Mô hình trường bán trú – điểm tựa cho học sinh vùng cao
Mô hình Trường phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở được triển khai tại các huyện của tỉnh Cao Bằng từ năm 2012. Với mô hình này, học sinh ở các trường bán trú được chăm lo một cách toàn diện nhất. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp và chất lượng giáo dục vùng cao được nâng lên rõ rệt.
Học tại trường bán trú, học sinh được các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm việc học hành.
Đã gần 3 năm nay, căn phòng nhỏ tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc, huyện Bảo Lạc trở thành ngôi nhà thứ hai của em Hà Minh Hạnh, học sinh lớp 8.
Em Hạnh cho biết, nhà em ở xóm Phiêng Tác, xã Kim Cúc. Để đến trường, em phải đi bộ hơn 9 km trên con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đá. Nhờ mô hình trường bán trú, việc đi học của em trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau mỗi buổi học, em không còn vất vả để về nhà mà được ở lại ăn, ngủ, học tại trường. Em chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Không chỉ vậy, ở bán trú, Hạnh còn được thầy cô giúp đỡ ôn luyện bài vào buổi tối, quan tâm đến sức khỏe, dạy kĩ năng sống cơ bản…
Tại các trường bán trú, thầy cô giáo cũng là những “hạt nhân” mang niềm vui đến cho học sinh vùng khó khăn. Ngoài công tác chuyên môn, thầy cô giáo phải chia nhau nhiều việc để đảm bảo chăm lo cho học sinh về mọi mặt.
Cô giáo Bế Thị Lan, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc cho biết, sau những tiết dạy chính trên lớp, cô lại tất bật cùng với nhân viên cấp dưỡng lo bữa cơm trưa cho 179 học sinh bán trú tại trường. Ngoài việc dạy học, cô Lan cùng các thầy cô khác trong trường còn làm thay nhiệm vụ của những người cha, người mẹ.
Phòng bán trú của học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Cô giáo Nguyễn Hải Yến, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc, huyện Bảo Lạc cho biết, năm học 2019-2020, nhà trường có 183 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số học sinh ở bán trú chiếm gần 98%. Hầu hết các học sinh này ở những địa bàn xa trung tâm xã. Nhà trường hiện có 8 phòng bán trú, 1 nhà ăn. Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú tại trường còn được các thầy, cô hướng dẫn kỹ năng sống, giao tiếp cũng như tham gia sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ.
Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ trực theo ca. Ban Giám hiệu nhà trường cũng kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên.
Video đang HOT
Một bữa ăn của học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Đánh giá về hiệu quả mô hình trường bán trú, bà Nông Thị Loan – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc cho biết, sự thay đổi lớn nhất từ mô hình trường học bán trú chính là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên nhiều. Năm học 2019-2020, toàn huyện Bảo Lạc có gần 14.000 học sinh, trong đó số học sinh bán trú chiếm trên 80%. Việc đảm bảo điều kiện tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú cũng là giải pháp quan trọng để vận động học sinh ra lớp đạt kết quả cao, giáo viên ở vùng khó đỡ vất vả hơn. Đối với huyện Bảo Lạc, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp Tiểu học chiếm 0,1%, cấp Trung học cơ sở là 0,4%…
Ngoài huyện Bảo Lạc, mô hình trường học bán trú này đã được thực hiện tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Nguyên Bình, Thông Nông, Bảo Lâm…
Ông Vũ Văn May, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình cho biết, hiện nay, toàn huyện Nguyên Bình có trên 100 phòng bán trú cho học sinh. Sau nhiều năm thực hiện mô hình trường bán trú, kết quả giáo dục của các trường trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 95 – 97%, giáo viên không phải đến nhà vận động học sinh ra lớp, tình trạng bỏ tiết học của học sinh không còn. Đặc biệt, mô hình này đã giúp nhiều gia đình bỏ được quan điểm lạc hậu là học sinh nữ không cần học nhiều mà nên ở nhà lấy chồng từ 13, 14 tuổi. Thực hiện mô hình trường bán trú, năm học 2018 – 2019, tại Nguyên Bình đã có trên 80% học sinh nữ được học hết lớp 9, tỉ lệ học sinh nữ học lên cấp Trung học phổ thông cũng được tăng lên…
Học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng tham gia tạo cảnh quan nhà trường.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng khẳng định, xây dựng mô hình trường bán trú là chủ trương đúng đắn và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng khó khăn trong tỉnh. Mô hình này đã góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, đây cũng là nền tảng để các trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tại nhiều trường bán trú cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình hỗ trợ học sinh, trường ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường từng bước đáp ứng điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh một cách thuận lợi nhất. Ngành cũng tăng cường công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quan tâm đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở trường bán trú ở vùng sâu, vùng xa…
Bài và ảnh: Chu Hiệu
Theo TTXVN
Lớp học ở bản Phá
Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở bản Phá chưa được nghe tiếng trống "tùng tùng" ở trường.
