Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi ôn đề cương hàng trang A4
Để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, không ít học sinh lớp 1 đã phải ôn đề cương nhiều trang dài, hay có nơi còn tổ chức cho học sinh thi thử. Không chỉ học sinh “đuối” mà cha mẹ cũng “bở hơi tai” kèm con học.
Đang trong giai đoạn con ôn tập thi học kỳ 1, chị Kim Ngân, có con học lớp 1 tại quận 8, TPHCM cho biết, rút kinh nghiệm đứa sau, chắc chắn chị sẽ cho con học trước. Những ngày qua, hai mẹ con chị “bơi” trong bài vở của đứa bé mới hơn 6 tuổi.
Một phần trong bài ôn của học trò lớp 1 nơi trường con chị Ngân theo học
Chị Ngân nói, một đứa bé chỉ bắt đầu bập bẹ học chữ tính ra đến nay chỉ mới hơn 3 tháng nhưng đề cương ôn hai môn Toán và Tiếng Việt là 4 trang A4 kín đặc chữ, người lớn đọc còn ngợp.
Người mẹ liệt kê sơ sơ, môn Tiếng Việt chỉ riêng phần đọc vần và đọc âm là nguyên một trang; nối hai cụm từ thành một câu gồm ba phần, mỗi phần 4 câu là 12 câu.
Con chị chưa phân biệt được R với S, rồi Nh với Ngh, Ng… học đến đâu là cháu khổ sở đến đó. Mẹ thương con nhưng cũng có lúc phải bực mình, gõ đầu con. Chưa kể, còn bài kiểm tra Toán, Tiếng Anh.
Giai đoạn con ôn tập học kỳ 1, chị Thanh Nhàn, có con cũng vừa vào lớp 1, đã lý giải được phần nào vì sao nhiều người phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1.
Bản thân chị không hối hận vì không cho con học trước nhưng thừa nhận, bây giờ phải ôn tập dày đặc, tối phải kèm con đến khuya, rất mệt cho cả mẹ và con.
Chị còn không dám để chồng kèm con học vì bố nóng tính, kèm là quát con ầm ĩ, có khi còn đánh con hay xé vở con.
Con không quá khó khăn đối với việc ôn tập vì cháu đọc viết, cộng trừ khá trôi chảy nhưng chị anh Nguyễn Văn Trung, con học lớp 1 ở quận Bình Thạnh, TPHCM ngỡ ngàng và phải bật cười với cách con được chỉ dẫn ôn tập.
Video đang HOT
Giáo viên in nhiều bài tập về đọc viết, bài toán làm sẵn hết rồi yêu cầu học sinh về làm đi làm lại cho thành thạo những bài đó. Vì kiểm tra sẽ chỉ ra trong những câu này.
“Nói chung là các con học như một cái máy. Cô đưa bài ra, chép, làm bài rồi đọc cho thuộc là xong, không cần suy nghĩ, thể hiện cá nhân gì hết”, anh nói.
Cách ôn tập “cứ thuộc bài cô cho” như anh Trung nói không chỉ xảy ra với học sinh lớp 1. Nhiều lớp lớn hơn, học sinh được cô giáo giao từng đề cương các đề làm văn, các bài tập ngữ pháp, bài Toán…, học sinh chỉ cần học thuộc thật kỹ trước.
Nhiều nơi, học sinh tiểu học được ôn tập theo kiểu chép và học thuộc lòng. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyên Hạnh, có con học lớp 3 tại Trường tiểu học B., quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, cô cho đề cương cả tập dày về các con làm, rồi cô sửa, sau đó con học thuộc. Hôm kia, trường con chị còn cho học sinh thi thử, chấm điểm, xem em nào nắm chưa kỹ thì thúc bố mẹ về ôn tập để kiểm tra chính thức.
Như môn tiếng Việt, nhiều nơi giáo viên thường giao 3 – 5 đề làm văn, các em làm theo khung cô đưa ra, sau đó cô sửa lại cho hoàn chỉnh và học sinh về học thuộc. Đến ngày kiểm tra, kiểu gì cũng trúng một trong các đề được giao.
Rồi các môn khác khác như Lịch sử, Khoa học cũng như vậy, học sinh cứ học thuộc lòng theo chủ đề cô đưa ra.
Mà lỡ như đề không trúng y phóc hay không “theo khuôn” giáo viên hướng dẫn, hay đề chỉ cần hỏi lái đi một chút là nhiều học sinh lúng túng, chới với.
Tại một quận TPHCM, từng xảy ra việc nhiều học sinh lớp 5 không làm được hoặc làm sai đề làm văn kiểm tra học kỳ: “Tả trường em sau buổi học”. Rất nhiều em tả giờ ra chơi.
Lý do là giáo viên đã “ôn tủ” cho các em học thuộc lòng bài tả cảnh trường học giờ ra chơi. Khi đề thay đổi đi một chút, các em không nhận được được yêu cầu của đề.
“Học không phải động não nhưng lại rất vất vả”, một phụ huynh có con học lớp 3 ở Thủ Đức nhận xét về việc ôn tập, học tập hiện nay của các em.
