Mô hình đào tạo tập trung sẽ sớm thành quá khứ!
Với tình hình của dịch Covid-19 hiện nay, ngày càng có nhiều biểu hiện cho thấy đào tạo đại học tập trung có thể sẽ sớm trở thành mô hình của quá khứ.
Du học sinh học trực tuyến tại Việt Nam – ĐẬU TIẾN ĐẠT
Đại học không còn là những tòa nhà với những lớp học có bàn học cho sinh viên (SV) xếp hàng ngang nữa. Điều này sẽ mang đến nhiều nguy cơ cũng như nhiều cơ hội cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong tương lai.
Các giáo sư Mỹ đang thu thập rất nhiều thông tin hữu ích từ SV để cho việc đào tạo trong môi trường giãn cách xã hội được hiệu quả hơn. Đại dịch Covid-19 và thói quen học tập của SV đang tạo áp lực cho các đại học chuyển qua nền giáo dục 4.0 sớm hơn dự tính.
Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1996 trở lại hiện học ở các cấp bậc phổ thông và đại học. Thế hệ này lớn lên trong môi trường quá tải thông tin, hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguồn thông tin như từ Facebook, YouTube, Chat, Tweet, Tiktok ngoài các nguồn thông tin truyền thống như ti vi, đài và báo chí. Chưa kể họ luôn bị phân tâm bởi video games trên điện thoại và máy tính. Thế hệ Z từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ lúc nào cũng trong tâm trạng chọn lọc thông tin để tập trung và như thế hoạt động của não bộ cho các chức năng cao cũng quá tải. Trong các lớp học trực tiếp, vì môi trường ngoại cảnh và các quy tắc nên họ tập trung nghe giảng bài. Nhưng khi học trực tuyến ở nhà thì các áp lực bên ngoài này không còn nữa, và do đó để học sinh/SV có thể tập trung nghe bài giảng trực tuyến trong môi trường có quá nhiều phân tâm là một thử thách lớn.
Các ĐH Mỹ đã hoàn tất gần hai học kỳ giảng dạy trực tuyến, do đó nhiều trường cho phép SV khi đăng ký môn học có thể tiếp cận các bài giảng trực tuyến từ giảng viên (GV) đang dạy và của các GV khác cùng dạy môn đó. Kinh nghiệm cho thấy SV mong muốn có cơ hội tương tác với GV, do đó nhiều trường ĐH khuyến khích GV dạy trực tuyến đồng bộ qua phần mềm Zoom hay các công nghệ khác thay vì SV chỉ tiếp cận video bài giảng đã thu trước.
Thói quen học tập của thế hệ Z cho thấy SV sẽ chọn lọc dự lớp dạy trực tuyến đồng bộ, coi video bài giảng của GV khác từng dạy lớp đó, hay tìm thông tin về những kiến thức trong bài giảng trên YouTube tùy vào cách nào dễ hiểu hơn đối với họ. Có trường hợp hơn 70% SV đăng ký lớp học nhưng không tham dự các bài giảng trực tuyến đồng bộ của GV đang dạy vì cho là khó hiểu mà đi xem video bài giảng của GV khác.
Video đang HOT
Các thí nghiệm này giúp các đại học nhận ra mô hình đào tạo 4.0 đang dần hình thành với những đặc điểm sau.
Với công nghệ dạy học/tương tác trực tuyến đồng bộ như Zoom, Teams, Skype Pro, việc lớp học có vài trăm đến cả ngàn SV từ nhiều nơi khác nhau không còn là vấn đề khó khăn về kỹ thuật. Không có một giới hạn địa lý nào cho cả GV và SV. GV có thể từ châu Mỹ, còn SV có thể ở khắp nơi trên thế giới.
Để phát triển kỹ năng tương tác và hợp tác, SV vẫn có cơ hội làm việc nhóm qua các bài tập project-based. SV vẫn có thể làm việc nhóm qua mạng sử dụng phần mềm tương tác. Tuy nhiên trao đổi trực tiếp vẫn tốt hơn. Địa điểm để làm việc nhóm không bắt buộc phải tập trung ở trường đại học nơi SV đăng ký học mà có thể được tổ chức ở nhiều nơi kể cả ở các công ty hợp tác đào tạo…
Chi phí đào tạo sẽ thấp hơn trong khi hiệu quả đào tạo sẽ được cao hơn vì tận dụng được công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo trong các phần mềm hỗ trợ học tập so với mô hình đào tạo tập trung hiện tại. Đây có thể coi là một đột phá trong giáo dục đại học.
