Mọi con mắt đổ dồn về “phép thử” quan hệ Nhật- Trung
Quyết định sau cùng của Nhật đang là tâm điểm của sự chú ý, mà kết quả phụ thuộc trên bàn cân, lợi ích của việc cải thiện quan hệ với TQ, hay những ảnh hưởng của AIIB nặng hơn.
Đến nay, Trung Quốc xác nhận đã có 57 quốc gia trở thành thành viên sáng lập của AIIB, trong đó có 4 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên, trong số đó không có Nhật Bản – nước được đặt nhiều kỳ vọng do có tiềm lực kinh tế khổng lồ. Vì vậy, một nghi vấn nổi lên: liệu AIIB có làm lạnh thêm quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc và trở thành một trong những điều kiện để cải thiện mối bang giao này?.
Lý do chính thức
Bộ trưởng Tài chính Nhật bản Taro Aso cho biết, để Nhật Bản tham gia AIIB, ngân hàng này phải làm rõ được những điều kiện như việc đảm bảo sự quản lý cân bằng, kiểm duyệt các khoản vay dựa trên mức độ ảnh hưởng đối với môi trường và đảm bảo biện pháp an toàn xã hội. Ông Aso nhấn mạnh: “Nếu các điều kiện của AIIB không được đảm bảo thì Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hết sức thận trọng trước quyết định gia nhập”.
Bên cạnh đó, trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm 1/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị phía Đức cùng hợp tác trong việc đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động và mục đích của dự án AIIB.
Một động thái khác có vẻ hơi không “phải phép” nhưng cũng phần nào nói lên thái độ của Nhật Bản đối với đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc. Đó là việc trong cuộc họp báo sau phiên họp Nội các tại Tokyo hôm 3/4, khi phóng viên thường trú tại Tokyo của Đài truyền hình Phoenix Hồng Kông (Trung Quốc) vừa nêu ý định hỏi về việc Chính phủ Nhật Bản từ chối tham gia AIIB, thì thay vì trả lời, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso lại cười ha hả rất to thành tiếng và tiếp theo đó là các phóng viên người Nhật có mặt trong cuộc họp báo đó cũng cười hùa theo.
Nguyên thủ 2 nước Trung – Nhật, ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe bắt tay trong Hội nghị Apec, năm 2014. (Ảnh: AP)
Video đang HOT
Vụ việc được báo Tokyo Shinbun của Nhật số ra hôm 22/4 đăng tải để chỉ trích thái độ “bất lịch sự” của ông Aso. Nhưng nó cũng được giới phân tích nhìn nhận như một sự đoạn tuyệt gần như chắc chắn và thái độ không có thiện cảm của Nhật Bản đối với đề nghị của Trung Quốc.
Theo các học giả, lo ngại “rớt tầm ảnh hưởng” của Nhật Bản là có cơ sở. Bởi, dường như AIIB mang tham vọng là cạnh tranh không chỉ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn chịu ảnh hưởng của Nhật, mà còn cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ chi phối. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng tỷ lệ sở hữu trong ADB chỉ là 5,5% so với 15,7% của Nhật và phần đóng góp của Trung Quốc cho IMF cũng rất èo uột so với 17% của Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi coi mối quan hệ với Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng nhất” (Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2015) và việc phá băng mối quan hệ này được xem là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ Nhật Bản khó có thể giữ thái độ cứng rắn như hiện nay.
Giảm tông
Chỉ một tuần ngay sau khi chính thức tuyên bố từ chối tham gia AIIB, chính Bộ trưởng Aso, hôm 7/4, lại cho biết nước này sẽ có cuộc gặp cấp bộ trưởng tài chính với Trung Quốc vào tháng 6 tới đây. Trong đó, các vấn đề được trao đổi sẽ bao gồm cả việc Nhật Bản cân nhắc gia nhập AIIB. Nếu đúng, đây sẽ là sự thay đổi mang tính đột biến thể hiện sự “nhún nhường” của Nhật Bản trong ngoại giao kinh tế.
Tiếp theo là sự thay đổi nhanh chóng của ADB. Ngày 21/4 vừa qua, Chuyên viên Bộ Tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao, cũng là người đứng đầu ADB, vừa mới tỏ ra hoài nghi sâu sắc đối với AIIB khi nêu một loạt vấn đề như: khả năng cạnh tranh thấp, bề dầy tích lũy chưa có, khả năng cho vay không cao, với hơn 50 quốc gia đã gia nhập nhưng có vẻ AIIB vẫn là một dự án của riêng Trung Quốc… Nhưng chỉ ngay hôm sau, tức 22/4, cũng chính ông này lại cho biết về khả năng sẽ có một hội nghị về AIIB trong phiên họp Đại hội đồng ADB vào tháng 5 tới đây.
Trong bối cảnh đó, bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ ngày 18/4 tuyên bố nước này luôn hoan nghênh Nhật Bản gia nhập AIIB và khẳng định rằng AIIB sẽ giữ quan điểm mở và đóng vai trò bổ sung cho các ngân hàng phát triển hiện có, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và kết nối của khu vực… Bên cạnh đó, Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 25/3 cũng phát đi thông điệp của nước này: “Việc Nhật Bản gia nhập AIIB sẽ là cơ hội có một không hai để cải thiện quan hệ với Trung Quốc”.