Điểm trường bản Phá.
Những ngày cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam (20 -11) chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường khu Phá (bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh). Cách thị trấn Lang Chánh chỉ chừng 18km, thế nhưng, để đến được đây, chúng tôi phải mất gần 1 giờ. Bởi lẽ, con đường dẫn lối vào bản Phá quanh co, uốn lượn, dốc cao thăm thẳm...
Thấy có người lạ đến thăm, những em nhỏ bản Phá chạy lại xúm lấy chúng tôi. "Nói thật với các bạn, đã lâu lắm chúng mới được thấy người lạ, ở đây xa xôi lại cuối bản nên ít người ghé thăm. Cách đây 3 năm ở bản mới có điện, mới biết đến tivi, thấy các bạn nên chúng mừng, lạ lẫm là phải rồi". Thầy Lữ Văn Dậu, trưởng khu điểm trường tiểu học bản Phá hồ hởi chia sẻ.
Nằm nép mình bên con suối Phá, điểm trường bản Phá đơn sơ vỏn vẹn 4 lớp học chung được ngăn bằng vách gỗ. Để đến lớp dạy con chữ cho học sinh nơi đây, thầy Dậu và các cô giáo phải dậy từ sớm tinh mơ, vượt hàng chục khúc cua đồi núi.
Theo chia sẻ từ thầy Dậu, điểm trường này đã có từ rất lâu, 100% người dân sinh sống ở đây đều là người dân tộc Thái. Sau khi có con đường bê tông dẫn từ UBND xã đến bản, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Thầy Dậu kể: "Trước đây khi chưa có đường bê tông vào bản, điện chưa kéo về tận nơi, người dạy chữ ở đây đều là các thầy. Bởi ngày đó nơi đây còn rất khó khăn, đường đất đỏ lầy lội heo hút, phải đi bộ mấy tiếng mới vào được bản khiến nhiều cô giáo không thể đến được. Giờ các thầy cũng đã về hưu, nhưng rất may đã có đường bê tông vào bản nên 4 cô giáo ở đây yên tâm nhận đứng lớp".
Nói là thế, nhưng sau một hồi dạo quanh điểm trường, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 1 căn nhà gỗ ọp ẹp, chật chội vỏn vẹn chỉ chừng 20m2 là nơi học của hơn 20 em học sinh lớp 4, lớp 5. Hai lớp học được ngăn nhau bằng tấm phên gỗ, bên này đọc bên kia nghe rõ đến từng tiếng.
Ghé thăm một lớp học tiếng Anh lớp 4, cô Hà Thị Dung đang cố gắng truyền tải đến các em học sinh một cách dễ hiểu nhất. "Các anh thấy đấy, lớp có 10 em nhưng các em không có lấy 1 cuốn sách giáo khoa, chỉ có chiếc bảng để các em nhìn rồi ghi theo thôi". Cô Dung tâm sự.
"Bục, bục, bục" 3 tiếng kêu vang lên sau lưng, tôi ngoảnh lại thấy thầy Dậu vừa đặt chiếc gậy lên chiếc trống thủng 2 mặt. Hỏi ra mới hay, đã lâu rồi trường chưa thay trống mới, đây là chiếc trống cũ của làng cho mượn để các cháu tập thể dục. Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở đây chưa được nghe rõ âm thanh "tùng, tùng" của chiếc trống.
Chia sẻ về những khó khăn, thầy Dậu cho biết: "Các em nhỏ hầu hết được phụ huynh phó mặc hết cho thầy cô. Đa số phụ huynh các em ở nơi đây đều đi làm ăn xa, để các con ở nhà với ông bà, bởi lẽ đó mà việc học con chữ cũng trở nên khó khăn với các cháu. Căn nhà gỗ kia được làm từ khá lâu rồi, để có được ngôi nhà đó làm lớp học cho các cháu thì chủ yếu là các phụ huynh tự quyên góp gỗ, hô hào nhau dựng lên cho các cháu học tạm"."May mắn hơn các anh học lớp lớn, các em nhỏ học lớp 1, 2 và 3 được chia ra làm 3 lớp học ở căn nhà gạch xây cách đây gần 20 năm. Thế nhưng, mùa mưa thì cũng dột nhiều lắm. Chúng tôi mong muốn có 1 phòng học kiên cố cho các cháu lắm". Thầy Dậu chia sẻ thêm.
Ánh mặt trời dần khuất sau núi, chúng tôi chia tay thầy Dậu và những đứa trẻ ở bản Phá mà lòng nặng trĩu. Đâu đó vẫn còn những bản nghèo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn, những lớp học tạm...
Tuấn Kiệt
Theo baothanhoa
Trường học bán trú đã thay đổi giáo dục vùng cao Tại nhiều tỉnh miền núi, mô hình trường học bán trú đang phát huy hiệu quả to lớn: từng bước kéo trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Hiệu quả tích cực từ mô hình trường học bán trú Gần 4 năm nay, những đứa trẻ dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) không còn phải ăn...