Học trực tuyến thử thách du học sinh mắc kẹt ở Việt Nam
Bị mắc kẹt trong nước vì dịch Covid-19, du học sinh Việt đang theo học các trường ĐH nước ngoài phải học trực tuyến để tiếp tục chương trình.
Du học sinh mắc kẹt tại Việt Nam do dịch Covid-19 đang học trực tuyến - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Đã có những câu chuyện lạ lùng xung quanh việc du học sinh (DHS) học trực tuyến từ Việt Nam theo giờ của các nước.
Học từ 22 giờ đến 5 giờ sáng
P.T.T là sinh viên năm thứ 2 ĐH Boston (Mỹ). T. về Việt Nam từ tháng 3 và không biết đến khi nào mới có thể qua lại Mỹ. Không bảo lưu việc học nên T. lựa chọn học trực tuyến theo lịch của trường với nhiều thử thách khi lệch múi giờ.
T. cho biết học kỳ này sẽ học 7 môn qua ứng dụng Zoom. Nhưng việc học trực tuyến gây bất cập về thời gian, có đến 4 môn T. học 2 ngày/tuần trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.
"Đây là những môn học theo giờ cố định ở Mỹ nên không thay đổi được. Những giờ học đó rơi vào buổi chiều ở Mỹ, tương đương lúc đêm khuya đến rạng sáng ở Việt Nam. Điều này gây bất cập cho sinh viên quốc tế", T. cho biết.
Vì khi về nước, DHS có cả buổi sáng, chiều, tối không làm gì. Đến 21 - 22 giờ lại bắt đầu ngồi vào học tới sáng. Điều này gây rối loạn giấc ngủ khiến DHS thiếu ngủ, học tập không hiệu quả và cũng gây trở ngại việc làm bài, nộp bài, làm việc nhóm.
"Em chưa bị trục trặc ở môn học nào nhưng nhiều bạn gặp vấn đề này và có lẽ sắp tới cũng có thể em sẽ bị ảnh hưởng, cũng gặp trở ngại, mệt mỏi, buồn ngủ. Trong quá trình học, em nhận thấy đôi khi không hiệu quả", T. cho biết.
Cũng theo T., đối với sinh viên quốc tế, vì học trực tuyến qua ứng dụng Zoom, trường có tạo điều kiện ghi âm lại buổi học nếu gặp khó khăn vì lệch múi giờ. Vào ngày hôm sau, khi rảnh, sinh viên có thể lên lại ứng dụng để xem lại. Tuy nhiên, khi áp dụng học kiểu ghi âm này thì có nhiều bất cập. Đó là sinh viên không thể tương tác giáo viên và các bạn trong lớp. Khi học có những câu hỏi phát sinh không thể hỏi thẳng trực tiếp giáo viên.
Điều này ảnh hưởng nhất định đến quá trình học. Ngoài ra, nếu đến giờ học trực tuyến, sinh viên không tham gia vào lớp học mà để sáng hôm sau mới xem lại thì tâm lý nhiều người sẽ không xem kỹ bài học. Nhiều sinh viên sẽ không sẵn sàng bỏ ra 1 - 2 tiếng đồng hồ liên tục chỉ để xem bài học mà không "tua" nhanh. Vì vậy, T. không theo hình thức học theo ghi âm mà cố gắng lên lớp học trực tuyến hoàn toàn, dù gặp phải rất nhiều thử thách về lệch thời gian.
"Em thừa nhận học trực tuyến cũng có cái hay. Nhưng với những khó khăn trên, học trực tuyến sẽ gây trở ngại và có nhiều thử thách. Với nhiều sinh viên, chắc chắn sẽ học không hiệu quả bằng học trực tiếp tại trường", T. cho biết.
Tiến Đạt, du học sinh ĐH Deakin (Úc), cho biết mình và bạn bè cũng gặp nhiều vấn đề bất cập khi học trực tuyến. Đây là thời điểm đợt cuối làm bài tập môn học và thi cử nên khá căng thẳng và mệt mỏi. Chẳng hạn, giờ thi bên Úc thường là 8 giờ sáng thì du học sinh Việt Nam phải dậy từ 4 giờ sáng để làm bài. Ngoài ra, nếu thời hạn nộp bài vào 8 giờ tối ở Úc, có khi sinh viên nhầm lẫn thành 8 giờ tối ở Việt Nam.
