền giới thiệu với tôi, đây là bố con anh Hồ Văn Năm, cháu Hồ Thị Tâm, ở thôn Tà Mên cách trường 9 cây số. Cháu học lớp 2, nhưng vẫn chưa quen với việc bán trú.
Để giúp con làm quen, thường sau khi đưa con đến lớp, anh Năm cố nán lại vài phút để vỗ về con, xong sau đó mới trở về để đi làm nương rẫy. Buổi chiều, tầm trước 16h30, anh lại vượt quãng đường trên đến đây đón con.
Tôi để ý, người cha ấy vừa nghe thầy Tịnh nói chuyện với khách, vừa nhìn khắp người con gái mình, thỉnh thoảng anh đưa tay lên phủi một vài hạt mưa nào đó còn vướng trên mái tóc con và khẽ dặn dò, động viên: “Ở đây có gì con cứ hỏi các thầy cô giáo và các bạn. Học cái chữ để mai này không khổ như bố mẹ con nhé!”. Nói rồi anh quay sang gửi gắm con cho thầy hiệu trưởng, bần thần giây lát rồi mới ra về.
Ở Tà Mên, học cùng lớp với cháu Tâm còn có các em Hồ Thị Hiếu, Hồ Thị Nứa, Hồ Văn Khen. Các em đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Có em định nghỉ học, song nhờ sự vận động, chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo ở đây nên năm nay các em vẫn được tiếp tục đến trường. Hỏi về ước mơ làm gì sau này, em Khen trầm tư một lúc rồi nói: “Em ước mơ sau này mình trở thành thầy giáo, về lại bản để dạy chữ cho các bạn nhỏ”.
Các cô giáo ở Pa Nang lại bắt đầu một mùa gieo chữ!
Video đang HOT
Thầy Tịnh cho biết, Toàn trường có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ, với tổng số 502 học sinh. Hiện nay, trường vẫn còn thiếu 10 phòng công vụ cho giáo viên. Các giáo viên không có phòng ở nên ưu tiên cho người ở xa, còn lại giáo viên nào có nhà ở xa cách trường khoảng dưới 40 cây số thì mỗi ngày phải đi dạy rồi về.
Đối với các em bán trú, mỗi bữa ăn là 10 ngàn đồng. Do đời sống kinh tế của bà con vùng rẻo cao này còn nhiều khó khăn, nên bà con chỉ có thể đóng góp tiền ăn hàng ngày cho các cháu, còn các khoản tiền khác phục vụ trực tiếp cho việc học, sinh hoạt ngoại khóa của các cháu đều do các thầy cô giáo nhà trường tự nguyện trích đóng góp từ ngày lương.
Bên cạnh sự chia sẻ trên, các thầy cô còn phải thường xuyên vận động phụ huynh cho con em đến trường. Nghe tin một học trò vắng, Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm liền tìm cách phối hợp với đoàn thể địa phương để tìm hiểu. Với trường hợp quá khó khăn thì nhà trường tìm cách vận động các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ.
“Ở vùng cao này, việc cho con đến trường đã khó, việc sắm sửa đầu năm học cho các cháu lại càng khó khăn hơn. Nhiều học trò đến ngày khai giảng vẫn mang áo quần cũ.
Để giúp học sinh có áo mới đến trường, các thầy cô lại đóng góp, chia sẻ từ đồng tiền lương của mình và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm mua sắm, may mới cho các em bộ áo quần đồng phục mới. Học sinh vui, thầy cô giáo cũng ấm lòng”, dõi theo các em nô đùa trong trang phục áo quần mới, thầy Tịnh bộc bạch.
Phan Thanh Bình
Theo CAND
Quảng Bình: Nơi thầy cô đến trường phải qua 3 lần đò vượt lũ
Mưa lũ đã đi qua hơn 2 tuần nay, nhưng các bản làng ở xã Thượng Hoá (Quảng Bình) vẫn bị nước lũ cô lập cả tháng trời.
Mưa lũ đã đi qua hơn 2 tuần nay nhưng ở vùng núi xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, hiện một số nơi vẫn còn ngập nước, giao thông chia cắt.
Các bản làng ở xã Thượng Hoá bị bao quanh bởi núi đá nên thường bị nước lũ cô lập cả tháng trời. Nhiều giáo viên cắm bản đến trường phải đi qua ít nhất 2 đến 3 lần đò vượt dòng lũ. Đường đến trường với các học sinh của nhiều thầy cô giáo cắm bản nơi đây thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Đưa xe máy lên đò vượt nước lũ đến trường.
