“Mỗi người chúng ta đều góp phần đẩy nhân tài ra đi”
Có không ít người được xem là nhân tài trong lực lượng đông đảo du học sinh. Có lẽ không nên đặt những câu hỏi “ở hay về” một cách hời hợt, mà nên có những những câu hỏi chính xác hơn, tìm giải pháp tích cực hơn.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc một cá nhân rời quốc gia bản địa đến làm việc, thậm chí định cư tại quốc gia khác để mưu cầu những lợi ích cho cá nhân là hoàn toàn hợp pháp, bình thường, và ngày càng phổ biến.
Ví dụ, một nghệ sĩ Pháp quyết định di cư sang Hoa Kỳ để né tránh mức thuế thu nhập quá cao, và ngược lại một người Mỹ dọn đến Pháp để hưởng cơ chế an sinh xã hội ưu đãi hơn. Tương tự, một người Mỹ gốc Việt ở một thời điểm nào đó có thể chán cuộc sống phồn vinh nhưng đơn điệu tại Hoa Kỳ và chọn trở về quê hương mua nhà định cư để gần gũi với gia đình.
Ngay tại Châu Âu, thậm chí người ta có thể buổi chiều sống ở nước mình, buổi sáng đi làm ở nước khác để hưởng thu nhập cao hơn. Kỹ sư, nhà khoa học Pháp có thể lái xe qua biên giới đi làm tại Đức, Bỉ, Thụy Sĩ mỗi ngày, bác sĩ, y tá người Hungary, Rumani sang đầu quân cho bệnh viện Pháp, lập trình viên Ba Lan đi làm cho công ty Đức…
Hiện thực này cho thấy những định nghĩa về biên giới, lãnh thổ,dân tộc và ngay cả khái niệm xây dựng đất nước,lòng ái quốc đã thay đổi rất nhiều trong thế giới ngày nay.
Nhưng vấn đề công dân du học, định cư và làm việc tại nước ngoài (hay ngược lại, từ nước ngoài trở về) lại trở nên phức tạp đối với người Việt Nam. Vì sao vậy? Lý do khách quan đầu tiên, đó là khoảng cách địa lý.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Thật vậy, nếu Việt Nam nằm ngay sát Hoa kỳ hay Úc châu – nếu chúng ta liền kề biên giới với một nước phát triển như giữa Pháp và Đức, thì sự lựa chọn định cư, công việc làm nơi xứ người sẽ không gây cảm giác hụt hẫng quá lớn rằng nước Việt Nam đã vuột mất những công dân ưu tú.
Lý do thứ hai, có lẽ nằm ở sự xung đột (chứ không chỉ đơn giản là khác biệt) về văn hóa và tư tưởng giữa Việt Nam và các nước phát triển. Sự bất đồng này tạo ra cảm xúc tiêu cực ở cả 2 chiều: một mặt du học sinh Việt Nam khó hòa nhập trong môi trường phương Tây, mặt khác sau khi đã quen với tập quán nước ngoài thì lại khó dung hòa với xã hội tại Việt Nam.
Ngoài ra nó còn là nguồn gốc của những phán xét tiêu cực khác: ví dụ sùng bái quá đáng giá trị tây phương, mặc cảm tự ti nhược tiểu, phán xét sai lầm về giá trị vật chất/tinh thần.
Không chỉ đơn giản là chuyện ở hay về
Một du học sinh khi quyết định ở lại nước ngoài làm việc phải đối phó cùng lúc rất nhiều phức cảm: sự phân biệt đối xử, kì thị, bóc lột của giới chủ nước ngoài. Mặc cảm vì mình chưa làm tròn bổn phận chăm sóc cha mẹ, nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, sự ganh ghét từ bạn bè, nghi kị của đồng nghiệp và lãnh đạo tại quê nhà, nỗi sợ vô hình về những nguy cơ phải đối mặt khi quay về…
Trong khi đó chúng ta chỉ nhìn vấn đề theo 1 chiều, rất hời hợt, và mới chạm tới bề mặt rất nhỏ của tảng băng, khi chỉ mới tìm kiếm những trở ngại tại Việt Nam ngăn cản những du học sinh lựa chọn quay về quê hương. Thậm chí câu hỏi “tại sao du học xong không quay về” này cũng không hoàn toàn chính xác khi ta giả định rằng du học sinh đang cân nhắc, lựa chọn việc về hay ở SAU KHI họ đã học xong.