Đạt cho biết có một người bạn là DHS ở Canada về Việt Nam tránh dịch phải dậy lúc 1 - 2 giờ sáng để học trực tuyến. Vì vậy, bố mẹ của DHS này đã quyết định chuyển con sang ĐH RMIT Việt Nam học vì thời gian học ở trường cũ không tiện lợi.
"Học trực tuyến đang gây ảnh hưởng với DHS nhiều nhất về múi giờ. Tháng này bọn em đang rất mệt mỏi, căng thẳng vì làm bài tập môn rất nhiều. Các bạn học về kinh doanh, nghiên cứu truyền thông, cần sự năng động cũng cảm thấy không quen khi phải thi trực tuyến. Một người bạn của em còn được giáo viên giao đề thi là viết 2.400 chữ và nộp trong vòng 1 ngày. Việc thi như vậy gây ra những sự bất tiện khá rõ", Tiến Đạt chia sẻ.
Cơ hội thích nghi với thử thách
Nói về việc này, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ, cho biết dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn còn khá căng thẳng. Dự kiến các chuyến bay nước ngoài vào Mỹ đến tháng 12 mới có thể trở lại bình thường. Hy vọng đến lúc đó DHS mới và cũ có thể sang Mỹ học, vì theo dự kiến thời điểm này ở Mỹ có thể đã có vắc xin.
Theo ông Trần Thắng, DHS mới đăng ký học trong thời điểm này cũng như DHS cũ đang ở trong nước đa số sẽ học trực tuyến tại Việt Nam chứ chưa thể qua Mỹ. Tuy nhiên, việc học trực tuyến sẽ có một điều bất lợi là Mỹ cách Việt Nam 12 múi giờ. Vì vậy, khi trường ở Mỹ dạy thì học sinh Việt Nam lại phải học khuya. Chất lượng học trực tuyến cũng có thể giảm so với học tại trường vì học sinh Việt Nam không quen như học sinh Mỹ.
"Nhưng tình thế này cũng là một cơ hội. Cơ hội cho học sinh Việt Nam tập tính thích nghi, linh hoạt, uyển chuyển với mọi hoàn cảnh như học sinh Mỹ. Từ lâu nay, nhiều phụ huynh cho con đi du học nước ngoài nhưng lại có suy nghĩ không giống học sinh Mỹ. Họ chăm lo cho con quá tiện nghi. Việc du học hơn nhau ở ý thức, sự tự lập, biết thích nghi môi trường. Việc học trực tuyến cũng vậy. Học sinh ở Mỹ thức đến 2 - 3 giờ sáng để học là bình thường. Nếu e ngại về việc học trực tuyến mà không chọn học thì cũng không nên", ông Trần Thắng nêu quan điểm.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành đơn vị chuyên đào tạo trực tuyến Thinking School, với học trực tuyến, DHS đang học từ xa sẽ bị khó khăn khi lệch múi giờ. Tuy nhiên, là người tham gia giảng dạy trực tuyến, ông Dũng cho rằng điều này rất bình thường.
"Tất nhiên một số ngành học phải thực hành nhiều, cần tương tác trực tiếp nhiều sẽ có trục trặc. Nhưng nhiều trường ĐH lớn ở Mỹ, Úc hiện còn làm được chuyện mô phỏng hóa hoàn toàn trên máy tính y hệt như trong thực tế. Việc hỗ trợ việc học trực tuyến đang rất tốt. Tuy vậy, qua thực tế, cho thấy một kỹ năng thanh niên cần học trong thời đại này là kỹ năng thích nghi. Khi có một sự thay đổi xảy ra, thay vì ngồi một chỗ nói "đáng lẽ sự việc cần phải như cũ", thì cần thích nghi với phương án tốt nhất. Nếu biết khai thác việc học trực tuyến thì rất tốt. Nhiều khi DHS ở nước ngoài 4 năm học nhưng đa số đều gặp thuận lợi cả chứ không có cơ hội thích nghi như hiện tại", tiến sĩ Dũng chia sẻ.
Cha mẹ đừng 'thêm dầu vào lửa' khi con trượt đại học Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực lên các con, bởi khi chúng không đạt được ước nguyện, bản thân chúng cũng đã rất buồn. Những ngày qua, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, có không ít học sinh buồn vì không thể vào được trường mình mong muốn. Nhiều em đã có những suy nghĩ, hành...