Mòn mỏi chờ biên chế
TT – “Tôi chờ một năm, hai năm rồi đến nay là được năm năm mà vẫn không vô được biên chế” – một giáo viên than.
Giáo viên mầm non vất vả chăm sóc trẻ, nhưng mức lương theo dạng hợp đồng nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn – Ảnh: T.Trang
Mặc dù đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đi vào giai đoạn cuối, nhưng đến nay tại một số địa phương khu vực ĐBSCL vẫn còn rối trong việc giải quyết biên chế cho giáo viên mầm non.
Cô Trần Thị Quyên (Trường mầm non Tương Lai, Hậu Giang) đã có thâm niên năm năm là giáo viên mầm non nhưng chỉ hưởng chế độ theo dạng hợp đồng. Trước đó, cô Quyên cũng đã có hai năm làm bảo mẫu dạng hợp đồng tại một trường mầm non khác để lấy kinh nghiệm.
Cô Quyên cho biết sau khi học xong ngành giáo dục mầm non tại Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Hậu Giang, khi đi xin việc thì cô biết chắc sẽ phải làm hợp đồng một thời gian mới được vào biên chế. Vì thế, lúc đầu đi dạy cô không hề ngỡ ngàng về chế độ, lương bổng…
Video đang HOT
“Tôi chờ một năm, hai năm rồi đến nay là được năm năm mà vẫn không vô được biên chế. Nhiều lúc nghĩ sẽ xin việc khác để làm, nhưng quá tuổi rồi cũng không ai nhận, nên đành bám trụ thôi!” – cô Quyên than. Dù vậy cô Quyên vẫn cố gắng học thêm lên đại học, để mong một ngày được vào biên chế sẽ có chế độ tiền lương đủ sống hơn bây giờ.
Dài cổ chờ biên chế
Cô Đỗ Cẩm Loan, giáo viên Trường mầm non Ánh Hồng (Hậu Giang), ở cách trường hơn chục cây số nên sáng tinh mơ đã đi dạy, tối mịt mới về đến nhà. Cô Loan cũng là một trong những giáo viên kỳ cựu của trường với tám năm làm hợp đồng, vì không có chứng chỉ ngoại ngữ nên không được vào biên chế.
Cô Loan kể đến tận bây giờ hai vợ chồng cô và đứa con nhỏ vẫn ăn đậu ở nhờ bên nhà ngoại, lâu lâu thì bên nội cho tiền mua sữa, vì đồng lương của cô và chồng làm ở xã đội không đủ chi tiêu. “Nhiều lúc nản lắm cũng muốn chuyển nghề, nhưng nếu chuyển nghề thì phải học lại từ đầu rất tốn tiền và mất thời gian” – cô Loan chia sẻ.
Cô Trần Thị Anh Thư, hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Hồng, cho biết trường có rất nhiều giáo viên hợp đồng, mỗi tháng tổng mức lương mỗi cô được hưởng chỉ hơn 2,3 triệu đồng, nhưng phải làm việc giống như một giáo viên có biên chế mà không được hưởng thêm một trợ cấp nào. Ngoài chăm sóc trẻ, các cô còn phải làm đồ dùng học tập, trang trí, vệ sinh lớp học, đồng thời kiêm luôn công tác phổ cập trong địa bàn.
“Kinh phí đưa về rất hạn hẹp nên chúng tôi san sẻ cho các giáo viên hợp đồng bằng cách quyên góp một ngày lương mỗi năm để an ủi phần nào thiệt thòi của các cô” – cô Thư nói.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cung cấp thông tin: hiện Hậu Giang có 82 trường mầm non, có 365/516 giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng. Trong đó, giáo viên mầm non hợp đồng lâu nhất là tám năm và sớm nhất là hơn một năm.
Còn bà Phan Thu Hằng – trưởng phòng giáo dục mầm non thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang – cho biết năm học 2015 – 2016, địa phương này thiếu khoảng 800 giáo viên và cán bộ quản lý bậc học mầm non.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Tỉnh ủy và ngành giáo dục Kiên Giang đã tổ chức đoàn công tác ra tận Bộ Nội vụ để xin biên chế. Kết quả, đến nay vẫn còn thiếu 472 giáo viên và 77 cán bộ quản lý. Trong khi đó, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 155 trường mầm non, tăng 85 trường so với năm 2010, riêng năm 2015 tăng 8 trường so với năm 2014.
“Ba tăng, một thiếu”
Cũng theo bà Ánh, tình trạng thiếu biên chế giáo viên đang là vấn đề mà ngành GD-ĐT tỉnh Hậu Giang lo ngại. Cụ thể, năm học 2015 – 2016 ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang cần bổ sung 916 giáo viên, trong đó mầm non, mẫu giáo là 516 giáo viên.
Nguyên nhân chính là do thực trạng “ba tăng, một thiếu” – trường tăng, lớp tăng, học sinh tăng, nhưng biên chế được giao cho các huyện, thị xã, thành phố không tăng thêm.
Bà Ánh cho biết năm nay sở đã tiến hành rà soát, tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế sự nghiệp của toàn tỉnh để bố trí giáo viên mầm non cho phù hợp. “Ngành đang trình Sở Nội vụ cho hợp đồng 516 giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non. Hiện nguồn giáo viên để hợp đồng đều đã đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định” – bà Ánh nói.
Ngoài ra, bà Phan Thu Hằng cho biết đề án vị trí việc làm của tỉnh Kiên Giang, trong đó có vị trí việc làm của ngành giáo dục, kể cả giáo dục mầm non, chậm được trung ương phê duyệt. Vì vậy, khá nhiều trường lớp mầm non được xây dựng mới vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì thiếu biên chế giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị trung ương sớm thẩm định và phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục mới đủ cơ sở trình HĐND tỉnh Kiên Giang giao biên chế, để có thể áp dụng đầy đủ chế độ chính sách đối với giáo viên.
Ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị UBND tỉnh trình các bộ, ngành trung ương đưa chín xã đảo độc lập và 42 đảo có dân sinh sống của tỉnh này vào danh mục được hưởng chính sách xã đặc biệt khó khăn. Có như vậy mới mong thu hút được giáo viên mầm non chịu ra đảo công tác.
Theo TTO