Thượng Hoá là xã miền núi giáp biên giới, cách xa trung tâm thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, giáo viên đi xe máy vượt hơn 10 cây số đường rừng núi, đèo cao dốc đứng mới tới được điểm trường. Thầy giáo Trương Công Chí, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày qua, nước lũ chưa rút hết gây ngập sâu ở khu vực Hung Trâu, đường đi lại chìm trong biển nước.
Thầy cô giáo phải đưa xe máy lên đò, di chuyển gần nửa tiếng đồng hồ mới qua tới bên kia đường. Thầy giáo Trương Công Chí kể, lắm lúc trời đổ mưa, đường trơn trượt, nhiều thầy cô bị té ngã, ướt hết sách vở, áo quần và giáo án. Có thầy cô mang theo cá khô, rau tươi... để nấu ăn nhưng bị ướt hết đành phơi trên gác bếp.
Nước lũ dâng ngập mênh mông trên đường vào các bản ở xã Thượng Hoá
"Nước ngập, có những lúc ngập 4 đến 5 điểm, giáo viên muốn đến các điểm trường thì phải đi có khi bốn, năm lần đò rất khó khăn. Sau khi vào được đây thì giáo viên phải chuẩn bị trước áo quần, giáo án, lương thực, thực phẩm để ở lại. Có những lúc cuối tuần muốn ra cũng không được vì nước ngập to, đành phải ở lại" - thầy Chí chia sẻ.
Các điểm trường đóng trên các bản như Yên Hợp, Mò o Ồ Ồ, Ón thuộc xã Thượng Hoá, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc Rục, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đường xá cách trở, các thầy cô vào cắm bản phải ở lại cả tuần, ăn ở, sinh hoạt trong nhà nội trú. Nhà được làm bằng ván gỗ, gặp mưa lũ ngâm lâu ngày, nhiều chỗ bị thấm dột, nứt nẻ cả vách ngăn.
Học sinh người Rục ở điểm trường bản Ón.
Thầy Cao Tiến Thông, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, hơn mười năm giảng dạy ở vùng sơn cước này, chứng kiến cảnh nước lũ bủa vây, cô lập xóm làng, thầy cô càng thương hơn hoàn cảnh khó khăn của người dân và các em học sinh.
Theo thầy Thông: "Đặc biệt trong thời gian mưa lũ, nếu mua được cá khô vào thì thầy cô có bữa dùng, xào với khế hái gần rừng. Thức ăn rất khó khăn, lắm lúc thầy cô ở lại đông thì sáng không có gì ăn, phải ăn cơm nguội, mì tôm cũng không còn nữa".
Một lớp học của các em học sinh cấp Tiểu học.
Nước lũ dần rút, khai giảng năm học mới, nhiều em học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa thiếu sách vở và đồ dùng học tập. Các em phải học lại sách cũ, nhiều cuốn bị nước lũ ngâm bạc màu, mục nát, không nhìn thấy chữ. Để hạn chế việc các em bỏ lớp, thầy cô lại băng rừng lội suối lên nương rẫy tìm các em. Có cô "dân vận" bằng cách "bồi dưỡng" cho phụ huynh gạo, mua đồ ăn ngon dỗ dành các em trở lại trường.
Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đóng quân trên địa bàn nên đơn vị luôn phối hợp, hỗ trợ các thầy cô và nhà trường. Bộ đội giúp sửa chữa cơ sở vật chất sau lũ, dùng ca nô đưa đón các thầy cô đi lại khi vào vùng ngập nước. Tình cảm quân dân và nhà trường gắn bó những lúc khó khăn.
Trước khi vào bản, thầy cô không quên mang theo thực phẩm bên xe.
"Qua khảo sát thấy các cô ngủ tạm bợ, đồn Biên phòng cho các cô mượn giường, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho các thầy cô. Khi mưa lũ lớn thì Bộ chỉ huy luôn quan tâm, đồn đua xuồng để đưa đón các thầy cô và bà con đi lại, buộc tất cả mọi người lên thuyền phải mặc áo phao" - Thượng tá Lê Văn Sơn cho biết.
Gần 60 năm đồng bào Rục rời hang đá trở về với cộng đồng, sống định canh định cư. Bà con đã xây dựng nhà cửa, trồng lúa, sinh sống ổn định trên vùng đất mới. Các em nhỏ được đến trường như hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của các giáo viên tình nguyện ở các bản làng vùng biên giới..
Theo VOV
Ngôi trường bán trú 'đặc biệt' của học sinh người Mông nơi rẻo cao Nghệ An Tại ngôi trường đặc biệt này học sinh tiểu học người Mông được ăn ngủ nghỉ tại trường, chỉ về nhà 2 ngày cuối tuần. Ở đây các em được thụ hưởng chương trình giáo dục mới, được rèn luyện kỹ năng sống và được vui chơi... Từ năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 đã thực hiện triển khai mô...