Mong đỗ đại học, sĩ tử Trung Quốc ‘di cư’, làm giả hộ khẩu
Trước khi kỳ thi khắc nghiệt bắt đầu, một bộ phận học sinh Trung Quốc chuyển tới các khu vực thưa dân đăng ký thi với hy vọng tăng cơ hội giành suất vào đại học.
Xinhua đưa tin ngày 7/6 tới, hơn 10 triệu học sinh Trung Quốc sẽ bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao) khắc nghiệt nhất thế giới. Kết quả thi được xem như chiếc chìa khóa quyết định tương lai những bạn trẻ ở đất nước tỷ dân.
Trong cuộc đua khốc liệt này, một bộ phận thí sinh được gọi là “cao khảo di dân”. Họ đăng ký dự thi tại các khu vực thưa dân như Tân Cương, Ninh Hạ để giảm áp lực cạnh tranh và tăng cơ hội đạt điểm số cao hơn.
Những năm gần đây, hiện tượng cha mẹ thí sinh sẵn sàng làm giả sổ hộ khẩu để con được dự thi ở khu vực “dễ thở” hơn trở nên phổ biến ở Trung Quốc.
Cao khảo được đánh giá là kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Trước kỳ thi năm 2019, cơ quan giáo dục tỉnh Quảng Đông đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ học sinh chuyển từ các trường trung học phổ thông ở địa phương khác tới.
Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn tình trạng “di dân”, được thúc đẩy sau khi phòng giáo dục thành phố Thâm Quyến phát hiện trong số 100 học sinh đứng đầu trường tư thục Fuyuan, cứ 10 em xuất sắc sẽ có 1 người chuyển từ Trung học Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc tới đây học, theo Xinhua Daily Dispatch.
Video đang HOT
“Họ sẽ xuất hiện 1-2 ngày trước kỳ thi và rời khỏi Thâm Quyến ngay sau đó”, một học sinh trường Fuyuan nói.
Fuyuan là một trong 4 trường trung học hàng đầu thành phố Thâm Quyến. Năm 2018, 9 sinh viên của trường trúng tuyển ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh (2 ngôi trường lần lượt được xem là Oxford và Cambridge của Trung Quốc), theo Dute News.
Tờ Jing Bao đưa tin trường Fuyuan và Trung học Hành Thủy thiết lập quan hệ từ năm 2016 để trao đổi chuyên môn giảng dạy.
Qua chương trình trao đổi, một số học sinh trường Hành Thủy có thể chuyển đến học tại Fuyuan và có thể dự thi cao khảo ở thành phố này.
Một số học sinh có thành tích tốt nhất trường Fuyuan ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông chuyển đến đây từ trường học ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Guancha.cn.
Tỉnh Quảng Đông quy định tất cả ứng viên cao khảo có hộ khẩu ngoài tỉnh phải cung cấp bằng chứng cư trú ở đây trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, họ cũng cần chứng minh cha mẹ làm việc dài hạn trong khu vực.
Sau quá trình kiểm tra hộ khẩu của học sinh trường Fuyuan, phòng giáo dục Thâm Quyến thông báo các sĩ tử tuân thủ yêu cầu đăng ký cao khảo.
Tháng 5 vừa rồi, Cục khảo thí tỉnh Quý Châu thông báo 3 học sinh làm giả hồ sơ để đăng ký thi cao khảo ở đây vào năm ngoái đã bị đuổi khỏi ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh và ĐH Phục Đán ở Thượng Hải.
Quý Châu là một trong những khu vực nghèo và ít dân cư nhất Trung Quốc.
Theo SCMP/Zing
Bí quyết học giỏi của cậu học trò phố núi được tuyển thẳng vào đại học
Với hàng loạt giải thưởng ở bộ môn tin học trong suốt quá trình học tập, em Trần Thế Phong lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được miễn thi THPT quốc gia và được tuyển thẳng vào trường ĐH Công nghệ Hà Nội.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ tuyên dương học sinh, giáo viên đạt thành tích cao ở kỳ thi quốc gia và khu vực năm học 2018 - 2019. Trong đó, em Trần Thế Phong - lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được lãnh đạo tỉnh cùng ngành giáo dục bày tỏ sự khen ngợi, động viên.
Với những thành tích trong quá trình học tập của mình em Trần Thế Phong được vinh danh tại lễ tuyên dương học sinh giỏi do Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Được biết, với hàng loạt giải thưởng đạt được ở bộ môn Tin học, em Phong được miễn thi THPT quốc gia và tuyển thẳng vào trường ĐH Công nghệ Hà Nội nơi sẽ biến ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ của em thành hiện thực.
Trước đó, từ khi còn học lớp 9 em Phong đã đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Tin học. Với sự nỗ lực của bản thân, em thi đậu vào lớp chuyên Tin trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Quá trình giảng dạy, các thầy cô giáo phát hiện em Phong có năng khiếu đặc biệt nên đã hướng dẫn, ôn luyện cho em thử sức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Vào năm học lớp 10, Phong đã đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Tin học và là học sinh duy nhất của tỉnh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia ngay từ năm học lớp 10. Đến năm học lớp 11, em tiếp tục đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Tin học và đến lớp 12 em đã đoạt giải Nhất môn Tin học với điểm số thủ khoa toàn quốc. Không chỉ vậy, Phong còn là học sinh đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được tuyển chọn tham dự kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2019.
Em Trần Thế Phong lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột) và thầy giáo chủ nhiệm Lê Quang Nhân tại buổi lễ tuyên dương.
Để đạt được những thành tích nói trên, em Phong cho biết bắt nguồn từ niềm đam mê của em. Vào năm lớp 8, em được tiếp xúc với môn tin học và yêu thích môn học này từ đó. "Mỗi khi ngồi vào máy tính em lại thích thú khám phá và tìm hiểu thêm về phương pháp lập trình. Em rất may mắn được thầy giáo chủ nhiệm và nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, em còn được tham gia trại hè môn Tin học hàng năm và được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành của bộ môn này. Qua đó, em được học hỏi rất nhiều điều bổ ích để áp dụng trong những kỳ thi. Hơn nữa, để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho em được ôn luyện bài bản, được học hỏi nhiều dạng đề liên quan và không tạo bất cứ áp lực nào nên khi đi thi em rất thoải mái" - em Phong chia sẻ.
Nói về em Phong, thầy giáo Lê Quang Nhân (Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) cho biết, đây là học sinh xuất sắc, ưu tú. Em Phong là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục tỉnh nhà. "Tôi cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi có được một học sinh giỏi toàn diện như vậy, em xứng đáng là tấm gương sáng cho những học sinh khác noi theo" - thầy Nhân cho hay.
Được biết, ngoài em Phong, thầy Nhân đã trực tiếp đào tạo và bồi dưỡng thành công 29 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Để đạt được những thành tích đáng khen ngợi này, thầy Phong cho biết, các em học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia luôn nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu có kế hoạch học tập rất rõ ràng. Theo đó, các em có sự tự học, sự tìm tòi cá nhân, ngoài ra các em còn tổ chức các buổi học nhóm rất bổ ích. Đặc biệt, tinh thần ham học hỏi, say mê yêu thích đã giúp các em gặt hái được nhiều thành công.
Nguyễn Chính - Thu Hiền
Theo baovephapluat
Sẽ thanh tra, kiểm tra đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 trong giáo dục Thời gian qua, công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều trường trung cấp, cao đẳng và đại học diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Để chấn chỉnh vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang tăng cường thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Tại Thông tư số...