Đặc biệt, việc Chính phủ Nhật Bản từ chối tham gia AIIB cũng đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính giới nước này. Các đảng đối lập của Nhật Bản còn sử dụng vấn đề này như một vũ khí để công kích Thủ tướng Abe. Các chính khách đối lập công khai chỉ trích quyết định này dưới nhiều góc độ khác nhau như: “đây là thắng lợi của ngoại giao Trung Quốc và thất bại của ngoại giao Nhật Bản…”, “sự từ chối đóng góp vào quá trình thiết lập trật tự kinh tế, hạ tầng của châu Á…”, “quyết định mang diện mạo Hoa Kỳ..”, “đánh mất cơ hội cải thiện quan hệ ngoại giao..” v.v… Và trên hết, các đảng phái này đều mạnh mẽ yêu cầu Chính phủ Nhật Bản tham gia AIIB cho dù “muộn còn hơn không”.
Trong bối cảnh đó, quyết định sau cùng của Chính phủ Nhật Bản đang là tâm điểm của sự chú ý mà kết quả sẽ phụ thuộc vào việc trên bàn cân, lợi ích của việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc nặng hơn, hay những ảnh hưởng của AIIB nặng hơn. Theo đó, AIIB sẽ là “phép thử” của mối quan hệ Nhật – Trung.
Theo Tuấn Nhật
Vietnamnet
Ông Tập nói lời hòa bình, Nhật tăng tốc đóng tàu
Ngày 30/3, Cục Bảo an biển Nhật Bản-đơn vị chủ lực trong hoạt động bảo vệ quần đảo Senkaku cho biết đang gấp rút đóng mới các tàu tuần tra.
Trước đó, vào ngày 20/3, lực lượng này đã đưa vào sử dụng tàu tuần tra Zampa có trọng tải 1.500 tấn vào hoạt động. Đây là tàu thứ tư trong tổng số 10 tàu tuần tra trọng tải 1.500 tấn sẽ được đóng mới và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2016.
Theo kế hoạch của Cục Bảo an biển Nhật Bản, đội tàu tuần tra chuyên hoạt động quanh quần đảo Senkaku bao gồm 10 tàu tuần tra 1.500 tấn, hai tàu tuần tra 3.000 tấn có khả năng mang theo trực thăng.
10 tàu tuần tra 1.500 tấn đều là tàu đóng mới, được thiết kế có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện sóng lớn, được trang bị pháo liên thanh 20mm, thiết bị giám sát tầm xa, súng phun nước áp lực mạnh tầm xa...
Hệ thống pháo liên thanh 20mm trên các tàu này được nâng cấp khả năng bám theo mục tiêu. Theo đó, những mục tiêu đã được khóa sẽ được máy tính tự động điều khiển pháo bám theo mục tiêu trên cơ sở phân tích di động của mục tiêu và các yếu tố khác như sức gió... Do đó, hệ thống pháo này có độ chính xác rất cao.
Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Hệ thống giám sát tầm xa với các camera tính năng cao cho phép tàu Nhật Bản nhận biết, quan sát và theo dõi các tàu đang di chuyển ở cự ly xa. Trong khi đó, súng phun nước gắn trên các tàu đóng mới được nâng cao áp lực và có uy lực rất mạnh.
Thông báo gấp rút đóng mới các tàu tuần tra của Nhật Bản chỉ diễn ra sau lời kêu gọi hòa bình với các nước láng giềng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai ngày.
Theo Reuters và THX, ngày 28/3, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng bất ổn ở trong nước hay nước ngoài không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, đồng thời cam kết Bắc Kinh sẽ không bao giờ đi trệch khỏi con đường phát triển hòa bình.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2015, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng ký kết thêm nhiều hiệp ước hữu nghị với các nước láng giềng và đề xuất tổ chức đối thoại giữa các nền văn minh châu Á.
Ông Tập Cận Bình nêu rõ: "Điều Trung Quốc cần nhất là môi trường hài hòa, ổn định trong nước và môi trường quốc tế hòa bình... Trung Quốc trong quá khứ đã có hơn 100 năm hứng chịu bất ổn và chiến tranh, và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ áp đặt lên các quốc gia và nhân dân khác lịch sử đau thương mà chính nhân dân chúng tôi đã trải qua". Ông Tập Cận Bình không nhắc đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cũng theo Chủ tịch Trung Quốc, tâm lý thời Chiến tranh Lạnh cần phải được loại bỏ và những khái niệm an ninh mới cần được khuyến khích trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm con đường để đảm bảo an ninh ở châu lục này.
Tiếp lời ông Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng ông ủng hộ tìm ra các giải pháp hòa bình cho các vấn đề trong khu vực.
Theo Đất Việt
Mỹ phản ứng về việc Trung Quốc lập trang mạng "Điếu Ngư" Trang China News mới đây đưa tin, ngày 03/04/2015 Trung Quốc đã cho ra mắt trang mạng về quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật nhằm thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo ở biển Hoa Đông này. Ngay sau đó, phía Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng...