Món quà đong đầy yêu thương
Với các em học sinh trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai nói chung, 3 xã: Ia Chía (huyện Ia Grai), Ia Púch và Ia Mơ (huyện Chư Prông) nói riêng, những bộ đồng phục áo trắng, quần xanh là niềm mơ ước thật xa vời mỗi dịp bước vào năm học mới.
Đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, các em được cắp sách đến trường đã là nỗ lực rất lớn, chứ chưa mong gì bắt kịp miền xuôi. Thế nhưng, niềm mơ ước giản dị ấy giờ đã thành hiện thực nhờ tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh một đời gắn bó với đất rừng biên giới…
Những chiếc áo ấm cùng đồng phục học sinh được những người lính Biên phòng và phóng viên Báo Biên phòng trao tận tay các em nhỏ. Ảnh: Kim Nhượng
Qua lời kể của Đại úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ, chúng tôi được biết, các em học sinh nơi đây đa số đều thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều em cứ mỗi độ tựu trường lại ước mơ, giá mà có bộ đồng phục như các bạn ở miền xuôi mặc trong ngày khai giảng năm học mới. Nghe những trăn trở của Đại úy Rơ Ô Thuy – người bao năm qua trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con, chúng tôi tự hứa với lòng mình phải làm một điều gì đó để chung tay, góp sức biến ước mơ nhỏ bé kia sớm thành hiện thực.
Thông qua các mối quan hệ, phóng viên Báo Biên phòng đã kết nối với một số nhà hảo tâm ở Hà Nội – những con người luôn nặng lòng với công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, trợ giúp học đường. Ngay lập tức, một kế hoạch tặng quà cho học sinh vùng biên giới nhân dịp năm học mới được phóng viên Báo Biên phòng và cơ quan Chính trị, BĐBP Gia Lai vạch ra, trong đó, ưu tiên 3 xã khó khăn nhất là Ia Mơ, Ia Púch (huyện Chư Prông) và Ia Chía (huyện Ia Grai) với hơn 1.000 suất quà, bao gồm đồng phục học sinh, áo ấm, tổng giá trị gần 120 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà tài trợ còn gửi tặng 2 chiếc ti vi cho đồn Biên phòng để cải thiện đời sống tinh thần cho người lính nơi biên giới xa xôi.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong chuyến đi này là xã biên giới Ia Chía. Mặc dù trời đã về chiều, lại mưa dầm suốt mấy ngày qua, nhưng khoảnh sân phía trước Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Ia Chía vẫn “nêm” kín người. Vui nhất có lẽ là những “nhân vật chính”, hàng trăm em nhỏ xếp thành hàng ngay ngắn, gương mặt em nào cũng háo hức đợi đến lượt mình. Chuẩn bị bước vào năm học mới, các em học sinh tiểu học trên địa bàn xã Ia Chía được Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai và Báo Biên phòng tặng 468 phần quà là những chiếc áo ấm mới tinh.
Thầy Lê Hồng Tranh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập chia sẻ: “Gần 10 năm giảng dạy rồi làm cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn xã Ia Chía, chứng kiến rất nhiều buổi tặng quà từ thiện, nhưng hôm nay, tôi thật sự xúc động bởi tình thương yêu của BĐBP dành cho các em học sinh. Những phần quà ý nghĩa này không chỉ sưởi ấm thân thể các em, mà còn hâm nóng tình người, làm ấm lòng những bậc phụ huynh nơi vùng biên xa xôi”.
Tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông, gần 400 phụ huynh và học sinh cũng “quây kín” Đội công tác địa bàn, tạo nên ngày hội của tình quân dân vùng biên giới. Thầy giáo Mai Đại Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ia Púch cho chúng tôi biết: Đây là lần đầu tiên học sinh của trường được “mắt thấy, tai nghe, tay nắm” bộ đồng phục áo trắng, quần xanh. Bao năm qua, học sinh tiểu học của xã Ia Púch chưa bao giờ được khoác lên mình bộ đồng phục đúng nghĩa nên tâm lý háo hức, đợi chờ là không thể tránh khỏi. Nhiều em còn chia sẻ chỉ nhận về để mặc trong ngày khai giảng năm học mới, sau đó giặt sạch rồi… cất vì sợ sang năm không có đồng phục để mặc trong ngày tựu trường”.
Video đang HOT
Niềm vui của các em học sinh tiểu học xã Ia Púch, huyện Chư Prông khi nhận được đồng phục. Ảnh: Kim Nhượng
Chúng tôi tiếp tục di chuyển tiếp tới xã Ia Mơ để tặng 80 bộ đồng phục và 80 áo ấm cho các em học sinh nơi đây. Những món quà được trao tận tay các em. Em Ksor Chơnh, học sinh lớp 5, cầm trên tay bộ đồng phục, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Buổi sáng, chú Rơ Ô Thuy đến nhà cháu thông báo là hôm nay đến nhận áo ấm và đồng phục học sinh, cháu nghe cứ tưởng là mơ. Đến khi các bạn nói chú đều đến nhà để dặn như thế, cháu mới tin là sự thật. Hôm trước, nhận được vở, chúng cháu đã vui lắm rồi. Hôm nay lại được các chú BĐBP tặng áo ấm, tặng đồng phục nữa, chúng cháu càng vui hơn. Chúng cháu cảm ơn các chú BĐBP”.
Sau một ngày đầy vất vả, nắng chiều đã chạng vạng đổ xuống những dãy núi phía xa, chúng tôi bắt đầu trở về thành phố. Đi qua 3 đội công tác địa bàn của 3 đồn Biên phòng, chứng kiến hình ảnh những người lính quân hàm xanh ân cần, chăm lo cho các em, chúng tôi càng thấy trân trọng, tự hào về các anh. Mong sao sẽ có thêm thật nhiều áo ấm, thật nhiều đồng phục để các em nhỏ nơi đây vơi bớt khó khăn, vất vả, có điều kiện học hành, mai sau trở thành công dân có ích cho biên giới xa xôi này.
Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: “Đời sống của người dân trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai nói chung và 3 xã Ia Chía, Ia Púch, Ia Mơ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân luôn đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ để các em học sinh trên địa bàn biên giới có điều kiện học hành tốt hơn. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai, tôi gửi lời tri ân sâu sắc tới các nhà hảo tâm trong cả nước, đặc biệt là Báo Biên phòng đã kết nối các nhà hảo tâm, kết hợp cùng BĐBP Gia Lai thực hiện một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế”.
Kim Nhượng
Theo bienphong.com
May đồng phục học sinh ở Hà Tĩnh: Đơn hàng dồn dập, gấp rút tăng ca
Năm học mới sắp bắt đầu, thời điểm này thị trường may đồng phục học sinh ở Hà Tĩnh sôi động hơn bao giờ hết. Hiện nay, các cơ sở may trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đang gấp rút tăng ca để kịp đơn hàng.
Công nhân Công ty cổ phần Trần Nhân phải tăng ca đến 10h đêm để kịp tiến độ sản xuất đồng phục.
Những ngày này, công nhân Công ty cổ phần Trần Nhân (đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh) đang phải tăng ca đến 10h đêm để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kịp đơn hàng giao cho các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh.
Chị Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty cho biết: "Trung bình, cứ 1 trường THCS trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận may từ 500 - 600 sản phẩm. Tính đến thời điểm này, công ty đã nhận hàng chục đơn hàng với số lượng hơn 6.000 sản phẩm. Từ nay đến hết tháng 8, hoạt động sản xuất của công ty sẽ phải duy trì tối đa công suất. Chúng tôi đang muốn tuyển thêm khoảng 5 công nhân có tay nghề để kịp tiến độ giao hàng trước thềm năm học mới".
Ngoài đồng phục học sinh, Công ty cổ phần Trần Nhân còn nhận may đồng phục hội khóa, hội lớp
Không chỉ may đồng phục trước thềm năm học mới, Công ty cổ phần Trần Nhân còn nhận nhiều đơn hàng may đồng phục hội khóa, hội lớp trong năm 2019. "Các đơn hàng hội khóa, hội lớp chủ yếu trong tháng 6 và tháng 7. Riêng năm 2019, công ty may khoảng 3.000 sản phẩm phục vụ các cuộc hội khóa, hội lớp trên địa bàn" - Giám đốc Nguyễn Thị Nhung cho hay.
Những bộ quần áo trắng của học sinh được treo đầy trong các cửa hiệu may
Hiện tại, các cơ sở may nhỏ lẻ khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang bận rộn với các đơn hàng đồng phục. Tại các nhà may, đồng phục học sinh được trưng bày khá nhiều. Mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu và giá cả rất phong phú, đa dạng.
Mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu đồng phục học sinh hiện rất đa dạng trên thị trường
Tại chợ Hà Tĩnh hiện có khoảng 5 cửa hiệu nhận may đồng phục cho học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Theo chủ nhà may Viết Thắng, thay vì chọn mua đồng phục may sẵn qua nhà trường, nhiều phụ huynh và học sinh tự tìm đến các cơ sở để đặt may cho vừa vặn. Riêng năm 2019, nhà may Viết Thắng đã nhận hơn 200 bộ đồng phục của học sinh các trường trên địa bàn thành phố như: THCS Lê Văn Thiêm, THCS Đại Nài, THCS Thạch Linh, THPT Phan Đình Phùng, THPT Chuyên Hà Tĩnh...
Học sinh đến đặt may đồng phục tại cơ sở may Viết Thắng (chợ Hà Tĩnh)
Theo các chủ cơ sở may đồng phục, mặc dù thời điểm này nhu cầu mua đồng phục học sinh tăng cao nhưng giá vẫn bình ổn.
Theo đó, đồng phục may sẵn cấp 1 hiện có giá từ 220.000 - 260.000 đồng/bộ; nữ cấp 2 và 3 khoảng 240.000 - 280.000 đồng/bộ; áo ngắn tay hè cấp 2 giá 120.000 - 180.000 đồng/chiếc; áo dài tay cho học sinh cấp 2 từ 130.000 - 180.000 đồng/chiếc; quần học sinh cấp 2, 3 giá từ 160.000 - 180.000 đồng/chiếc. Riêng đồng phục đặt may theo yêu cầu (khách chọn vải, may thêm lớp lót...) có giá cao hơn, dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/bộ nữ.
Các công ty đầu tư máy in phông chữ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng
Đến may đồng phục tại một tiệm may ở chợ Hà Tĩnh, em Dung - học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: "Dù giá có đắt hơn đôi chút nhưng khi đặt may, em được chọn chất liệu vải, mặc vừa vặn và thoải mái hơn".
Bên cạnh các cơ sở may uy tín trên địa bàn, hiện tại, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc đặt may đồng phục qua Facebook cũng đang hết sức sôi động. Tuy nhiên, qua kênh mạng xã hội, đặt may đồng phục chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng hội khóa, hội lớp hơn là đồng phục học sinh.
Theo baohatinh
Trường học gây tranh cãi vì cấm học sinh mặc váy Nhằm "đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục", trường học ở Anh cấm học sinh mặc váy. Quy định mới bị phụ huynh phản đối và cơ quan chức năng sẽ xem xét trường hợp này. Năm 2017, trường Priory ở Lewes, Anh, áp dụng chính sách đồng phục trung tính, cấm học sinh mới mặc váy. Hai năm sau,...