Mới lớp 1 đã thành ‘phu cày chữ’
Trẻ không nhất thiết phải biết đọc, biết viết khi vào vào lớp 1. Nhưng những điều cấm của Bộ GD&ĐT cũng không khiến trẻ em trước lớp 1 và lớp 1 tránh được cảnh “phu cày chữ”.
Vẫn phải “cắn răng” cho con đi học thêm
Dù Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT các địa phương thông báo cấm dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 1, song vì nhu cầu và sợ con mình thua thiệt nên nhiều phụ huynh vẫn phải “cắn răng” cho con đi học thêm.
Liên quan tới việc cấm trẻ học chữ trước và trong quá trình học lớp 1, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai quy định. Bộ nghiêm cấm các trường không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ.
Dù con mình mới học lớp 1 song nhiều phụ huynh vẫn phải cho con đi học thêm để theo kịp chương trình. Ảnh minh họa: Gia Đình & Xã Hội.
Vào lớp 1, không nhất thiết là phải biết đọc, biết viết. Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1. Dạy trước chương trình khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm – sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt. Do đó, bên cạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có văn bản, hướng dẫn, nhưng ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm chương trình lớp 1″.
Dù năm học 2015 – 2016 đã diễn ra được khoảng 3 tháng, song nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đều băn khoăn, nếu không cho con đi học thêm thì con không thể theo kịp chương trình.
Chị Thu Hằng (tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết: “Hè vừa rồi tôi cũng đã tranh thủ cho con đi học trước vào lớp 1. Nói thật nếu như cứ để con chưa biết gì mà vào lớp 1 thì bây giờ đã thành học sinh dốt nhất lớp. Dù kèm cặp, có học thêm trước cả tháng, nhưng đến bây giờ con tôi vẫn nằm trong số những bạn có học lực kém của lớp”.
“Tá hỏa” vì chương trình học của con khá nặng, dù mới chỉ là học sinh lớp 1, anh Trần Đức Trung (phố Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đọc – viết thì vợ chồng tôi kèm cặp con học được ở nhà, chứ môn Toán thì quá khó. Giở sách Toán lớp 1 ra tôi không hiểu được các cháu học ra sao nếu cô không dạy kỹ, bố mẹ không kèm cặp thêm?
Video đang HOT
Trong sách Bài tập toán lớp 1 có rất nhiều bài tập và hình vẽ rắc rối, các phép cộng, điền số… bắt trẻ phải tư duy nhiều. Thành ra, vẫn phải cho con đi học thêm nhà cô vào dịp cuối tuần để luyện đọc, làm toán”.
“Mỗi ngày nên dành 10 phút học với con”
Chia sẻ về thực trạng dạy và học ở cấp tiểu học hiện nay, ông Phạm Xuân Tiến – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kể từ khi Thông tư 30 ra đời đến nay, nhiều phụ huynh băn khoăn không chấm điểm con thì không biết con học thế nào, không có điểm lấy gì thưởng cho con… Tuy nhiên, phụ huynh sẽ nghĩ sao nếu cho điểm mà con bị điểm kém sẽ bị la mắng, thậm thí bạt tai con. Thế nhưng ít ai theo sát con cái để biết con học thế nào, tiếp thu bài vở ra sao.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến: “Học thêm xuất phát từ nhu cầu, muốn phát triển sở thích hoặc niềm đam mê thì đó là chính đáng. Có những học sinh vì học đuối, vì lý do nào đó mà ngắt quãng giữa chừng thì phải học thêm để theo được chương trình. Tôi thấy có trung tâm dạy thêm đến 10 giờ đêm, trẻ học như vậy chỉ sinh tâm lí ỉ lại, học mệt quá thì đi ngủ, quên hết bài vở. Tôi mong phụ huynh thấy cái gì thực sự cần thì cho con học, đừng học theo phong trào, sợ con thiệt, đừng sợ áp lực giáo viên, sợ thua bạn bè. Tôi nghĩ học 2 buổi/ngày đã đủ kiến thức, kĩ năng cho trẻ rồi. Đừng bắt trẻ phải làm thêm bài tập, sách nâng cao”.
TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng bị đòn roi vì điểm kém, bố mẹ bị mời lên trường để cô phản ánh việc học… đó là nỗi ám ảnh mỗi khi bố mẹ hỏi về điểm số. Do đó phụ huynh không nên ép buộc con học nhiều nếu trẻ không thích, không hứng thú với việc học lúc đó. Phụ huynh nếu thấy con học chưa tốt có thể đề nghị cô giúp đỡ con trong quá trình học tập.
Theo tôi, mỗi ngày phụ huynh nên dành khoảng 10 phút để cùng học, cùng giải quyết các vấn đề liên quan tới chuyện học tập, chơi với các bạn của con mình”.
Mặc dù đã có nhiều quy định cấm dạy thêm cho trẻ trước và trong quá trình học tiểu học, bỏ chấm điểm và giao bài tập về nhà… song tình trạng phụ huynh phải cho con đi học thêm lớp 1 là một thực tế phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không học trước ở lớp hay được gia đình dạy thêm ở nhà thì trẻ thường học đuối, không theo kịp chương trình.
Đây là một thực tế mà Bộ GD&ĐT cần phải nhìn nhận trong xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông cho từng cấp học, trong đó có cấp tiểu học.
Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội
'Phụ huynh đừng cho con học thêm theo phong trào'
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khuyên phụ huynh chỉ cho con học thêm khi thấy cần, đừng chạy theo bầy đàn, đừng sợ áp lực.
Đừng khiến trẻ "bội thực" bài tập
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, lứa học sinh tiểu học đầu tiên không chấm điểm theo Thông tư 30 không có thói quen làm bài tập, học bài cũ khi lên lớp 6. Nhiều em bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu năm học.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Bộ GD&ĐT cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học có từ 10 năm trước, chứ không phải đến Thông tư 30 mới quy định. Lý do, các em đã học 2 buổi/ngày tại trường, phần bài tập về nhà đã được làm trên lớp. Thời gian buổi tối, học sinh cần nghỉ ngơi, học hỏi nhiều kỹ năng khác để trang bị cho cuộc sống. Học sinh THCS chỉ học 1 buổi/ngày nên cần chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, theo ý kiến phản hồi về Sở GD&ĐT, nhiều phụ huynh đã đề nghị cô giáo giao bài tập về nhà cho trẻ tiểu học.
Ông Phạm Xuân Tiến. Ảnh: Quyên Quyên.
Báo Tiền Phong dẫn lời cô Phan Hoài Thu, giáo viên dạy Toán Trường THCS Lê Lợi (Hà Nội) cho rằng, bài kiểm tra môn Toán đầu năm của học sinh lớp 6 ở trường (lứa học sinh đầu tiên thực hiện không chấm điểm theo Thông tư 30), có lớp đạt 60-70% trên điểm 5, có lớp không đạt tỷ lệ này. Số học sinh đạt điểm 8-9 rất ít, điểm 10 đếm trên đầu ngón tay.
Cô Thu chia sẻ: "Năm nay, các cô vất vả hơn vì phải dành khoảng thời gian hết học kỳ để rèn thói quen làm bài tập về nhà cho học sinh".
Trước đó, ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
"Chúng tôi đi khảo sát các lớp bằng hình thức rất đơn giản, ví dụ hỏi học sinh: Các con có thích học Toán không? Bài tập cô giao hôm qua có khó không? Có lớp trả lời không có bài tập về nhà ạ, lớp khác lại cho biết bài tập dễ ợt ạ".
