Món ngon ngày trở lạnh ở TP HCM
Thời tiết mùa Giáng sinh tại TPHCM cũng khiến nhiều món trở nên ngon lạ thường. TP HCM đang bước vào những ngày trở lạnh. Sáng sớm ra đường, nhiều người tận hưởng những làn gió mát lạnh phả vào mặt tê tê, bù lại những ngày nóng bức đến phát bệnh. Thời tiết mùa Giáng sinh cũng khiến nhiều món trở nên ngon lạ thường.
Những ngày lạnh thế này mà có một tô phở bò hay bún bò nóng hổi, thêm ớt cay cay thì vị ngon cũng trở nên khác thường
Những người có thời gian lang thang sáng sớm trước khi vô công sở sẽ nhớ ngay đến món xôi bắp hơn 7 thập kỷ ở góc ngã tư Pasteur – Lê Thánh Tôn (quận 1).
Tín đồ của món xôi này cho rằng nó không ngon bằng hồi bà Kiệm còn bán nhưng việc cô con gái bà nối nghề và vẫn cần mẫn tiếp nối thương hiệu này với sự tần tảo đã là đáng quý. Món xôi giản dị chỉ có bắp, đậu xanh bào mỏng và hành phi, không chả hay thịt thà, vậy mà có sức hút ghê gớm. Có lẽ món ăn này không những là hoài niệm mà còn là sự quen thuộc đã tồn tại mấy chục năm, bắt đầu buổi sáng tốt lành với mức giá khá rẻ, hợp với túi tiền mọi người.
Nếu thích món xôi lòng gà nấu kiểu phá lấu thì ghé quán Number One trên đường Nguyễn Trung Trực (quận 1) cách đó không xa mấy. Mấy chục năm qua, lòng gà được xào với nước tương và nước mắm, ngũ vị hương, tạo ra vị phá lấu không giống ai, khiến cho món xôi ở đây thơm ngon và mang khẩu vị khác biệt, nhớ mãi.
Đĩa cơm nóng hổi với miếng thịt vừa nướng trong tiệm cơm tấm trên đường Bà Hạt, quận 10, TP HCM
Tất nhiên, những ngày lạnh thế này mà có một tô phở bò hay bún bò nóng hổi, thêm ớt cay cay thì vị ngon cũng trở nên khác thường. Hàng cơm tấm quen thuộc trên đường Bà Hạt, gần chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) luôn có đĩa cơm tấm nóng hổi với miếng thịt vừa được nướng xong. Làn khói tỏa ra thơm nức của thịt nướng trên than hồng lan khắp con hẻm là hình ảnh thân thương khó quên.
Một bữa sáng nhẹ nhàng có thể nghĩ về một ly cà phê trứng mới du nhập từ Hà Nội vào TP HCM và đã trở nên nổi tiếng. Ly cà phê thơm nức quyện với vị kem trứng béo ngậy, vị đắng nhẹ nhàng hòa với vị ngọt, đặt trong ly nước nóng để cà phê ấm nóng tới giọt cuối cùng. Tới lúc này, lòng rộn ràng có thể nghĩ về việc đi chơi Giáng sinh được rồi đấy.
Video đang HOT
Ly cà phê thơm nức quyện với vị kem trứng béo ngậy Ảnh: HẠNH TRƯỜNG
Nếu không thưởng thức cà phê trứng thì ghé cà phê vợt Cheo Leo (đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3), làm một ly bạc xỉu nóng, ngắm ngõ hẻm nhộn nhịp và sinh động, ngó cái bếp với làn khói nước nghi ngút càng tuyệt vời hơn.
Tối đến, khi cái lạnh se se quay lại thì hoàn toàn có thể nghĩ về chuyện ra tiệm ăn người Hoa lâu đời – quán Đại Dương trên đường Cao Thắng (quận 3) để ăn một thố gà ác tiềm thuốc Bắc. Xong rồi, ghé ngay chè nóng Võ Văn Tần đầu hẻm để thưởng thức một đĩa chè chuối hoặc chén chè bà ba, là kết thúc một ngày tuyệt đẹp khi thành phố trở lạnh.
