Mời gọi tài năng trẻ chung tay phát triển khoa học Việt Nam
Tại hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần ưu đãi đặc biệt để mời tài năng trẻ từ nước ngoài về nước chung tay phát triển khoa học.
Hơn 15 năm du học, nghiên cứu ở nước ngoài, GS Ngô Bảo Châu (chủ nhân huy chương Fields Toán học năm 2010) chia sẻ, nhiều gia đình Việt Nam đã phải tiêu tốn kinh phí lớn cho con em ra nước ngoài học tập.
Nhiều bạn đã đến Mỹ và các nước Châu Âu học tập đạt thành tích xuất sắc, có công trình nghiên cứu khoa học thành công hay tham gia giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Cơ chế ưu đãi mời nhà khoa học trẻ về nước làm việc
“Nguồn lực tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, Chính phủ cần có cơ chế chính sách linh hoạt, ưu đãi đặc biệt để mời gọi, thu hút họ trở về nước cống hiến, chung tay phát triển khoa học”, GS Châu đề xuất.
Đồng tình quan điểm này, tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, Chính phủ cần quan tâm thu hút giới khoa học trẻ nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài về nước cống hiến. Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICSE) là nơi nghỉ dưỡng, ấp ủ ý tưởng nghiên cứu khoa học.
Lâu dài, Trung tâm ICISE cần được quy hoạch thành không gian đô thị khoa học. Đại học Quy Nhơn nên tận dụng nơi này để liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, quốc tế nhằm nâng tầm năng lực nghiên cứu khoa học.
Video đang HOT
Các viện nghiên cứu, viện hàn lâm, viện khoa học xã hội Việt Nam cần chung tay để sớm hình thành trung tâm nghiên cứu khoa học xứng tầm quốc tế.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Chính phủ cần quan tâm thu hút giới khoa học trẻ nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài về nước cống hiến. Ảnh: Minh Hoàng.
Dành đất cho khoa học
Trao đổi với Zing.vn sáng 8/7, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương đã quy hoạch thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn rộng 130 ha xây dựng không gian đô thị khoa học, cho biết: Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa họp bàn thống nhất với tỉnh, vợ chồng GS Trần Thanh Vân cùng hai GS David Gross (Nobel Vật lý 2004), Jerome Fridelman (Nobel Vật lý năm 1990), đồng bảo trợ lập Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam tại Quy Hòa.
Viện Nghiên cứu Toán học do GS Ngô Bảo Châu, Viện Hàn lâm khoa học của GS Châu Văn Minh cũng lập chi nhánh tại đây. Hiện giai đoạn một tổ hợp không gian khoa học (nhà khám phá vũ trụ, đài thiên văn…) sắp hoàn thành, đưa vào phục vụ công chúng, đặc biệt là khơi dậy đam mê khoa học giới trẻ.
“Nhiều nhà đầu tư lĩnh vực du lịch từng đặt vấn đề xây hàng loạt khu resort ven biển Quy Hòa nhưng chúng tôi đều từ chối, để dành quỹ đất xây dựng không gian đô thị khoa học. Bình Định muốn góp sức vì sự nghiệp chung phát triển khoa học Việt Nam”, vị chủ tịch cho hay.
GS Lars Brink – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nobel ngành Vật lý, cho rằng, điều quan trọng là làm thế nào để thu hút người tài về phục vụ đất nước?
Ông dẫn chứng ở Thụy Điển, nhiều sinh viên du học Mỹ và phần lớn họ trở về phục vụ đất nước. “Phải tạo ra những cơ hội, cơ chế đãi ngộ tốt cho người trẻ đi học ở nước ngoài để thu hút họ trở về. Tuy nhiên, cùng với cơ chế khuyến khích, chúng ta cũng cần có sự ràng buộc như một trách nhiệm”.
GS Yu Lu – đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc – cho rằng, phải linh hoạt mới sử dụng được những kiến thức và tri thức của sinh viên đi học ở nước ngoài. Trên thực tế, không thể chỉ dựa vào những chính sách “cứng nhắc”, mà có thể tận dụng sự mềm mỏng, chỉ cần nhân tài quay trở về phục vụ đất nước 2 đến 3 tháng mỗi năm là tốt rồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. Ảnh: Minh Hoàng.
Mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực khoa học cơ bản
Sau 17 năm làm việc và hỗ trợ cho các nghiên cứu tại Việt Nam, GS Kurt Wthrich (chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2002) nhận định, Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực đầu tư, kinh phí cho khoa học cơ bản nên cần thiết có sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Trường hợp ngân sách hạn chế phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư kinh phí để mua các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản cần rõ ràng, tập trung.
GS Kurt Wthrich cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực tài năng để phục vụ khoa học là điều vô cùng quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển của khoa học. Làm thế nào để thu hút những tài năng trẻ ấy trở về đất nước phục vụ?
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tuy không phải nhà khoa học, ông ý thức sâu sắc tầm quan trọng và vai trò không thể thiếu của các nhà khoa học trong sứ mệnh làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần.
Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cũng tài trợ cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Không chỉ đầu tư về vật chất, khoa học cơ bản luôn được nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng.
Theo Zing