Ông Tiến dẫn dụ hình ảnh trẻ sẽ "bội thực" nếu làm bài tập về nhà: "Mỗi ngày cơ thể thích nghi với 3 bữa cơm, nhưng đêm về lại ăn thêm khẩu phần tương đương bữa trưa thì liệu có tiêu hóa được không? Phụ huynh cần biết ở trường trẻ đã học và tham gia nhiều hoạt động cả ngày, vậy thời gian buổi tối cha mẹ cần chơi với các con. Nếu phụ huynh muốn con làm bài tập để có thời gian làm việc khác thì có thể mua sách tham khảo, đừng bắt nhà giáo dục làm việc này cho các cháu. Tôi nghĩ học 2 buổi/ngày đã đủ kiến thức, kỹ năng cho trẻ rồi".
Từ đó, ông Tiến khẳng định, "không phải do Thông tư 30 làm giảm khả năng tự học của học sinh. Đây chỉ là ý kiến của một số phụ huynh, bản chất thực tế không phải như vậy".
Cũng liên quan Thông tư 30, một số phụ huynh cho rằng, việc không chấm điểm học sinh tiểu học sẽ làm các cháu mất đi niềm vui khoe điểm và không cố gắng.
"Phụ huynh có nghĩ đến việc ngoài mất đi niềm vui của những học sinh đạt 9, 10 điểm, không chấm điểm còn sẽ mất đi nỗi buồn của những em đạt điểm 3, 4; mất đi những bữa tối căng thẳng trong mỗi gia đình? Thậm chí, có những phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc đã bạt tai con vì điểm kém", Phó giám đốc Sở nói.
Ông Tiến bày tỏ, phụ huynh không nên đổ lỗi cho Thông tư 30 mà hãy nên mở vở xem con học thế nào, tiếp thu ra sao, giảng dạy con. "Đừng quan tâm con có điểm số bao nhiêu mới biết con đang ở đâu", ông nói.
Cô giáo ra bài khó để học sinh phải học thêm
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vũ Xuân Tiến cho rằng, vấn đề khiến ông trăn trở nhất không phải bài tập về nhà, mà là dạy - học thêm. Thậm chí, một số cô giáo ra bài khó để học sinh phải đi học thêm.
Theo ông Tiến, học thêm, nếu xuất phát từ nhu cầu, mong muốn phát triển, sở thích hoặc đam mê, là điều chính đáng. Học thêm chỉ có lỗi khi dạy và học tràn lan.
Ông Tiến cho biết, từng cho con đi học thêm khi bị hổng kiến thức, đạt được trình độ nhất định thì cho cháu nghỉ. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ví học thêm như người bị ốm cần bốc thuốc, đến lúc khỏi bệnh rồi nên bồi bổ và nghỉ ngơi.
Nếu không hiểu rõ bản chất của học thêm sẽ tạo ra hệ lụy cho cả ba đối tượng là giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trong đó, phụ huynh ỷ lại giáo viên, không xem bài vở và hiểu hết lực học của con. Học trò lười nghĩ bài giải vì đi học thêm "kiểu gì thầy cũng chữa bài".
Ông Tiến khuyên, phụ huynh chỉ cho con học thêm khi thấy cần, đừng chạy theo bầy đàn, đừng sợ áp lực.
Về việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: "Chương trình của Bộ GD&ĐT không cung cấp hoàn toàn kiến thức cần trang bị cho học sinh. Tôi thấy nhiều trẻ em không biết gì về âm nhạc, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, kiến thức địa lý, kỹ năng sống, nấu ăn, thể thao... Như vậy, thời gian buổi tối là lúc các cháu có thể học và làm những điều đó.
Điều quan trọng là phụ huynh cần kết hợp nhà trường để giáo dục theo cách tốt nhất, bởi học sinh Việt Nam tương đối giỏi lý thuyết nhưng kém thực hành".
Theo Zing
Học thêm theo tổ hợp môn để định hướng thi cử? Ngay từ đầu tháng 10, hầu hết học sinh của trường THPT Gò Vấp (TP HCM) bắt đầu lịch học thêm dày đặc do nhà trường quy định. Theo thông tin phản ánh của một số phụ huynh, dù đã học ở bên ngoài nhưng hầu hết HS vẫn học thêm trong trường theo thông báo tăng tiết của giáo viên. Chỉ khác...