Phở bò Hà Nội có vị gì lạ mà ăn một lần không thể quên
Phở bò Hà Nội là 1 trong 21.000 bát phở bò giới thiệu trong Ngày của Phở, dậy mùi thơm đặc trưng khiến ai cũng thèm. Nhưng vị phở bò Hà Nội có gì lạ mà ăn một lần không thể nào quên?
Nhớ phở Hà Nội khao khát
Đây là 1 trong 21.000 bát phở đã giới thiệu trong Ngày của phở và có nhiều ý kiến về bát phở bò Hà Nội này.
- Người bảo thả rau mùi hơi nhiều và lộn xộn. Hành chẻ không đẹp, bày bát phở không đẹp, như kiểu chan vội lấy được.
- Người đoán chắc lúc ấy khách mời đông quá, phục vụ không kịp. Chụp ảnh khi phở đã bị nguội, để nơi thiếu ánh sáng nên thế.
- Người bảo mình có thể ăn phở hàng tháng liền, nhưng nhìn bát phở này chưa phải là hồn phở Hà Nội. Nước không trong và thiêu thiếu cái gì đó...
Một bát phở bò Hà Nội. Ảnh: VTTN
Bà Vũ Thị Tuyết Nhung (Chuyên gia ẩm thực, Admin Facebook Hà Thành hương xưa vị cũ) có nhận xét tinh tế hơn, rằng bát phở để chụp hình đẹp thì nhiều khi không chân thực. Còn bát phở này thuần phở Việt, không làm hàng, làm màu.
Phở là món ăn thơm ngon nhưng lại khá đơn giản trong cách chế biến. Phở Hà Nội nổi bật nhờ phần nước dùng ngọt thanh, trong vắt, lại đậm đà nhờ được ninh từ xương của trâu hoặc bò, ăn cùng sợi phở dai dai, thêm ít hành lá, nước cốt chanh (có người thích dấm tỏi ớt), rau xanh... khi ăn một lần sẽ chẳng thể nào có thể quên.
Có thể phân biệt phở Hà Nội khác với phở vùng khác, ấy là nước dùng của phở Hà Nội thường trong hơn, vị thanh, ít béo hơn. Sợi phở của Hà Nội mỏng, mềm nhưng chần qua nước sôi thì vẫn dai, không bị nát.
Ông Tuệ Phong - một người Hà Nội gốc, xa xứ nhiều năm chia sẻ, mỗi khi có dịp về thăm nhà là ông rất thích ăn phở Hà Nội, như để bù đắp lại những năm tháng xa cách thèm và nhớ phở Hà Nội mà không được ăn...
Chính ông cũng không hiểu phở Hà Nội có những gì mà lại làm cho người xa quê mê mẩn, nhung nhớ đến thế - chỉ có thể nói rằng hồn cốt tinh tế của phở Hà Nội luôn là món ăn hấp dẫn những người con xa Hà Nội, khiến những người Hà Nội xa quê nhiều khi thèm khát nó.
Theo ông Tuệ Phong, ngay khi ra khỏi sân bay Nội Bài, ngồi trên ô tô cùng những người thân thì sau một hồi hỏi han rôm rả là câu hỏi: "Anh muốn ăn phở gì?". Và ông thường trả lời ngay: "Phở gì cũng được, miễn là phở Hà Nội xịn".
Phở Hà Nội lâu năm nổi tiếng ở phố Bát Đàn, đi ăn phở phải xếp hàng dài chờ. Ảnh: Internet.
Đi ăn phở bò Hà Nội
Hà Nội có đủ các loại phở từ phở bò đến phở gà... Riêng phở bò cũng phải dăm bảy loại nào là tái, chín, nạm, gầu, tái lăn, rồi sốt vang... nhìn thôi, ngửi thôi đã ứa nước miếng.
Hà Nội còn có phở gà, nào là gà đùi, gà chặt hay gà ức, rồi thì nước dùng trong hay không trong, bánh to hay bánh nhỏ...