Được biết, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường tổ chức kiểm tra học kỳ từ ngày 9 đến ngày 21/12, đảm bảo hình thức, nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học, đảm bảo phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra…
Hoài Nam
Theo Dân trí
Lạ lùng lớp học nơi bản nghèo, 15 tuổi học mẫu giáo, 60 tuổi vẫn là học sinh
Khi mặt trời dần khuất sau những dãy núi, nơi bản nghèo thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Vân Kiều trên tuổi 40 - là những người chị, người mẹ, có người đã là bà ngoại, bà nội - tạm gác lại công việc sau ngày dài vất vả nơi nương rẫy miệt mài cắp sách đến lớp để học chữ.
Lớp học xóa mù chữ được mở từ tháng 7- 2019 tại trường Tiểu học và THCS Hướng Linh (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ban đầu, trường có khoảng 20 người theo học nhưng hiện nay số người tham gia đã tăng lên 36. Người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, nên lớp học được mở lúc 16 giờ 30 và kết thúc lúc 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.
Học viên trẻ nhất của lớp khoảng 40 tuổi, lớn nhất cũng đã 60 tuổi nhưng họ không ngại đến lớp xóa mù chữ
Những người tham gia lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng họ đều là những lao động, trụ cột chính trong gia đình. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng từ khi có lớp học xóa mù chữ, người dân nơi đây đã cố gắng sắp xếp công việc nương rẫy để đến lớp học sớm hơn.
Nhiều học viên lớn tuổi hơn cả thầy giáo
Chị Hồ Thị Phong (45 tuổi, thôn Hoon, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) cho hay: "Gia đình có 6 người con, công việc chủ yếu là làm nương rẫy, trồng sắn, ngô. Chồng mất được hơn 5 năm nay, một mình nuôi con. Được thầy cô tạo điều kiện, trường học cách rẫy tầm 3 cây số nhưng cứ đến chiều dù chưa xong công việc cũng phải sắp xếp về để kịp giờ tới lớp học. Giờ mình đi học cũng là lúc đứa con gái út đi học về. Ngoài học trên lớp, về nhà mấy đứa con cũng chỉ thêm, từ nào không hiểu thì hỏi con. Tham gia học được hơn 4 tháng, giờ biết đọc, biết viết, đi về thành phố bán đồ hay đi lên xã làm thủ tục, giấy tờ cũng tự tin hơn".
Mẹ cùng con đi học
Bà Hồ Thị Hoa (60 tuổi, học viên lớn tuổi nhất của lớp) chia sẻ: "Rất vui khi được đi học chữ, ưng biết chữ, để đi đâu hay con cái hỏi còn biết. Sau mấy tháng đi học mẹ cũng đã đọc và viết được sơ sơ".
Bà Hồ Thị Hoa cùng mọi người nay đã có thể đọc và viết
"Trước đây, 15 tuổi mới được học mẫu giáo, tới 18 tuổi thì lấy chồng rồi sinh con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng việc nương rẫy vất vả nên không đi học tiếp. Nay được các cán bộ, thầy cô vận động và tạo điều kiện cho đi học lại nên rất vui, phấn khởi. Đi học khi tuổi đã cao, nhiều khi cũng ngại, nhưng vì muốn biết chữ nên cố gắng đi. Thầy cô tận tình chỉ từng chữ, nay tôi cũng đã có thể biết đọc, biết viết rồi, cảm ơn thầy cô", bà Hoa giãi bày.
Dù đã lớn tuổi, bàn tay chai sạn theo thời gian nhưng những dòng chữ vẫn được nắn nót và ngay ngắn
Thầy giáo Lê Minh Quốc, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hướng Linh cho biết: "Công tác vận động người dân tới lớp cũng gặp nhiều khó khăn. Ban ngày người dân đều ở nương rẫy, nên thầy cô phải đến từng nhà lúc chiều tối hoặc lên tận rẫy để vận động người dân đi học. Phương pháp dạy học cũng thay đổi, thầy cô chủ động đưa vào chương trình những bài học dễ, gần gũi với người dân. Ngoài cấp phát sách vở cùng dụng cụ học tập, trước mỗi buổi học thầy cô sẽ in bài học ra giấy để phát cho học viên, để khi về nhà hay đi làm đều có thể mang theo học. Ngoài lớp học ở bản Mới, lớp xóa mù chữ còn được mở tại bản Cu Vơ và Coóc".
Được nghe những câu chuyện của những người mẹ, người bà - những học viên đặc biệt của lớp học chia sẻ, được tham gia buổi học của những thầy cô tận tâm bám bản, mới cảm nhận được phần nào những gian khó mà người dân cùng thầy cô nơi đây đã và đang phải đối mặt trên chặng đường phía trước.
NGUYỄN HOÀNG
Theo SGGP
Gần 90 tuổi vẫn cần mẫn "trồng người"! Lớp học không bảng đen, phấn trắng, các học trò có nhiều lứa tuổi, trình độ. Ở đây, thầy giáo sẽ đi từng bàn, hướng dẫn cho từng học trò. Ngoài việc học chữ, thầy còn dạy cách làm người và hướng nghiệp cho học sinh của mình. Đó là lớp học của thầy giáo Nguyễn Trà, năm nay đã gần 90 tuổi...