Những giả thuyết, câu hỏi đặt ra có thể rộng hơn rất nhiều, thí dụ:
1 . Có thể việc du học chỉ là một cái cớ để họ có thể ra đi thì sao? Có thể học sinh đã có tư tưởng vọng ngoại ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường? Có thể gia đình đã lập kế hoạch định cư tại nước ngoài cho con cái ngay từ khi đứa trẻ sinh ra đời?
2.Hậu quả của việc du học sinh lựa chọn ở lại nước ngoài không dừng lại ở vấn đề thiếu nhân lực, mà còn liên đới cho toàn xã hội.Một người ra đi luôn dẫn theo ít nhất là 1 thân nhân khác, thí dụ một kỹ sư du học và định cư tại Âu Châu có thể bảo lãnh cho vợ là bác sĩ và 2 con sang đoàn tụ gia đình. Như vậy nước Việt Nam đã mất đồng thời 1 bác sĩ, 1 kỹ sư và 2 công dân tương lai.
3. Chúng ta có thói quen đổ trách nhiệm lên bất cứ khách thể nào, ngoài bản thân mình. Do đó khi nhìn vấn đề du học sinh không quay về, mặc định chúng ta cho rằng đó là vấn đề, trách nhiệm của du học sinh. Không có ai nhận trách nhiệm cho chính mình. Không có người lớn nào cân nhắc khi thúc đẩy đứa trẻ phải lưu lạc nơi xứ người. Thầy cô ở trường có bao giờ tự hỏi tại sao sinh viên chán cách học hiện nay để phải tìm đường đi học ở nước ngoài? Tại sao hằng ngày chúng ta đọc vô số những quảng cáo “Tư vấn du học, cơ hội học tập và định cư ở nước X,Y,Z… ” trên báo chí? Mỗi người trong chúng ta đều góp phần tạo ra hiện thực này.
4. Còn giải pháp nào khác không để sinh viên không thể (hoặc không muốn) trở về vẫn có thể đóng góp từ xa cho công cuộc xây dựng – phát triển đất nước? Thay vì đưa ra những phát ngôn vô trách nhiệm kiểu: “Đi đi, đừng về” – tại sao chúng ta không chủ động lập ra mạng lưới những chuyên gia người Việt ở từng quốc gia ở châu Âu, Mỹ và Úc, để trợ giúp những đàn em đi sau, và tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, chính phủ, các đoàn thể với mục tiêu phát triển giáo dục, công nghệ và văn hóa tại Việt Nam?
5. Rất sai lầm khi dựa vào một vài trường hợp cá biệt để dựng nên cả một mô hình, một lộ trình rồi mang đi tư vấn, áp dụng cho mọi người. Chỉ dựa vào 1 cá nhân thành đạt sau khi tốt nghiệp, đi làm tại nước ngoài để khuyến khích tất cả du học sinh nên ở lại là hoàn toàn sai. Tỉ lệ du học sinh có thể tìm được công việc tốt, ổn định là rất ít.
Ngay tại châu Âu, muốn thực hiện ước mơ định cư đi làm sau du học, sinh viên Việt Nam phải chống lại cùng lúc vô số rào cản: chính sách nhập cư và quốc tịch ngày càng ngặt nghèo, sự kì thị chủng tộc và văn hóa, áp lực của lối sống công nghiệp hóa và kỉ luật cao, bất đồng về văn minh và tư tưởng, sự cạnh tranh không nhỏ từ lực lượng nhập cư gốc Hoa, Ấn và Phi châu.
Để đạt được ước mơ định cư, đa số sinh viên phải trả một cái giá rất đắt về thời gian, tình cảm gia đình, … chưa kể phải hy sinh những giá trị tinh thần khác như lòng tự trọng, tự tôn. Đánh mất chính mình là thất bại, chứ không thể là thành công.
Theo vietnamnet