Người xa quê như ông Tuệ Phong nghe người thân kể mà thèm tới mức muốn có thể thưởng thức một lúc tất cả ngần ấy thứ phở cho thỏa cơn thèm. Tuy mỗi người khen một kiểu, chê một phách... nhưng được ở Hà Nội sướng, chả như ở nước ngoài muốn ăn phở thì đi mà nấu lấy.
Những ngày về thăm nhà, mấy cậu em ông Tuệ Phong cũng chịu khó đưa đón ông mỗi hôm một kiểu, một hàng (nhiều hôm từ chập tối đã thống nhất mấy giờ dậy, đi ăn phở gì, ở đâu).
Có sáng thì phở bò tái, nạm, gầu ở Ấu Triệu, nhiều hôm còn mò xuống tận phố Lò Đúc để ăn phở tái lăn của ông Thìn...
Có cậu dậy rõ sớm giục đi ăn phở Tư lùn ở phố Hai Bà Trưng... và giải thích là đi sớm kẻo tắc đường, lại không có bàn vì phở Tư lùn ngồi bàn ghế nhựa, ăn ở vỉa hè, ăn muộn và không nhanh thì còn bị công an đuổi"...
Có hôm ông mắt nhắm mắt mở dậy đã thấy cậu em chỉnh tề như đi đám cưới ngồi đợi dưới nhà. Nghe ông hỏi đi đâu mà trịnh trọng thế, cậu ấy nghiêm nghị đáp: "Em đang đợi anh để đi... ăn phở".
Khi ông Tuệ Phong chuẩn bị xong xuôi thì cậu ấy mới chốt hạ: "Anh ạ, phải đi sớm vì phở hàng này phải xếp hàng lâu lắm, y như ngày xưa thời bao cấp ý" - đến lúc đó ông mới biết là được cậu em đưa đi ăn phở Bát Đàn...
Có hôm buổi tối anh em ông đi chơi về qua đoạn Quốc Tử Giám (đầu phố Hàng Bột cũ), tự nhiên cậu em phanh xe gấp, rồi quay sang cười hì hì giục ông: "Xuống làm bát sốt vang ôn lại kỷ niệm cũ. Muộn thế này món sốt vang là ngon tuyệt cú mèo" - và đó là quán phở Thịnh.
Chuyến về thăm nhà năm ấy khiến ông Tuệ Phong thuộc hết các hàng phở. Lần sau ông về thăm nhà, nghe các em hỏi thích ăn phở gì, ông đã thản nhiên trả lời: "Phở Bản gà chặt Tôn Đức Thắng", khiến cả nhà ngạc nhiên.
Tô phở bò ngon chuẩn vị Hà Nội nước trong vắt, vị ngọt thanh, đậm đà, thơm lừng các vị thảo mộc, bánh phở mềm dai... rất ngon miệng. Ảnh: Internet.
"Còn rất nhiều hàng phở mà về sau này khi đã đi xa tôi không biết nữa. Cho đến ngày hết phép chuẩn bị xa Hà Nội, mọi thủ tục giấy tờ xuất cảnh đã xong, chỉ còn lên máy bay và chia tay gia đình thì mẹ tôi hỏi: "Con có đói không"?. Và không một chút do dự tôi nói ngay là muốn ăn một... bát phở" - ông Tuệ Phong chia sẻ.
Hương vị món phở bò Hà Nội mê mẩn và cuốn hút mọi người - nhất là những người xa quê đến thế. Phở đã làm cho những người Hà Nội xa nhà nhiều khi thèm khát, nhớ lắm những hàng phở Hà Nội.
Thưởng thức 10 món ngon nhất của ẩm thực ở phố cổ Hà Nội Ẩm thực ở phố cổ Hà Nội nổi tiếng với hương vị truyền thống, dân dã, mộc mạc và quen thuộc với bao nhiêu thế hệ người thủ đô. Vì thế hôm nay hãy cùng theo chân MIA.vn để điểm danh những món ngon nhất mà bạn không thể nào bỏ lỡ nhé. 1Đặc trưng của ẩm thực ở phố cổ Hà Nội...