Mô hình trường học mới (VNEN) trong suy nghĩ của cô giáo vùng cao
(GDVN) – Khi dạy theo phương pháp VNEN, học sinh nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin hơn trong giờ học và trong các hoạt động ngoài giờ.
LTS: Những ngày gần đây dư luận đặc biệt quan tâm nhiều tới phương pháp dạy, học VNEN. Có ý kiến cho rằng, phương pháp này còn quá nhiều bất cập, không nên áp dụng tại Việt Nam…
Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, VNEN đã có những bước tiến quan trọng trong tinh thần học tập của thầy và trò. Bài viết dưới đây của tác giả Ngân Hiếu, một cô giáo vùng cao phía Bắc ủng hộ cho quan điểm này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
“Mới nghỉ mấy ngày không lên lớp mà nhớ học sinh, nhớ lớp quá”. Đó là lời của cô giáo Hoàng Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 4 trường Tiểu học Cà Na, Bảo Lâm, Cao Bằng) khi nói về lớp của mình.
Cô Vân tâm sự: Học sinh lớp cô rất ngoan, lễ phép, nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin trong giờ học và trong các hoạt động ngoài giờ. Sự thay đổi rõ rệt đó kể từ khi trường tham gia mô hình trường học mới VNEN.
Video đang HOT
Cô giáo Hoàng Thị Vân bên học sinh của mình (Ảnh: Ngân Hiếu)
“Khi các em bước vào lớp 2, tôi bắt đầu nhận lớp khi đó, tôi chưa có suy nghĩ gì nhiều về dạy học tích cực. Cứ đến giờ lên lớp, dạy học, kiểm tra, chấm điểm, hoàn thành sổ sách là coi như hoàn thành nhiệm vụ.
Lúc đó học sinh ngoan, lễ phép nhưng rất rụt rè, thụ động, không bao giờ dám đứng lên báo cáo với thầy cô.
Nhưng bản thân giáo viên như tôi cảm thấy rất bình thường vì học sinh ở đâu cũng đều vậy. Vì khi trao đổi cùng các giáo viên khác thì nhận được cái lắc đầu ngao ngán: “Có khi nào tụi nhỏ mở miệng ra đâu mà mơ chúng trao đổi hay thảo luận”".
Chương trình VNEN được tập huấn từ đầu năm học nhưng khi bắt đầu thực hiện thì thấy mơ hồ vì đây là phương pháp mới, tài liệu hướng dẫn cũng khác nhiều so với tài liệu hiện hành.
Khi đó, cô Vân nghĩ VNEN không phù hợp với học sinh của mình.
Tuy nhiên, sau một thời gian dạy theo phương pháp mà tài liệu VNEN hướng dẫn và nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, thường xuyên của Ban giám hiệu, bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ.
Cô Vân nhớ lại: Những ngày đầu thực hiện phương pháp này vô cùng vất vả và không dám tin tưởng là sẽ thành công vì khi hướng dẫn các trưởng nhóm, cán bộ lớp các em rất ngại nói, khi đứng lên chỉ cười nhoẻn miệng hoặc cúi gằm mặt xuống.
Cô Vân nhận thấy kết quả học tập, năng lực, sự tự tin của học sinh trong lớp có sự tiến bộ rõ rệt (Ảnh: Ngân Hiếu)
Ngay sau đó nhờ có cô Hiệu trưởng hướng dẫn một số trò chơi khởi động cho học sinh khiến các em rất hào hứng, sau vài ngày có thể thành thạo các trò chơi.
“Nhờ vậy, tôi gợi ý cho các em luân phiên đứng lên điều khiển lớp. Không ngờ qua một thời gian các em còn tự thiết kế ra trò chơi mới, học sinh trong nhóm lần lượt được các bạn bầu luân phiên làm trưởng nhóm”.
Chính sự nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin trong các hoạt động chơi của học trò khiến giáo viên cũng bị cuốn hút và say mê theo khi các em trao đổi, thảo luận trong giờ học.
Cứ như vậy, giáo viên không còn là người chuyên đứng lên bục giảng hướng dẫn, giảng giải bài tập nữa mà đang là một người “bạn” để có thể giúp học sinh tiếp cận được với cách học mới và trang bị thêm cho các em kiến thức chung trong cuộc sống.
Là người đã có thời gian giảng dạy theo chương trình hiện hành và 2 năm gần đây có cơ hội tiếp cận để dạy theo phương pháp VNEN, cô Vân cho biết:
“Tôi nhận thấy kết quả học tập, năng lực, phẩm chất của học sinh trong lớp có sự tiến bộ rõ rệt hơn hẳn so với khi dạy theo phương pháp hiện hành. Tôi nghĩ rằng tôi và học sinh của mình là những người may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với VNEN”.
Theo GDVN